Thành Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc nay thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội, giai đoạn thành được xây dựng trong các ghi chép sử sách chưa thống nhất nhưng ước chừng từ năm 255 BC đến 207 BC dưới thời An Dương Vương. Mặc dù vậy, trong một cuộc khảo sát địa chất, các nhà khoa học đã tiến hành đo tuổi các lớp tường thành và phát hiện phần móng thành cao khoảng hơn 1m có niên đại vào khoảng năm 500 trước công nguyên, tức là sớm hơn so với các ghi chép khoảng 300 năm. Điều này tạo nên một câu hỏi bí ẩn về lịch sử của tòa thành. Dường như tòa thành đã có lịch sử là một trung tâm đô thị từ thời các vua Hùng và An Dương Vương về sau đã tiếp tục xây dựng tòa thành, nâng bức tường thành lên thành một công trình phòng thủ quân sự đúng nghĩa.
Thành dựng trên một khu đất cao ở tả ngạn Hoàng Giang xưa là một nhánh trọng của Sông Hồng, nổi liền sông Hồng với sông Cầu và qua đó với sông Lục Đầu. Các điều kiện địa hình vùng này như sông nước, cồn gò, đầm vực, được khai thác theo yêu cầu của kỹ thuật quốc phòng, như dùng sông làm hào ngăn địch, dùng gò cao xây công sự để quan sát và khống chế không gian, dùng các dải đất cao kết hợp với đào đắp tùy theo địa hình mà làm lũy. Ở khu vực lầy, móng chân thành xây kiên cố trên kè đá tảng. Hệ thống sông, hào kết hợp tạo điều kiện cho thuyền chiến vận động khắp ba vòng hào có thành che chắn. Kết hợp với bộ binh, thuyền chiến lại còn từ công sự Cổ Loa tỏa ra trên Hoàng Giang, sông Hồng, sông Cầu và ra biển, Cổ Loa rõ ràng là một căn cứ, vừa bộ binh, vừa thủy quân của nghệ thuật quân sự tài giỏi nước Âu Lạc.
Qua các thế kỷ nối tiếp nhau từ cuộc kháng chiến chống Tần của nước Âu Lạc đến thời nhà Hán chinh phục Nam Việt và Âu Lạc, từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Bà Triệu, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và sự thành lập nước Vạn Xuân độc lập, phải đợi đến chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm, thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc mới bắt đầu với việc Ngô Quyền xưng vương, lập thành một vương quốc độc lập. Cổ Loa của nước Âu Lạc thời An Dương Vương lại được chọn làm kinh đô. Những di tích còn lại ngày nay ở thành Cổ Loa đã được trùng tu dưới thời Ngô Quyền và các triều đại tiếp.
Thành Cổ Loa gồm có ba vòng thành dài tổng cộng hơn 16km. Vòng ngoài dài khoảng 8 km, vòng thứ hai khoảng 6.5 km, hai vòng sát nhau ở phía Cửa Nam có sông Hoàng Giang chảy qua phía trước. Đây hẳn là cửa vào thành với cầu bắc qua sông, với đường đi qua hai vòng thành và các điểm cao phòng vệ phía trước ở ngay các ụ đất còn lại ở Loa Khẩu và Đồng Vông trên bờ sông. Vòng thành thứ ba hình chữ nhật, chu vi khoảng 1,6 km, chiếm vị trí Tử Cấm Thành như thành Huế, có vết tích của những hỏa – hồi nhô ra các góc và trên nhiều điểm của bốn mặt thành. Tất cả ba vòng thành đều có hào sâu và rộng bao phía ngoài.
Nhánh hào rộng nối sông Hoàng Giang với các hào cả ba vòng thành đi qua cửa Đông vào Đầm Cả mênh mông rồi lại qua cửa Cống Song, để mở ra nhiều nhánh ở quanh khu Vườn Thuyền, tạo nên những điểm tập hợp nhiều pháo thuyền trong vòng ngoài và cả trong vòng hai. Còn những đường thành thêm vào ba vòng thành nói trên, chấn giữ phía Nam, trên bờ các hào rộng cũng thông qua sông Hoàng Giang, từ Gò Pháo Đài phía Tây đến Bãi Miếu, Bãi Mèn, khu Hình Nhân. Còn nhiều điểm cao như Đống Chuông, Đống Dầu, Gò Vua bảo vệ Cửa Bắc ở cạnh xóm Bãi ngày nay, chắc chắn là những công sự phòng ngự.
Một số di tích lịch sử như Giếng Ngọc, am Mỵ Châu, Ngự xạ đài, Loa khẩu, và một số công trình kiến trúc như đình Cổ Loa, đền An Dương Vương gợi lên lịch sử xa xưa và cả những truyền thuyết dân gian về toà thành này.
Nhiều hiện vật quý giá như đồ đá, đồ gốm và những mũi tên đồng chứng minh nền văn hóa ba bốn nghìn năm xưa của nhân dân ta. Những di tích thành và hào trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử giữ nước là những di sản đáng tự hào của kiến trúc quân sự Việt Nam.
Tổng hợp
Anh Nguyên
Ảnh
Triệu Chiến