Trong những kiến trúc sư, hơn ai hết, Le Corbusier gần bó cuộc đời sáng tác của mình với hội họa và điêu khắc. Nghệ thuật tạo hình đã giúp ông rất nhiều trong sáng tác kiến trúc và nghiên cứu tìm tòi các không gian kiến trúc.
Suốt 40 năm trời làm kiến trúc, ngày nào Le Corbusier cũng vẽ vài tiếng đồng hồ. Ông có một xưởng vẽ ở 24 rue Nungsser-et-Coli ở Paris và say sưa sáng tác tranh sơn dầu. Nhiều tác phầm hội họa của ông đã được cất giữ ở bảo tàng quốc gia về nghệ thuật hiện đại. Cũng ở bảo tàng này năm 1953 đã tổ chức một cuộc trưng bày quan trọng toàn bộ tác phẩm của ông một phòng dành riêng cho tranh của ông. Ông có thói quen vẽ và ghi chép vào các cuốn sổ tay trong các cuộc đi tham quan, thực địa hay du lịch. Trong 73 cuốn sổ tay được lưu lại có rất nhiều trang ký họa bút chì và mực tàu diễn đạt các nhận xét và cảm thụ của ông về thiên nhiên, về kiến trúc, con người và cuộc sống. Chính sự tiếp xúc và thực hành thường xuyên về hội họa khiến Le Corbusier luôn luôn có tư duy tạo hình trong sáng tác kiến trúc.
Le Corbusier (Cherles Edouard Janneret) – Tĩnh vật – 1922. Một sự tôn trọng nghiêm ngặt hai chiều của tranh, sự kết hợp khắt khe những hình thể đơn giản, bố cục trong sáng được sắp đặt theo tính hình học và cách sử dụng màu kín đáo là đặc điểm của trào lưu thuần khiết chủ trương trở lại những ý đồ đầu tiên của chủ nghĩa lập thể.
Cuối năm 1918 ông cùng với họa sĩ Amédée Ozenfant xuất bản một tài liệu nhan đề “Sau chủ nghĩa lập thể” nhân dịp hai ông tổ chức một triển lãm hội họa chung tại phòng tranh Thomas ở Paris. Các họa sĩ lập thể đã tìm cách biểu diễn không gian ba chiều trên mặt phẳng tranh bằng cách đặt nhiều hình chồng lên nhau, những hình này thường là những mặt khác nhau của chủ thể. Với thủ pháp này, hình ảnh chủ thể trở thành trong suốt, xuyên qua nó nhìn thấy nhiều mặt khác của chính nó. Như vậy bức tranh đã diễn đạt được nhiều mặt khác nhau của một vật như ta nhìn thấy nó dưới những góc độ khác nhau hay, từ những tiêu điểm khác nhau. nhờ đó diễn đạt được không gian ba chiều và tính chất động vì đã từ bỏ cách nhìn vật thể một cách tĩnh tại từ một điểm duy nhất. Hội hoạ lập thể đã gợi ý cho các kiến trúc sư tìm được cách biểu hiện không gian kiến trúc mới mẻ có tính động bằng sự trong suốt, hơn nữa qua đó tạo được mối quan hệ giữa các không gian bên trong và bên ngoài một cách tự do. Hai yếu tố động và quan hệ trong ngoài này đã phủ định hệ thống bố cục không gian cổ truyền là tĩnh, là đối xứng qua các trục.
Thế là những ngôi nhà hộp kính ra đời. Với Le Corbusier đó là ngôi nhà của Ozenfant 1922 —Paris), ngôi nhà ở “Bừng sáng” (Immeuble Clarté — 1932 Thụy Sĩ), ngôi nhà Đội cận vệ ở Paris (1933). Các kiến trúc sư bậc thầy khác cũng có những đồ án tương tự như ngôi nhà của nhà máy Fagus, lồng cầu thang gian trưng bày của Hội Werbund ở Cologne trường Bauhaus ở Dessau của Walter Gropius, phương án nhà chọc trời bằng kính có mặt bằng cong tự do của Mies van der Rohe v.v.. Để biểu hiện tính trong suốt và mối quan hệ chan hòa giữa không gian trong và ngoài ở những công trình xây bằng gạch hay đá đặc thì Rohe đã dùng những bức tường thẳng trực giao nhau (nhiều khi không gặp nhau). Một gợi ý nữa của hội họa lập thể cho kiến trúc hiện đại là việc diễn đạt các vật thể phức tạp trong thiên nhiên bằng một số hình học rất hạn chế, những hình sơ cấp. Việc đơn giản hóa thực tế khách quan ấy làm tăng tính chất trừu tượng của bức tranh đồng thời gợi ý cho kiến trúc sư tìm cách diễn đạt các không gian của mình bằng các hình sơ cấp mà đơn giản nhất là cái hộp vuông hay chữ nhật.
Ba năm sau việc xuất bản tài liệu “Sau chủ nghĩa lập thể”, Le Corbusier công bố một loạt bài đăng trong tạp chí “Tinh thần mới” (Esprit Npuveau) do ông và Ozenfant với Paul Dermée thành lập. Loạt bài này gây nhiều tiếng vang và ông đã in lại năm 1923 trong tập “Hướng về một nền kiến trúc” (Vers une Architecture) với lời nói đầu có nhan đề “Kiến trúc, thẩm mỹ của kỹ sư”. Trong loạt bài báo này, Le Corbusier đã phân tích sâu về các hình trong hội họa hiện đại, về mối quan hệ giữa hoạt động nghệ thuật và sản xuất. Cũng năm đó (1923), Walter Gropius công bố “Tư tưởng và cấu trúc của Bauhaus” cũng đề cập mối quan hệ này và những tài liệu này đã làm cơ sở hình thành xu hướng “Tinh thần mới” mà sau này biểu hiện trong kiến trúc hiện đại bằng phong cách quốc tế.
Trong các bài viết trong “Tinh thần mới” Le Corbusier đã ca ngợi các điêu khắc nhỏ của Archipenko và Jacques Lipchit. Các nhà điêu khắc này đã tạo nên nhiều lỗ thủng trong tượng của mình. Các “khối âm” này tạo cho điêu khác hòa dễ dàng hơn vào khung cảnh xung quanh, không gian xung quanh thấm xuyên qua tác phẩm. Le Corbusier thấy ở loại tượng thủng này những gợi ý cho không gian kiến trúc mới, đó cũng là tính trong suốt, tính chan hòa của các không gian và những mặt ghềnh, mặt cong hai chiều. Nhưng Le Corbusier cũng nhận thấy hội họa lập thể có điềm không phù hợp lắm với tư duy không gian kiến trúc trong thời kỳ hiện đại như thiếu tính chính xác. Trái lại những tranh trừu tượng hình học tủa Piet Mondrian lại gợi ý cho kiến trúc sư cách tạo nên những không gian hiện đại, chính xác. Mondrian phản đối, tính chất lập lờ nước đôi của hệ thống nhiều tiêu điểm của không gian trong tranh lập thể. Năm 1919 ông sắp xếp chỉ bằng các dấu cộng và trừ thành bức bố cục như một mạng ô cờ đồng nhất phủ toàn bộ bức tranh. Chủ đề “ô cờ” tương tự cũng đã được Paul Klee đề cập đến từ 1914 và xuất hiện trong các môtip dệt thảm của Arp và Sophie Taeuber từ năm 1915. Những nỗ lực tìm kiếm và các cuộc tranh luận đã dẫn đến một số giả thuyết về bản chất của không gian tạo hình và không gian kiến trúc như không gian mạng lưới (Espace-grille), không gian phi tiêu điểm (Espace-afocal) của Mondrian, Arp và Paul Klee, không gian trường lực (Espace-champ de force} của Kandinsky, Delaunay Kupka, không gian – thời gian ánh sáng chuyển động do Moholy Nagy phát minh. Những kết quả tìm kiếm trên mặt phẳng của các họa sĩ đã được các kiến trúc sư thể hiện trong không gian bằng hệ thống khung thép trục giao nhau của ngôi nhà hiện đại, nhất là trong những ngôi nhà chọc trời.
Cái tinh khiết và tính trừu tượng của các tranh theo kiểu ô cờ và các tư tưởng “sau lập thể” đã đưa Le Corbusier đến chủ nghĩa Thuần túy (Purisme) nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa lập thể, tránh cho nó khỏi đi vào xu hướng trang trí đơn thuần. Các tranh của ông có khuôn khổ ngày càng lớn dần, ngày càng trừu tượng và gần với tranh tưởng. Hình vẽ giản dị sắp xếp theo nhịp điệu hài hòa với màu sắc đơn giản tạo nên ấn tượng nghiêm trang, khắc khổ. Về kiến trúc, ông sáng tác các công trình theo các hình sơ cấp rất đơn giản nhưng rất tinh khiết hướng tới phi vật chất hóa công trình kiến trúc: các mặt tường phẳng nhẵn, hình vuông hay chữ nhật, các dải cửa kính lớn trong suốt, các hàng một thanh mảnh không có đế và đầu cột. Tính động trong các không gian của tranh lập thể đã dãn đến tư tưởng sùng bái cái máy. Trước hết, ngôi nhà được tạo nên trong suốt đến mức tối đa để người quan sát có thể nhìn thấy nhiều khía cạnh của nó như vậy tạo nên tính động hoặc tạo nên hình dáng động một cách tượng trưng tiến đến đưa hẳn chuyển động cụ thể vào công trình như xu hướng giảng dạy của các trung tâm đào tạo kiến trúc sư và nghệ sĩ tạo hình hiện đại nổi tiếng những năm 1920 là Vkhutemas ở Liên Xô và Bauhaus ở nước Đức, được thể hiện trong các thể nghiệm của Rotchenko, Gabo, Moholy Nagy và điển hình nhất là phương án Đài kỷ niệm Quốc tế thứ III của Tatlin làm năm 1920 với ba phòng hợp lớn treo lơ lửng và quay xung quanh trục của bản thân với các tốc độ khác nhau.
Xu hướng này muốn thể hiện đặc trưng của thời đại mới là sự có mặt khắp nơi của cái máy, sự hoàn hảo về công năng của nó và sự hài hòa cao độ của hình thức bên ngoài và nội dung công năng. Cao điểm của tư tưởng này là câu nói nổi tiếng gây nhiều sự cố của Le Corbusier: “Nhà là cái máy để ở”. Ông muốn ngôi nhà được sản xuất ra như người ta sản xuất những cái máy, từ tổng thể cho đến mọi chi tiết không một cái gì thừa, không một cái gì không giải thích được, tất cả đều gọn gàng, hợp lý. Ông nói: “Cái máy là cái trữ tình của thời đại mới”, và “Nghệ thuật chỉ cần làm như cái máy”. Đó là ở thời điểm ông quá say mê cái máy. Từ đó dẫn đến tư tưởng lắp lẫn nhau của nhiều bộ phận điển hình và cuối cùng là sản xuất sẵn, là lắp ghép. Ozenfant và Jeanneret đã viết: “Các hình thức và màu sắc sơ cấp có tính chất tiêu chuẩn”… “các yếu tố của chủ nghĩa thuần túy có thể so sánh với các từ xác định: cú pháp thuần túy chính là sự áp dụng các biện pháp xây dựng và có môđuyn”. Nhưng chủ nghĩa thuần túy lại mang nhiều tính đạo lý khe khắt có khi lại bộc lộ ra thành một loại chủ nghĩa hình thức. Ví dụ Le Corbusier đã thiết kế những ngôi nhà có những mảng tường đặc lớn. Ông yêu cầu mảng tường này phải thật tinh khiết, không một trang trí nhỏ, thật phẳng phiu, góc cạnh thật “ke”. Ngay cả kỹ thuật thi công hiện đại nhất bây giờ cũng khó lòng đảm bảo được một mặt phẳng rộng hàng trăm mét vuông “tinh khiết” như vậy, huống hồ là ở những năm 20 và 30. Chủ nghĩa thuần túy chống lại trang trí, nhưng một mảng tường như vậy khác gì một vật trang trí quá đắt tiền. Le Corbusier muốn nhấn mạnh khía cạnh đạo lý của kiến trúc hiện đại, ông cho rằng “nghệ thuật không kể những câu chuyện mà làm ta suy tưởng”. Ông nói: “Kiến trúc là sự sáng tạo thuần khiết của trí tuệ”. Nhưng cái trò chơi “bác học, chính xác và tinh khiết” ấy đã bị thất bại. Từ 1930 kiến trúc hiện đại đã bước vào khủng hoảng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa phát xít lên nắm chính quyền ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, khoa học và kỹ thuật đương thời chưa đủ trình độ thực hiện các mặt phẳng tinh khiết và nếu thực hiện được thì cũng không bảo vệ được các mặt phẳng này.
Sau Đại chiến thứ hai, tình trạng nghèo đói thiếu thốn vật liệu nhân công và trang thiết bị cho nên không thể đảm bảo xây dựng được những công trình thuần khiết trên đất Pháp. Hoàn cảnh thực tế đó đã kéo Le Corbusier ra khỏi giấc mơ không tưởng “thuần túy” trở về với thực tế của đất nước. Các công trình của ông sẽ phải xây dựng bằng vật liệu tại chỗ, mà dễ dàng nhất là bê tông với cát sỏi ở địa phương, với nhân lực và thợ nông thôn, xây dựng theo phương pháp thủ công là chủ yếu, Thế là bắt đầu một quá trình rời bỏ dần tính trong suốt, tinh khiết, phi vật chất và vật liệu dần dần xuất hiện một cách chân thực trong tác phẩm của ông. Các khối kiến trúc đã dày đặc hơn, bóng đổ đã sâu hơn và Le Corbusier lao vào tìm kiếm những không gian tạo hình đầy rung cảm với cách sử dụng vật liệu trần. Bê tông trong tay ông như một vật liệu kỳ diệu để tạo hình. Thoát khỏi những nguyên tắc gò bó mang tính chất đạo lý, ông như trút bỏ được bộ áo tu sĩ khổ hạnh của chủ nghĩa thuần túy và các giáo điều của chủ nghĩa duy lý, ông sáng tạo những công trình kiến trúc có tính tạo hình rất cao. Ông phát biểu: “Tôi thiết kế với ánh sáng” và “Hình thức sống được nhờ ánh sáng và sự chuyển động của ánh sáng, và nhờ đó không gian sống được”. Nhớ lại họa sĩ Delaunay từ 1914 đã đặt cơ sở cho một loại hội họa trong đó không gian không phải là một cấu trúc tạo nên bởi sự liên kết các hình độc lập hay dựa trên một mạng lưới đồng nhất mà không gian là sự tỏa sáng ra từ tác động qua lại của màu sắc như Georg Schmidt đã nói: “Không gian, hình, màu sắc, ánh sáng chỉ là một”.
Le Corbusier cũng dùng màu sắc nhự là một yếu tố để tạo không gian kiến trúc. Thật ra trong năm điểm của kiến trúc hiện đại do Le Corbusier tổng kết có hai điểm giúp ông tìm được lối thoát trong cuộc khủng hoảng của kiến trúc hiện đại là: mặt bằng tự do và mặt đứng tự do. Với hai cái “tự do” này, ông tìm ra cách tạo hình và biểu hiện không gian phong phú gợi cảm và đầy kịch tính. Chính trong thời gian này ông đã sáng tạo nên một yếu tố quan trọng là hệ thống “chắn nắng” thường biểu hiện thành một tường chắn nắng. Người ta có thể nói rằng hệ “chắn nắng” là điểm thứ sáu của kiến trúc hiện đại do Le Corbusier đúc kết đưa ra.
Hàng cột lớn đỡ cả Ngôi nhà Thụy Sĩ ở trong khu đại học ở Paris được đúc bằng bê tông trần thể hiện vẻ gân guốc tương phản với tính chất nuột nà của những tầng trên. Thủ pháp bê tông trần đạt đến cao điểm ở ngôi nhà “Đơn vị ở”, một ngôi nhà ở lớn 17 tầng tại Marseilles. Ngôi nhà là một tác phẩm tạo hình xuất sắc, là kết quả nhiều nghiên cứu của Le Corbusier về quan niệm ở, về tổ chức cách sống tập thể, tổ chức các không gian công cộng và riêng tư, về các thủ pháp tạo hình. Ở đây ông sử dụng bê tông trần với mức độ thẩm mỹ cao. Các hàng cột khỏe khoắn với các đường gân dọc là các vết cốt pha đề lại, nâng cả ngôi nhà 17 tầng một cách căng thẳng rất có kịch tính. Ánh sáng chiếu vào các vệt cốp pha này làm ta liên tưởng tới các gờ dọc ở các hàng cột đá của Parthénon. Với cách ghép cốp pha có nghiên cứu, khi dỡ ra để lại những vết theo ý muốn như dạng hình phên. Cũng ở ngôi nhà này có một mảng tường mang hình thằng người Modulor và hình ảnh chuỗi số Modulor in lõm vào tường bê tông. Trên sân thượng các ống thông hơi và các bậc thang, tường buồng thang v.v… cũng đều đúc bằng bê tông trần, những vệt cốp pha, những chỗ sần sùi, những vết rỗ bê tông vẫn được để nguyên tạo một vẻ mộc mạc, khỏe khoắn và chân thực. Mặt đứng công trình với hệ chắn nắng lớn là các lỗ khoang lôgia sâu và các chắn nắng đứng ở hai tầng công cộng tạo nên bóng đẹp dưới ánh nắng. Ở đây màu sắc đã tham gia tích cực vào việc cấu trúc không gian: các mảng tường lôgia được sơn các màu khác nhau thêm vào đó là một số màu che nắng màu xanh ở nhiều lôgia được kéo ra thành một mảng màu lớn. Những màu nguyên xanh, đỏ, vàng lại được dùng sơn một số mảng tường ở các công trình của ông tại Chandigarh ở nhà thờ Ronchamp và một số công trình khác. Hệ chắn nắng được nghiên cứu áp dụng rất phong phú ở nhiều công trình, trở thành một yếu tố tạo hình rất hiệu quả. Hệ chắn nắng lại là khâu trung gian của mối quan hệ giữa không gian trong nhà và ngoài nhà, nó là bước chuyển tiếp tế nhị để mối quan hệ trong ngoài đỡ đột ngột, về thực tế và về cả mặt tâm lý, thẩm mỹ.
Mặt đứng công trình Bộ giáo dục ở Rio de Janeiro (Braxin) được bao phủ bằng một hệ chắn nắng đồng nhất với các lỗ cửa sâu có ba nan chớp chắn nắng có thể xoay điều chỉnh góc che nắng, phương án tòa nhà cao tầng trong khu Quartier de la Parias tại thủ đô Alger bao phủ bốn phía bằng hệ thống chắn nắng sâu có những đoạn chuyển nhịp điệu rất khỏe khoắn và tế nhị. Ở Chandigarh (Ấn Độ) nơi xứ nóng luôn có nắng chói chang thì hệ chắn nắng của Le Corbusier càng phát huy tác dụng thực tế và thẩm mỹ. Mặt đứng các công trình Quốc hội và Tòa án tối cao quả là những tác phẩm tạo hình đầy tình cảm. Hệ chắn nắng trên mặt đứng ngôi nhà Ban Thư ký có một đoạn chuyển nhịp điệu rất duyên dáng. Tu viện Sainte Marie de la Tourette ở Eveux gần Lyon (Pháp) là một tác phẩm tạo hình hoàn chỉnh một khối bê tông vuông vắn đứng trong cảnh thiên nhiên trên đồi cỏ nhưng hài hòa với chung quanh vị công trình như một cơ thể sống biểu hiện ở các mảng tường bê tông trần và nhất là hệ thống chắn nắng. Khác với tất cả mọi nơi, hệ thống nan chớp đứng chắn nắng ở đây xếp không theo khoảng cách đều đặn mà lúc mau, lúc thưa tạo nên không gian bên trong hành lang những vệt nắng không đều, chỗ tối, chỗ sáng như hơi thở hồi hộp của một con người vậy. Trong phòng ban thờ của thánh Saint – Sacrément, ánh sáng thiên nhiên lọt vào qua ba ống bê tông lớn đặt trên mái bằng xiên theo ba phía đã tạo nên một không gian huyền ảo trong phòng. Đúng là Le Corbusier đã thiết kế với ánh sáng.
Nhà thờ Robchamp – Tính chất đặc biệt của đồ án đã dẫn tác giả đến chỗ phải thay những yếu tố chuẩn thức bằng những hình và khối phù hợp với yêu cầu tinh thần của công trình và những đặc điểm của phong cảnh chung quanh. Sự thành công này một lần nữa đã khẳng định những khả năng rộng lớn của bê tông.
Đỉnh cao nhất của con đường tìm kiếm không gian tạo hình của Le Corbursier được thể hiện ở tác phẩm nổi tiếng của ông: Nhà thờ Ronchamp. Toàn bộ công trình là một tác phẩm tạo hình, một công trình điêu khắc. Mảng tường dày và cong ở phía nam và các lỗ to nhỏ bố trí không quy luật thực chất là một biến thể độc đáo của tường chắn nắng. Mái nhà thờ là những mặt cong ngược chiều nhau, những tường còn lại đều cong nhằm tạo nên một không gian thú vị bên trong, Le Corbusier phát biểu: “Tôi muốn tạo nên một bầu không khí màu sắc” bên trong nhà thờ. Ông đã tạo nên bầu không khí này bằng các biện pháp dùng ánh sáng thiên nhiên chiếu vào nhà thờ qua các lỗ đặc biệt: các lỗ to nhỏ theo dạng lỗ châu mai có lát kính màu ở mảng tường phía nam, khe hở hẹp giữa mái và tường lấy ánh sáng mờ nhạt lướt trên trần cong, từ đấy tán xạ xuống các bàn thờ phụ. Trên mảng tường cong phía Bắc, một mảng tường tối ở đó có một ô cửa vuông đặt tượng Đức Bà bế chúa Hài đồng. Ánh sáng bên ngoài ùa vào in bóng tượng lên bầu trời nhỏ, Le Corbusier đã biến cả bức tường tối thành một bầu trời đầy sao bằng các lỗ thủng nhỏ rải rác trên tường… Không gian bên trong nhà thờ Ronchamp ấm cúng thân mật do mái thấp xuống ở vị trí gian thờ trái ngược với những nhà thờ cổ truyền xưa nay, con chiên cảm thấy Đức Bà gần gũi chứ không xa vời. Còn không gian bên ngoài thì nhà thờ đứng giữa đồi gần như một tượng đài Đức Đà ban phát ánh sáng ra chung quanh và ngôi nhà thờ bé nhỏ trở thành trung tâm của thung lũng Sourlémont.
Trên con đường tìm tòi không gian kiến trúc hiện đại Le Corbusier còn mong muốn tạo nên một không gian tổng hợp của nhiều yếu tố: ánh sáng, âm thanh, chuyển động, không gian mang tính thời gian. Ý đồ này được thực hiện ở gian hàng hãng Philip trong triển lãm quốc tế ở Bruxeles năm 1956 với bài thơ điện tử kéo dài 10 phút, hình ảnh, màu sắc được chiếu đi động trên các bức tường cong theo mặt paraboloide – hyperbolique rồi mất hút như đi vào vô tận ở đỉnh nhọn của gian hàng. Chính trong phương án nhà thờ Ronchamp, Le Corbusier cũng dự kiến một giá đỡ lớn để đặt các thiết bị điện tử dùng trong những ngày lễ hành hương, nhưng dự án bị bác bỏ vì lý do kinh phí.
Cuộc đời sáng tác của Le Corbusier là một chuỗi tìm tòi nghiên cứu gian khổ đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều công sức và nhất là sự dũng cảm. Ông đã hiểu sâu sắc yếu tố quan trọng nhất của kiến trúc là không gian cho nên sự nghiệp sáng tác của ông là một chuỗi tìm tòi cách biểu hiện không gian kiến trúc. Ông đã đi từ những mặt phẳng nhẵn, những góc vuông “trí tuệ”, những hình hình học sơ cấp để cấu trúc nên những không gian tinh khiết theo thuyết thuần túy của chủ nghĩa công năng châu Âu. Ông đã cùng nhiều kiến trúc sư đàn anh của kiến trúc hiện đại thế giới đề ra một loạt nguyên tắc của kiến trúc hiện đại, những nguyên tắc mang nặng tính chất hợp lý và đạo lý đã dần dần trở thành giáo điều kìm hãm sự phát triển của kiến trúc hiện đại và trói buộc chính ông. Thực tế muôn màu muôn vẻ của cuộc sống xã hội đã dần dần đưa ông đến việc xem xét lại những nguyên tắc giáo điều, các kiến thức hội hoạ – điêu khắc đã góp phần giúp ông xa rời những đạo lý khổ hạnh trở lại làm người nghệ sĩ tự do sáng tác theo quan điểm thẩm mỹ của mình, theo đòi hỏi của cuộc sống.
Thực hiện
Tôn Đại
Ảnh
Le Corbusier Foundation