Nhận diện kiến trúc hiện đại

Kiến trúc hiện đại có thể được định nghĩa theo hai cách. Đầu tiên, kiến trúc hiện đại là kiến trúc của ngày hôm nay, thể hiện cách chúng ta sống hàng ngày trong thời hiện đại. Thứ hai, đây là tầm nhìn và lý tưởng mà các kiến trúc sư thế hệ trước hình dung về xã hội hiện đại. Dù là bằng cách nào cũng đều phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Nguồn
Archisoup
Archdaily/Niall Patrick Walsh

Biên tập
Hạnh Nguyễn

Kiến trúc hiện đại là gì?

Kiến trúc hiện đại là kiến trúc sử dụng công nghệ xây dựng mới và sáng tạo, đặc biệt là dùng vật liệu thép, bê tông cốt thép và kính. Ý tưởng chủ đạo của kiến trúc hiện đại là “hình thức đi theo chức năng” và gắn với chủ nghĩa tối giản, hạn chế trang trí hoa mỹ.

Phong trào hiện đại nổi lên từ sau Thế chiến 2, được ứng dụng cho hàng loạt công trình cơ quan, đoàn thể.

Home Insurance cao 10 tầng – Chicago, Hoa Kỳ
Kiến trúc sư: William Le Baron Jenney
Ảnh: Skyscraper Center

Toà Woolworth – New York, Hoa Kỳ
Kiến trúc sư: Cass Gilbert
Ảnh: Wikipedia Commons

Nguồn gốc của kiến trúc hiện đại

Phong trào kiến trúc hiện đại bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Trong thời kỳ này đã có một cuộc cách mạng về công nghệ, vật liệu xây dựng và kỹ thuật. Ngành công nghiệp xây dựng chuyển mình từ kiến trúc truyền thống sang phong cách mới và thiết thực hơn. Kiến trúc hiện đại trước tiên chấp nhận sử dụng kính, gang và bê tông cốt thép để xây dựng các kết cấu cao hơn và nhẹ hơn.

Tòa nhà cao tầng đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, Home Insurance do William Le Baron Jenney thiết kế vào năm 1883, chính là lời đáp trả cho tình trạng thiếu đất và chi phí xây dựng đắt đỏ ở thành phố đang phát triển. Công trình sử dụng công nghệ mới như khung thép chống cháy và thang máy an toàn, là các phát minh của Elisha Otis.

Louis Sullivan cũng xây dựng nhiều công trình đồ sộ khác ở trung tâm Chicago trong khoảng thời gian 1904-1906. Tuy nhiên, các công trình ban đầu này vẫn mượn phong cách trang trí từ kiến trúc Neo-Gothic, Neo-Phục hưng và Beaux-Arts.

Một thời gian sau, tòa nhà Woolworth do Cass Gilbert thiết kế và hoàn thành vào năm 1912 đã trở thành tòa nhà cao nhất thế giới cho đến khi Chrysler được xây dựng vào năm 1929.

Đến thời kỳ hậu chiến, có hai yếu tố dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của kiến trúc hiện đại trong thời kỳ này. Đầu tiên, nhu cầu về công nghiệp trong Thế chiến 2 dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu xây dựng như thép, kéo theo sử dụng vật liệu mới như nhôm. Thứ hai, chiến tranh tàn phá khủng khiếp và rất nhiều công trình cần xây dựng lại.

Việc sử dụng các công trình đúc sẵn được mở rộng trong thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh cho các tòa nhà của chính phủ và quân đội. Những thử nghiệm như nhà Lustron và nhà Dymaxion cũng xuất hiện trong khoảng thời gian 1947-1950.

Thành phố Le Havre, Pháp
Ảnh: Erik Levilly

Ảnh: Alamy

Chính phủ đã chi một khoản viện trợ khổng lồ cho các dự án xây dựng trong thời kỳ hậu chiến để bù đắp tình trạng thiếu nhà ở. Những dự án này được thực hiện ở các thành phố và vùng ngoại ô nơi có diện tích đất lớn. Ví dụ, trung tâm thành phố Le Havre là một trong những dự án tái thiết lớn nhất được thực hiện sau khi bị quân đội Đức phá hủy. Người tiên phong trong việc sử dụng vật liệu đúc sẵn và bê tông cốt thép, kiến trúc sư Auguste Perret, đã xây dựng một loạt công trình mới cho thành phố. Năm 2005, UNESCO công nhận nơi này là Di sản Thế giới.

Ở Mỹ, hầu hết các nhà lãnh đạo Phong trào Bauhaus của Đức đều xây dựng nhà mới sau khi chuyển đến. Những ngôi nhà mới đó đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kiến trúc hiện đại của Mỹ sau này.

12 phong cách của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc

Đầu thế kỷ 20

Bauhaus

The Bauhaus ban đầu là trường kiến trúc và nghệ thuật của Đức do Walter Gropius thành lập năm 1919. Đây là hình mẫu của nhiều trường kiến trúc, lấy tên mình đặt cho một phong cách đặc biệt, nhấn mạnh vào chức năng, ít tính trang trí và có sự hợp nhất giữa các hình dáng cân bằng và trừu tượng.

Trường Bauhaus – Đức
Kiến trúc sư: Walter Gropius
Ảnh: Thomas Lewandovski

De Stijl

Xuất hiện từ năm 1917, De Stijl (nghĩa là “Phong cách”) có nguồn gốc từ Hà Lan và được cho là đạt đỉnh cao trong giai đoạn 1917-1931. Đặc điểm của phong cách này là thiết kế đơn giản, chỉ dùng các hình dạng cơ bản theo phương dọc hoặc phương ngang; màu sắc đen, trắng và màu cơ bản. Phong cách này cũng tương ứng với tờ tạp chí De Stijl do nhà thiết kế người Hà Lan Theo van Doesburg xuất bản vào thời điểm đó.

Café L’Aubette – Strasbourg, Pháp
Kiến trúc sư: Theo van Doesburg
Ảnh: Courtesy of Wikimedia user Claude Truong

Chủ nghĩa kiến tạo (Constructivism)

Trong khi phong cách Bauhaus và De Stijl phát triển vào những năm 1920 ở Tây Âu, chủ nghĩa kiến tạo lại xuất hiện ở Liên Xô. Chủ nghĩa kiến tạo, kết hợp đổi mới công nghệ với ảnh hưởng của chủ nghĩa vị lai Nga, đã tạo nên các khối kết cấu hình học trừu tượng. Phong cách này không còn được ưa chuộng vào đầu những năm 1930. Các kiến trúc sư kiến tạo nổi tiếng của Nga phải kể đến El Lissitzky và Vladimir Tatlin, dù rằng cả hai được công nhận nhiều nhất qua các đề xuất và dự án chưa được xây dựng.

Kiến trúc kiển tạo ở Yekaterinburg, Nga
Ảnh: Denis Esakov

Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism)

Các hình dáng sinh học, hữu cơ, cảm xúc là đặc trưng của chủ nghĩa biểu hiện, trái ngược với tuyến tính và sạch sẽ của kiến trúc Bauhaus mặc dù chúng cùng tồn tại giữa năm 1910-1930. Xuất phát từ phong cách Avante Garde ở Đức, Hà Lan, Áo, Séc và Đan Mạch, chủ nghĩa biểu hiện khám phá kỹ thuật mới từ việc sản xuất hàng loạt thép, gạch và thủy tinh, đồng thời cũng gợi lên những khối kiến trúc phi thường và tầm nhìn không tưởng.

Nhà thờ Grundtvig – Thuỵ Điển
Kiến trúc sư: Peder Vilhelm Jensen Klint
Ảnh: Flickr user Flemming Ibsen

Khoảng giữa thế kỷ 20

Chủ nghĩa chức năng (Functionalism)

Chủ nghĩa chức năng dựa trên nguyên tắc mà ở đó, thiết kế của một công trình nên phản ánh mục đích và công năng của công trình đó. Nổi lên từ hệ quả của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong cách này gắn liền với các ý tưởng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Khi phong cách này phát triển trong suốt những năm 1930, đặc biệt là ở Đức, Ba Lan, Liên Xô, Hà Lan và Tiệp Khắc, ý tưởng cốt lõi “hình thức đi theo chức năng” đã gắn với kiến trúc như một phương tiện tạo ra cuộc sống tốt hơn cho con người.

Biệt thự “Indian Ship” – Praha, Cộng hoà Séc
Kiến trúc sư: Idhea
Ảnh: BoysPlayNice

Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)

Chủ nghĩa tối giản phát triển từ các phong trào De Stijl và Bauhaus trong những năm 1920, nhấn mạnh việc sử dụng các yếu tố thiết kế đơn giản mà không cần trang trí. Được phổ biến từ các công trình của Mies van der Rohe phổ biến, phong cách sử dụng các yếu tố cơ bản trong thiết kế để biểu lộ bản chất của sự vật. Đặc trưng của phong cách này là các hình dáng hình học thuần túy, vật liệu đơn giản, lặp lại nhau và sạch sẽ.

Barcelona Pavilion – Tây Ban Nha
Kiến trúc sư: Mies van der Rohe
Ảnh: Gili Merin

Phong cách quốc tế (International Style)

Phong cách quốc tế được đặt ra vào năm 1932 bởi Philip Johnson và Henry-Russell Hitchcock tại Triển lãm Kiến trúc Hiện đại Quốc tế. Phát triển từ nguyên tắc hiện đại sơ khai ở châu Âu, phong cách quốc tế mô tả kỷ nguyên mà chủ nghĩa hiện đại châu Âu lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Với đặc trưng là hình học đơn giản và ít hoạ tiết trang trí, phong cách này đã tạo ra hàng loạt tòa nhà chọc trời nguyên khối với hệ vách bằng cửa, mái bằng và vật liệu kính trên khắp nước Mỹ.

Villa Savoye – Pháp
Kiến trúc sư: Le Corbusier
Ảnh: Flickr User: End User

Chủ nghĩa chuyển đổi (Metabolism)

Chủ nghĩa chuyển đổi là trào lưu của Nhật Bản sau chiến tranh, tạo ra các siêu cấu trúc với sự tăng trưởng sinh học hữu cơ. Bị ảnh hưởng từ lý thuyết Marxist và các quá trình sinh học, một nhóm các nhà thiết kế trẻ bao gồm Kiyonori Kikutake, Kisho Kurokawa và Fumihiko Maki đã xuất bản bản tuyên ngôn Metabolism của họ vào năm 1960, gây chú ý lớn với công chúng. Các đặc điểm của phong cách này là mô-đun, đúc sẵn, dễ thích ứng và hạ tầng cốt lõi kiên cố.

Nakagin Capsule Tower – Nhật Bản
Kiến trúc sư: Kisho Kurokawa
Ảnh: Arcspace

Chủ nghĩa thô mộc (Brutalism)

Chủ nghĩa thô mộc xuất hiện vào những năm 1950, được đặt ra bởi các kiến trúc sư người Anh Alison và Peter Smithson. Bắt nguồn từ “Béton brut” (bê tông thô) ban đầu gắn với Le Corbusier, phong cách có đặc điểm là hình thức nguyên khối, phong cách hình học vững chắc và hình dạng khác thường. Các công trình thô mộc thường là các dự án của chính phủ, công trình giáo dục hoặc căn hộ cao tầng, chủ yếu được ốp bằng bê tông thô.

Barbican Estate – Anh
Ảnh: Joas Souza

Cuối thế kỷ 20

Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)

Giữa thế kỷ 20, các đường nét sạch sẽ của phong cách quốc tế và thuyết vị lợi của chủ nghĩa chức năng ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố của Mỹ và châu Âu. Được tạo ra từ suy nghĩ về các giá trị hiện đại cốt lõi, kiến trúc hậu hiện đại muốn thế chỗ chủ nghĩa hiện đại nhằm mục đích làm sống lại những ý tưởng lịch sử và truyền thống, mang một cách tiếp cận bao quát hơn cho thiết kế.

The Portland Building – Hoa Kỳ
Kiến trúc sư: Michael Graves
Ảnh: misfitsarchitecture.com

Kiến trúc công nghệ cao (High-Tech)

Kiến trúc công nghệ cao, hay còn gọi là chủ nghĩa biểu hiện kết cấu, là phong cách hiện đại kết hợp kỹ thuật và thiết kế công trình. Sử dụng những tiến bộ trong vật liệu và công nghệ, phong cách nhấn mạnh tính rõ ràng trong thiết kế và xây dựng, truyền tải kết cấu và chức năng của tòa nhà thông qua các yếu tố được bộc lộ ra ngoài. Các đặc điểm phổ biến là các tầng đua ra, bỏ đi tường kết cấu bên trong và các không gian thường đa chức năng.

TT Nghệ thuật & Văn hoá Georges Pompidou – Paris, Pháp
Kiến trúc sư: Renzo Piano & Richard Rogers
Ảnh: conservapedia.com

Chủ nghĩa giải toả kết cấu (Deconstrutivism)

Bắt nguồn từ chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa giải cấu trúc đặc trưng là thiếu tính hài hòa, liên tục hoặc đối xứng trong các công trình. Kiến trúc giải toả kết cấu thường thay đổi bề mặt của kết cấu, tạo ra các hình dạng không bằng phẳng, làm biến dạng các yếu tố, do đó gợi lên các ý niệm về sự khó đoán và hỗn loạn trong tầm kiểm soát. Phong cách này được đặc biệt chú ý những năm 1980.

Bảo tàng Thiết kế Vitra – Đức
Kiến trúc sư: Frank Gehry
Ảnh: Joas Souza