“Kiến trúc của tương lai cần hòa quyện với thiên nhiên”

Chia sẻ của Kiến Trúc Sư Sou Fujimoto tại Ngôi nhà Âm Nhạc (House of Music – HoM) tại Hungary.

Kiến trúc sư Sou Fujimoto đã hoàn thành dự án Ngôi nhà Âm nhạc tại Hungary, một trong những dự án văn hóa được đầu tư lớn nhất ở khối các quốc gia Liên minh Châu Âu. Kể từ khi đi vào hoạt động, HoM đã trở thành địa điểm thu hút người dân địa phương cũng như du khách trên toàn thế giới tới tham dự các buổi hòa nhạc, triển lãm và thu âm.

Hội trường âm nhạc bằng kính được lắp ghép bởi các tấm kính đơn có diện tích lớn nhất trong các công trình khu vực Châu Âu, hệ mái lớn vươn rộng như tán cây được lấy cảm hứng từ các thiết kế trường phái Tân Nghệ Thuật của Budapest với sự tham gia của hơn 300 công nhân cùng các chuyên gia lắp đặt.

Trong suốt quá trình thi công tới khi đi vào vận hành và nhận được đông đảo ý kiến tích cực của công chúng, kiến trúc sư thiết kế công trình – Sou Fujimoto vẫn chưa lần nào trực tiếp tới thăm House of Music. Tháng 9 năm 2022, trong chuyến thăm đầu tiên của ông cùng các cộng sự tới Ngôi nhà Âm nhạc, phóng viên đã có dịp gặp gỡ và trao đổi các quan điểm của ông về tầm quan trọng của dự án cũng như những đổi mới và khó khăn khi xây dựng một trung tâm văn hóa từ xa.

Ông có thể miêu tả về ý tưởng thiết kế và xây dựng một hội trường âm nhạc trong suốt bằng kính ra đời như thế nào? Không gian này sẽ mang tới những hiệu ứng giác quan gì cho khách tham quan?

Ước mơ của tôi là được chơi nhạc và hát giữa một khoảng không lớn được bao quanh bởi cây xanh, được che chở dưới những tán cây cổ thụ; vừa thưởng thức âm nhạc, vừa ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên. Đó chính là khởi đầu của ý tưởng xây dựng công trình bằng kính. Khu vực này được bao quanh bởi vẻ đẹp tự nhiên có nhiều cây xanh. Chính việc sử dụng vật liệu kính kết hợp cùng hệ mái lớn tựa tán cây khiến cho công trình như hòa vào làm một với công viên, tạo cảm giác như công viên được mở rộng ra. Điều này vô cùng quan trọng với tôi. 

HoM rất ấn tượng về mặt cảm quan. Dù đã xem rất nhiều hình ảnh của dự án, nhưng khi lần đầu tôi đặt chân tới đây và được trải nghiệm không gian nơi này, tôi mới cảm nhận được tất cả, thực tế vượt xa những tấm hình tôi từng thấy. Sự kết hợp của khối trung tâm với đời sống xung quanh là mối quan tâm hàng đầu, và điều đó được thể hiện tốt tại công trình này. Khi đi bộ bên trong tòa nhà, tôi rất mãn nguyện khi chiêm ngưỡng ánh sáng lọt qua những ô tròn trên hệ mái, những tia sáng vàng mang màu sắc của những chiếc lá như đang chơi đùa với ánh mặt trời, màu sắc cứ vậy thay đổi theo từng thời điểm trong ngày.

Công ty tư vấn âm thanh Nagata Acoustic khi tham gia vào dự án này đã giúp đỡ và có những ảnh hưởng gì tới quá trình xây dựng?

Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ kỹ sư âm nhạc nổi tiếng thế giới – Nagata, do có trụ ở Nhật Bản nên đôi bên dễ dàng làm việc trực tiếp cùng nhau, đồng thời kết hợp với các kỹ sư âm nhạc ở Hungary và các chủ đầu tư giúp xử lý những vấn đề tại công trình. Sau khi đo đạc, chúng tôi sử dụng kính 2 lớp làm tường quây, bên trong bố trí các tấm kính với mặt cắt đặt zig-zag (tăng tích diện bề mặt để giúp tương phản âm thanh) và hệ trần được lắp ghép bởi các tấm kim loại kết hợp với vật liệu tiêu âm. Việc điều chỉnh một cách chính xác thiết kế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng dự án sau này.

Sự hạn chế của đại dịch COVID19 khiến các quy trình điều phối giai đoạn thử nghiệm và xây dựng gặp nhiều khó khăn, ông làm thế nào để bám sát công trường và làm việc từ xa?

Đó thật sự là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất may mắn. Trước khi dịch COVID19 bùng phát, nhóm làm việc và các kiến trúc sư cùng khách hàng và các nhà thầu địa phương đã kịp đi khảo sát địa điểm cũng như các mẫu nguyên vật liệu, mô hình. Chúng tôi đã chọn được các vật liệu làm trần, sàn, tường cũng như các loại kính cụ thể sẽ sử dụng (những tấm kính đặc biệt được vận chuyển từ Đức qua Hungary). Hướng xây dựng cơ bản coi như hoàn tất trước khi dịch bùng phát. Sau đó, chúng tôi làm việc qua Zoom 3 tháng/ lần với nhóm thi công tại công trình. Trong xây dựng, việc này gây khá nhiều khó khăn mặc dù nhóm thi công cho chúng tôi xem khu vực hiện trường nhưng hầu như không thể truyền tải được độ cảm với công trình cũng như vật liệu. Vậy nên chúng tôi phải yêu cầu họ vận chuyển một số mẫu phẩm quan trọng nhất tới Tokyo để có thể tận tay cảm nhận vật liệu. 

Sự tin tưởng thực sự giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn trong công việc của giai đoạn vừa qua. Tôi rất lấy làm hạnh phúc với kết quả đạt được.

Dự án này phản ánh yếu tố di sản văn hóa quê hương của ông như thế nào? Thiết kế của công trình có kết hợp tư tưởng dân tộc của Hungary? 

Tôi luôn tôn trọng yếu tố truyền thống tại địa phương trong mỗi thiết kế của mình. Với dự án này, những chiếc lá vàng trên trần nhà là sự kết hợp của ba loại thép sơn vàng khác nhau tạo ra các hiệu ứng nhiều sắc thái, đóng vai trò quan trọng phản ánh các yếu tố văn hóa, truyền thống và di sản. 

Lần đầu tới thăm Học viện Âm nhạc ở Budapest, tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp nguy nga của hội trường âm nhạc với nội thất óng ánh sắc vàng. Tôi muốn tạo ra mối liên hệ giữa hình ảnh mang tính lịch sử với một công trình của tương lai. Về phần tôi, ở Nhật Bản cũng có một truyền thống liên quan tới vàng. Hơn nữa, kiến trúc và văn hóa Nhật Bản có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, cảm giác được bao quanh trong các không gian mơ hồ nhưng phong phú. Tôi có thể cảm nhận được điều đó tại công trình này, nó có ý nghĩa rất lớn với tôi.

Ảnh
Liget Budapest Project

Biên tập
Phạm Hà Thu

Nguồn
Archdaily

Ông từng chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của bất cứ kiến trúc sư nào chính là thiết kế một Bảo tàng Hiện đại”, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Vâng, tôi nghĩ rằng bảo tàng là lời gửi gắm tới tương lai và tồn tại theo thời gian. Không gian này được xây dựng dựa trên sự tôn trọng môi trường xung quanh, kết hợp với phòng triển lãm, hội trường âm nhạc và các cụm giáo dục tạo ra môi trường phong phú và hiện đại cho tương lai.

Dự án này phản ánh người dân Hungary như thế nào?

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng bởi tính cách của người Hungary trong quá trình thiết kế. Sự ấm áp, cách ứng xử và tinh thần hiếu khách của họ khiến tôi rất xúc động. Ngay từ khi bắt đầu dự án, các nhóm thi công tại địa phương làm việc cùng chúng tôi như một đại gia đình quây tụ cùng nhau xuyên suốt quá trình xây dựng. Chính bầu không khí tốt đẹp này của toàn thể đã tạo ra công trình. Tôi rất vui khi được làm việc ở Budapest.

Ông có nhận xét gì về kết quả, đóng góp của công trình House of Music tới công viên Liget và cư dân thành phố cũng như phản ứng của công chúng với dự án?

Tôi rất vui khi dự án này được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Công trình như một viên đá quý giữa lòng công viên. Đối với kiến trúc, điều quan trọng nhất chính là con người. Sau những nỗ lực cố gắng tạo ra công trình cho người dân thành phố cũng như du khách, tôi rất vui khi biết rất nhiều người dân thành phố đã dành thời gian tới tham quan. Tôi hy vọng rằng dự án sẽ đón nhận nhiều lượt khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố Budapest.

Đây là dự án văn hóa nước ngoài đầu tiên tôi thực hiện – nó thể hiện triết lý kiến trúc của tôi về việc thiết kế và xây dựng luôn đồng hành với thiên nhiên, một công trình cùng tồn tại với cảnh quan xung quanh. Đối với sự nghiệp của tôi thì dự án này rất quan trọng, thể hiện được hình ảnh kiến trúc của tương lai cần hòa quyện cùng tự nhiên. Giống như chính cuộc sống của chúng ta vậy.