Trần Đại Nghĩa

Tác giả cuộc trò chuyện này biết đến văn phòng kiến trúc NH Village từ năm 2018. Sau này, tác giả cùng với NAG Triệu Chiến có dịp cộng tác cùng kiến trúc sư Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Phương Hiếu khi chụp hình một số dự án của họ ở Việt Nam.

Mỗi dịp gặp gỡ, tác giả lại ghi chép được một số góc nhìn, suy nghĩ trong mỗi giai đoạn thực hành kiến trúc của NH Village. Nội dung bên dưới tổng hợp giai đoạn từ 2018 – 2022 mà chúng tôi đã cùng trò chuyện.

Chào anh Nghĩa, nếu không làm kiến trúc sư, anh nghĩ mình sẽ làm gì?

Nếu không làm kiến trúc sư có lẽ tôi đã là một nhà khoa học, nghiên cứu về Toán học hoặc Sinh vật học. Từ ngày nhỏ, tôi đã rất thích khoa học, những năm cấp 3 tuy theo học Khối chuyên Toán nhưng tôi lại có tình yêu lớn với môn Sinh học và bây giờ vẫn vậy.

Tại sao anh lựa chọn trở thành kiến trúc sư? Có phải do mong muốn từ bản thân, hay được gia đình định hướng, hay đơn giản chỉ là một sự vô tình?

Trở thành kiến trúc sư với tôi hoàn toàn là một sự tình cờ. Tôi trúng tuyển vào Đại học Xây dựng Hà Nội, học khoá Kĩ sư chất lượng cao đầu tiên do Pháp tài trợ. Đây là chương trình được tổ chức chung cho 4 trường Đại học thời đó gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây Dựng Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhưng không có chuyên ngành Kiến trúc. Sau 2 năm đầu học đại cương thì sinh viên có thể chuyển sang bất kì trường nào.

Tuy nhiên sau học kì đầu năm thứ nhất, tôi quyết thi để đi du học, và tôi chọn Nhật Bản. Sang tới nơi, trong hồ sơ nguyện vọng đăng kí ngành học, tôi chỉ ghi chú chung chung là ngành Xây dựng mà không để ý rõ trong ngành Xây dựng họ chia ra ngành kiến trúc (Architecture) và ngành hạ tầng (Civil Engineer). Lớp có 5 người được sang Nhật du học năm đó thì mình tôi được sắp xếp sang ngành Kiến trúc. Thực sự ban đầu tôi rất lo lắng, nhưng các thầy ở trường khuyên tôi cứ đi để được đến một môi trường mới, có cơ hội nhìn nhận ra nhiều thứ khác.

Anh kể về quá trình đi học kiến trúc của mình được chứ?

Ban đầu, tôi được bố trí học tại khoa Kiến trúc tại một trường Cao đẳng ở Nhật Bản với dự định sau khi tốt nghiệp xong sẽ chuyển tiếp lên Đại học, đấy là con đường phần lớn du học sinh sang Nhật thời đó phải đi qua.

Năm đầu tiên học tiếng ở Tokyo, tôi cũng gặp gỡ một số người Việt học kiến trúc khóa trên, họ khuyên tôi nên dành thời gian đi xem những công trình kiến trúc tiêu biểu ở Nhật. Tham khảo gợi ý đó nên tôi cũng chủ động đi thăm để thấy trực tiếp và mua sách của nhiều kiến trúc sư người Nhật, nội dung chủ yếu đề cập về quá trình học tập và hành nghề của họ. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với cuốn “Các kiến trúc sư tuổi 20”. Cuốn sách này được kiến trúc sư Tadao Ando chủ biên, ông đã mời 6 kiến trúc sư tiêu biểu từ nhiều nước trên thế giới đến nói chuyện với sinh viên Đại học Tokyo rồi tổng hợp viết thành sách. Những nội dung trong đó có tác động nhiều đến quá trình tự học của tôi.

Hoàn thành việc học ở Tokyo, tôi tới trường Cao đẳng Kĩ thuật Ishikawa, trường nằm ở vùng nông thôn của Nhật Bản. Thầy chủ nhiệm phụ trách tôi trong quá trình học tập ở trường là một người rất sôi nổi, yêu lý luận kiến trúc và thường xuyên nói chuyện, đặt vấn đề cho sinh viên giải quyết. Thầy đặc biệt thích kiến trúc sư Luis Kahn và đã tổ chức nhiều buổi Seminar nghiên cứu về công trình và quan điểm của vị kiến trúc sư này. 3 năm ở đây, tôi được học nhiều kiến thức thực tiễn hơn là lý thuyết kiến trúc và mỗi khi tới kì nghỉ, tôi lại đi thăm một số công trình khác trên khắp nước Nhật, có lúc đi một mình, đôi khi có bạn đi cùng.

Kiến trúc sư Trần Đại Nghĩa

Ảnh
NVCC

Thực hiện
Trần Trung Hiếu

Vì ban đầu chưa xác định mình sẽ làm kiến trúc sư mà chỉ muốn làm kĩ sư trong ngành kiến trúc nên tôi dành nhiều thời gian học các nguyên lý kết cấu. Cho đến năm cuối, sau khi thi đỗ chuyển tiếp lên Đại học Tokyo, tôi mới xác định theo thiết kế kiến trúc. Tôi có may mắn được học kiến trúc sư Hiroshi Naito một kì năm thứ 4 và sau này khi theo học cao học, tôi quyết định thi chuyển tiếp vào phòng nghiên cứu của ông ở Nhật Bản.

Quá trình đi học ở Nhật giúp tôi rèn được tính thực tiễn, thứ gì cũng cần hình dung cụ thể và phải làm thật để thấy và hiểu rõ vấn đề gặp phải. Tôi cũng học được tính tự phản biện, nhìn vấn đề qua nhiều lớp. Cách nhìn và giác quan của người Nhật với sự vật hiện tượng, với thiên nhiên hết sức độc đáo, vì thế ở Nhật có rất nhiều thiết kế gần gũi với thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng, tôi thích cách tư duy và sử dụng vật liệu của họ.

Công trình bảo tàng Sea-Folk. Nguồn ảnh: tatlerasia

Công trình đầu tiên mà anh nhìn nhận là kiến trúc, đó là công trình nào?

Công trình đầu tiên gây ấn tượng với tôi nhất là Sea-Folk Museum của kiến trúc sư Hiroshi Naito. Một kết cấu gỗ rất tuyệt vời. Tôi vẫn nhớ bầu không khí nơi đó. Ngày tôi ghé thăm thì công trình đã hình thành được 15 năm, nhưng mình không có cảm giác về thời gian khi đặt chân tới, như thể công trình đã tồn tại rất lâu trước đó.

Công trình bảo tàng Sea-Folk. Nguồn ảnh: tatlerasia

Từng học ở Việt Nam, sau đó qua Nhật theo chương trình học bổng, rồi anh trở về Việt Nam mở văn phòng kiến trúc để hành nghề. Anh có thể chia sẻ những điểm tương đồng giữa kiến trúc hai nước Việt Nam và Nhật Bản?

Tôi thấy Việt Nam và Nhật Bản đều có những công trình truyền thống sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, đất. Tất cả đều thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam hiện nay, có không ít kiến trúc sư đã và đang thiết kế các công trình mới nhưng vẫn tôn trọng và sử dụng những yếu tố thiên nhiên ban tặng như cây xanh, ánh sáng và gió. Đây là những đặc điểm khá tương đồng với kiến trúc Nhật Bản.

Ai là người truyền nhiều cảm hứng làm kiến trúc tới anh?

Mỗi kiến trúc sư tôi được học qua sách vở hay tiếp xúc trực tiếp đều cho tôi góc nhìn về kiến trúc rất khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là cảm hứng làm nghề. Thời gian đầu, kiến trúc sư Tadao Ando là người truyền nhiều cảm hứng cho tôi, tôi đã đọc rất nhiều sách của ông và tận mắt đi xem những công trình được ông thực hiện. Thời gian thực tập, khi gặp và học trực tiếp với kiến trúc sư Hiroshi Naito thì tôi thấy được ở ông cách ứng xử với truyền thống và văn hóa, nơi chốn và giác quan về vật liệu, cấu tạo và con người, trách nhiệm xã hội…Sau khi tốt nghiệp và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Hiroshi Naito, tôi lại học được ở ông tính lạc quan và niềm vui trong công việc, học cách nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn và sâu sắc hơn. Sách của kiến trúc sư Luis Kahn về cách tư duy kiến trúc luôn là đầu sách yêu thích của tôi. Nói chung, họ đều mang tới cho tôi nguồn cảm hứng không bao giờ cạn khi thực hành kiến trúc.

Kiến trúc sư Trần Đại Nghĩa và kiến trúc sư Hiroshi Naito

Anh hãy nói kĩ hơn về giai đoạn thực tập tại văn phòng kiến trúc sư Hiroshi Naito và những một dự án nổi bật anh thực hiện tại Nhận Bản?

Hiroshi Naito là một kiến trúc sư đặc biệt ở Nhật Bản, là kiến trúc sư đầu tiên chuyển qua dạy tại khoa Cơ sở hạ tầng. Ông thấy trong hoạt động giáo dục ngày đó, môn học về kiến trúc, đô thị và cơ sở hạ tầng bị chia thành các ngành nhỏ và có xu hướng xa rời nhau. Naito cho rằng đó là điều bất cập và gián tiếp tạo nên một bộ mặt đô thị lộn xộn. Ông muốn kết nối các ngành nghề liên quan đến xây dựng để tương lai hướng tới một lớp trẻ có góc nhìn rộng hơn về các chuyên ngành. Trong phòng nghiên cứu của ông có cả sinh viên xuất thân từ khoa Kiến trúc, khoa Quy hoạch, khoa Cầu đường, khoa Xã hội học… Chúng tôi được va chạm và nghe rất rộng về các chủ đề khác nhau. Tôi rất thích trải nghiệm đó. 

Giai đoạn thực tập ở phòng nghiên cứu, tôi còn chủ động xin đến thực tập ở văn phòng của ông một thời gian. Trái lại với sự thoải mái ông thể hiện ở trường thì Naito lại rất nghiêm khắc lúc ở văn phòng làm việc.

Về tư tưởng thiết kế, ở Nhật Bản, các kiến trúc sư hàng đầu có thiên hướng tiếp cận các công trình như những tác phẩm. Nhưng Hiroshi Naito né tránh đề cập đến tính tác phẩm trong công trình của mình. Ông thường tư duy về bầu không khí mà con người cảm nhận nơi đó, đặt thêm trục thời gian vào thiết kế song song với không gian. Các công trình của Naito thường đặt ở những nơi xa xôi trên đất Nhật, chỉ một số ít được thấy tại các khu trung tâm. Công trình của ông luôn kết nối kỹ thuật xây dựng hiện đại cùng các yếu tố văn hóa, cảnh quan để tạo thành khối thống nhất. Tính kỹ thuật kết hợp tính nhân văn cộng với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp có lẽ là những đặc điểm tôi cảm nhận được nhiều nhất từ kiến trúc sư Hiroshi Naito.

Luận văn của tôi có chủ đề “Không gian và tập tính sinh hoạt của Làng cổ Phước Tích trong mùa lụt” được ông hướng dẫn.

Nhà hàng Akaari Premium.

Ảnh
Hiroyuki Oki

Tôi thấy anh rất quan tâm đến yếu tố bản địa, vật liệu địa phương, tay nghề thợ thủ công Việt Nam và luôn cố gắng đưa những điều trên vào trong mỗi công trình NH Village đã và đang thực hiện. Điều gì khiến anh có lối tiếp cận kiến trúc như vậy?

Tôi có một sở thích đặc biệt với các đồ thủ công đan lát của Việt Nam vì ngoài chất liệu tự nhiên, tạo hình của chúng cũng hết sức đa dạng và đẹp. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, khi còn nhỏ thường xuyên được tiếp xúc và chơi với những món đồ như vậy. Ngày mới về nước, tôi cũng hay tới thăm những làng nghề để xem và quan sát sự khéo léo của đôi tay người thợ thủ công địa phương. Tìm cách đưa chất liệu của họ vào trong kiến trúc mình thiết kế.

Công trình nhà hàng Kimono ở Hà Nội là một điển hình giúp tôi nhận ra một thực tế. Người thợ Việt Nam làm đồ vật dụng hoặc dự án quy mô nhỏ sẽ dễ kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nhưng khi tham gia vào công trình kiến trúc hoặc nội thất, họ ngay lập tức bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đó khiến tôi phải tư duy về cách vẽ, cách làm và cách phối hợp thi công cùng thợ.

Nhà hàng Kimono

Ảnh
Hiroyuki Oki

Kiến trúc truyền thống Việt Nam có ý nghĩa như nào với anh? Vì sao?

Kiến trúc truyền thống cho tôi nhiều gợi ý. Xã hội luôn vận động, thay đổi và những công trình kiến trúc luôn là kết tinh của những gì tinh hoa nhất mỗi thời kỳ. Khi tiếp cận và tìm hiểu về kiến trúc truyền thống, ta sẽ thấy rõ kinh nghiệm của cha ông về việc thích ứng với môi trường, khí hậu, cách sử dụng vật liệu rất hiệu quả.

Nhìn cách NH Village thiết kế và sử dụng vật liệu thông qua một số công trình nhà ở, chúng tôi khá ấn tượng với cách anh đưa tự nhiên vào bên trong công trình, thậm chí còn giữ lại để sử dụng. Anh có thể chia sẻ kĩ hơn về điều này thông qua một số công trình nhà ở. Liệu có phải đó là một hướng tiếp cận kiến trúc bền vững hay đơn giản chỉ là việc tiết kiệm và tối ưu năng lượng cho công trình?

Đứng ở góc độ xã hội thì việc tạo ra một công trình tiết kiệm và tối ưu năng lượng là một đóng góp hết sức thực tế, có thể coi là một trong những yêu cầu cơ bản của hiện nay, thời điểm mà vấn đề môi trường trở lên hết sức cấp thiết. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để giảm thiểu các tác động đến môi trường nhiều nhất có thể. Tuy vậy, việc tiết kiệm năng lượng chỉ là bước khởi đầu trong hành trình kiến tạo một công trình, mục đích cuối cùng của NH Village vẫn là tạo lập môi trường sống cho con người. Việc đưa nhiều yếu tố tự nhiên như gió, ánh sáng, nước mưa…vào công trình cũng là để đưa con người tương tác nhiều hơn với thiên nhiên trong bối cảnh đô thị chật hẹp.

Nhà cho Mưa là một ví dụ, chủ đầu tư muốn tái sử dụng nước mưa càng nhiều càng tốt, vì việc cung cấp nước máy tại khu vực đó chưa thực sự ổn định, ngoài ra gia đình họ cũng rất thích dùng nước mưa, có lẽ do tập quán sinh hoạt. Giải pháp của chúng tôi không chỉ biến quá trình tái sử dụng nước mưa thành một ý tưởng kiến trúc mà còn đưa được cả mưa, ánh sáng và gió tự nhiên vào bên trong công trình, giúp căn nhà tiết kiệm được 1/3 mức tiêu thụ điện năng so với hộ gia đình có cùng quy mô.

Diagram nhà cho mưa

Ảnh
NH Village

Công trình nhà X ở Phú Thọ lại có hướng tiếp cận khác trong cách sử dụng vật liệu khi dùng những cây gỗ có vòm sinh trưởng nhanh, được xử lý để vật liệu bền vững cùng tuổi thọ công trình. Qua tìm hiểu và trò chuyện với người dân ở Hưng Yên, chúng tôi được biết trong mỗi nhà thường trồng vài cây gỗ xoan sau vườn, mục đích chính để sau dùng làm nhà, cây có tuổi đời khoảng 20 năm có thể làm. Nếu đời bố trồng thì đến đời con có thể khai thác được. Tôi thấy đây là một câu chuyện thú vị và bắt đầu nghĩ về cách sử dụng loại gỗ này với cách nghĩ hướng đến tính bền vững. Gỗ xoan khi ngâm nước và sử dụng đúng cách sẽ bền cả trăm năm. Tôi tìm hiểu nhiều loại gỗ khác thấy cũng tương tự.

Nhà X

Ảnh
Hiroyuki Oki

Anh nghĩ sao về kiến trúc Việt Nam thời điểm hiện tại?

Thời điểm hiện tại, tôi thấy kiến trúc Việt Nam khá thú vị. Trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đã tạo nên một môi trường hết sức thuận lợi để chủ đầu tư hàng ngày được cập nhật các tin tức, xu hướng mới nhất. Vì vậy yêu cầu của họ với kiến trúc sư cũng dần cao lên. Kiến trúc sư dễ dàng tiếp xúc với kiến trúc thế giới nhờ các phương tiện truyền thông như mạng xã hội hoặc báo chí.

Tuy nhiên, tôi thấy chất lượng tương tác giữa mọi người về kiến trúc vẫn thiếu chiều sâu. Quá trình ra đời và hình thành một công trình theo tôi quan trọng hơn việc kể chuyện về các công trình qua những bức ảnh hoặc thước phim sau khi công trình đã hoàn thành. Việc đánh giá kiến trúc cần được đa dạng hóa, không nên đóng khung vào một khẩu hiệu hay một xu thế nào đó, nên đánh giá tính đột phá theo chất lượng thiết kế của bản thân công trình. Người liên quan đến nghề cũng cần hình thành văn hóa phê bình kiến trúc để có thể thảo luận rộng, sâu và đa chiều.

Nhà cho mưa

Ảnh
Hiroyuki Oki

Theo anh, điều mà kiến trúc nói chung phải đối mặt trong 20 đến 50 năm tới là gì?

Dễ nhận thấy nhất đó là việc công nghệ luôn thay đổi chóng mặt nhưng kiến trúc thì chậm hơn rất nhiều.

Ở các nước phát triển, mọi người quan tâm đến nhiều vấn đề như môi trường, tái sử dụng hoặc cải tạo vì nhu cầu xây mới không nhiều, vấn đề cải tạo và tái sử dụng vật liệu theo tôi là một thách thức lớn.

Ở Việt Nam, chúng ta có một vài vấn đề trong tương lai, đơn cử như việc cảnh quan đô thị cần cải thiện vì thời gian qua có lẽ chúng ta không chú ý đến điều này hoặc cố tính bỏ qua. Chúng ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần để giải bài toán ngược lại với xu thế xây dựng bùng nổ như hiện nay. Hệ giá trị đánh giá chất lượng công trình kiến trúc có thể không chỉ là không gian nữa mà thời gian sẽ được xem trọng. Khi quan sát nước Nhật, tôi cảm thấy rõ nét điều này.

Nhà X

Ảnh
Hiroyuki Oki

Theo anh, vai trò của kiến trúc sư trong xã hội ngày nay là gì?

Cá nhân tôi hay đặt mình vào trường hợp xấu nhất, đó là khi nền kinh tế gặp khủng hoảng thì kiến trúc sư có việc gì để làm không và có ai đặt hàng mình không ?!

Tôi luôn muốn quay về điểm xuất phát đó để tự soi lại công việc của mình. Thực tế trong xã hội, mọi người tìm tới bác sĩ hoặc luật sư khi họ đối mặt với sự bất an, nhưng mọi người thường tiếp cận với kiến trúc sư khi họ đang ở trạng thái hạnh phúc, hiểu đơn giản tức là cuộc sống của họ đang có nhiều điều kiện. Kiến trúc sư sẽ thấy vai trò của mình rõ nhất trong xã hội nếu đặt mình vào vị trí của người bác sĩ hay luật sư.

Nhà gạo

Ảnh
Triệu Chiến

Công trình hay loại công trình nào anh luôn mong muốn được làm nhất?

Cái này tôi nghĩ thực tế phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư, đôi khi là chính mình. Thời điểm này ở Việt Nam, làm việc với các chủ đầu tư tư nhân khá thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi thực sự muốn được làm các công trình công cộng và cảnh quan, đóng góp cho sự cải thiện chất lượng môi trường sống trong đô thị. Hiện NH Village vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và tìm kiếm cơ hội.

Anh nghĩ sao về hoạt động đào tạo kiến trúc tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại? So với thời anh đi học và với môi trường đào tạo tại Nhật Bản thì chúng ta nên cải thiện điều gì?

Thời điểm này, việc đào tạo kiến trúc ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với thời tôi đi học trước đây. Sinh viên hiện nay có nhiều cơ hội tiếp xúc và thực tập trong các văn phòng kiến trúc bên ngoài trường, nhưng trong trường vẫn tồn tại thực trạng số lượng sinh viên đào tạo trên một giáo viên là quá lớn, khó cải thiện chất lượng hướng dẫn đồ án.

Ở Nhật Bản, hệ thống trường đại học đào tạo chuyên ngành kiến trúc họ nhận ít sinh viên, như trường Đại học Tokyo nơi tôi từng học, mỗi khóa có đúng một lớp với khoảng 40 sinh viên. Mỗi sinh viên trong một đồ án được trao đổi với nhiều kiến trúc sư, giảng viên, được rèn luyện khả năng diễn đạt và thuyết trình rất tốt. Tôi cũng từng được làm thỉnh giảng ở Đại học Xây dựng Hà nội một thời gian và thấy sinh viên ít có cơ hội được thuyết minh vì lớp quá đông sinh viên, các thầy chỉ chọn một vài đồ án tốt nhất để trình bày. Tôi thấy nâng cao năng lực thuyết trình, diễn giải kể cả bằng bài viết hoặc bằng lời là một điểm sinh viên Việt Nam rất cần được rèn luyện. 

Một câu nói về kiến trúc mà anh luôn tâm đắc?

GOD live in the details – Ludwig Mies van der Rohe.

Cảm ơn kiến trúc sư Trần Đại Nghĩa đã dành thời gian cho chúng tôi!