Một tổ chức phi lợi nhuận ở Brussels đang chống lại sự lãng phí bằng cách giúp các nhà thiết kế tái sử dụng các thành phần xây dựng không còn giá trị cho công trình.
Các kiến trúc sư thường ít nói về sự phá hủy. Đó là một bí mật nghề nghiệp không có gì đáng tự hào. Có những công trình trải qua nhiều năm thiết kế, đàm phán rồi xây dựng nhưng rồi cũng nhanh chóng bị phá bỏ trong vài tuần hay vài ngày theo những phương thức thô bạo nhất. Di sản còn lại là đống gạch vụn, may mắn thì tận dụng làm nền đường, còn không có lẽ sẽ kết thúc vòng đời của mình ở đâu đó ngoài bãi chứa rác thải.
Tuy vậy, ở quận Anderlecht, thành phố Brussels, nếu đi bộ vài phút dọc theo đường sắt từ ga Midi sẽ tới một khu xưởng rộng lớn nơi từng là nhà máy sản xuất sô cô la, ở đó có một nhóm kiến trúc sư đang cố gắng giảm thiểu sự lãng phí trong kiến trúc. Cánh cổng thép bên ngoài gắn một tấm biển nhỏ đề dòng chữ Rotor DC. Các kiến trúc sư và thiết kế làm việc tại đây vẫn thường gọi nơi này là văn phòng “tái cấu trúc”.
Tác giả
Edwin Heathcote
Nguồn
Financial Times
Biên tập
Hạnh Nguyễn
Ảnh
Rotor DC
Rotor DC về bản chất là hoạt động tận dụng. Mô hình kinh doanh này không mới. Các cấu kiện được nhặt lại và làm sạch từ các công trình bị bỏ hoang. Người La Mã từng làm điều đó, những người kế vị thời trung cổ của họ cũng vậy, họ tái sử dụng các viên đá La Mã trong nhiều công trình.
Gần hơn, có một sự bùng nổ diễn ra trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại vào những năm 1960-1970, thời kỳ người ta thức tỉnh trước sự sụp đổ của nhiều công trình từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Việc thu thập các tính năng đặc trưng như lò sưởi, gạch, gương, cửa vừa là một phần của chủ nghĩa tích cực (activism), vừa phục vụ hoạt động buôn bán phế liệu và thu thập đồ cổ.
Thời đại đó đã qua đi. Giờ đây việc bảo tồn kiến trúc trước chiến tranh đã được ưu tiên hơn nhưng bản thân hoạt động phá hủy vẫn không ngừng diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, mục tiêu bây giờ lại là những sản phẩm một thời lẫy lừng của chủ nghĩa hiện đại. Làn sóng di cư về ngoại ô đặc trưng của thập niên 1960-1970 bị đảo ngược, các thành phố được coi là những cỗ máy “moi tiền” nhiều hơn là lời hứa hẹn về sự giàu có. Các nhà phát triển tối ưu lợi nhuận bằng cách loại bỏ các công trình hiện đại lãng phí không gian: mật độ lớn hơn, tháp cao hơn, công trình dân cư nhiều hơn công trình thương mại, căn hộ đắt đỏ hơn… tất cả với biện minh về sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Rotor DC nghi ngờ logic này, điều đó khiến họ trở thành một loại hình doanh nghiệp rất mới. Một tổ chức phi lợi nhuận, thu hồi vật liệu từ các công trình mid-century không còn tồn tại, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ tái sử dụng sau đó. Họ mở đầu nền kinh tế tuần hoàn mới, cố gắng giảm thiểu rác thải và thiệt hại môi trường bằng cách ưu tiên tiết giảm, tái sử dụng và tái chế. Đội tiên phong, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ nhận ra nhưng luôn là một môi trường hấp dẫn.
Khoảng sân bên ngoài đầy những phiến đá cẩm thạch trắng gần như nguyên sơ từ nhiều công trình văn phòng; nhiều thùng gỗ đựng gạch ốp gốm và gạch ốp xi măng – vật liệu từng phổ biến tại các trường học, công trình hành chính và quán cà phê. Chỉ đến bây giờ khi gần như tất cả đã biến mất thì mọi người mới bắt đầu chú ý và đánh giá cao.
Những khung cửa sổ kính màu cũ được Rotor DC gom lại để tái sử dụng
Có những khối gỗ lớn, bồn rửa tay bằng đá, bể nước mưa han rỉ; có những chậu rửa nhỏ dùng trong trại hè trẻ em, được thiết kế để tái sử dụng như bồn rửa trong quán bar hippie; có một kho chứa vách ngăn văn phòng, cấu kiện còn tốt từ các tòa nhà có lẽ chỉ vài chục năm tuổi. Có bàn hội nghị và vỏ tản nhiệt bằng ván gỗ ép cong, những tấm kính mỏng cỡ lớn và mọi loại cửa mà ta có thể tưởng tượng.
Ở tầng trên thậm chí còn nhiều hơn: các hàng kệ chứa những món đồ bằng kim loại từ một nhà cung cấp đồ tang lễ nay đã không còn (tay nắm quan tài và đồ trang trí bằng đồng), các bộ phận máy rỉ sét, tay nắm cửa hiện đại đẹp mắt và đèn đủ loại.
Những chao đèn cũ trên kệ ở Rotor DC
Ngồi cùng người sáng lập của Rotor DC, Maarten Gielen và đồng nghiệp Lionel Devlieger, tôi hỏi về công việc mà họ đang làm. “Chúng tôi coi đây là một dự án thí điểm, một nghiên cứu,” Dev Devgerger nói. “[Chúng tôi] thử nghiệm để chuyên nghiệp hóa quá trình tái sử dụng. Kiến trúc sư đôi khi không nhận ra sức mạnh mà họ có. Mọi người tiêu tốn một mớ tiền cho vật liệu mới và kèm theo quyết định đó là những hậu quả về xã hội, môi trường và kinh tế.”
Một kiến trúc sư ở Brussels có thể chọn lấy đá từ Ấn Độ thay vì Bỉ vì giá rẻ hơn. “Nhưng đá được khai thác như thế nào? Có gây ô nhiễm gì không, điều kiện lao động ra sao? Các kiến trúc sư vẫn chưa chú ý đến điều đó.”
Cần có sự thay đổi quy định và chính sách công để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn ở các thành phố. Gielen cho hay “Việc phá huỷ công trình vẫn đang được trợ cấp. Nhưng nếu những nhà phát triển phải trả chi phí thực sự thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ phải trả tiền cho tất cả sự ô nhiễm, bụi bặm, tiếng ồn mà họ tạo ra? Còn những cơ sở kinh doanh ở xung quanh bị thiệt hại? Hao mòn trên những con đường xe tải chở hàng ngàn tấn gạch vụn đi qua? Con số cụ thể sẽ khiến cho việc nhập khẩu các vật liệu trở nên đắt đỏ và tái sử dụng sẽ tiết kiếm hơn nhiều.”
“Nếu chúng ta sử dụng lại các vật liệu xây dựng thì không nên chuyển đi xa. Các chi phí liên quan đến vận chuyển vật liệu tái sử dụng ở khoảng cách xa sẽ không còn ý nghĩa. Vì vậy, vật liệu nên ở lại trong nền kinh tế địa phương.”
Devlieger
Để minh họa cho vấn đề này, Gielen và Devlieger đã đưa ra ví dụ về Trung tâm Thương mại Brussels, một khu phức hợp gồm nhiều tòa tháp văn phòng lớn nằm ở trung tâm thành phố hoàn thành vào năm 1983. Hiện tại công trình đang bị phá dỡ và một phần được sử dụng lại; hàng trăm vách ngăn, cửa ra vào và các cấu kiện nhỏ được lưu trữ trong kho tầng dưới của Rotor DC. “90.000 tấn vật liệu đang được dỡ khỏi Trung tâm Thương mại, Brussels yêu cầu tái sử dụng 700.000 tấn vật liệu xây dựng mỗi năm. Số lượng đó nhiều hơn khoảng 10 phần trăm khối lượng của chỉ một tòa nhà ở đây.” Gielen nói.
Thậm chí, một số thứ còn thực hiện hành trình trở về. “Các kiến trúc sư rất hay nhìn những món đồ và nảy ra ý định ‘Hãy tận dụng lại đi, mấy thứ này đẹp quá!’. Và rồi chúng quay trở lại vào cùng một công trình nhưng được sử dụng theo cách khác.”
Đây là một tư duy mới về kiến trúc đương đại nhưng Rotor DC không đơn độc. Cơ sở này là một phần của hệ sinh thái tái sử dụng mới nổi trên khắp Bắc Âu. Gần đây, Tập đoàn Lendager ở Copenhagen đã xây dựng một tập hợp gồm 20 ngôi nhà – Upcycle Studios ở Orestad – sử dụng cửa sổ, ván sàn và thậm chí là bê tông tái chế.
Upcycle Studios, Copenhagen, Đan Mạch
Ngoài sự cấp thiết về mặt sinh thái, còn một lý lẽ khác ủng hộ việc tái sử dụng. “Các kiến trúc sư vẫn luôn nói về mối quan tâm của họ với ‘tính vật liệu’, có rất nhiều ý nghĩa nằm trong các ‘vật liệu’ này, cả lịch sử và cách sử dụng.” Devlievger nói. Cảnh tượng một kiến trúc sư cạo vữa ra khỏi từng viên gạch xi măng có lẽ sẽ bớt kỳ lạ khi bạn nhận ra viên gạch đã tích lũy giá trị qua thời gian, trở thành một phần ký ức của thành phố – có thể nhuộm màu sắc của quá khứ vào kiến trúc hiện tại.
“Chúng tôi tôn sùng các tòa nhà cũ vì kết cấu đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Bảo tồn kết cấu đó cũng là hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn. Cách tiếp cận của Rotor DC và các đồng nghiệp ngày càng thể hiện hướng đi hợp lý cho kiến trúc.”
Devlievger