Kiến trúc sư Junya Ishigami đã thiết kế một căn nhà kiêm nhà hàng cho người bạn thân của mình – đầu bếp Motonori Hirata. Công trình được xây dựng bằng cách đổ bê-tông xuống các lỗ hố dưới mặt đất để tạo hình với phần tường được sơn phủ bởi chính lớp màu đất tại đó.
Các lỗ hố được đổ bê-tông đóng vai trò kết cấu chịu lực cho công trình, lớp sỏi đất sau đó được loại bỏ để lộ ra hình thù đặc biệt, giống như một mê cung của các hang động. Các không gian được kết nối bởi loạt các lối mở hình vòm và hệ cột nhìn giống dạng thạch nhũ.
Cách thi công này cho phép công trình nằm trọn dưới lòng đất đồng thời bảo toàn được những nét quanh co mộc mạc một cách tự nhiên. Như dự định thiết kế ban đầu, các cột bê-tông sau khi khô sẽ được xử lý lớp đất bám bên ngoài; tuy vậy, khi nhìn thấy lớp bề mặt tường mang một màu sắc thú vị như thế, kiến trúc sư Ishigami nảy sinh ý tưởng giữ lại lớp màu này. Để tránh việc lớp ‘sơn’ đất trên tường bị trôi “chúng tôi dùng một phương pháp của Nhật để cải tạo phần tường đất sao cho bám chặt” – kiến trúc sư chia sẻ.
Hình dáng nguyên sơ cùng các vật liệu của cấu trúc hòa quyện cùng không gian của căn nhà và nhà hàng mang tới cảm giác công trình đã tồn tại từ lâu, nó có một sức nặng về mặt cảm thụ. Phần mái nhấp nhô được đổ bê-tông sơn trắng và được thiết kế có 3 giếng trời mang công năng đẩy sáng, không gian có phần sinh động hơn nhờ có màu xanh của cây cối xung quanh.
Để cụ thể hóa công việc thi công cũng như xác định vị trí cột cho đội ngũ thi công, văn phòng của kiến trúc sư Ishigami đã phát triển một mô hình 3D để mô phỏng hình dạng của căn nhà. Nằm ở hai phía đối nhau, phía Bắc là khu nhà hàng, phía Nam là cư gia, các không gian được đóng lại với hệ kính trong suốt cố định tại khu vực cửa vòm.
Những công trình có mặt bằng hạ nền hiện nay đang trở thành một xu thế thịnh hành trong kiến trúc, cho kiến trúc sư một cơ hội để công trình của họ tránh mang vẻ cồng kềnh.
Các chi tiết trong nhà được kiến trúc sư khéo léo lắp đặt theo xu thế ấy, kể như phòng khách được thiết kế với bàn tiếp khách lọt nền, nhà bếp và bồn tắm cũng được cố định trong nền bê-tông. Hệ kính ở những cửa vòm giúp phân chia ranh giới giữa các không gian khác nhau một cách tinh tế.
Tại khu vực nhà hàng, điểm nhấn ở đây chính là một bàn bếp bê-tông dài và lớn nổi lên giữa không gian như một hòn đảo, thực khách có thể ngồi quan sát đầu bếp chế biến những món ăn của mình trực tiếp tại đây. Ngoài thời gian mở cửa phục vụ, không gian này được sử dụng theo mục đích của gia chủ, nó có thể trở thành nơi tụ họp của gia đình, hay có thể là góc nhỏ cho trẻ con trong nhà học bài.
Motonori Hirata nảy sinh ý tưởng tạo ra một không gian giống như bước vào nơi ẩn náu. Ông muốn nhà hàng Maison Owl giống như đã tồn tại trên trái đất khoảng 10.000 năm.
Ảnh
Junya Ishigami + Associates
Địa điểm
Yamaguchi, Nhật Bản