Bài phỏng vấn này, Joseph Dirand chia sẻ về thần tượng Carlo Scarpa và Mies van der Rohe; về thiên hướng kỹ thuật và Land Art (một phong trào nghệ thuật đương đại sử dụng cảnh quan như một chất liệu tạo hình) và về sự ảnh hưởng của gia đình.
Các thiết kế mạnh mẽ của Joseph Dirand thường bộc lộ rõ sự xa hoa còn tính thẩm mỹ thì lại được thể hiện nhẹ nhàng và khéo léo hơn. Kiến trúc sư đến từ Paris mang tới một phong cách Pháp sang trọng mà không phô trương, làm nổi bật cả quá khứ và hiện đại ở nhiều dự án trong nước (bảo tàng tư nhân Rosenblum Collection ở Paris, Villa Pierquin ở Saint Girons), cũng như mang sự tinh tế đến căn hộ cao cấp Saifi Penthouse ở Beirut và khách sạn Distrito Capital ở Mexico.
Trụ sở văn phòng Dirand ở quận 9 Paris là một không gian ngập tràn ánh sáng trên tầng 6, bờ phải sông Seine, tầm nhìn không bị che khuất bởi các mái nhà của thành phố. Không gian làm việc cho 25 thành viên được phân định gọn gàng theo từng mẫu vật liệu. Trong phòng riêng của Dirand có một thư viện sách nghệ thuật, kiến trúc và cả chiếc ghế Jeanneret yêu thích.
Dirand vui vẻ thảo luận về những kiến trúc sư anh ngưỡng mộ, trong đó có Carlo Scarpa và Mies van der Rohe, và rồi nhanh chóng chuyển sang đề tài kỹ thuật và sự say mê với Land Art.
Anh luôn bị thu hút bởi chủ nghĩa tối giản, trái ngược hoàn toàn với ngôi nhà nơi anh lớn lên. Mẹ anh là nhà thiết kế thời trang, bà yêu chợ trời và thích những món đồ cổ điển. Cha anh là nhiếp ảnh gia kiến trúc và nội thất, gần như ngày nào ông cũng chụp hình một thứ mới lạ. Dirand đã nhiều lần đi cùng cha trong các buổi chụp, đôi lúc là để hỗ trợ ông.
“Có rất nhiều thông tin và trải nghiệm văn hoá hay nhưng đôi khi cũng khá hỗn loạn. Tôi không thực sự cảm nhận được gì nhiều trước một khối lượng lớn như vậy.” Sự giàu có về trải nghiệm dẫn đến cảm giác bão hòa, khiến Dirand bị hấp dẫn với những thứ đơn giản.
Ngôi nhà nơi anh lớn lên là một phòng tập nhảy cũ ở Paris, cấu trúc bằng kính và kim loại từ những năm 1930. Trong nhà “chẳng có hai chiếc ghế nào giống nhau”, anh nhớ lại hình ảnh một chiếc ghế nhung đỏ sang trọng nằm cạnh một chiếc ghế trang trại thô kệch. “Chúng rất tuyệt nhưng tôi… không thể sống như vậy! Cha tôi gần như thay đổi sở thích mỗi ngày.” Sở thích của Dirand dần hướng tới việc xóa đi mọi thứ để bắt đầu từ một trang trắng.
Cha anh luôn muốn trở thành một kiến trúc sư nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Mong muốn đó được truyền lại cho con trai ông, Dirand nhớ lại từ năm 12 tuổi đã viết một cuốn sách về Le Corbusier.
“Vào dịp nghỉ lễ, chúng tôi thường đi ngắm nhìn các toà nhà ở nhiều thành phố khác nhau,” anh thích thú nhớ lại. Anh đã mua chiếc ghế Prouvé đầu tiên ở tuổi 17 tại một khu chợ trời với giá 600 franc, mà nay đã lên tới gần 17.000 USD. Năm 21 tuổi, Dirand bắt đầu thiết kế căn hộ nhỏ cho những người bạn của gia đình khi đang theo học tại trường kiến trúc École Nationale Supérieure d’Architecture Paris-Belleville. Những kinh nghiệm này đã tạo nên một khởi đầu mạnh mẽ để Joseph Dirand mở studio mang tên mình ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 1999.
Sau gần hai thập kỷ, studio hoạt động hết công suất hơn bao giờ hết. Dirand là người chuyên tạo ra các thiết kế ngoạn mục cho nhiều nhãn hiệu xa xỉ. Khi Balmain đề nghị anh thiết kế cửa hàng chính ở Paris, anh đã tạo ra một không gian “cổ điển từ thế kỷ 18”. Dirand giải thích: “Có một thực tế tôi cần tôn trọng rằng đây là một thương hiệu lâu đời về thời trang cao cấp. Khi bạn có câu chuyện của riêng mình thì sẽ thật hay khi tiếp tục giữ lại và duy trì nó.” Anh mô tả vẻ đẹp của công trình là “rất trừu tượng, rất hiện đại và có cảm giác Kubrick.” (đạo diễn, nhà sản xuất phim và nhà biên kịch người Mỹ nổi tiếng. Được coi là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỉ 20)
Đến cửa hàng tiếp theo ở London, anh chuyển phong cách Pháp thế kỷ 18 sang ván ốp trần, sàn nhà và kiểu chữ của Anh ở cùng thời điểm. “Tuy vậy cảm giác là giống nhau,” Dirand nhấn mạnh. “Đều là nhà của Balmain”.
Balmain chỉ là một trong nhiều nhãn hiệu xa xỉ mà anh nhận thiết kế, “Pucci và Rick Owens lại rất khác: Một bên hào nhoáng, bên còn lại thì thô mộc.” Ngoài ra, phải kể đến những cái tên như Balenciaga, Givenchy và Alexander Wang).“Đó là một thử thách tuyệt vời để tôi tạo ra các bối cảnh liên kết sản phẩm của nhãn hiệu trong thực tế với những thứ họ nghĩ và bản thân họ là ai.” Tuy có khó khăn khi cùng làm việc với các đối thủ cạnh tranh, anh hoàn toàn làm chủ được hình dáng, tỷ lệ và phong cách phù hợp với từng khách hàng. “Yếu tố quan trọng nhất là sự gắn kết với thương hiệu: nó là gì và nó ở đâu.”
Nguồn cảm hứng cho các thiết kế của Dirand bắt đầu từ những bộ phim, sách báo và các nhà thiết kế xuất sắc. Khi làm một dự án, anh thường khởi động bằng cách xem lại giá sách của mình. Như với một tòa nhà ở LA, anh đã quan sát các bức ảnh của Ed Ruscha để có góc nhìn cụ thể về thời gian của chủ nghĩa hiện đại. Còn đối với một dự án ở Bahamas, anh đã làm những căn nhà gỗ phong cách thuộc địa từ nguồn cảm hứng là nhà ở truyền thống Nhật Bản.
Nguồn tài nguyên kỹ thuật số cũng có ảnh hưởng. “Google là bạn thân của tôi. Chúng ta ai mà chẳng ở đó hàng giờ liền. Nó mở ra vô số cánh cửa”, Dirand thừa nhận.
Hiện giờ, anh đang tập trung vào các dự án mới lạ. “Tôi cố gắng không lặp lại chính mình. Vì vậy sẽ rất khó để tôi thiết kế thêm một căn hộ xa hoa ở Paris. Giờ tôi không còn hứng thú với điều đó”. Dirand nói thêm: “Tôi luôn muốn thực hiện các dự án nhà ở với nhiều tham vọng”. Những cơ hội như vậy cho phép sáng tạo, đổi mới, đi theo đó là sự thoải mái trong chi phí, thời gian và độ phức tạp – những thứ chỉ có thể triển khai trong công trình tư nhân.
Tuy nhiên, Dirand gần như đã chuyển từ thiết kế cửa hàng thương mại và căn hộ lẻ sang khách sạn và nhà cao tầng. Gần đây, anh đã hoàn thành Loulou, một nhà hàng thanh lịch nép mình trong bảo tàng Musée des Arts Décoratifs của Paris, và giành được nhiều giải thưởng cho nhà hàng Monsieur Bleu, nơi sở hữu những băng ghế bằng nhung và đá cẩm thạch trong khuôn viên bảo tàng nghệ thuật đương đại Palais de Tokyo.
“Tôi có cơ hội được chia sẻ công việc của mình,” Dirand nói về lý do muốn tiếp cận những dự án đông người qua lại. “Nhiều cửa hàng tôi thiết kế đã không còn tồn tại nữa do thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm…Tôi có tham vọng tạo ra những nơi sẽ tồn tại trong một thời gian dài và mang lại ký ức mạnh mẽ cho mọi người.”
Gần đây anh đang thực hiện dự án khách sạn Bốn Mùa sẽ mở tại Miami. Dự án được miêu tả bằng mẫu câu quen thuộc như “tạo hình tự do, sang trọng, quyến rũ, mang hơi thở của thập niên 50…” hay “Art deco, màu pastel, hàng cây cọ, nước biển màu ngọc lam, mây trôi trên nền trời xanh thẳm.” Dãy phòng nghỉ cao cấp đã khéo léo làm nổi bật khung cảnh bờ biển xinh đẹp qua những tấm gương cao gần mét sáu, khiến cho tỉ lệ của căn phòng như thay đổi theo.
“Thực sự đã đạt được điều gì đó,” anh nói về quyết định này. Trong phòng tắm, anh cũng kết hợp những chiếc gương cho phép nhìn ra biển từ vòi hoa sen. Dirand còn nghĩ về những chiếc đi văng hình chữ L gắn đá, màu gần trùng với cát để duy trì sự liên tục, giúp mọi người có thể làm bất cứ việc gì mình muốn. “Đó không phải một góc nhìn cụ thể nào. Đó là về cuộc sống,” Dirand mô tả về thiết kế. “Mọi người sẽ ngồi cạnh nhau hoặc làm việc hoặc làm tình. Tất cả đều quan trọng.” Theo cách này, suy nghĩ của Dirand đã đi theo một thước phim ghi lại những chuyển động, cách người ta đi lại trong không gian và những trải nghiệm xảy ra bên trong đó.
“Tôi xử lý kỹ độ tương phản để tạo cảm giác về chiều sâu – việc đó cho phép tôi tự do sắp đặt không gian và ánh sáng, phối cảnh.” Hiểu biết về kết cấu, hình học và ánh sáng biến anh thành phù thuỷ không gian. “Đối với tôi, kiến trúc tốt làm hài lòng bạn khi nhìn thấy nó lần đầu tiên, nhưng rồi sẽ lập tức hoà lẫn vào những khoảnh khắc tuyệt vời đáng nhớ.”
Dirand có cách tiếp cận kỹ lưỡng, cả với các khía cạnh vượt ra ngoài phạm vi căn phòng. Anh quan sát logo, trang web, danh sách nhạc của từng không gian. Anh nếm thức ăn với đầu bếp tại nhà hàng. Anh thực hiện mock-up hoàn chỉnh cho các phòng và thử giường ngủ.
“Tôi sẽ không làm nhà hàng cho một người không biết cách nấu ăn. Bởi vì ngay cả khi tôi làm một công trình kiến trúc tuyệt vời nhất, thức ăn tệ sẽ biến dự án thành một trải nghiệm tệ.” Dirand nói về cách tiếp cận của mình với sự tỉ mỉ tuyệt vời. Đó sẽ là một người “có phong cách, nhưng là phong cách của riêng mình. Người đó chú ý đến từng chi tiết trong cuộc sống về mặt thẩm mỹ, để tạo ra một cuộc sống tươi đẹp. Có thể nói là quan tâm đến tất cả mọi thứ.” Để duy trì một tầm nhìn xuyên suốt, Dirand đã làm việc với “những người có tầm nhìn”. “Chúng ta đang sống ở thời điểm mà rủi ro là thứ chẳng ai thích; nhiều người chỉ sao chép những thứ đã có sẵn. Các nhà phát triển vẫn chi trả vì họ biết có thể tiêu thụ. Dù vậy, một người có tầm nhìn có thể sẽ nói rằng: ‘Đúng thế, nhưng sẽ có những người vui lòng trả nhiều tiền hơn để có trải nghiệm tốt hơn.’” Dirand tiếp tục: “Hợp tác với những người có quan điểm tương đồng là rất quan trọng. Một khi bạn tìm thấy những người đó, bạn sẽ tiếp tục làm việc cùng họ ở lần khác. Và sau đó bạn gần như không cần tìm kiếm thêm khách hàng nào nữa.”
Quan hệ đối tác tuyệt vời như vậy được kết nối với nhau bằng một tinh thần tự do và tin tưởng. “Tôi cần phải yêu quý khách hàng của mình, cũng như họ yêu tôi. Chọn lọc nghĩa là làm việc với những người cho bạn nhiều tự do hơn, những người cho bạn cơ hội phát triển những điều phi thường.” Để hết lòng với những dự án dài hạn này, anh phải có cảm giác muốn được đầu tư cả cuộc đời mình vào quá trình làm việc.
“Nhịp điệu rất căng thẳng”, anh nói về những cam kết, những chuyến đi và các kế hoạch không ngừng nghỉ. “Tôi cần những người thách thức mình. Tôi thích những khách hàng khó tính, họ sẽ đánh thức tôi mỗi khi tôi cảm thấy lười biếng.” Thức tỉnh rất quan trọng với quá trình thiết kế, vì Dirand cảm thấy rằng “bạn có thể phát minh lại một thứ hết lần này đến lần khác. Luôn luôn có thể cải thiện, ngay cả về chức năng.”
Khi nói về nhóm của mình, anh mô tả: “Chúng tôi thích các thách thức. Chúng tôi thích nguyên mẫu và muốn thiết kế mọi thứ từ tay nắm cửa, vòi nước, thậm chí chúng tôi còn nghĩ đến việc hợp tác với các thương hiệu để tùy chỉnh tủ lạnh. Bạn cần tìm ra những thách thức buộc bạn phải đi xa hơn, để khám phá và ngạc nhiên trước những thành quả. Chúng tôi làm mọi thứ cho đến khi có được tỷ lệ và màu sắc phù hợp.” Anh nói thêm: “Càng làm nhiều, sự khao khát trong bạn sẽ càng mở rộng. Bạn sẽ tiếp tục thay đổi cho đến khi hài lòng.”
Để duy trì tiêu chuẩn cao như vậy, “Chúng tôi làm việc với những thợ thủ công giỏi nhất mà tình cờ lại là người Pháp (cười). Chúng tôi có một nền văn hóa lâu đời đến nỗi các kỹ năng vẫn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng tôi chưa từng mất kết nối với quá khứ, nhưng chúng tôi cũng học hỏi từ những cái mới.”
Giống như các kỹ năng thủ công được mài giũa qua nhiều thế kỷ mà anh nhắc đến, Dirand coi trọng sự bền bỉ và tuổi thọ. Thay vì xây một tòa nhà bê tông trắng thông dụng, anh ủng hộ vật liệu đá. “Chi phí cao không chỉ để thể hiện vẻ ngoài cao cấp. Một công trình bằng đá thậm chí sẽ còn đẹp hơn qua một thế kỷ, trong khi các công trình khác sẽ xuống cấp sau 10 năm.” Sự nghiêm khắc về chất lượng của Dirand cũng được truyền tới những vị khách anh thu hút: “Tôi biết rằng các khách hàng của tôi rất nhạy cảm với nơi họ sẽ sống. Đó là những gì tôi quan tâm.”
Thật đáng ngạc nhiên là Dirand lại đang thuê nhà. “Nhưng tôi làm lại rất nhiều thứ. Tôi mất sáu tháng làm cửa sổ, trần nhà, sàn nhà, hệ thống sưởi.” Khi mà anh và cộng sự đều có con gái, “Tôi phải tìm một nơi cho hai đứa trẻ và thiết kế không gian riêng cho cuộc sống của chúng tôi.” Một nơi “không quá trống trải khi họ vắng nhà”. Anh không thích trường phái tân cổ điển ở khắp mọi nơi của Paris, thay vào đó anh lựa chọn một biệt thự thế kỷ 17 ở bờ trái sông Seine. Không gian 2.000 mét vuông ở quận 7 được cải tạo với một cầu thang và sảnh tuyệt đẹp, trần nhà 3,6m, sàn gỗ kiểu Versailles với hệ thống sưởi bên dưới các tấm ván, các gờ mái cong và tường được làm bằng thạch cao. “Bạn có đầy đủ công nghệ, sự thoải mái và vẻ đẹp của vật liệu,” Dirand tự hào giới thiệu về ngôi nhà. “Giống như một chiếc piano cao quý”.
Dirand từng chuyển nhà ba lần và lần nào cũng giữ lại những món đồ yêu thích, “Tôi vẫn mua thêm, nhưng về cơ bản đã là hoàn hảo. Tất cả mọi thứ ở nhà đều là đồ sưu tầm: mỗi món đồ gốm, mỗi chiếc gạt tàn.” Anh hiếm khi thay đổi trang trí nhà cửa. Mặc dù anh sắp đặt theo bố cục riêng nhưng anh “không muốn sống trong một bảo tàng, không gian phải thân thiện.” Dirand nói thêm: “Những đứa trẻ vẫn đang chơi đùa xung quanh. Đó là một ngôi nhà hạnh phúc. Những món đồ cũng quý giá đấy nhưng tôi không hành động như thể chúng là như vậy. Có bị vỡ thì cuối cùng chúng cũng chỉ là đồ vật.” Hơn nữa, anh khẳng định: “Tôi không muốn đánh mất sự thoải mái chỉ để đẹp.” Những món đồ đẹp mà không có chức năng thì chỉ được coi là điêu khắc trang trí.
Dirand sưu tầm nghệ thuật cũng như thiết kế, anh thường xuyên tham dự các hội chợ và triển lãm. Thị hiếu của anh nghiêng về chủ nghĩa tối giản và Arte Povera (“nghệ thuật dành cho người nghèo” hay còn gọi với cái tên “Nghệ thuật nghèo”. Đặc điểm của Arte Povera là các nghệ sĩ tận dụng triệt để những vật liệu phổ biến của thời kỳ tiền công nghiệp như: đất, đá, quần áo, dây thừng…). Ông sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ như Sterling Ruby, Jacob Kassay và Lawrence Carroll; gần đây anh đã mua của Sergej Jensen và Jannis Kounellis. “Một món tốt để lâu sẽ càng có giá trị nhưng nếu bạn không có ý định bán thì bạn cũng không cần bận tâm.”
Các thói quen của anh khi ở nhà, bên cạnh nước ép cà rốt vào buổi sáng, là làm việc cùng cộng sự Anne-Sophie Bilet, giám đốc sáng tạo của các nhà hàng và là một DJ. “Cô ấy làm nhạc còn tôi thiết kế. Chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi làm khi ở cùng nhau, mà không cùng nhau.” Anh giải thích: “Chúng tôi làm việc đến khuya trong phòng khách, tôi ngồi vẽ trên chiếc bàn thấp. Bản vẽ các dự án được đặt quanh tấm thảm. Ngày hôm sau tôi sẽ đem chúng đến văn phòng,” Dirand kéo ra một chiếc hộp “cùng lúc đó, Anne-Sophie tìm nguồn nhạc và hoà trộn âm thanh.”
Tác giả
Sarah Moroz
Ảnh
Lasse Fløde
Biên dịch
Hạnh Nguyễn
Nguồn
Kinfolk
Mặc dù họ thường xuyên di chuyển cả vì công việc và du lịch, đối với Dirand: “Nơi chúng tôi thích nhất trên trái đất là ngôi nhà. Nhà là nơi truyền cảm hứng và khiến bạn là chính mình.” Anh nói thêm: “Một vài ngôi nhà của tôi đã làm thay đổi thẩm mỹ, lối sống và kỳ vọng của những người sống trong đó. Khi bạn có con nhỏ, nếu trước đây bạn thường đối diện với một bức tường thì bây giờ mọi người có thể ngồi cùng nhau ở mọi nơi, thoải mái hơn, những đứa trẻ cũng có không gian chơi đùa… mọi thứ tạo ra một cuộc sống tốt hơn.”
Dirand chưa bao giờ nghiên cứu về phong thủy, “nhưng tôi khá chắc rằng những gì chúng tôi đang làm là phong thủy, vì phong thủy hiểu theo một nghĩa nào đó là sự sáng sủa trong không gian nội thất.” Hay nói cách khác, “thiết kế cần phải phóng khoáng. Bạn là người tạo ra những khoảnh khắc trong cuộc sống. Chính bạn tạo ra niềm vui.”