Martin Heidegger (1889-1976) là một trong số những nhà triết học quan trọng nhất thế kỷ 20. Ông đã để lại nhiều di sản quý giá trong lĩnh vực hiện tượng học (liên quan nhiều nhất đến chủ đề nghệ thuật và kiến trúc trong bài viết này), thuyết sinh tồn, thông diễn học, tâm lý học, lý luận chính trị và thần học. Trong giới kiến trúc, ông nổi tiếng với nghiên cứu Xây dựng, Nhà ở, Tư duy (1951), nhưng ít ai biết rằng một bài tiểu luận khác ông viết vào năm 1969 mang tên Nghệ thuật và Không gian cũng rất có giá trị chuyên ngành.
Chân dung nhà triết học Martin Heidegger
Nội dung bài viết
Ana Mirea
Nguồn
Re-thinkingthefuture
Biên dịch
Hạnh Nguyễn
Bài tiểu luận Nghệ thuật và Không gian là kết quả của sự hợp tác với nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, Eduardo Chillida (1924-2002). Trong tài liệu, ông giải thích vấn đề về không gian từ quan điểm hiện tượng học, và đó là tài liệu duy nhất dành riêng nói về điêu khắc. Không phải ngẫu nhiên mà bài tiểu luận và mối quan hệ giữa triết học – điêu khắc được nhắc đến ở đầu bài viết. Việc Eduardo Chillida nghiên cứu về kiến trúc trước khi chuyển sang nghệ thuật đã giúp cho tác phẩm dễ tiếp nhận hơn. Chillida chủ yếu sử dụng vật liệu kim loại, đá hoặc gỗ, và quan tâm đến tác động của hiện tượng tự nhiên (ánh nắng, gió, mưa, thủy triều) đối với các tác phẩm điêu khắc đồ sộ và trừu tượng của mình.
Tác phẩm Piene Del Viento (Chiếc lược của gió)
Địa điểm
Tây Ban Nha
Nhà điêu khắc
Eduardo Chillida
Ảnh
Wikimedia
Trong bài tiểu luận, Heidegger đã đặt câu hỏi về bản chất của không gian, sự liên kết giữa không gian và tác phẩm điêu khắc. Ông định nghĩa ba loại không gian: không gian một người tiếp nhận tác phẩm điêu khắc như một thực thể, không gian khép kín bên trong tác phẩm và khoảng trống nằm giữa các khối tích. Thực tế, điều ông muốn nói đến là giới hạn. Khi một người điêu khắc, anh ta định hình ý tưởng bằng cách lấy đi mọi thứ không phù hợp. Chẳng phải kiến trúc cũng tương tự như vậy? Một kiến trúc sư cũng điêu khắc không gian cho đến khi anh ta tìm ra giải pháp tốt nhất?
Chân dung Michelangelo vẽ bởi Daniele da Volterra
Nguồn: Metmuseum.org
Nhà nguyện Sistine ở Vatican, Ý. Ảnh: Bảo tàng Vatican
Michelangelo Buonarroti (1475-1564) là một trong những đại diện của thời Phục hưng Ý, cuộc sống luôn xoay quanh “khổ đau và cực lạc” (theo tên cuốn tiểu sử kể về ông Agony and Ecstasy do tác giả người Mỹ Irving Stone viết năm 1961), khi ông là người xuất sắc trong mọi lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc đến kiến trúc và thơ ca. Chúng ta không thể khẳng định rằng ông là một nhà điêu khắc giỏi hơn là một kiến trúc sư. Ông làm tất cả với niềm đam mê, năng lượng và khao khát để lại một thứ gì đó về sau, để đấu tranh cho một lý tưởng cao hơn.
Trong thời kỳ Phục hưng, kiến trúc, điêu khắc và hội họa có mối quan hệ chặt chẽ. Không ai có thể tưởng tượng ra nhà nguyện Sistine mà không có bích họa, chỉ những bức tường trơn. Người ta cũng không thể tưởng tượng được các Nhà nguyện Medici mà thiếu đi các bức tượng trong đó. Các tác phẩm điêu khắc và hội họa đại diện cho người sở hữu công trình hoặc mục đích sử dụng. Điêu khắc và hội họa không phải hình thức trang trí. Tất cả mọi thứ đều được tư duy, thiết kế và nhận thức như một tổng thể, các không gian được trải nghiệm bằng toàn bộ cơ thể. Điều này xảy ra vì cơ thể con người được coi là trung tâm vũ trụ. Sử dụng tỷ lệ vàng trong thiết kế gợi nhớ đến tỷ lệ của con người, điển hình có bức tượng David và quảng trường Campidoglio ở Rome, Ý.
Không có sự khác biệt khi Michelangelo sáng tác một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc hay một không gian. Ông luôn quan tâm đến tỷ lệ và giữ sự nhạy cảm trong suy nghĩ. Thấm nhuần trong tất cả các tác phẩm của ông là ý tưởng về vẻ đẹp, sự thật, đức tin, siêu việt.
Triển lãm Ký ức
Nghệ sĩ Anish Kapoor
Ảnh: Bảo tàng Guggenheim
Sinh năm 1954 tại Bombay, Ấn Độ nhưng lớn lên và làm việc ở London, Anish Kapoor (1954) có phương pháp xử lý không gian không giống với bất kỳ ai. Theo Sandhini Poddar, đại diện bảo tàng Guggenheim nơi ông tổ chức triển lãm mang tên Ký ức năm 2010, Kapoor có khả năng tạo ra các công trình rất đặc trưng, cũng như thể hiện sự thách thức không gian trong nhiều tác phẩm.
Năm 1990, ông cho công bố thiết kế Cổng Mây, hay được biết đến với tên gọi The Bean (Hạt đậu), nay đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất Chicago. Bên cạnh đó, toà tháp ArcelorMittal Orbit trong Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth cũng được ghi nhận là tác phẩm điêu khắc cao nhất vương quốc Anh. Các tác phẩm điêu khắc của ông không chỉ để nhìn ngắm, mà chúng được sinh ra để có tương tác và trải nghiệm.
Tại triển lãm Ký ức ở bảo tàng Guggenheim, Anish Kapoor tạo ra một tác phẩm hình bầu dục làm từ thép gỉ, lấp đầy một không gian có ba ô cửa, theo cách mà không thể nào quan sát toàn bộ tác phẩm. Tác phẩm thể hiện một quá trình, một thách thức cho trí nhớ do đặc tính bí ẩn và không thể nắm bắt hết được. Kiến trúc sư Ấn Độ Balkrishna Vithaldas Doshi (1927) đã có lần nói rằng ông thiết kế các không gian là để khám phá, từng bước hé lộ và tạo ra phép màu. Chúng ta có thể giả định rằng cả nghệ sĩ và kiến trúc sư đều có cùng một mục tiêu. Qua quá trình khám phá, trên thực tế, một người có thể nhận ra phần nào đó của thế giới dường như bị lãng quên hoặc chưa bao giờ nghĩ tới. Người nghệ sĩ mô tả Ký ức là “có liên quan mật thiết đến kiến trúc, ở chỗ chúng ta có thể quan sát nơi chúng ta sống trong lúc đi lại, trong quá trình sống.”
Amdavad ni Gufa là một phòng trưng bày nghệ thuật dưới lòng đất ở Ahmedabad, Ấn Độ. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Balkrishna Vithaldas Doshi, nơi đây trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Ấn Độ Maqbool Fida Husain. Phòng trưng bày đại diện cho sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc và nghệ thuật.
Ảnh
Iwan Baan
Jacques Herzog (1950) và Pierre de Meuron (1950) thành lập studio vào năm 1978 sau khi tốt nghiệp Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH), tại Zurich, Thụy Sĩ. Trong quá trình làm việc, họ có lịch sử hợp tác lâu dài với các nghệ sĩ, chẳng hạn như Rémy Zaugg (1943-2005), Helmut Federle (1944), Joseph Beuys (1921-1986), Balthasar Burkard, Hannah Villiger, Margherita Spiluttini, và Thomas Ruff (tại Venice Biennale năm 1991). Phương châm của họ về kiến trúc sư và nghệ sĩ là: “Qua nhiều năm chúng tôi ngày càng hiểu rằng các nghệ sĩ không nên làm kiến trúc và kiến trúc sư không nên làm nghệ thuật. Chúng tôi hiểu là cần kết nối những địa hạt này với nhau. Trong các dự án, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và cần thiết của việc hợp tác với các nghệ sĩ để làm cho dự án tốt hơn.”
Herzog & de Meuron đã làm bạn với các nghệ sĩ Helmut Federle (1944) và Remy Zaugg (1943-2005) từ trước khi họ vào trường kiến trúc. Họ dành mọi thời gian có thể để thảo luận ý kiến và làm cùng nhau, vì họ cho rằng các nghệ sĩ có kỹ năng thiết kế rất mạnh, có thể giúp ích nhiều cho dự án kiến trúc không chỉ vì lý do thẩm mỹ. Từ nghệ sĩ, các kiến trúc sư học được cách quan sát bảo tàng với con mắt phê bình, ai có thể biết rõ hơn một bảo tàng cần gì nếu không phải là chính nghệ sĩ? Rémy Zaugg là một nghệ sĩ khái niệm người Thụy Sĩ được biết đến với cách tiếp cận phê bình với không gian và kiến trúc. Studio của ông được Herzog & de Meuron thiết kế, ông cũng từng tham gia vào 14 dự án khác với họ. Thiết kế studio của một nghệ sĩ có cá tính mạnh là một thách thức ngay cả đối với các kiến trúc sư tài năng như Herzog & de Meuron, họ nhớ lại: “Thực sự không hề dễ dàng vì các tác phẩm của ông ấy là về nhận thức… Dự án studio này là một thử nghiệm cho chúng tôi thấy không gian bảo tàng nên được sắp xếp như thế nào. Mặc dù đó là không gian làm việc, đó vẫn là nơi nghệ thuật được chiêm ngưỡng.”
Rémy Zaugg Studio.
Ảnh: Herzog & de Meuron
Giữa năm 1976 và 1978, thành phố Basel đã mua một tác phẩm nghệ thuật từ Beuys cho lễ hội Carnival, một sự kiện quan trọng của thành phố. Herzog & de Meuron tuyên bố rằng họ muốn biến toàn bộ sự kiện thành một buổi trình diễn nghệ thuật. Beuys thiết kế một màn biểu diễn với sự hỗ trợ của các kiến trúc sư. Đó là lần đầu tiên họ hợp tác với nghệ sĩ. Beuys sử dụng kim loại, vải nỉ và chất béo trong tác phẩm với ý nghĩa nhất định. Sắt gợi lên tính nam, chiến tranh và vị thần sao Hỏa, trong khi đồng là chất dẫn điện tượng trưng cho tính nữ và thần Venus. Chất béo và vải nỉ, là vật liệu đặc trưng trong nhiều tác phẩm của ông. Chất béo được xem như một biểu tượng tinh thần, trừu tượng do đặc tính dẻo và có thể chuyển từ dạng rắn sang lỏng. Vải nỉ là một biểu tượng của sự ấm áp và đồng cảm, nên nó được sử dụng để hấp thụ, cách nhiệt. Sự chú ý đến chi tiết và vật liệu trong các dự án của Herzog & de Meuron về sau có lẽ là từ ảnh hưởng của Joseph Beuys đối với họ, qua cách sử dụng vật liệu chân thực và đầy bất ngờ của người nghệ sĩ.
ArcelorMittal Orbit là một tháp quan sát và điêu khắc cao 114,5 mét
trong Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth ở Stratford, London.
Ảnh
Birmingham Mail
Thực hiện bởi nghệ sĩ
Anish Kapoor
Michelangelo với David hay quảng trường Campidoglio ở Rome, Ý; Anish Kapoor với The Bean ở Chicago, Hoa Kỳ; hay Herzog & de Meuron với màn trình diễn tại Carnival có điểm chung về cách vận hành trong không gian và đặt ra câu hỏi về các giới hạn. Giới hạn của không gian, của đối tượng, của sự tương tác với con người. Mặc dù, David có thể coi là một bức tượng tĩnh, sự co rút của cơ bắp biểu thị sự thôi thúc hành động, để vượt qua giới hạn mà con người có thể áp đặt cho chính mình.
David là một kiệt tác điêu khắc thời Phục hưng, được tạo ra bằng đá cẩm thạch từ năm 1501 – 1504 bởi nghệ sĩ người Ý Michelangelo. Một bức tượng bằng đá cẩm thạch cao 5,17 mét của nhân vật David trong Kinh thánh, chủ đề được ưa chuộng trong nghệ thuật của Florence.
Tác phẩm điêu khắc công cộng The Bean cung cấp một góc nhìn khác về thế giới xung quanh, một lần nữa, đặt câu hỏi về nhận thức của con người và ranh giới con người đang đặt ra giữa chính mình và thế giới bên ngoài. Buổi trình diễn Carnival do Jacques Herzog và Pierre de Meuron đạo diễn tiết lộ rằng chúng ta có khả năng mang lại ý nghĩa cho mọi cử chỉ. Kiến trúc và điêu khắc được coi là những cử chỉ văn hóa, xã hội và chính trị lớn nhất. Do đó, nếu một tác phẩm nghệ thuật có khả năng chạm vào chúng ta và khiến chúng ta đặt câu hỏi về bản thân hoặc về thế giới xung quanh, có nghĩa là nó đã hoàn thành mục đích sâu sắc nhất.