“Tuy chỉ xưng Vương, chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu nhưng mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”.
Sau khi dẹp tan loạn 12 sứ quân và 30 năm sau chiến thắng Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt và đóng đô ở Hoa Lư năm 968, bỏ niên hiệu của các hoàng đế phương Bắc, tự đặt niên hiệu riêng là Thái Bình. Những biểu hiện tinh thần tự chủ, quyết tâm dành độc lập dân tộc và phủ định quyền bá chủ của lực lượng quân sự, sắp xếp lại có quy củ hơn chính quyền ở Trung ương và địa phương, xây dựng công trình phòng ngự kiên cố, sẵn sàng chống quân xâm lược nhà Tống và đã dành những thắng lợi rực rỡ vào năm 981, dưới quyền chỉ huy của thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở. Nhà Đinh đã dựa vào thế núi sông, đắp thành, đào hào xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố để làm kinh đô.
Thành Hoa Lư nay thuộc xã Trường Yên (Ninh Bình) nằm trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng, giữa một khu vực đá vôi bao bọc xung quanh như một bức tường thành thiên nhiên bên bờ sông Hoàng Long. Sông này bắt nguồn từ rừng núi Hòa Bình, Nho Quan, chảy ra sông Đáy, là đường giao thông thuận lợi dẫn tới vùng núi non hiểm trở ở sau lưng và liên lạc thuận lợi với phía bắc phía nam thành đô này.
Những tường thành nhân tạo xây trên những khoảng trống giữa các giải núi, cũng là những công trình hết sức lớn lao thời bấy giờ. Thành Hoa Lư, diện tích toàn bộ rộng khoảng 300 ha, chia làm Thành Ngoại và Thành Nội với tất cả 10 khúc tường thành nhân tạo. Các thành dài ngắn tùy theo khoảng cách giữa hai đầu núi. Tường dài nhất là tường Dền 500 m, tường ngắn ngất là tường Bim 65 m. Các thành lớn che chở phương Bắc; phía Tây trông ra sông Hoàng Long là phía trống trải nhất của toàn bộ khu thành.
Tường thành đông bắc nối núi Chẻ với núi Cột Cờ có điểm giống thành Đông nối núi Cột Cờ với núi Thanh Lâu là đều đắp ngang qua những khu đất thấp, thường bị ngập nước và sức chịu lực yếu đối với móng xây thành. Tường còn di tích cao khoảng 2 hay 3m. Những công trình khai quật của Viện Khảo Cổ cho thấy móng tường thành nằm sâu dưới mặt ruộng, có một kết cấu đáng chú ý theo truyền thống dân gian xây dựng trên những khu đất yếu, lầy, ngập nước. Lớp dưới cùng của móng là lá cây, cành cây, trên lớp đất sét pha cát giống như đất đắp chân thành, rồi một lớp lá cành cây khác. Kết cấu móng này hiện nay rất quen thuộc ở vùng lầy lội nông thôn nước ta, phát huy tác dụng của nó trong điều kiện nằm trong mực nước ngầm. Cám sâu vào lớp đất mỏng này là những cọc đơn và cọc kép nối nhau bằng đà ngang có lỗ mộng.
Nhiều chỗ còn thấy những thân gỗ dài nằm theo chiều dọc, chiều ngang của tường thành, chắc chắn là làm chức năng liên kết trong khối tường thành. Đó là tường đắp đất. Phía trong của tường đất là tường xây gạch, dày khoảng 0,45m, xây choãi chân; dưới chân tường có kê đá và cọc gỗ lớn đặt chồng chéo nhau. Mặt ngoài tường đất có đóng những hàng cọc chống sụt lở. Tường thành kể từ móng có nơi cao nhất khoảng 6.50 m, mặt tường khoảng 8 đến 10m, trong khi chân tường rộng từ 15 m đến 17 m.
Gạch xây tường ở đây màu đỏ, mịn, độ nung không cao lắm, khuôn khổ 30 × 16 × 4cm, Gạch có in chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên”. Có loại gạch to và dày hơn loại trên, độ nung cao, màu xám xanh trên mặt in ba chữ “Giang tây quân”. Ở tường thành đông, phía núi Cột Cờ, đã phát hiện di tích một lầu nhỏ với khuôn khổ nền còn lại khoảng 4,50m × 8,60m. Đáng chú ý ở đây là gạch lát nền vuông, to nhỏ khác nhau từ 30 đến 35cm, dày từ 6 đến 9cm có hoa văn in nổi. Có loại trang trí hình hoa sen 16 cánh, bốn góc là hình bướm với đường viền bốn cạnh hình chữ triện. Có loại cũng đường viền như loại trên nhưng giữa mặt gạch là hai hình phượng vờn nhau quay vòng tròn, bốn góc là những hình hoa lá cách điệu hóa.
Thành Hoa Lư được xác định xây xong trong vòng 13 năm vào nửa sau thế kỷ thứ 10. Tác giả giới thiệu công trình khảo cổ này trong tạp chí Khảo cổ học cho rằng các tường thành với toàn thể cấu trúc và quy mô hiện còn là được xây đắp trong thời Đinh (968 – 980).
Rõ ràng về mặt vị trí, địa thế, và cấu trúc các thành xây và đắp, đây là một căn cứ địa rộng lớn, một “quân thành” làm chức năng một kinh đô, với ý nghĩa một trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của một quốc gia độc lập, dưới chế độ phong kiến tự chủ, từ đó đất nước ta bắt đầu sáng tạo những công trình của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Miền cố đô của nước Đại Cồ Việt là nơi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh tiêu diệt 12 sứ quân, cũng là nơi vua Lê Đại Hành nuôi binh rồi đưa quân tiêu diệt quân xâm lược nhà Tống. Miềm núi đá này có nhiều hang động nổi tiếng là đẹp. Bích động nằm trong dãy núi đá vôi Trường Yên cao sừng sững. Một dòng sông nhỏ uốn lượn trước động; xung quanh động, dãy núi Ngũ Hành Sơn bao bọc, tạo nên một cảnh trí “đẹp như tranh vẽ”.
Chùa Bích gắn liền với Bích Động. Chùa xây theo vách núi thành 3 cấp: Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, mỗi chùa đặt cao chênh nhau trên hàng chục bậc. Chùa Trung một nửa nằm trong động, một nửa lộ thiên. Trong Hang Tối, có tượng Phật Thích Ca và một quả chuồng, tất cả đều đúc bằng đồng.
Sau động Hương Tích (Chùa Hương, Hà Tây cũ) được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”, Tự Đức đã đề tặng cho Bích Động là “Nam thiên độ tam động”, hang động thiên nhiên ở đây được tô điểm thêm những công trình kiến trúc. Một tam quan dáng uy nghiêm đặt trước một sân gạch. Cuối sản là ngôi đền xây đá xếp ba lớp song song hình chứ tam. Từ đó trèo lên trăm bậc mới đến cửa động, trên vách ghi sáu chữ lớn; Nam Sơn Động, Cổ Am Tự.
Động rộng đã biến thành một ngôi chùa. Trên các bộ đá, đặt tượng Phật, tượng La Hán, tượng Hộ Pháp. Trên vách đá, treo một quả chuông cao 8 thước, nặng chừng một tấn. Văn bia trong chùa chỉ rõ ràng Bích Động được biến thành nơi thờ Phật vào đời Lê Cảnh Hưng năm Canh Thân, tức năm 1740.
Hang động là hiện tượng phổ biến trong các núi đá vôi, đi đôi với cảnh quan kỳ thú do khí hậu nhiệt đới tạo nên trong hang động là những thạch nhũ mang những tên “chín rồng tranh ngọc”, hay “hạc múa”, “rùa bơi” “tiên ông câu cá”, “Phật Thích Ca tĩnh tọa” thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân dân trước những cảnh đẹp.
Ở Bích Động và Địch Lộng, hang thiên nhiên dùng làm nơi thờ Phật. Những tín đồ mộ đạo là vua chúa không chỉ vừa lòng với việc đặt tượng Phật vào hang mà đã phải dùng đến ngôn ngữ của kiến trúc để nói lên lòng thành tín của mình; đó là chùa Bích với đền thờ 3 cấp; đó là tam quan, sân gạch trước ngôi đền hình chữ tam thờ Nguyễn Minh Không, một pháp sư thời Lý.
Chùa đặt trong hang động là một lối kiến trúc thờ Phật bắt nguồn từ nơi phát sinh ra đạo Phật là Ấn Độ hang động do bàn tay lao động của các tín đồ tạo ra; còn ở động Hoa Lư hang được tạo nên do nước mưa chảy qua các khe đá nứt nẻ rồi bào mòn, đục sâu vào ruột núi đá mà thành.
Nói về kinh đô nước Đại Cồ Việt, sứ thần Trung Quốc đời Tống là Tống Cảo đã viết: “Hoa Lư, thị Hán Trường An”, nghĩa là “Kinh thành Hoa Lư sách ngang với Trường An đời Hán”.
Đinh Bộ Lĩnh, sau khi xưng Hoàng Đế ở Hoa Lư, đã cho xây nhiều cung điện. Vua Lê Đại Hành nối tiếp sự nghiệp nhà Đinh, mở mang kinh đô. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Làm điện Bích Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vẫn, cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu, bên đồng là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Long Tộc lợp ngói bạc”. Chắc hẳn là kiến trúc kinh đô Hoa Lư phải rực rỡ, bề thế nên sứ thần nhà Tống mới so sánh với Trường An.
Tương truyền rằng, ở thành ngoại đã xây nhiều cung điện. Đền Đinh, đền Lê ta thấy ngày nay được xây trên nền cung điện cũ. Chùa và đền ở thôn Yên Thành ngày nay cũng nằm trong khu vực cung điện xưa.
Bằng chứng xác nhận sự phát triển của Phật giáo trong buổi đầu của thời kỳ phong kiến tự chủ và cũng nói lên sự phát triển văn hóa của thế kỷ 10 là những cột Kinh Phật khắc chữ với niên đại rõ ràng là năm 973. Có cột Kinh bằng đá rất lớn, hình trụ ở cổng chùa Nhất Trụ, giữa thôn Yên Thành có khác bài kinh Lăng Nghiêm. Sử có ghi Đinh được thành lập (968). Quanh đây đã phát hiện những viên gạch xây thành có in chữ: “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây Quân”. Các nền gạch vuông có trang trí nổi hình hoa sen và đôi phượng.
Lưu truyền trong nhân dân ý kiến cho rằng khi vua Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long năm 1010, đền thờ Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Lê Đại Hành đã được dựng lên bằng công của nhân dân. Các việc trùng tu đã để lại dấu ấn của nghệ thuật các triều đại. Nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc thời Hậu Lê còn rõ ràng nhất.
Các công trình kiến trúc đền vua Đinh bố trí cân đối (theo một trục dài), tên gọi phỏng theo cung điện nhà vua. Trước cổng đền, một cột đá khắc bốn đại tự “Bắc môn tỏa thược” nghĩa là “Cửa Bắc khép lại”, mà người ta còn hiểu là “đề phòng phương Bắc”, là di huấn của những anh hùng đã giải phóng đất nước khỏi ngàn năm Bắc thuộc. Qua Ngọ Môn Quan ba gian trên đường Chính Đạo 20m rộng đến Nghi Môn Nội. Vườn hoa xanh tốt bốn mùa hai bên Chính Đạo. Qua cổng trong rồi, Chính Đạo dẫn đến 2 trụ biểu chế ngự sân rồng.
Giữa sân rồng, sát bái đường của đền thờ, có một long sàng bằng đá 1,80m × 1,40m chạm rồng, nổi chung quanh. Mặt long sàng cũng chạm rồng thân uốn lượn, râu chải đều, chân trước nắm sừng. Điều đáng lưu ý là ở đây, tôm, cua, cá, chuột được tạc quây quần với rồng của nhà vua. Hai bên long sàng có hai nghề đá ngồi chầu, tuy chạm khác nanh nhẹ bờm dựng mà lại có vẻ hiền hòa trong tư thế chó đá ngồi tỳ hai chân trước của nghệ thuật dân gian.
Đền có ba tòa: bái đường, thiếu hương và chính cung. Đôi xà cổ ngỗng che đầu hoành ở ba gian tòa thiêu hương có thể coi là một sáng tạo không chỉ mang tính chất trang trí. Nếu tòa thiều hương thờ tứ trụ triều đình, thì tòa chính cung trong cùng thờ tượng vua Đinh đúc đồng, sơn son thếp vàng ngồi trên sập rồng. Hai bên sập rồng, hai rồng đá chầu hai bên, bụng rồng bên phải có một con cá chép bú rồng, bụng rồng bên trái tạc hình cá trắm đớp con tôm. Tôm, cua, chuột cá chép, cá trắm của đời sống nông thôn chạm khắc bên rằng là hình vật tượng trưng uy quyền vua chúa, thể hiện phong cách nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVIII (Hậu Lê).
Đề tài người và vật được thể hiện sinh động trên bức cốn bên trái Nghi môn ngoài đền Đinh, chạm hình lực sĩ thân hình vạm vỡ, một tay nắm đuôi con nai, một tay vung dao đâm mạnh vài con thú. Ở đền Lê, gần đền Đinh, trong hai “cửa thông gió” vuông cạnh 25cm, đã chạm “thủy cảnh”, người đứng bên rằng, người cưỡi rồng. Tính chất phóng khoáng táo bạo và châm biếm của nghệ thuật dân gian các thế kỷ 17, 18 thấy ở đây rõ nét trong khi đề tài rồng ổ, rồng dài, rồng đàn, rồng mẹ, rồng con trên các xà dọc, xà ngang, nhất là bức chạm rồng đàn trên mảng ván bưng chạy dài theo xà lòng hậu cung đền Đinh, kết hợp tuyệt xảo chạm lộng với chạm nổi. Nghệ sĩ dân gian thời hậu Lê đã thể hiện rồng thật sống động.
Ở một trụ đấu đền Lê chạm cá hóa rồng, theo đề tài quen thuộc. Nhưng người ta chú ý ở đây, không phải cá chép mà là cá rô hóa rồng. Hình tượng cá đã mang tính địa phương vùng chiêm trũng xưa của đất Trường Yên rất nhiều cá rô. Phía sau đền, dãy núi Phi vân giữ vai trò “trẩm” theo đòi hỏi của thuyết “phong thủy” và tạo nên một cảnh quan độc đáo của đền Đinh, đền Lê.
Trước tam quan ngoài đền Đinh còn hồ bán nguyệt có trước khi xây đền, rất có thể là một bộ phận của kiến trúc cung điện xưa. Từ điển Đinh nhìn phía trước, xế bên tay phải, có ngọn núi đá võng giữa, hai bên cao hơn, gọi là núi Yên Ngựa (Mã Yên Sơn). Các nhà địa lý cho rằng vua Đinh đóng đô ở Hoa Lư đã lấy núi này làm “án” Lăng vua Đinh đã đặt chính giữa đỉnh núi năm Kỷ Mão (979) như Đại Việt sử ký đã ghi.
Phía nam chân núi Mã Yên, Lăng vua Lê Đại Hành đặt giữa “tay ngai” với “long chầu hổ phục”, nhờ có 2 ngọn núi đá ở bên. Thiên nhiên hùng vĩ của đất Hoa Lư đã là bạn đồng hành của kiến trúc, trước kia cũng là cung điện kinh đô, bây giờ còn lại là đền Đinh – Lê và các dấu tích của thành Hoa Lư cổ kính.
Tổng hợp
Anh Nguyên
Ảnh
Triệu Chiến