Studio d-o-t-s đã khám phá những bài học mà truyền thống canh tác nông nghiệp có thể mang lại cho tư duy thiết kế, thông qua thực hành của Emma Bruschi và Fernando Laposse – hai nhà thiết kế đang sáng tạo và chế tác vật thể trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nông dân địa phương và giống cây trồng bản địa.
Trong cuốn sách To Dance in the Age of No-Future, vũ công kiêm nhà nghiên cứu Paz Rojo đặt nghi vấn về thứ mà xã hội hiện đại mặc định gọi là “tiến bộ”. Cô đề xuất rằng, nghệ thuật – mà ở đây là múa – nên từ chối ý niệm về một tương lai đã định hình sẵn, thay vào đó thực hành khả thể và hư vô, mở ra những hiện hữu chưa có tên gọi. Dù đặt nền tảng trong vũ đạo, tư tưởng của Rojo len vào nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là thiết kế – nơi cũng đang đứng trước câu hỏi cấp bách: Liệu có thể thiết kế mà không tiếp tục tái sản xuất tương lai công nghiệp vốn đã trở nên bế tắc?
Làm sao chúng ta có thể cam kết với tương lai – với những gì chưa tồn tại – mà không biến nó thành sự tiếp nối của cái đã có?
Paz Rojo, To Dance in the Age of No-Future
Thiết kế từ lâu đã bị gắn chặt với sản xuất hàng loạt, tiêu dùng nhanh và hệ thống kinh tế khai thác. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, thế giới đô thị phương Tây đã đắm chìm trong ảo vọng về tăng trưởng vô tận. Các vật dụng được làm thủ công, sử dụng lâu dài, từng là biểu tượng của gắn kết, nay bị thay thế bởi những sản phẩm nhanh chóng ra đời và nhanh chóng bị bỏ đi. Qua nhiều thập kỷ, chính những vật phẩm tiêu dùng này đã tạo nên lớp trầm tích không thể xoá mờ của kỷ nguyên nhân loại học – Anthropocene.
Tuy vậy, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và áp lực sinh thái toàn cầu, nhiều nhà thiết kế đang bắt đầu dịch chuyển. Một sự thức tỉnh diễn ra khi nhân loại nhận ra khối lượng vật chất nhân tạo đã vượt quá toàn bộ sinh khối sống trên hành tinh. Thiết kế – nếu từng là công cụ khuếch đại tiêu thụ – giờ đây đứng trước trách nhiệm tái định nghĩa chính mình. Và để làm điều đó, nhiều người đang nhìn lại những hình thức tri thức từng bị gạt ra ngoài: từ canh tác đa loài đến các hệ sinh thái sống được gìn giữ bởi cộng đồng nông dân truyền thống.
Họ tìm đến sự đa dạng, đối thoại với mùa vụ và những giới hạn vật lý của tự nhiên như một cách kháng cự lại hệ thống nông nghiệp công nghiệp độc canh. Trong những mối hợp tác thân mật với nông dân và sinh cảnh cụ thể, người thiết kế đang gieo cả nghĩa đen và nghĩa bóng – bằng cách tham gia trực tiếp vào chu trình gieo trồng, thu hoạch và tạo vật. Thiết kế trở thành một hoạt động mang tính sinh học (nông nghiệp), chậm rãi, và thấm đẫm tính chăm sóc.
Trường hợp của nhà thiết kế người Pháp Emma Bruschi là một ví dụ giàu chất thơ. Cô lựa chọn làm việc với rơm – thứ vật liệu gắn liền với ký ức nông nghiệp – để tạo ra trang sức và thời trang thủ công. Không chỉ sử dụng, Bruschi còn tự mình gieo trồng lúa mì và lúa mạch, như một cách để nối lại sợi dây giữa bản thân và truyền thống gia đình, cộng đồng xung quanh. Với cô, mỗi mùa vụ là một chu kỳ dài cần được thấu hiểu, kiên nhẫn và lắng nghe. Hơi thở của đất, nhịp điệu của cây, trở thành điều kiện vật chất định hình nên hình thái thiết kế.
Ảnh: Romain Laprade
Ở một cực địa lý khác nhưng tương đồng về phương pháp, Fernando Laposse – nhà thiết kế hoạt động giữa thành phố Mexico và làng Tonahuixtla – cũng xây dựng một thực hành thiết kế gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp bản địa.
Dự án Totomoxtle của anh, hợp tác cùng nông dân Delfino Martinez Gil, nhằm phục hồi các giống ngô truyền thống và đồng thời tái lập hệ sinh thái canh tác đa dạng. Chính thông qua cộng tác này, Laposse nhận ra thiết kế không chỉ là tạo ra hình thái, mà còn là một cách để để lại di sản – không phải cho bản thân, mà cho toàn bộ hệ sinh thái mà con người thuộc về.
Làm việc với vật liệu sống – như sợi agave chẳng hạn – nghĩa là chấp nhận những chu kỳ sinh trưởng có thể kéo dài tới 8 năm. Sự chậm rãi, một thời từng bị xem là trở ngại, giờ đây trở thành phẩm chất được trân trọng. Bởi chính nhờ sự chậm ấy, vật thể được tạo ra không còn đơn thuần là sản phẩm, mà là hiện thân của đất, thời gian và cộng đồng.
Fernando Laposse, Chi tiết ghế băng làm từ sợi sisal
Ảnh: được cung cấp bởi Fernando Laposse
Dù xuất phát từ những bối cảnh địa lý, vật liệu và thẩm mỹ khác nhau, Bruschi và Laposse cùng cho thấy một hướng đi rõ ràng: từ bỏ ý niệm tương lai được định sẵn, để bước vào những “tương lai khả thể” – nơi vật thể không còn là đơn vị kinh tế, mà là thực thể mang ký ức, kết nối và chiều sâu.
Trong cách tiếp cận đó, thiết kế không còn xoay quanh hình thức, mà trở thành một hệ sinh thái đạo đức – nơi sự chăm sóc, tự nguyện và hiểu biết sinh học cùng lúc đóng vai trò cốt lõi. Một nền văn hóa vật thể mới đang được gieo trồng – không phải trong phòng thí nghiệm, mà trên những mảnh đất biết thở, giữa những vòng đời chậm, và trong không gian đối thoại giữa người và hơn cả người.
Tác giả
Laura Drouet & Olivier Lacrouts
Nguồn
TL Magazine
Biên tập & Tổng hợp
Anh Nguyên