Từ những năm 1960, không gian dành cho thời trang và khiêu vũ dường như chồng chéo lên nhau thông qua các dự án thiết kế không tưởng và đẹp: chúng tôi đã theo dõi hành trình này xuyên suốt kho lưu trữ của Domus.
Mặt tiền những cửa hàng ở London. Ảnh: Domus 480, tháng 11 năm 1969
Trong thời kỳ phát triển đỉnh cao của ngành rượu và sự phục hưng của ngành thời trang nước Ý đang ảnh hưởng khắp thế giới, vào tháng 3 năm 1985, tạp chí Domus số 659 từng chia sẻ:
Các cửa hàng thời trang đang trở thành một hiện tượng gắn liền với lĩnh vực thiết kế và trang phục, chúng thực sự là nhân vật chính mà quần áo chỉ là một khía cạnh nhưng không phải là tất cả.
Tuy nhiên, mối quan hệ cộng sinh giữa kiến trúc, thiết kế và thời trang cao cấp không phải là chuyện phù du như mùa thời trang ở Milan những năm 1980 mà là một hành trình quyết liệt và gắn bó. Trong những năm qua, xuất phát từ phép màu kinh tế sau Thế chiến thứ hai, cửa hàng thời trang đã trải qua một loạt các biến đổi do sự thúc đẩy và phát triển của xã hội cùng với sự kết nối giữa thiết kế và kiến trúc.
Cửa hàng thời trang Max Mara năm 1968. Ảnh: Domus 465
Theo Domus 460, quá trình này đã được kích hoạt ngay từ những năm 1960, đó là sự đảo ngược quan điểm và vai trò: nhà thiết kế trở thành kiến trúc sư và kiến trúc sư trở thành nhà tạo mẫu cho không gian, “biến thiết kế nội thất trở thành sự bắt chước phong cách theo mùa”. Theo tạp chí do Gio Ponti xuất bản, Paco Rabanne là người khởi xướng cuộc cách mạng này và ông được biết đến là “kiến trúc sư coi phụ nữ là vũ khí” vì mong muốn giải phóng cơ thể phụ nữ thông qua “thiết kế trang phục”.
Tiệm may ở Milan năm 1968. Ảnh: Domus 465
Nếu vào đầu những năm 1960, cửa hàng là một môi trường thân mật và thiết yếu, đáp ứng nhu cầu thực dụng của ngành thời trang về sự trải nghiệm riêng tư đằng sau cánh cửa đóng kín thì từ nửa sau thập kỷ đó, cửa hàng đã trở thành không gian đại chúng và cộng đồng với mong muốn có sự tham gia của công chúng trẻ hơn và đa dạng hơn.
Điều này được nhấn mạnh ngay trong dự án năm 1960 của kiến trúc sư Paolo Chessa về phòng trưng bày dành cho một thợ may ở Milan (Domus 372), nơi thời trang cao cấp vẫn còn xa mới trở thành pret-a-porter (thời trang may sẵn), tất cả phản ánh tính độc quyền của thời trang thông qua nội thất vào giữa thế kỷ đó với chất liệu bọc màu cơ bản dành cho ghế sofa và tường được bao phủ bằng các tấm linh sam theo chủ nghĩa kiến tạo và được nhấn mạnh trong nghiên cứu về bảng màu của Mondrian.
Ảnh: Domus 372
Sàn nhảy hay cửa hàng thời trang?
Từ giữa những năm 1960, sự nổi lên của hình tượng thanh thiếu niên trẻ tuổi như là điểm tựa của xã hội tiêu dùng, xuất hiện trong tình trạng văn hóa hỗn loạn đã góp phần xóa bỏ ranh giới giữa không gian được hình thành cho sàn nhảy và thời trang. Dựa trên thiết kế của Superstudio cho vũ trường Florentine Mach 2 (Domus 473) có một cửa hiệu thời trang bên trong đó, một ý tưởng cũng được Atelier d’Urbanisme et d’Architecture dự tính cho Nhà hát de la Ville ở Paris (Domus 475).
Vũ trường Florentine Mach 2. Ảnh: Domus 473
Ngược lại, các tấm kim loại Metalsadi có thiết kế cấp tiến được sử dụng cho nội thất của vũ trường Altro Mondo Studios ở Rimini do Pietro Derossi và Giorgio Ceretti thiết kế gợi nhớ đến những tấm kim loại ở cửa hàng giày tại Milan của kiến trúc sư Sergio Asti (Domus 467).
Cửa hàng giầy. Ảnh: Domus 467
Trong số các cửa hiệu này, bầu không khí độc đáo có tính mô-đun được làm nổi bật như trong Cửa hàng Follies ở Saluzzo, Cuneo của Lorenzo Prando và Riccardo Rosso (Domus 539) gợi nhớ đến các vũ trường cấp tiến hoặc “các hội chợ vui vẻ” của Pietro Derossi và Giorgio Ceretti (tạp chí Domus số 458 vào tháng 1 năm 1968).
“Ngay cả hộp đêm Piper-pluri ở Turin hay L’Altro Mondo ở Rimini đều không phải là không gian thực sự. Điều đó có nghĩa ngoài vai trò là hộp âm thanh, chúng không phải là những cấu trúc cứng nhắc áp đặt theo một phong cách, một bầu không khí đặc trưng hay một nhóm khách hàng cố định. Đúng hơn, chúng là những thùng chứa khổng lồ để chứa đựng những phần thích hợp nhằm xây dựng một môi trường theo thời gian. Nhìn chúng hơi giống những khối mô hình mẫu nhỏ mà kiến trúc sư hay làm trước khi xây dựng.”
L’Altro Mondo năm 1968. Ảnh: Domus 460
Các nghệ sĩ và nhà thiết kế “thèm khát những không gian được ốp bằng nhôm và niken này” thực sự là cầu nối giữa cửa hiệu thời trang và vũ trường. Thực tế, “cỗ máy ánh sáng” tại hộp đêm Piper ở Turin là tác phẩm của Bruno Munari cũng được những người như Gerard Malanga và Le Stelle di Mario Schifano áp dụng làm không gian biểu diễn. “Schifano khiến cả Le Stelle và khán giả phấn khích với những màn trình chiếu chớp nhoáng của các slide, phim và ánh đèn nhấp nháy.”
Cửa hàng thời trang Follies năm 1974. Ảnh: Domus 539
Cách ăn mặc thời kỳ văn hóa phản kháng
Tương tự, vũ trường Piper ở Rome đã khai trương cửa hàng Piper Market, trong khi ban nhạc Equipe 84 mở một khu chợ quần áo bên trong một cửa hàng tạp hóa cũ ở Via Solferino của Milan nhằm bảo tồn vẻ cổ kính của căn nhà (thậm chí còn khai trương trước khi ban nhạc The Fab Four ra đời). Và cuộc phiêu lưu của ban nhạc Emilian cũng ngắn ngủi như cuộc phiêu lưu của các đồng nghiệp Liverpoodlian của họ (ám chỉ ban nhạc The Beatles).
Tại Genoa, cửa hàng quần áo trẻ em Le Zanzare (Domus 441) do Gianfranco Frattini thiết kế (cũng là người tạo ra một cửa hàng dệt may ở Via Bagutta, Milan, Domus 465) dường như thể hiện tinh thần của năm 1968, vang vọng cái tên tờ báo sinh viên của trường trung học Milanese Liceo Parini vào tháng 2 năm 1966 đã dẫn đến một cuộc náo động trên toàn quốc khi xuất bản câu chuyện theo chủ nghĩa tiến bộ về vai trò của người phụ nữ được giải phóng trong xã hội tiêu dùng đại trà.
Cửa hàng Le Zanzare 1966. Ảnh: Domus 441
Một số lượng đáng kể các dự án do các nhóm kiến trúc sư cấp tiến cống hiến song song với công việc của họ ở vũ trường đã thể hiện vai trò của cửa hàng thời trang trong bối cảnh rộng lớn hơn về văn hóa phản kháng ở Ý những năm 1960 và đầu những năm 1970. Ngoài cửa hàng nói trên của Ugo La Pietra, vào năm 1972 tại Milan, Nanda Vigo đã thiết kế cửa hàng trang sức King Kong (Domus 506), trong khi vài năm sau tại Turin, Studio 65 đã thành lập cửa hàng đồ da Skin Up (Domus 537). Tương tự, ở Tuscany, UFO đã nâng cao mối liên kết khái niệm của Versilia với thế giới ngầm châu Âu bằng cách hình thành cửa hàng Wizard of Oz kiểu London ở Viareggio (1969) và Saga De Xam ở Florence (1969), lấy cảm hứng từ truyện tranh khoa học viễn tưởng cùng tên của Pháp.
Cửa hàng Skin Up năm 1974. Ảnh: Domus 537
Ngoài ra còn có cửa hàng Milk Boy (một thương hiệu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay) được thiết kế vào năm 1974 tại Tokyo bởi Hiro Kuramata (Domus 540), cả về nội thất màu trắng lẫn cái tên đều có vẻ giống với bộ phim “A Clockwork Orange” của Stanley Kubrick vừa mới ra rạp hồi đó.
Ảnh: Domus 540
Thời trang là một ảo ảnh không gian
Một chủ đề chung xuyên suốt nhiều cửa hàng này là việc tìm kiếm bản chất ảo tưởng của không gian, như thể mong muốn của các nhà thiết kế là tái tạo ảo ảnh và sự phù du của thời trang. Nếu vào đầu những năm 1960, điều này đạt được bằng cách điều chỉnh các không gian có sẵn như trong tiệm may của Paolo Chessa ở Milan thì sau này, chính kim loại và các bề mặt phản chiếu mượn từ kiến trúc giải trí đã hoàn thành sứ mệnh này như trong thiết kế cửa hàng Valentino ở Milan do Aldo Jacober thiết kế với sự cộng tác của Cristina Annoni và Fiorella Butti (Domus 489).
Đặc điểm đó cũng là cốt lõi của cửa hàng Box do Ubald Klug thiết kế: một cửa hàng quần áo nằm dưới lòng đất ở Bern nhấn mạnh khía cạnh trong văn hóa phản kháng mới của thời trang.
Cửa hàng thời trang Valentino năm 1970. Ảnh: Domus 489
Tương tự, vẫn là một dự án của Jacober hợp tác với Ugo La Pietra và Paolo Rizzatto, cửa hàng Altre Cose có các ống hình trụ lớn trong suốt làm thành giá đỡ treo lơ lửng trên trần nhà và được kết nối bằng hệ thang máy với vũ trường Bang Bang bên dưới. Kết quả là tạo ra một “công cụ môi trường trong đó các hiệu ứng quang học, âm thanh và chuyển động điện tử của các bộ phận đã biến thành trò chơi”.
Cửa hàng Altre Cose năm 1968. Ảnh: Domus 460
Tuy nhiên, chính Richard Carr mới là người kết thúc thập kỷ ở Domus 480 một cách lý tưởng bằng cách phản ánh nghiêm túc tính thực tiễn lâu dài của các giải pháp thiết kế cấp tiến như vậy: “Lúc đầu, chả ai thắc mắc về việc phải mua quần áo trong không gian nội thất tối màu, trần nhà màu đen và tường màu tím hay bận tâm liệu cửa hàng có cần bí mật đến mức không cho nhìn thấy bên trong hay không. Nhưng giờ đây, điều đó đã không còn đúng nữa bởi thời trang may sẵn không còn chỉ giới hạn ở Kings Road mà có thể mua được ở bất kỳ cửa hàng bách hóa tốt nào và có thể nói thiết kế kiểu này đang mất dần sức hấp dẫn.”
Nguồn
Domusweb