Chùa Một Cột

Người dân Hà Nội không mấy ai không biết chùa Một Cột, một thắng cảnh đẹp. Chùa được xây dựng ở tây nam quảng trường Ba Đình, nơi từ xưa gọi là vườn Tây cấm thuộc khu kinh đô của triều đình nhà Lý. Đây là ngôi chùa thuộc loại cổ nhất của nước ta mà nay vẫn còn dấu tích.

Cuối những năm 40 của thế kỷ thứ XI, tình hình trong nước đang yên ổn hòa thuận, thì một hôm vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt dẫn mình. Tỉnh dậy, nhà vua kể lại cho quần thần hầu cận nghe. Thấy đó là một điểm gở (vua chết), nhà sư Thiên Tuệ bày cho vua xây dựng một ngôi chùa, một cột, có tòa sen, như đã thấy trong mộng để cúng Phật. Đúng vào cuối năm 1049, chùa Một Cột được ra đời. Hằng ngày tăng đồ đi vòng quanh chùa tụng niệm, cầu cho nhà vua sống lâu, phúc lớn. Cũng bởi vậy, chùa còn có tên Diên Hựu, nghĩa là kéo dài phúc lành.

Trong lịch sử kiến trúc của Việt Nam nói chung, đây là ngôi chùa có lối cấu trúc khá độc đáo, phản ánh sự thông minh, sáng tạo, táo bạo và trình độ kỹ thuật cao của cha ông. Tuy đã được trùng tu rất nhiều lần, nhưng trên những nét lớn, chùa Một Cột ngày nay vẫn giữ được hình, dáng khái niệm chung về ngôi chùa xa xưa. Đó là lối kiến trúc mà cấu trúc chỉ dùng một cột duy nhất làm điểm tựa, trụ cho toàn bộ ngôi chùa. Có nhiều người tìm thấy ở lối kiến trúc này sự gần gũi với truyền thống làm nhà nguyên thủy của Lỗ Ban, ông tổ nghề thợ mộc, thậm chí còn xa hơn là sự cải biên của nhà sàn Đông Sơn… Đây là cách giải quyết thông minh và khá táo bạo trong việc kết cấu giữa một trụ đá cao chênh vênh, mỏng manh và khối gian chùa đồ sộ, nặng nề bên trên. Để đảm bảo cho tính bền vững của công trình, các kiến trúc sư và thợ thời xưa đã biết khéo léo làm thêm những xích đồng trụ chống, phân bố đều quanh cột đá. Cách giải quyết như vậy không những đưa đến sự vững chắc cho toàn bộ cấu trúc của chùa, mà về mặt mỹ thuật, lối bố cục tạo dáng của nó cũng gây nên được sự hài hòa, đẹp mắt. Giải quyết được sự mâu thuẫn giữa khối sàn nhà đồ sộ phía trên và cột đá cao mảnh khảnh phía dưới. Những xích đồng trụ phụ thêm này đã gắn bó hai khối đó với nhau thành một thể thống nhất, cho nên nhìn bao quát không thấy bị hẫng, trơ trọi, cộc lốc như thường gặp ở cấu trúc các chuồng nuôi chim bồ câu.

Lối cấu trúc lấy một cột làm trụ cho toàn bộ sàn chùa trên mặt nước không phải chỉ có riêng chùa Một Cột, mà khá phổ biển thời Lý. Chẳng hạn như cột đá ở chùa Dạm (Quế Võ, Hà Bắc) dựng năm 1086. Cột này tuy đã bị vỡ nhiều nhưng vẫn còn cao trên 5 mét, phía trên còn rõ dấu vết của một gác nhà có xích đồng chống đỡ. Phía dưới không có hồ nước, thay vào đó người ta ghép viền quanh cột một lớp đá tròn rộng có chạm hoa văn sóng nước rất công phu. Hoặc một công trình khác, một lầu chuông một cột, sáu cạnh hình hoa sen được dựng trước các điện Linh Quang, Sùng Nghi, kiến lễ vào năm Long Thụy.

Ở một xã hội mà đạo Phật được phát triển mạnh như ở thời kỳ độc lập đầu tiên của dân tộc ta này thì lối kiến trúc tượng trưng hoa sen phát triển nhiều như vậy cũng là lẽ tất nhiên. Ngoài cấu trúc, chùa Một Cột còn đẹp đặc biệt là sự kết hợp hài hòa với môi trường cảnh quan thiên nhiên cây cối, hồ nước. Dáng hình thon, mảnh, cao của toàn bộ kiến trúc lại được in bóng trên mặt nước hồ Linh Chiều (ao thiêng) trong trẻo, mang tới cảm giác thanh bạch, quang đãng và cũng không kém phần trầm mặc, cổ kính.

Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc của chùa Một Cột vẫn giữ nguyên kích thước nhỏ bé từ thời Lý xa xưa. Kết luận như vậy có phần vội vàng. Trên những nét lớn kiến trúc của chùa ngày nay vẫn giữ được phần nào hình dáng và khái niệm chung của ngôi chùa ban đầu. Nhưng kích thước thì có lẽ đã được thu nhỏ lại rất nhiều. Kích thước thấy ngày nay là kích thước của ngôi chùa đã được làm lại nhiều lần của thế kỷ thứ XIX. Từ những thời kỳ đầu xây dựng, chùa to và đẹp hơn. Trên một tấm bia ở chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Nam Hà) dựng năm Thiên Phù Duệ Võ thứ 5 (1121) dưới triều Lý Nhân Tồng có đoạn ghi công đức của nhà vua này trùng tu chùa Một Cột như sau: Làm chùa Diên Hựu trong vườn Tây cẩm, theo vết lịch xưa, đào ao Linh Chiểu giữa vọt lên một cột đá, trên cột nở ra đóa hoa sen nghìn cảnh, trên hoa sen có cầu bắc vào điện màu xanh, trong điện đặt tượng vàng tài năng nhân đức, quanh ao có hành lang, ngoài dãy hành lang lại đào ao Bích Trì, có cầu thông hai nơi; trước cầu bên phải bên trái đều có dựng tháp lưu ly, cứ mỗi tháng ngày mồng một, mỗi năm kỳ du xuân, ngài (Lý Nhân Tông) đến mở tiệc hoa, dâng hương hà cầu cho ngôi bảo…

Những dòng ngắn ngủi trên đây cho biết khá rõ về quang cảnh chung của ngôi chùa Một Cột sau 50 năm kể từ ngày xây dựng. Và quang cảnh đó thật rộng lớn, khang trang, khác xa bây giờ. Một ngôi chùa mà xung quanh có ao trong, ao ngoài; có nhiều cầu bắc vào, hai bên cầu có dựng tháp quý và theo Đại Việt sử ký toàn thư, còn có cả một bảo tháp phía trước sân chùa nữa… thì ngôi chùa đó không thể nào bé nhỏ được. Phải có một kích thước to lớn nhất định nào đó đề tương xứng với môi trường các kiến trúc phụ nhiều tầng, nhiều lớp vây quanh.

Kiến trúc Việt Nam nói chung, nhất là kiến trúc đời Lý, sự tương quan giữa chính phụ được chủ ý một cách thấu đáo. Ở thời Lý, Trần có bốn công trình to lớn mà sử cũ quen gọi là “Tứ đại khí”. Một trong bốn công trình đó là chuông Quy Điền, được đúc năm 1080, để treo ở chùa Một Cột. Đúc xong đánh không kêu, cho là đã thành khí, không nên tiêu hủy mà để ở khu ruộng có lắm rùa của chùa, vì thế mới có tên gọi là Quy Điền (Ruộng Rùa). Thời Lý có rất nhiều chuông lớn nhưng chúng chưa được liệt vào “Tứ đại khí”, nghĩa là còn kém xa tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tất cả đều phản ánh kích thước to lớn vượt xa hẳn các kiến trúc đời sau. Không có lý một ngôi chùa được xây ngay tại kinh đô (nơi có cung điện lầu son gác vẽ san sát của triều đình lại xây dựng với ý nghĩa cầu mong sự sống lâu cho nhà vua) mà hình dáng kích thước bản thẩn lại quá nhỏ bé như thấy ngày nay. Tóm lại, qua một số tài liệu, tuy chưa đầy đủ và phần lớn chưa trực tiếp nói chính xác về kích thước của chùa Một Cột, nhưng ít nhiều bước đầu cũng cho là một khái niệm chung khá rõ ràng về quy mô của chùa xưa. Công trình này to lớn đến mức nào thì cần phải tìm hiểu nữa, nhưng chắc chắn không nhỏ bé như ngôi chùa hiện còn.

Những trang trí mà chúng ta hiện thấy ở chùa như rồng chầu mặt nguyệt, mây, hoa lá… là những mẫu hình thời Nguyễn, mới được phục chế vào năm 1955 nên giá trị nghệ thuật không có gì đáng chú ý lắm.


Tổng hợp
Anh Nguyên

Ảnh
Triệu Chiến