Kiến trúc tháp nước nổi bật trên thế giới

Tháp nước là một vật thể của các nguyên tắc vật lý và thí nghiệm khoa học mang tính nghệ thuật trong thiết kế kiến trúc – điều hiếm khi xảy ra. Bản thân tháp nước hay chúng ta còn gọi là tháp đo áp suất là một cấu trúc trên cao chứa một bồn nước lớn, được xây dựng ở độ cao đủ lớn để tạo áp lực cho các hệ thống cấp nước phân phối nước sinh hoạt cũng như cung cấp lượng nước dự trữ khẩn cấp cho việc phòng cháy chữa cháy.

Theo định luật trọng lực và nguyên lý dẫn truyền qua các ống dẫn, lượng nước được lưu trữ bên trong bể chứa có thể phân phối đồng thời đến nhiều khu vực miễn là chiều cao của tháp ít nhất bằng với chiều cao của các điểm được phục vụ. Vì vậy, sơ đồ chức năng của việc lưu trữ, lưu vực và phân phối nước được cố định một cách khách quan nhưng trong biểu hiện kiến ​​trúc của tháp nước, nhiều biến số có khả năng ảnh hưởng đến việc lựa chọn thành phần chính cấu tạo lên tháp như đặc điểm cấu trúc liên kết và thực thể nằm trong khu vực chứa lưu vực, sau đó là vị trí, chiều cao của hiện vật và kích thước của bể chứa.

Ảnh
AlexMastro

Tháp Cầu vồng nằm gần ga Porta Garibaldi ở thành phố Milan, Ý được xây dựng vào năm 1964 để cung cấp nước cho cơ sở hạ tầng đường sắt. Sau khi bị bỏ hoang, công trình bê tông cốt thép đã được cải tạo vào năm 1990 nhân dịp World Cup như một phần của dự án cải tạo đô thị, bao gồm cả việc khôi phục một cây cầu đường sắt cũ: thiết kế này nhằm nhấn mạnh khối hình tròn, hình lõm xen kẽ với 22 đường gân nhô cao biến cấu trúc ẩn danh thành một địa danh dễ nhận biết.

Ngoài việc khôi phục các bức tường và sườn, gia cố và chống thấm các bề mặt, công việc của Studio Original Designers 6R5 Network còn bao gồm việc ốp kết cấu bê tông lộ ra ngoài bằng gạch men màu với 14 sắc thái tạo thành 22 phân đoạn đa sắc.

Tháp Chianti ở đô thị San Casciano in Val di Pesa, thành phố Florence, Ý ban đầu được xây dựng bằng kết cấu gỗ vào đầu thế kỷ 20 và bị phá hủy do đánh bom trong thế chiến thứ hai, được xây dựng lại sau chiến tranh với hình dạng và kích thước hiện tại.

Công trình bao gồm một hình trụ bê tông cốt thép cao 37 mét, rỗng bên trong, có cầu thang xoắn ốc để lên tới bể chứa ở phía trên và mái. Vào năm 2010, sự trùng tu tỉ mỉ của kiến trúc sư Roberto Bruttini đã giúp một mặt có thể khôi phục và củng cố cấu trúc để hoàn thành chức năng ban đầu là phục vụ hệ thống dẫn nước của thành phố và phát huy vai trò như một công trình thu hút du lịch và văn hóa.

Ảnh
Studio Bruttini e Associati

Thậm chí, dễ thay đổi hơn nữa là thiết kế của lớp vỏ tòa tháp, không bị ràng buộc chặt chẽ với logic cơ học và định lượng. Theo thời gian, điều này đã tạo ra những khám phá biểu đạt đa dạng của các kiến ​​trúc sư và kỹ sư. Từ những giải pháp hoàn toàn mang tính chức năng, nằm gần các ga đường sắt để cung cấp nước cho đầu máy hơi nước trước kia (Tháp áp điện ga Termini, Tháp Cầu vồng) cho đến những giải pháp gần đây hơn nhằm giải quyết các trường hợp khẩn cấp về nước ở những khu vực khó khăn (Tháp Warka), loại hình tháp đo áp suất đã phát triển từ một “cơ sở hạ tầng tiện ích” đơn giản đến mô hình “kiến trúc” áp đặt một cách sâu sắc vào lãnh thổ theo cả quan điểm nghĩa bóng và quan điểm giao tiếp.

Tháp đo áp suất tại ga Termini, Rome, Ý được hình thành vào năm 1939 để phục vụ cơ sở hạ tầng đường sắt và tượng trưng cho một cột mốc ở lối vào thành phố dành cho hành khách đi tàu do Angiolo Mazzoni thiết kế.

Kiến trúc theo chủ nghĩa duy lý bao gồm một khối hình trụ được phủ bằng travertine và bao quanh bởi một cầu thang bên ngoài.

Ảnh
Mark Zhu

Ảnh: POET ARCHITECTURE

Thuật ngữ “Warka” trong tiếng Ethiopia để chỉ cây vả là biểu tượng của sự sinh sôi và rộng lượng, đồng thời cũng là nơi tụ tập của cộng đồng địa phương. Và điều này chính là nguồn cảm hứng hình thành lên tháp nước Warka. Chúng hoàn toàn được làm thủ công bằng vật liệu tự nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân ở các nước đang phát triển, những nơi mà việc tiếp cận nước uống thường là một vấn đề khó khăn. Dự án được thực hiện đầu tiên tại ngôi làng của tộc người Dorza ở Ethiopia vào năm 2015.

Đặc điểm nổi bật của công trình là cấu trúc lưới làm bằng sậy, cao 9 mét, được đan theo hình tam giác giúp việc xây dựng trở nên dễ dàng ngay cả với những người thợ không có tay nghề. Một tấm lưới dệt bằng polyetylen được đặt bên trong tháp, có khả năng thu nước từ sương, sương mù và mưa lên tới 100 lít mỗi ngày thông qua quá trình ngưng tụ. Ngoài vai trò là hệ thống cấp nước, tháp còn là trung tâm của đời sống cộng đồng trong làng.

Một số tháp nước mang tính biểu tượng cho địa danh trải rộng trong ngôn ngữ kiến ​​trúc – từ kiến trúc Neo-Gothic (Tháp nước Chicago) đến kiến trúc theo Chủ nghĩa thô mộc (Tháp nước Cranhill ở Glasgow, Tháp nước La Source ở Orléans, Tháp nước Midrand ở Johannesburgh, Cơ sở StormWater ở Toronto), rồi kiến trúc theo Chủ nghĩa vị lai (Nhà máy nước trung tâm EUR ở Rome) – và các công trình áp dụng lối thiết kế quyến rũ, khác với quy tắc thường thấy để nâng cao bản sắc của địa điểm cũng như chức năng mà chúng thực hiện: nấm vĩ mô (Tháp nước ở Thành phố Kuwait), ren công nghiệp (Château d’eau Ban de Gasperich ở Luxembourg), những quả đào khổng lồ (Peachoid ở Illinois) và những quả cầu phản trọng lực (Union Watersphere ở New Jersey) đều nằm rải rác trong cảnh quan đô thị và dọc theo những con đường đông đúc như một công cụ để quảng cáo.

Ảnh
Bernt Rostad

Là một trong những tháp nước lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, Tháp nước Chicago là tòa nhà theo phong cách tân Gothic giống như một pháo đài bằng đá và bê tông, bên trên có một tòa tháp hình bát giác hùng vĩ được thiết kế bởi kiến trúc sư William W. Boyington vào năm 1869. Hệ thống nước đã bị tháo dỡ vào năm 1911 trong khi cầu thang xoắn ốc bên trong dẫn lên mái vòm vẫn được bảo tồn. Mặc dù là một địa danh rất dễ nhận biết nhưng công trình kiến trúc này không phải lúc nào cũng được công chúng ưa chuộng.

Ảnh: G Laird

Tháp nước Cranhill là biểu tượng của một quá trình đô thị hóa mới giống như nhiều đô thị khác cùng năm, công trình này được xây dựng năm 1961 để cung cấp nước uống được bơm từ hồ Loch Katrine ở thành phố Glasgow, Vương quốc Anh cho các ngôi nhà địa phương. Khối bê tông thô cứng được trụ đỡ bởi các cột thép và có một cầu thang vuông được đặt ở vị trí trung tâm là lối lên trên tháp. Với hình dạng thiết kế song song khác thường chứ không phải hình trụ (như trong các tòa nhà tương tự) là một yếu tố dễ nhận biết trong cảnh quan này.

Ảnh: Sébastian Andréi

Tháp nước La Source được thiết kế bởi kiến trúc sư Louis G. Arretche năm 1971 để cung cấp nước cho một ville nouvelle (thị trấn mới) đang được mở rộng. Tòa nhà theo chủ nghĩa thô mộc hùng vĩ, với khối hình song song khác thường cao 33 mét và treo lơ lửng trên các cột, gợi lên hình ảnh một cửa ngõ dẫn vào thành phố mới. Theo thời gian, nó đã trở thành một biểu tượng của quận Orléans, Pháp.

Ảnh: Adrian Ozimek

Trong một khu vực có sự chuyển đổi mạnh mẽ giữa các tuyến đường sắt ở phía bắc cùng các tuyến đường có mật độ giao thông cao và các khu công nghiệp ở bến cảng, Cơ sở StormWater của Canada do văn phòng gh3* thiết kế năm 2021 có hình dạng là một khối bê tông đúc nguyên khối thô cứng nhìn như một tinh thể có nguồn gốc ngoài hành tinh rơi xuống bùn, thu hút sự chú ý đến một quận đang mở rộng trong thành phố Toronto và cơ sở hạ tầng bổ trợ. Dự án bao gồm ba yếu tố chính: một giếng đường kính 20 mét được bao phủ bởi lưới thép hoạt động như một ống hút ngược để tiếp nhận nước chưa qua xử lý từ các khu vực xung quanh; sơ đồ mặt đường nhựa và bê tông với các kênh thoát nước kết nối giếng với nhà máy xử lý; và tòa nhà chứa các bể chứa và máy bơm để lọc nước.

Cấu trúc của tháp nước Midrand do kiến trúc sư GAPP thiết kế năm 1997 là khối bê tông cyclopean có hình nón ngược nhô ra phía ngoài cảnh quan đô thị của vùng ngoại ô Midrand ở Johannesburg, Nam Phi là một cơ sở chứa gần 2 triệu gallon nước cho cộng đồng xung quanh. Trong khi phần trên của tòa nhà là nơi chứa hồ chứa thì phần dưới được thiết kế để chứa các không gian thương mại. Không phải là một thử nghiệm điêu khắc đô thị hay nghệ thuật trên đất liền, mà là một công trình cộng đồng có đặc điểm chức năng và dễ nhận biết bằng hình ảnh.

Ảnh: Ossewa

Ảnh: Elena Becchetti

Nhà máy nước trung tâm EUR nằm trong khu phức hợp tương lai ở rìa khu dân cư Via Vigna Murata của Rome, Ý để quản lý lượng nước tiêu thụ của khoảng 400.000 người. Đặc trưng của công trình do Francesco Palpacelli thiết kế vào năm 1991 là tháp nước cao 120 mét hùng vĩ đã trở thành tòa nhà cao thứ năm ở Rome, có hai hồ chứa hình tròn được bố trí ở các độ cao khác nhau. Cấu trúc bằng thép, được bảo vệ bằng loại sơn đặc biệt và được phủ bằng các tấm thép không gỉ. Việc sắp xếp các tấm ở vị trí thẳng đứng với các khớp được đánh dấu tạo cảm giác thời gian đang trôi qua trên bề mặt hình trụ của tòa tháp giống như một chiếc đồng hồ mặt trời: sự tiến triển của bóng nắng trên mỗi tấm của mặt tiền tương ứng với đơn vị thời gian là 15 phút.

Ảnh: Cayambe

Tháp nước Ban de Gasperich được thiết kế năm 2018 bởi kiến trúc sư Jim Clemes cùng cộng sự nằm tại giao lộ của ba đường cao tốc ở thị trấn Kockelscheuer, Luxembourg, gồm một mặt như một cơ sở hạ tầng để cung cấp nước cho một khu dân cư đang mở rộng và mặt khác là một địa danh lãnh thổ. Trụ bê tông cao 68 mét, có thể nhìn thấy ngay cả từ khoảng cách xa, là tháp nước cao nhất cả nước. Lớp ốp bao quanh cấu trúc được làm bằng thép đục lỗ gợi nhớ đến ren trong chìa khóa công nghiệp, dần dần phi vật chất hóa lên trên, tạo ra các hiệu ứng nhận thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí quyển và ánh sáng. Màu trắng của sợi dệt tượng trưng cho sự tinh khiết và quý giá của nước.

Ảnh: Ken Lund

Tháp nước Peachoid cao 41 mét ở Gaffney, Nam Carolina, nằm gần các tuyến đường quan trọng, được hình thành năm 1981 không chỉ như một cơ sở hạ tầng cấp nước mà còn là một công cụ tiếp thị và truyền thông nhằm tôn vinh hoạt động kinh tế chính của địa phương là sản xuất quả đào. Cấu trúc bằng hợp kim thép được phủ sơn bao gồm một bệ đỡ có hình thân cây nối liền với một thùng đào khổng lồ và chiếc lá phía trên, chứa hơn ba triệu lít nước. Cấu trúc này đã xuất hiện trong quá trình quay các tập của loạt phim House of Cards.

Ảnh: Troypoling 27

Với độ cao 65 mét, Thủy cầu Union nằm tại New Jersey, Hoa Kỳ được coi là tháp nước hình cầu cao nhất thế giới. Liền kề với các tuyến đường xe cộ quan trọng, tòa tháp mang tính biểu tượng đã trở thành một thắng cảnh trực quan kể từ khi được xây dựng năm 1964. Do gần sân bay nên một ngọn đèn nhấp nháy màu đỏ đã được đặt trên đỉnh vào năm 2008. Bệ được dùng làm tháp viễn thông.

Ảnh: Irvin Calicut

Dự án xây dựng những Tháp nước Kuwait do công ty Sweco phụ trách năm 1976 bao gồm năm nhóm tháp nước, có tổng cộng 31 tháp, được phân bổ ở các khu vực lân cận khác nhau để có thể cung cấp nước ngọt rộng rãi. Các công trình có hình dạng ‘nấm’ khác lạ được làm bằng bê tông cốt thép và được phân biệt tùy theo khu vực lân cận dựa vào số lượng, chiều cao, màu sắc và cách trang trí, đã trở thành điểm mốc thú vị và là đặc điểm dễ nhận biết về hệ thống lưu trữ và phân phối nước của thành phố Kuwait. Năm 1979, ba tòa tháp nữa có hình dạng khác nhau được xây dựng, đặc trưng là khối hình nón điêu khắc với bể hình cầu.

Ngày nay, nhiều tháp nước không được sử dụng hoặc mục nát do sự chuyển đổi của quy trình và công nghệ (Tháp nước Svaneke). Tuy nhiên, cũng có những tháp nước mang ý nghĩa lịch sử và đã được đưa vào danh sách di sản khác nhau trên thế giới.

Ảnh: Jens Cederskjold

Tháp nước Svaneke trên đảo Bornholm, Đan Mạch do kiến trúc sư trẻ tuổi Jørn Utzon thiết kế vào năm 1952 dựa trên cảm hứng từ các công cụ định vị cổ xưa. Hình dạng của tháp là khối hình chóp được trụ đỡ bởi ba cột bê tông sắt thanh mảnh nối vào nhau. Lối lên bể nước là cầu thang xoắn ốc đặt ở trung tâm. Cơ sở hạ tầng đã không được sử dụng từ năm 1988 do thay đổi mạng lưới cấp nước và được đưa vào danh sách tòa nhà từ năm 1990.


Nguồn
Domusweb