Studio của Vì Thị Thu Trang nằm trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội, yên tĩnh và ấm cúng. Bước vào không gian thô mộc của vải bông, vải lanh, bức “Cá chép vượt vũ môn” (tranh Hàng Trống, sáp ong trên vải) gợi cho vị khách mới đến nhiều tò mò.
Tiếp đón tôi bằng một ấm trà nóng, Trang Vi bắt đầu câu chuyện về hành trình của mình mà theo chị có thể gói gọn trong một câu: “Mọi con đường đều dẫn về thành Rome.”
Chị có diễn giải gì về câu nói đó, “Mọi con đường đều dẫn về thành Rome”?
Trang Vi: Mình thích vẽ từ khi biết cầm bút, vẽ liên tục đến bây giờ vẫn vẽ, không biết chán là gì. Lớn lên giữa thiên nhiên, mình sớm có thiên hướng cảm nhận, quan sát và thu thập hình ảnh. Việc đó quen thuộc với mình đến nỗi mình không nghĩ mình thích nó đâu, không nghĩ tới chuyện lớn lên mình sẽ làm gì với nó. Chẳng qua mình thích cái đẹp, thích rồi thì muốn vẽ lại. Khi phải chọn một nghề, mình chọn kiến trúc vì hồi đó nghĩ đơn giản, kiến trúc liên quan đến vẽ. Học xong mình cũng đi làm như ai nhưng sau một thời gian thấy vẫn chưa đúng lắm, mình bỏ kiến trúc về mở quán theo mô hình coffee & pub, rồi có đợt làm đồ da, trải nghiệm lung tung cả.
Hồi còn đi làm mình có để ý đến vải ứng dụng trong kiến trúc và bắt đầu nghiên cứu về vải. Vải thủ công đã thu hút mình, tính mình mà, vốn thích những gì gần với tự nhiên, làm ra từ bàn tay con người. Thế là mình về quê làm vải với một chị nghệ nhân người Thái. Ban đầu chỉ nghĩ làm cho vui, giúp chị ấy thiết kế vì mình thấy chất vải bông của người Thái rất đẹp, có độ cảm, năng lượng tích cực, họa tiết đặc trưng nhưng thiếu vai trò của người thiết kế, dẫn đến tổng thể sản phẩm chưa có tính thẩm mỹ. Sau khi cải thiện được mặt đó, sản phẩm đã đẹp hơn thì mình lại giúp chị ấy mang xuống Hà Nội bán, rồi cứ thế làm thôi. Mình cũng bắt đầu để ý đến văn hóa và kỹ thuật làm vải của những dân tộc khác sống gần gũi với mình trong địa phương như người H’Mông, người Dao và rất muốn có cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa của họ.
Năm 2017 Hội đồng Anh tổ chức cuộc thi “Crafting Future” – “Tương lai của các ngành nghề truyền thống Việt Nam” cùng thời điểm mình đang tìm hiểu về vải lanh của người H’Mông, mình đăng ký luôn đề tài này để dự thi, lấy tên là “Thổ cẩm ta”. Từ sau cuộc thi mình tiếp tục học hỏi các kỹ thuật làm vải của người Dao, người Tày, tìm điểm giao thoa giữa các nền văn hóa để tìm ra hướng đi phù hợp cho bản thân và mong muốn cải tiến vải dệt người Thái.
“Mọi con đường đều dẫn về thành Rome”, từ bé mình luôn có tâm niệm sẽ trở về quê hương và đúng thật, mình đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nền văn hóa, làm các loại công việc khác nhau nhưng con đường mình đi một lần nữa dẫn mình về với cội nguồn. Sau một thời gian phát triển với vải lanh của người H’Mông, mình quyết định sản xuất chậm lại và về quê mở xưởng, khôi phục lại nghề dệt vải bông từ sợi nguyên gốc tại địa phương.
Triển lãm “Thổ Cẩm Ta” do Artistay tổ chức cùng Trang Vi
Địa điểm
MIA Design Studio
Đường Cao Đức Lân, An Phú, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
Thời gian
01.2021
Ảnh
Trần Trung Hiếu
Điều gì trực tiếp dẫn đến quyết định chuyển hướng đó của chị? Có phải vì thực trạng bối cảnh văn hóa ở quê hương?
Mình nhận ra đây là thời điểm thích hợp để mình quay về gìn giữ và phát triển nghề dệt vải bông của người Thái ở Vân Hồ, Sơn La. Người Thái có điểm mạnh nằm ở kỹ thuật tạo hoa văn từ dệt (điển hình là hình kỷ hà, có nhiều nét tương đồng với văn hóa Bắc Âu) và kỹ thuật nhuộm màu sặc sỡ. Tuy nhiên, khoảng mấy chục năm nay người Thái đã không còn giữ được kỹ thuật nhuộm phẩm tự nhiên cho vải do du nhập phẩm màu từ Lào và Trung Quốc, các kỹ thuật khác cũng dần mai một, sợi vải đang dùng phổ biến là sợi vải công nghiệp, chất lượng kém hơn trước rất nhiều. Đời sống văn hóa lai tạp, tuy vẫn còn nhà sàn nhưng từ thế hệ mình trở đi dần ít người muốn xây nhà sàn, mặc trang phục truyền thống hay nói tiếng mẹ đẻ nữa.
Sau 3 năm làm việc với cộng đồng người H’Mông, mình đã hiểu tại sao họ có thể lưu truyền kỹ thuật vải lanh truyền thống, giữ được bản sắc dân tộc đến tận bây giờ, từ trang phục truyền thống cho đến đời sống văn hóa. Người H’Mông có lòng tự hào và ý thức mãnh liệt về việc lưu giữ các nét văn hóa dân tộc, thậm chí có phần cực đoan. Cho đến bây giờ người H’Mông luôn sẵn có thùng chàm trong nhà, họ coi thùng chàm như một thành viên gia đình, có linh hồn và đời sống riêng, nhờ đó mà kỹ thuật nhuộm chàm vẫn giữ một vị trí quan trọng trong cộng đồng người H’Mông. Hay như việc người H’Mông có tập tục trồng lanh hằng năm, se sợi dệt vải, nhuộm và may thành trang phục truyền thống. Họ quan niệm rằng người phụ nữ khéo léo phải là người có thể may cho gia đình mình mỗi thành viên ít nhất hai bộ quần áo mỗi năm. Mình rất phục tinh thần đó của người H’Mông và đã học hỏi rất nhiều từ họ, mong muốn đến thời điểm thích hợp sẽ quay về khôi phục nghề dệt thủ công của người Thái cũng như văn hóa dân tộc Thái ở quê hương.
Một điều nữa mình cũng để ý, du lịch là yếu tố tích cực giúp người H’Mông có thể sống bằng chính bản sắc của dân tộc mình, nhất là người H’Mông ở Sapa. Có thể nói rằng khi tinh thần dân tộc của họ gặp các điều kiện thuận lợi như sự phát triển của du lịch trải nghiệm, nền văn hoá đó sẽ không bao giờ mai một mà chỉ có thể sâu sắc hơn.
Nói về câu chuyện văn hóa, có lẽ chỉ khôi phục nghề dệt thủ công của người Thái là chưa đủ?
Đúng vậy, mình sẽ kết hợp nói về văn hóa với người ta nữa, về hướng phát triển du lịch cộng đồng cho đường dài. Nếu chỉ đơn thuần làm ra sản phẩm rồi bán thì câu chuyện về văn hóa cộng đồng dần dà sẽ không còn ai kể lại nữa.
Hiện nay mình đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ cho xưởng, bà con chỉ đợi mình về nữa thôi là sẽ bắt đầu lên khung, cùng nhau học lại các kỹ thuật dệt truyền thống của người Thái, từng bước từng bước một. Dần dần mình sẽ chuyển sang hướng customized (làm theo yêu cầu) là chính, giới hạn về số lượng, tránh sản xuất hàng loạt và dư thừa, lãng phí.
Vậy chị có suy nghĩ gì về làn sóng Substainable Fashion (thời trang bền vững) trên thế giới và Việt Nam, khi ngày càng có thêm các Local Brand (thương hiệu nội địa) tỏ ra quan tâm đến vải dệt thủ công, vải từ sợi tự nhiên, sợi hữu cơ? Theo chị đó có phải hiện tượng mượn danh để marketing cho sản phẩm của mình?
Đối với mình việc đề cao yếu tố bền vững trong may mặc không phải một trào lưu nhất thời, mình cho rằng đó là xu hướng tất yếu của thời trang nói riêng và các ngành sản xuất nói chung. Phương thức sản xuất công nghiệp hay sản xuất hàng loạt sẽ dần bị đào thải thôi, Trái Đất đang quá tải và con người không thể tiếp tục lối tiêu dùng nhanh đó mãi. Sớm muộn chúng ta sẽ quay về với tiêu dùng chậm, số lượng có hạn với các sản phẩm bền bỉ, chất liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là tinh thần mà mình mong muốn hướng tới, đúng với mình nhất sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm.
Mặt khác đối với số đông hiện nay mình có nhận thấy rằng các bạn coi thời trang bền vững là trào lưu và đang đơn thuần chạy theo trào lưu. Nhưng nhìn vào khía cạnh tích cực, ít nhất các bạn đã có khái niệm đầu tiên về sustainable fashion và có thể đang hiểu chưa đúng về bản chất của nó trong giai đoạn mới bắt đầu, khi các khái niệm cơ bản còn lộn xộn. Mình hy vọng sau khi kiên trì, nghiêm túc với thời trang bền vững, các brand sẽ tìm được hướng đi lâu dài và đúng nhất với danh xưng đó. Mình cũng tin là người tiêu dùng hiện đại đủ thông minh để nhận biết, phân biệt và tẩy chay các brand hành xử thiếu nhất quán với triết lý kinh doanh của mình.
Chị đánh giá thế nào về mức độ quan tâm trên thực tế của khách hàng hiện nay đối với các sản phẩm dệt thủ công từ sợi tự nhiên?
Phần lớn khách hàng vẫn ưa chuộng hàng công nghiệp hơn, như một thói quen tiêu dùng. Và có phần lý do không nhỏ đến từ một bộ phận người làm ra sản phẩm dệt thủ công ở Việt Nam: tổng thể sản phẩm tốt hơn mặt bằng chung nhưng sản xuất khép kín, xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài hoặc chỉ gia công cho người nước ngoài, khiến khách hàng trong nước không tiếp cận được những mặt hàng chất lượng cao. Ngoài ra có nhiều sản phẩm tự phát của người dân bản địa – họ tự làm để bán cho khách du lịch. Cá nhân mình thấy những sản phẩm này chất lượng chưa tốt, khách mua chủ yếu vì lạ mắt, giá rẻ. Hiên nay cũng có vài thương hiệu đang cố gắng chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và bán các sản phẩm ứng dụng từ vải thủ công nhưng còn gặp nhiều vấn đề: thiếu tính thiết kế, chất lượng vải không đồng đều, thị trường trong nước chưa đón nhận rộng rãi và giá thành cao.
Dần dần khách hàng trong nước chỉ biết đến những mặt hàng như vậy và có ấn tượng không tốt về hàng thủ công, mình cũng chẳng trách họ được. Người ta chưa thấy đẹp, chưa thấy yêu là đúng rồi. Mình cũng từng là một vị khách bị từ chối khi muốn tiếp cận một Brand thổ cẩm chỉ bán cho người nước ngoài, mình hiểu cảm giác đó.
Thậm chí trước đây người thợ thủ công làm ra cũng không được dùng sản phẩm của mình, không được tự trải nghiệm, hoàn toàn đem đi bán hết. Với mình thì khác, mình đang cố gắng để người thợ sử dụng chính những tấm vải từ bàn tay họ dệt ra, cho họ hiểu thứ mình đang làm, đặt mình vào đó, gắn bó và có tình cảm sâu sắc với nó. Nghề thủ công là như vậy mà, gốc gác sâu xa nằm ở nền kinh tế tự cung, tự cấp. Mình luôn muốn đưa mọi thứ về cội nguồn ban sơ của nó.
Có thể thấy đó là một quãng đường dài hơi và bền bỉ của chị: từ nghiên cứu, thực hành dệt vải thủ công với dân tộc bản địa, sau đó phát triển theo những hướng khác nhau để tìm ra con đường cho hiện tại. Chắc hẳn cũng không ít thời điểm khó khăn?
Đúng vậy, đã có một thời gian mình bỏ cuộc, dừng hẳn lại. Mình gặp rất nhiều vấn đề do con người mình vốn có thiên hướng làm nghệ thuật hơn là kinh doanh. Mình cũng khá cực đoan trong việc làm nghề, mình không muốn và không thể làm trái lại với bản thân để xuôi theo thị trường, chỉ tập trung vào yếu tố kinh doanh. Thời điểm đó mọi người chưa chú ý đến các sản phẩm thủ công hay sản phẩm từ chất liệu tự nhiên, việc tiêu thụ khó khăn lắm, mình phải tự giải quyết tất cả vì không tìm được người đồng hành nào.
Nhưng nhờ việc dừng lại mà mình có thời gian đi nghiên cứu về văn hóa cộng đồng dân tộc, rồi nhận ra những kiến thức mình thu nạp được vẫn liên quan đến các nghề thủ công, trong đó có dệt vải nhưng với một góc nhìn khách quan, rõ ràng hơn. Một lần nữa “mọi con đường đều dẫn về thành Rome”. Khách hàng, bạn bè cũng nhắc mình nhiều, mình tự thấy mình đang phản bội chính mình và niềm tin, tình yêu của mọi người. Thế là mình lại làm, lần này với một góc nhìn mới, sáng suốt hơn, không bị cuốn theo như trước kia.
Cho đến thời điểm hiện tại mình khá tự tin vào bản thân, vào con đường phía trước. Mình ấy hả, không thành công thì cũng thành nhân rồi.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Thực hiện
Hoàng Hương Trà