Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh sẽ tham gia triển lãm kiến trúc WEDOX được NOTES tổ chức vào tháng 11 năm nay tại Hội An. Trong seri trò chuyện những nhân vật WEDOX, chúng tôi đến thăm và có cuộc trò chuyện ngắn với kiến trúc sư Minh để cập nhật công việc của anh và trao đổi kĩ hơn một vài góc nhìn về kiến trúc BHA mà anh cùng các cộng sự đang theo đuổi.
Thực hiện
Giáng Hương
Biên tập
Thuỷ Hiền
Thời gian
08.2024
Gần đây, tôi có dịp ghé thăm Huế và tình cờ đi ngang qua một nhà vệ sinh công cộng ở gần cầu Tràng Tiền, được biết đây là công trình BHA tham gia cải tạo. Thật sự khá ấn tượng bởi vẻ hiện đại so với hình thức chung các công trình công cộng ở Huế.
Công trình các bạn vừa đề cập trước đây vốn là trụ sở cảnh sát được cải tạo thành nhà vệ sinh, là một trong ba nhà vệ sinh công cộng BHA thiết kế và cải tạo ở Huế, nằm trong chuỗi những hạng mục chúng tôi thiết kế cảnh quan và công trình tiện ích nhỏ dọc hai bờ sông Hương, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện. Thực tế BHA rất hiếm khi nhận tham gia những công trình Nhà nước nhưng riêng cụm công trình cảnh quan và điểm dịch vụ nhỏ như vậy thì chúng tôi luôn cố gắng tham gia. Cá nhân tôi thấy công việc đó giúp thành phố có thêm nhiều tiện nghi, cải thiện bộ mặt công cộng trở nên đẹp hơn.
Nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: NVCC
Nhà vệ sinh có hiện trạng kiến trúc khá cổ điển, BHA làm mới bằng cách giữ lại phần lớn kết cấu, chỉ tháo dỡ toàn bộ lớp tường bao và hệ thống vách ngăn bên trong công trình cũ, xây mới buồng vệ sinh với chiều cao vừa đủ đảm bảo riêng tư và kín đáo. Vật liệu kính được sử dụng để không ảnh hưởng đến tấm nhìn của mọi người từ phía đường Lê Lợi qua tới bờ sông, giúp kiến trúc công trình nhìn nhẹ nhàng, đồng thời phản chiếu hình ảnh cầu Tràng Tiền gần đó.
Kiến trúc của BHA ở công trình này nói riêng và những công trình chúng tôi thực hiện luôn cố gắng làm đơn giản, chân thật nhất có thể, hạn chế sự thừa thãi trong thiết kế.
Chúng tôi biết đến kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh và BHA lần đầu qua công trình nhà nguyện Khâm Mạng. Quay ngược thời gian về đó đi anh, anh hãy chia sẻ về kiến trúc công trình này được không?
Tôi vốn không phải người công giáo, thời điểm Hội Dòng Mến Thánh giá gửi lời đề nghị là năm 2005, khi đó cả tuổi đời và tuổi nghề của bản thân còn khá trẻ nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ và một số áp lực. Nhu cầu của Hội cần một không gian kín đáo có sức chứa 100 người cùng cầu nguyện, thiết kế mới sẽ nằm kế một số công trình tôn giáo cũ nên về ngôn ngữ kiến trúc cần có sự hài hoà.
Thú thực, tư duy của tôi ngày đó khá đơn giản, nghĩ về căn phòng kín dành cho 100 người cùng cầu nguyện tôi thấy không khác mấy không gian một hội trường hay giảng đường (cười), khái niệm kín đáo ở đây họ yêu cầu phải tuân thủ bởi tính chất của hoạt động tôn giáo. Còn về tuyến hành lang, tôi tư duy không gian đó như một hàng hiên, hệ cột đỡ vươn cao dần được tôi học hỏi và tìm sự đồng điệu với kiến trúc công trình Pháp gần kề. Nhà nguyện này tôi thiết kế và chia sẻ với các sơ khá tự nhiên, không đứng ở vai trò người thiết kế đi thuyết phục phương án. Mình nghĩ sao mình nói vậy nên về cơ bản mọi người khá thích nhưng ít nhiều cũng không tránh khỏi một số băn khoăn bởi hình thức kiến trúc tôi vẽ không giống với những nhà thờ mọi người thường thấy.
Quá trình thi công, tôi phải chạy tới lui rất nhiều để cố gắng chăm chút cho công trình này. Ngân sách thực hiện khá hạn chế nên hầu như mọi chất liệu tự nhiên phải được tận dụng tối đa, kể cả sức người. Về tâm lý, khi tiếp xúc và làm việc với những người trong Dòng Mến Thánh Giá mình học được từ họ rất nhiều bởi kiến thức và thái độ trong công việc. Công trình kéo dài gần 10 năm mới hoàn thành với rất nhiều khó khăn và sự bất đồng cần phải vượt qua. Từ đó đến nay đã gần 10 năm vận hành, có nhiều nội dung bên trong nhà nguyện có sự biến đổi nhưng về cơ bản mọi người và tôi đều tôn trọng suy nghĩ và công việc của nhau nên tôi thấy đây là một công trình rất có ý nghĩa với bản thân mình.
Bởi vậy, tham gia WEDOX năm nay, Nhà nguyện Khâm Mạng là một nội dung chúng tôi sẽ trưng bày trong triển lãm. Kiến trúc tôn giáo nói chung có rất nhiều luật lệ và sự khác biệt mà mình cần tôn trọng, bởi vậy được làm một công trình tôn giáo là may mắn trong nghề của chúng tôi. BHA làm nhiều nhưng ít chia sẻ, công trình của chúng tôi chỉ lác đác xuất hiện trên vài trang mạng. HIện tại, website của văn phòng cũng đang cố gắng hoàn thiện trước tháng 11 năm nay để chia sẻ thêm về kiến trúc của BHA tới phần đông người quan tâm.
Nhà nguyện Khâm Mạng. Ảnh: Hoàng Lê
Nhân nói về WEDOX, lý do gì khiến anh cùng các cộng sự nhận lời tham gia triển lãm năm nay?
Với chúng tôi, WEDOX là dịp để mọi người nhìn lại công việc của mình một cách kĩ lương sau khoảng thời gian dài thực hành nghề. Tính chất triển lãm của WEDOX khá khác biệt so với nhiều sự kiện kiến trúc khác trong nước, nơi đây tập hợp nhiều văn phòng kiến trúc có uy tín nên không gian trưng bày rất đậm tính học thuật và quan điểm.
Phần lớn những văn phòng tham gia năm nay tôi đều có mối quan hệ quen biết nhưng khi cùng tham gia trưng bày với nhau dưới góc nhìn học thuật, sau khoảng thời gian 10 năm… thì chuỗi những công trình trưng bày năm nay trong triển lãm có thể coi như một phần sự nghiệp, tài sản kiến trúc của mỗi kiến trúc sư. Được tham gia cùng mọi người là một vinh hạnh rất lớn.
Nhà Kim Long. Ảnh: Hoàng Lê
Trước khi thành lập BHA và hoạt động tại Huế, anh đã từng làm việc ở đâu khác không?
Sinh ra và lớn lên ở Huế, tôi học kiến trúc rồi ra trường, đi làm cũng ở đây, chưa từng tới sống và làm việc ở bất cứ thành phố nào khác. Trước khi thành lập BHA, tôi đã có thời gian thực tập rồi làm việc cho một công ty nhà nước ở địa phương. Nghĩ đến việc này, tôi khá tiếc nuối, bởi mình không được va chạm trong nhiều môi trường làm việc chuyên nghiệp trước khi mở văn phòng riêng, nên sau này cách quản lý và vận hành có nhiều hạn chế.
Việc chỉ sinh sống và làm kiến trúc ở Huế khiến suy nghĩ của tôi bị “Huế” tác động theo cách rất từ từ nhưng vô cùng mãnh liệt. Sau này, yếu tố nơi chốn ăn sâu vào tiềm thức và cả ngôn ngữ kiến trúc của mình.
Tôi khá tò mò, muốn hỏi anh điều này. Nếu như “Huế” đã có ảnh hưởng tới anh như vậy thì sao trong ngôn ngữ kiến trúc BHA định hình thì tôi lại không thấy nhiều nét Huế lắm. Ở một nơi mà kiến trúc truyền thống có sự hiện diện mạnh mẽ thì công trình BHA thực hiện trong cùng một bối cảnh lại mang đầy nét đương đại, có hơi hướm của kiến trúc hiện đại trong cách sử dụng vật liệu, kết cấu và không gian.
Tôi rất thích câu hỏi này của bạn. Thực tế có nhiều người cũng thắc mắc, thậm chí phản bác, có lúc khá căng thẳng và gay gắt (cười). Như nhiều cố đô trên thế giới, đâu cứ phải ở cố đô thì kiến trúc phải cổ, phải truyền thống rồi cố làm cho chúng cổ và truyền thống. Tôi đề cao sự chân thật trong kiến trúc, nhu cầu sử dụng không gian, khả năng đáp ứng yêu cầu và góc nhìn hợp nhất giữa người thiết kế và chủ đầu tư, tức người sử dụng công trình sau này. Tôi rất khó chịu nếu mình điều gì đó vô nghĩa chỉ để thể hiện ngôn ngữ kiến trúc của cá nhân mình.
Với tính cách của người Huế thì không chỉ chủ đầu tư trực tiếp quan tâm đến kiến trúc mình tạo ra đâu mà còn cả người thân, họ hàng của họ đều để ý. Phần lớn những công trình BHA thực hiện thì sau một thời gian sử dụng, chủ đầu tư họ rất thích và yêu công trình của mình, đó là một niềm vui, hoàn toàn không hề chủ quan.
Bởi tôi là một người Huế, chỉ sống và làm việc ở Huế nên mình có đủ chất liệu để hiểu “Huế”, hiểu rồi tôi mới đi đến góc nhìn. Liệu với tính cách của người Huế, cụ thể ở đây là những chủ đầu tư của BHA, lối sống và sở thích của họ thế nào? Có phải người Huế họ luôn yêu thích kiến trúc truyền thống? Hay kiến trúc phải phù hợp với nhu cầu, tính cách và điều kiện kinh tế của họ?!
Nhà Kim Long. Ảnh: Hoàng Lê
Nhiều công trình BHA thực hiện sử dụng chất liệu bê tông nguyên khối, rất thô và mộc. Bê tông đến với chúng tôi khá cơ bản và tự nhiên, mục đích ban đầu sử dụng vật liệu này bởi khả năng chống trọi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung Việt Nam chứ không xuất phát từ chất cảm hình thức của bê tông trong kiến trúc. Ngoài ra, bê tông cũng là vật liệu rẻ tiền, có thể giúp tiết kiệm ngân sách cho chủ đầu tư.
Kiến trúc sử dụng bê tông đều được gắn với khái niệm tối giản như ở Nhật hoặc một số quốc gia châu Âu nhưng để đi đến sự tối giản đó không đơn giản. Thực tế trong công trình của BHA, chúng tôi phải xử lý rất nhiều về mặt thiết kế và kỹ thuật để đạt đến thẩm mỹ, tính “nhẹ” của không gian. Những hệ mái rộng, sân trong hoặc mặt nước đều được tích hợp hài hoà; yếu tố thông gió, thoáng khí cũng được tính toán cẩn thận, giúp công trình trụ vững trong điều kiện mưa bão hoặc nắng gắt. Với kiến trúc truyền thống ở Huế – như nhà rường, mỗi năm bão về đều gây tổn thất lớn, tốn kém tiền của vào việc sửa chữa, cải tạo. Sau khi trải qua nhiều bài học, chứng kiến nhiều tổn thất, tôi cho rằng chúng ta phải thực tế nhìn nhận giải pháp kiến trúc hướng đến ở đây cần hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của khí hậu.
Bên cạnh bê tông, gỗ cũng là chất liệu yêu thích, được chúng tôi sử dụng trong rất nhiều công trình.
Nhà trong Nội. Ảnh: NVCC
Tôi thì cho rằng, trước giờ mọi người vẫn hay ngợi ca kĩ thuật, khả năng thi công và chất lượng tay nghề cao của thợ xây Huế. Có thể điều này dẫn đến suy nghĩ của người Huế về việc dựng một cái nhà truyền thống chắc chỉ cần một nhóm thợ lành nghề là có thể làm được (bao đời nay họ vẫn vậy) thay vì hợp tác với kiến trúc sư. Bởi thế những người tìm đến BHA chắc mong muốn có một nét kiến trúc mới mẻ và hiện đại hơn.
Góc nhìn này cũng hoàn toàn có khả năng.
17 năm thực hành kiến trúc. Anh thấy công việc này thế nào?
Nghĩ về 17 năm, một hành trình dài, để nói về kiến trúc chắc đó là chuỗi của rất nhiều sự thay đổi. Trong mỗi giai đoạn, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và những quyết định phải lựa chọn dù không biết đúng sai. Chúng ta thường gọi đó là trải nghiệm, kinh nghiệm làm nghề.
Tìm kiếm sự phù hợp trong kiến trúc với tôi là một hành trình dài. Nhưng tôi tin tương lai của kiến trúc sẽ cực kì chân thật.
Trong một công trình của BHA. Ảnh: NVCC
Có nhân vật nào tác động lớn tới quan điểm và suy nghĩ trong quá trình hành nghề của anh?
Tôi mến mộ kiến trúc sư Tadao Ando và Peter Zumthor. Hai người này cho tôi góc nhìn về kiến trúc và kiến trúc sư. Tôi thấy cả hai đều có sự chân thật trong kiến trúc của họ và đó là đích đến tôi tìm kiếm.
Cảm ơn cuộc trò chuyện cùng anh hôm nay.