Geoffrey Bawa

Kiến trúc sư người Sri Lanka – Geoffrey Bawa (1919-2003) là nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu sắc với đảo quốc quê hương ông từ thế kỷ 20 cho đến hiện tại. Kiến trúc hiện đại nhiệt đới của Bawa được xem như thành quả sáng tạo rất riêng, đầy bản sắc, chất liệu đưa ông trở thành một trong số những kiến trúc sư châu Á nổi bật ở thế hệ của mình.

Sinh ra tại Colombo, Ceylon (tên gọi cũ trước khi trở thành Sri Lanka vào năm 1972), Geoffrey Bawa mang trong mình dòng máu Sinhalese bản địa cùng một vài dòng gốc Âu như Đức và Scotland. Ông từng học luật tại Anh nhưng chỉ hành nghề vài năm ngắn ngủi. Năm 1948, cùng thời điểm Ceylon giành độc lập từ thực dân Anh, Bawa tiến hành mua một đồn điền cao su cũ ở Lunuganga và bắt đầu những thử nghiệm kiến trúc – cảnh quan đầu tiên. Dự án khu vườn Lunuganga bị gián đoạn vào năm 1953 khi ông quyết định sang Anh theo học tại Hiệp hội Kiến trúc. Năm 1957, trở lại Sri Lanka sau khi tốt nghiệp, Geoffrey Bawa dành phần lớn thời gian cho công việc và thực hiện nhiều hạng mục công trình từ nhà ở, khách sạn, trường học, văn phòng, cho đến cơ quan Nhà nước… chủ yếu tại Sri Lanka và một số nước lân cận.

Quá trình học tập tại London đã đào tạo Geoffrey Bawa về chủ nghĩa hiện đại quốc tế vốn là xu hướng kiến trúc ở thời điểm đó. Tinh thần của kiến trúc hiện đại hướng tới sự đơn giản trong hình khối và chi tiết trang trí, nhưng tự do trong cách thể hiện bất đối xứng ở mặt bằng hay kết cấu. Một số đặc trưng thường gặp trong công trình hiện đại có thể kể đến như mặt bằng mở, mái đổ bằng, cửa sổ kính lớn, vật liệu thép và bê tông, tất cả đều là sản phẩm của thời kỳ cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, xét trên bối cảnh kiến trúc hiện đại ra đời ở châu Âu thuộc vùng khí hậu ôn đới, sẽ rất khó để phong cách này hoà hợp hoàn toàn với điều kiện sống của địa phương khác, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là miền nhiệt đới gió mùa Sri Lanka.

Năm 2018, kiến trúc sư Đỗ Hữu Tâm đã có những trải nghiệm sâu sắc trong gần hai tuần ghé thăm những công trình trọng điểm của Geoffrey Bawa. Đỗ Hữu Tâm nhận thấy ‘hành trình Bawa’ thời điểm đó đã mang tới cho anh góc nhìn nghề nghiệp rất chân thật và gần gũi. Những bài học anh tiếp thu qua mỗi công trình sau này giúp ích cho anh rất nhiều trong việc thực hành kiến trúc tại Việt Nam.

[…]

Tiếp tục đọc bản đầy đủ về trải nghiệm của Đỗ Hữu Tâm trên tạp chí Notesbook 03.

Nội dung
Cá Đuối

Ảnh
Đỗ Hữu Tâm