Thay đổi quận Roppongi từ nơi tiêu thụ thành nơi sản xuất năng lượng. Energy Meet hoạt động chủ yếu ở Nhật Bản và Thái Lan. Hai kiến trúc sư Masato Ashida và Takuya Onishi liên kết năng lượng với xã hội qua khái niệm độc đáo “Thiết kế năng lượng”. Hiện nay, mong muốn nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và năng lượng đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Làm thế nào để Energy Meet kết hợp những khái niệm và mang tới những giải pháp tiềm năng?
Masato Ashida và Takuya Onishi
Nguồn
Tokyo Midtown
Nội dung
Ikuko Hyodo
Eisaku Sakai
Thực hiện
2022
Ảnh
Yoshikuni Nakagawa
Thiết kế kết nối cư dân đô thị và nông nghiệp
Takuya Onishi: Tại sự kiện thiết kế Midtown DESIGN TOUCH năm 2022 ở Tokyo, chúng tôi trưng bày một tác phẩm sắp đặt với chủ đề Nông nghiệp có tên FARM – nói về quyền nông nghiệp trong tương lai của nhân loại. Chúng tôi hướng tới khái niệm “Thiết kế năng lượng” bởi cảm nhận nông nghiệp sẽ trở thành một phần của quá trình tái tạo năng lượng mang tính chu kỳ.
Ví dụ, việc sản xuất protein động vật đòi hỏi năng lượng và nước ngọt. Quá trình này tạo ra nhiều khí nhà kính gây tổn hại tới môi trường. Nông nghiệp không phải ngoại lệ, nhiều người cho rằng nông nghiệp cũng gây tổn hại tới môi trường và còn là nguyên nhân huỷ hoại thiên nhiên. Chúng tôi muốn sử dụng thiết kế xoay quanh chủ đề nông nghiệp của mình trình bày những khái niệm về hệ thống tuần hoàn theo cách dễ hiểu để mọi người có thể cùng nhau nghĩ về nông nghiệp. Đó là những gì truyền cảm hứng cho ý tưởng sắp đặt này.
Masato Ashida: Tôi có suy nghĩ về việc làm thế nào để thể hiện ý tưởng của mình thông qua thiết kế. Người xưa đã làm nông để phục vụ đời sống mỗi ngày, nhưng khi xã hội phát triển với dân số tăng cao cùng sự phân công lao động nhiều hơn trong xã hội, con người tự nhiên tách mình khỏi nghề nông. Đây là một trong những đặc điểm của xã hội phát triển tầm cao. Tôi sống ở Tokyo (Nhật Bản), một thành phố không có chỗ cho đồng ruộng. Đó là lý do tại sao tôi muốn trưng bày một tác phẩm sắp đặt chủ đề nông nghiệp ở quận Roppongi (Nhật Bản) và giới thiệu một thiết kế khuyến khích khách tham quan suy nghĩ về mối quan hệ của con người với nông nghiệp, như đưa họ tới gần nông nghiệp hơn theo cách thức mới.
Tác phẩm sắp đặt tên FARM tại sự kiện Midtown DESIGN TOUCH năm 2022 ở Tokyo.
Tập hợp cấu trúc nông nghiệp của riêng mỗi cá nhân
để kết hợp vào hệ thống tuần hoàn đô thị
Onishi: Chúng tôi thiết kế FARM với mong muốn tái giới thiệu nông nghiệp cho cư dân thành phố theo cách vui và dễ hiểu, đồng thời khuyến khích mọi người tích cực tham gia. Nông nghiệp quy tụ tất cả các loại hệ thống tuần hoàn. Để bắt đầu dự án này, chúng tôi đã chia nhỏ thành các yếu tố khác nhau như nước, ánh sáng và đất rồi đặt từng yếu tố cần thiết cho nông nghiệp vào các khung gỗ vuông khổ 40x40x40 cm riêng biệt dễ dàng ghép lại với nhau như Lego. Ví dụ: bạn có thể tạo một cấu trúc nông nghiệp của mình bằng cách kết hợp bể cấp nước với canh tác đất hoặc thuỷ canh, sau đó thêm hệ thống đèn LED hoặc các tấm năng lượng mặt trời. Việc xếp chồng các khối theo chiều dọc có thể được áp dụng vào các mặt đứng toà nhà cao tầng, điều hấp dẫn hơn cả là mô hình này còn phù hợp với những không gian có diện tích hạn chế.
Ashida: Ngoài những phương pháp thủ công như gieo trồng rồi thu hoạch tại ruộng/vườn, nông nghiệp hiện nay rất phát triển. Bằng cách sử dụng những công nghệ mới, mô hình này mở tiền đề cho việc sản xuất trồng trọt dù không sở hữu đất đai.
Onishi: Với chủ đề “Thiết kế bền vững cho tương lai”, chúng tôi theo sát những từ khoá “tuần hoàn” và “bền vững”. Do đó, chúng tôi hợp tác với hai trường trung học trong dự án này. Sau khi chương trình kết thúc, họ có thể đem mô hình nông nghiệp mà chúng tôi đã trưng bày về trường để tiếp tục trải nghiệm thực tế. Chính sự sắp đặt này cũng là một phần của chu trình sẽ được tiếp diễn trong tương lai.
Không có đất thì có thể thay thế bằng các mặt tường
Ashida: Giai đoạn đầu thiết kế FARM, chúng tôi nghĩ về việc làm thế nào để cư dân đô thị có thể trồng trọt ở thành phố. Mấy năm gần đây, nhiều người chọn việc lấy sân thượng làm vườn trong khi những người khác lại bỏ phố về quê vào những ngày cuối tuần để có được trải nghiệm nông nghiệp. Các khu vực đô thị như Tokyo gần như không có đất để canh tác. Tuy nhiên, xét về diện tích bề mặt thì tại những nơi như vậy diện tích tường thường lớn hơn nhiều so với diện tích đất. Mỗi mét vuông chỉ đem lại một số lượng sản phẩm thu hoạch nhất định, vì vậy cần tìm khoảng không gian hợp lý để tăng sản lượng. Ở khu vực thành thị, việc tiếp quản các không gian mặt tường để canh tác mang tính thực tiễn hơn trong tương lai.
Một trong những mục đích của thiết kế của các khối xếp chồng lên nhau là giúp bạn linh hoạt tuỳ chỉnh mô hình cũng như tiềm năng ứng dụng rộng rãi bằng cách tạo các trang trại thẳng đứng làm khung. Trên thực tế, đã có nhiều toà nhà, có cân nhắc về vấn đề môi trường hay xét về mặt thẩm mỹ, bố trí các mảng xanh lên diện tích tường hoặc thêm các không gian xanh ở ban công. Việc chuyển đổi những không gian xanh thành không gian canh tác sẽ tạo ra các trang trại đô thị. Xét về mặt công nghệ hiện có, tôi nghĩ việc sử dụng không gian ba chiều rất có tiềm năng.
Onishi: Đất đai nói chung có thể được chia ra làm ba: một phần rừng, một phần sa mạc và cuối cùng là một phần đất nông nghiệp. Trong khi đó, người ta nói diện tích thành phố chỉ chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất đai. Điều này đồng nghĩa với việc dù mình có cố gắng canh tác ở các thành phố bao nhiêu đi chẳng nữa thì cũng không có ý nghĩa gì. Nếu gộp cả các toà nhà thì tổng diện tích bề mặt có sẵn vẫn còn nhiều, do vậy chúng tôi muốn khám phá thêm những khả năng khác.
Vai trò khác của thiết kế là tạo ra không gian cho mọi người “Gặp Gỡ“
Onishi: Energy Gift mini là một trong những dự án nhằm kết nối năng lượng với xã hội của chúng tôi. Đây là dự án tôi cùng các giáo viên tại Đại học Công nghệ King Mongkut (KMUTT) ở Thái Lan. Tôi từng làm giảng viên ở đây. Dự án này đã mang điện tới những khu vực vùng sâu vùng xa ở Thái Lan. Sinh viên kỹ thuật điện ở Thái Lan kết hợp cùng sinh viên thiết kế ở Nhật bản phát triển một loại đèn lồng phát sáng nhờ năng lượng mặt trời, họ cùng lắp ráp với trẻ em ở các địa phương nhận được món quà này.
Ashida: Ở Nhật Bản, chúng tôi có một số dự án đang triển khai nhằm khám phá sự phát triển của cộng đồng qua năng lượng. Dự án ở thị trấn Obuse tỉnh Nagano (Nhật Bản) là dự án chúng tôi tham gia lâu nhất, cho tới giờ đã là năm thứ 10. Chúng tôi đang làm việc cùng chính quyền địa phương về dự án này. Ban đầu, dự án được kích hoạt do sự cố nhà máy điện hạt nhân trong trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Đây là một thị trấn nhỏ có dân số khoảng 12.000 người, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào các công ty điện và nguồn cung điện năng đến từ những thành phố khác. Chúng tôi đã đưa ra nhiều nỗ lực khác nhau để giúp Obuse giành được sự độc lập về năng lượng địa phương bằng cách trở thành một thành phố tiên tiến về mặt môi trường. Mười năm trước, chúng tôi đã khởi xướng Cuộc họp Năng lượng Obuse (the Obuse Energy Meeting). Người dân ở đây hầu hết không biết tới năng lượng tự nhiên, do vậy chúng tôi giới thiệu và mời người dân tới xem các bộ phim về năng lượng tự nhiên, chúng tôi còn mời các chuyên gia về đây giúp họ tìm hiểu các vấn đề này. Tới giờ họ đã quen dần với những khái niệm đó. Năm 2018, chúng tôi thành lập một nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ trong thị trấn và trong năm nay, chúng tôi đã làm việc với toàn bộ người dân thị trấn Obuse để đưa ra một cái nhìn khái quát, đặt mục tiêu cho các vấn đề môi trường bao gồm các vấn đề liên quan đến năng lượng và rác thải.
Onishi: Xét về năng lượng và xã hội, chúng tôi tập trung chủ yếu tạo ra các nền tảng hợp tác. Đăng tải một số dự án nổi bật lên trang Web của mình, chúng là kết quả của các dự án hợp tác cùng các trường đại học, các công ty và chính quyền địa phương. Đây là khởi nguồn của cái tên Energy Meet (sự gặp gỡ của năng lượng), vì chúng tôi muốn thúc đẩy các dự án cùng nhiều bên khác nhau, mở ra cơ hội tiếp xúc với mọi người. Một vai trò khác của thiết kế là tạo ra một đội ngũ có thể triển khai dự án với sự hợp tác của tất cả mọi người.
Thu hẹp quy mô là tương lai của các thành phố
Ashida: Không chỉ riêng Tokyo mà nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang bị quá tải. Tôi cho rằng công nghệ đang giúp mở rộng quy mô và hoà nhập thế giới, nhưng giờ ai cũng có điện thoại thông minh và có thể tự làm rất nhiều thứ, vậy nên tất cả sẽ có xu hướng thu hẹp lại. Ví dụ điển hình như điện năng. Trước đây bạn phải mua điện từ các nhà phân phối, nhưng giờ thì mình có thể tự sản xuất điện bằng cách sử dụng pin mặt trời. Công nghệ đang thu hẹp quy mô để tập trung nhiều hơn vào các cá nhân, các mạng lưới đang tích hợp cho phép nhiều cá nhân kết nối với nhau hơn. Những điều này đòi hỏi những mô hình đô thị mới.
Thách thức lớn nhất sẽ là việc giải quyết những thành phố lớn. Do Obuse là một thị trấn nhỏ 12,000 dân nên hoàn toàn phù hợp với mô hình phát triển năng lượng và cộng đồng của chúng tôi. Nhưng với những thành phố lớn như Tokyo thì không thể. Trong tương lai, ta hoàn toàn có thể chia thành phố lớn thành nhiều tiểu khu như Roppongi để dễ dàng giải quyết và ứng dụng các mô hình phát triển năng lượng xanh.
Cân nhắc thêm tính hiệu quả trong thiết kế đô thị
Onishi: Tôi nghiên cứu quá trình nuôi dế và luôn đặt mua dế từ một cửa hàng trên Amazon, mà cửa hàng này rất gần với phòng thí nghiệm trường đại học tôi làm việc ở tỉnh Setagaya. Lúc nhận được đơn đặt hàng, đáng lý họ sẽ giao thẳng tới kho phân phát ở Setagaya. Tôi có kiểm tra lịch trình giao hàng thì thấy họ giao tới tận Haneda, rồi mới quay chuyển về Setagaya và cuối cùng là giao tới phòng thí nghiệm của tôi. Thiết kế đô thị cũng hoạt động một cách “hiệu quả” như vậy đó. Nếu tính theo quy mô nhỏ, họ đảm bảo được việc giao hàng một cách độc lập, đơn hàng sẽ được đưa thẳng đến địa điểm người mua với giao diện liên lạc dễ dàng hơn. Vì thế ở ví dụ này, việc vận hành như vậy quả là làm khổ lũ dế trong kiện hàng, đúng không?
Ashida: Ví dụ trên có thể ướm với nguồn cung cấp điện. Quá trình xử lý điện khá phức tạp do có hai nguồn là điện một chiều (DC) và điện hai chiều (AC), hầu hết với các khu vực xa nơi cung cấp nguồn điện là hai chiều. Để sử dụng điện, chúng ta phải sử dụng bộ chuyển đổi AC để chuyển dòng điện thành DC. Để tránh mất đi năng lượng trong quá trình truyền tải, cách tốt nhất là làm tại địa phương, tạo ra nguồn DC và sử dụng ngay tại chỗ. Ví dụ: phân nhỏ thành phố thành cách khu vực nằm trong phạm vi cung cấp của nhà máy điện. Khả năng cung cấp nguồn DC hiện đang nhận được sự quan tâm của thế giới, tôi thấy nó liên quan một phần nào đó đến ý tưởng thu nhỏ quy mô các thành phố lớn.
Điện năng có thể thay đổi dòng người trong thành phố
Onishi: Roppongi, nằm giữa trung tâm Tokyo, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng nếu thay đổi nó thành nơi sản xuất năng lượng sẽ có tác động rất lớn. Ý tưởng giới hạn trong một khu vực rất thực tế và thực sự thú vị hơn nếu thành phố tuyên bố “Roppongi sẽ trở thành nơi sản xuất năng lượng” ở quy mô nhỏ, chẳng hạn như máy phát điện chạy bằng xe đạp hoặc pin mặt trời. Dù ở quy mô nào, sự đổi mới như vậy ở Roppongi có thể thúc đẩy sự thay đổi lớn ở Tokyo.
Ashida: Tôi cũng thích ý tưởng dự án phát điện ở Roppongi. Trong năm đầu của dự án Obuse, chúng tôi gửi cho cư dân bản đồ thị trấn và thảo luận các khả năng cụ thể về vị trí và cách lắp đặt tốt nhất các nguồn như những tấm pin mặt trời và tua-bin gió. Giống Onishi, tôi thấy việc Roppongi có tiềm năng trở thành một nơi sản xuất năng lượng rất đáng lưu tâm.
Một ý tưởng điển hình của việc kết nối năng lượng cùng xã hội là một hệ thống như Pokemon GO. Bạn có biết làm thế nào mà ứng dụng này có thể khiến mọi người tụ tập ở nhiều nơi trong thành phố và mắt vẫn để ý vào điện thoại không? Tôi nghĩ việc kiểm soát dòng người như vậy có rất nhiều tiềm năng cho các ứng dụng. Ví dụ: Nhiều người đi loanh quanh thị trấn tìm wifi hay ổ cắm điện; tôi cũng làm thế, nhưng đôi khi người ta quyết định ghé vào một quán cà phê vì chỗ đó có wifi và ổ cắm điện. Nói một cách khác, điện có sức mạnh lớn thu hút con người. Vì vậy về mặt lý thuyết, chúng ta có thể thay đổi dòng người bằng cách đặt các trạm điện cố định xung quanh khu vực.
Onishi: Làm thế nào để khi thêm máy phát điện cơ học bằng cách đạp xe và nói: “Nếu bạn muốn dùng thì hãy tạo ra điện.” (Cười lớn)
Ashida: Thế thì hay lắm. Tôi cũng nghĩ điện có tầm ảnh hưởng lớn tới mọi người trong xã hội hiện đại.
Onishi: Hiện giờ, Tôi thấy cách duy nhất người dân thành phố có thể đóng góp về mặt năng lượng là sử dụng nó hiệu quả. Tôi nghĩ mọi thứ có thể vượt xa hơn nữa ở dự án Roppongi từ góc độ sản xuất năng lượng.
Ashida: Tiết kiệm điện năng ảnh hưởng tiêu cực đến việc sử dụng năng lượng hoặc ý tưởng về các hệ thống tuần hoàn mang tính bền vững luôn đòi hỏi sự tự kiểm soát. Vì thế việc tạo ra năng lượng sẽ khiến cuộc sống thú vị hơn nhiều. Điều này nghe có vẻ cực đoan, nhưng việc hướng tới một xã hội mà mình tạo ra năng lượng cho bản thân có thể mang tới cuộc sống khoẻ mạnh và thú vị hơn. Roppongi là một nơi hội tụ nhiều ý tưởng thiết kế độc đáo về cách tạo ra nguồn điện, không chỉ đơn giản là lắp đặt một số tấm pin mặt trời.
Năng lượng có thể là một lực hấp dẫn kết nối mọi người.
Onishi: Tôi có đề cập đến việc mình nghiên cứu dế trước đây, hiện giờ tôi đang tham gia một dự án tên ENTOMFARM – nuôi dế đáp ứng nhu cầu con người. Trong triển lãm DESIGN TOUCH tôi cũng có giới thiệu chút ít. Chúng tôi sử dụng máy in 3D tạo cấu trúc tổ dế, chỉ mất từ bốn tới sáu tuần để dế lớn đủ để làm nguồn cung thực phẩm giàu protein. Tôi quan tâm đến các vấn đề thực phẩm từ góc độ thiết kế năng lượng, đây là lý do tôi tiến hành nghiên cứu về côn trùng như một nguồn thực phẩm tương lai.
Ashida: Điều tôi quan tâm hàng đầu là ý nghĩa của một công việc/công trình mang tính công cộng. Cho tới giờ, phần lớn các thành phố được tạo ra nhờ Chính phủ thiết lập các không gian công cộng và các tổ chức tư nhân hoạt động trên đất của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách thức hình thành không gian công cộng sẽ thay đổi trong tương lai. Yếu tố ‘công cộng’ về cơ bản là kết nối cộng đồng và cộng đồng sẽ thay đổi để nhiều cá nhân được phát triển hơn. Mọi người cần tới một lực hấp dẫn để kết nối, có thể là một địa điểm, một sự kiện hay một số điều khác, năng lượng là một ví dụ. Phát triển cộng đồng sẽ được nâng lên khi mọi người cùng nhau tạo ra năng lượng và chia sẻ nó. Đó chính là những gì chúng tôi đã và đang làm ở Obuse.