Nếu chùa có chùa làng, chùa vùng, chùa nước, thì với đình chỉ có đình làng. Đình làng gắn với tín ngưỡng thành hoàng của dân làng, ra đời sau chùa rất lâu – những ngôi đình sớm nhất hiện còn cũng từ thế kỷ XVI như đình Tây Đằng (Hà Tây), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) với mô hình chung đã ổn định chứng tỏ sự ra đời của nó phải sớm hơn. Nhưng sự xây dựng rầm rộ đình làng là trong đời Chính Hòa (1680 – 1705). Các thế kỷ sau đấy vẫn có dựng đình, song cơ bản là sửa chữa và mở rộng quy mô đình cũ.
Đình làng dù xây dựng ở các thời khác nhau, thì hầu hết ở đầu làng, giáp đường đi để mọi người “qua đình ghé nón trông đình”, trong vòng khoảnh tre để “trúc xinh trúc mọc đầu đình”, cũng cạnh cây đa ngòi nước để “đêm qua tát nước đầu đình”... Như vậy kiến trúc đình làng là cả một tổng thể phong cảnh, trong đó ngôi đình thấp thoáng bên những tán cây và cùng soi mình xuống gương nước.
Theo thuyết phong thủy, người xem đã giành những thế đất đẹp nhất để dựng đình, nó tựa lưng vào làng với hướng nhìn cơ bản là phía nam để “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” đồng thời cũng là hướng gió mát, đằng trước thường có sông ngòi hoặc hồ nước và xa ra là cánh đồng, đảm bảo sự thông thoáng không bị gió độc và nước bẩn làm ô nhiễm.
Trong tổng thể kiến trúc đình làng, ngôi nhà to nhất và phải có là tòa đại đình (còn gọi là đại bái). Những ngôi đình sớm chỉ có một tòa đại đình, những nếp nhà khác đều được dựng thêm – thường là ở thời Nguyễn.
Đại đình là tòa nhà dàn ngang ở phía sau sân, có số gian lẻ là 3 – 5 – 7… và thêm 2 chái để tạo thành 4 mái xòe rủ về 4 phía, trong đó gian giữa là không gian thiêng có phía trước thấp (do không làm sàn) và phía sau nâng hẳn lên bằng hương án hoặc gác lửng làm cung thờ. Những đình muộn thì cung thờ được đẩy lùi vào hẳn nếp nhà phía sau được gọi là “hậu cung”. Gian giữa này tạo nên tính thiêng liêng đến huyền nhiệm đối với toàn dân làng.
Tòa đại đình bề thế, bộ mái xòa xuống thấp, chiếm 2/3 chiều cao toàn bộ, nhưng không nặng nề mà lại duyên dáng. Mỗi mặt mái như một lưỡi rìu chém xuống, chắc chắn, dứt khoát. Lưỡi rìu là đường giọt nước uốn cong nhè nhẹ từ giữa lượn vênh lên, để rồi hai bên gặp nhau vút cong lên thành hoa đao. Bộ mái với hoa đao ấy, nhìn từ góc như con thuyền rẽ nước lướt tới. Đi kèm đường mũi ngói giọt nước là của hệ thống đường diềm lá sòi, lá mái cứ bám song hành.
Các cạnh mái gặp nhau tạo thành bờ nóc ở phía trên và bờ giải ở 4 góc, đều được đắp cao để chống bão thốc ngồi, lại cũng là phương tiện trang trí nhất là khi nó được trổ thùng cái bình hoa chanh hay hình rồng đuổi nhau, trên đó ở những đầu mái và chỗ gãy chuyển hướng đều được gắn những con guệt, con kìm, con xô.
Hệ thống cột ở đình Phú Hữu (Sơn Tây, Hà Nội)
Dưới bộ mái đồ sộ là cả một hệ thống cột song hành vút lên thẳng đứng tạo những mặt phẳng hao quanh thân đại đình. Nối các cột hiên ấy, phía trên là những xà và phía dưới là những ngưỡng, chúng nằm ngang như muốn phối hợp với cột tạo nên các trục tung và hoành chắc chắn. Trên mặt các xà ngưỡng còn được chạm như vòng hoa thất ngang lưng đình. Phía ngoài của các hàng cột hiện ấy là phần hiện đình tạo thành không gian đệm, vừa để tránh nắng xiên mưa hắt vào lòng đình, vừa để giảm nhiệt độ khắc nghiệt ở ngoài sân khi tỏa vào lòng đình.
Xung quanh đình, vốn xưa thông thoáng với hàng chấn song hay hệ thống cửa “thượng song hạ bản” để không gian trong và ngoài đình giao tiếp nhau dễ dàng. Ở những đình muộn thì 2 đầu hồi xây tường.
Vào hẳn trong đình, thấy rõ thức kiến trúc Việt Nam được phát triển từ nhà dân lên mà đỉnh cao là ở đình làng. Đó là lối kiến trúc không cần tường móng, các thành phần của ngôi nhà được liên kết với nhau bằng mộng mẹo tạo ra bộ khuôn chắc chắn, gồm những mặt phẳng đứng ngang và dọc cắt nhau theo các cột, toàn bộ sức nặng ngôi đình dồn vào hệ thống cột. Lối cấu trúc này có thể tháo lắp dễ dàng để di chuyển xa, có thể kích nâng lên cao tại chỗ và xoay hướng, mà khi định vị thì trọng lượng bản thân phân tán trên cả mặt nền qua chân cột là những điểm nhỏ nên ngay cả sóng động đất cũng chỉ làm cho nó chao đảo rồi lại đứng thẳng.
Mặt bằng những đình làng sớm thuộc thế kỷ XVI – XVII như đình Tây Đằng, đình Cổ Mễ (Bắc Ninh)… cho đến nay vẫn giữ nguyên nét ngang chữ “Nhất” (一), một số đỉnh khác sang thế kỷ XVIII – XIX được xây ghép thêm hậu cung ở phía sau đại đình tạo mặt bằng chữ “Đình” (丁), đôi khi theo kiểu nền chữ “Đinh” nhưng mái chữ “Công” (工) như đình Lỗ Hạnh, hoặc tách hẳn ra 2 nếp song song dạng chữ “Nhị” (二) như đình Phù Lão, đình Cao Thượng (Bắc Giang). Thế kỷ XVIII cũng dựng thêm một số định mới đều rất coi trọng hậu cung như đình Đình Bảng (Bắc Ninh) cả nóc và trên đều theo dạng chữ “Công”. Cũng từ thế kỷ XVIII, nhất là từ thế kỷ XIX nhiều đình xây thêm tiền tế ở phía trước giáp ranh và song song với đại đình, như vậy đề cao phần tế, đưa lễ lên trước hội, rồi hai bên sân lại xây thêm hai dãy nhà dọc tả vụ và hữu vu để phục vụ hậu cần, còn phía ngoài sân xây 4 trụ hoa biển vuông vức cao vút tạo ra một cổng chính và 2 cổng phụ vào đình, đỉnh của 2 cột trong cao hơn đều được đắp 4 con phượng chụm đuôi lại như bông hoa gợi lên cả bầu trời sao, còn đỉnh ở 2 trụ ngoài thấp hơn lại được đắp con lẫn như kiểm soát tư cách người vào đình.
Như vậy từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, ngôi đình có sự thay đổi mặt bằng để tổng thể ngày càng hoàn chỉnh và càng gắn bó với cuộc sống hiện tại của dân làng, chan hòa trong tổng thể lớn kiến trúc cả làng xóm.
Giá trị kỹ thuật và nghệ thuật của di sản văn hóa đình làng lại tập trung ở cấu trúc và trang trí nội thất. Ở đình làng chiếc kèo không còn nữa, song phần chia gian vẫn gọi là “vì kèo”. Mối liên kết giữa các cột trong một vì được thực hiện nhờ các xã dọc, kè, câu đầu và con giường. Đình rộng lòng có 6 hàng cột, một số đình hẹp lòng chỉ có 4 hàng cột. Nối cột cái với cột quân thường là chiếc xà dọc đỡ những con giường hoặc ván dày tạo mảng lớn để trang trí, còn ở các gian bên có thể chi là chiếc kẻ chéo, hoặc phía trước là xã và giường còn phía sau là kẻ, để tập trung trang trí cho phía trước.
Nối cột quân với cột hiện thường là cái kẻ dài để đuôi kẻ kéo dài ra đỡ cả mái hiên, cũng có khi là chiếc xã để cái bẫy đỡ mái hiện được ghìm đuôi lại ở dưới xà, đó là lối hiện phổ biến “tiền kẻ hậu bầy”. Kỹ thuật biểu hiện cũng tiến từ chạm nổi ở thế kỷ XVI sang chạm lộng ở thế kỷ XVII có tốn gỗ song sự tương phản sáng tối lại làm các hình sống động hơn, ở thế kỷ XVIII lại trở về chạm nổi tiết kiệm gỗ và thế kỷ XIX thì chạm nổi gắn lắp một bộ phận nhô ra xa, là sự “chạm lộng giả” tiết kiệm gỗ và công mà hiệu quả nghệ thuật cũng khá.
Tác giả
Trần Lâm Biền
Tổng hợp
Anh Nguyên
Ảnh
Triệu Chiến
Phim
NOTES