Hiroshi Naito sinh năm 1950 tại Yokohama, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc tại đại học Waseda, ông từng làm việc cùng kiến trúc sư Fernand Higueras ở Tây Ban Nha và kiến trúc sư Kiyounori Kikutake, ở Nhật Bản khi thành lập Naito Architect & Associates vào năm 1984. Trải nghiệm sống và làm việc ở nhiều nền văn hoá đã góp phần đáng kể hình thành nên tư duy trong thiết kế của Naito. Kiến trúc của ông cân bằng được giữa yếu tố truyền thống – hiện đại và có sự kết nối sâu sắc với bối cảnh.
Tên tuổi của Hiroshi Naito gắn liền với những cấu trúc gỗ ấn tượng. Những cấu trúc này là sáng tạo của ông phải không?
Người đời thường nghĩ tôi là kiến trúc sư chuyên về các công trình bằng gỗ, nhưng thật ra tôi vẫn có những lúc thiết kế các công trình bằng bê tông cốt thép. Tuy vậy, có thể nói rằng tôi là người tiên phong trong việc xây dựng các công trình có kết cấu gỗ tại Nhật Bản. Tôi có lý do cho việc sử dụng gỗ làm vật liệu. Thợ mộc từ 400 năm trước đã có những thành tựu đáng nể. Họ nắm vững tính chất của từng loại gỗ, từ đó tạo ra khớp nối cùng nhiều kỹ thuật khác để phục vụ cho việc xây dựng. Độ hoàn thiện của các kỹ thuật này rất cao nên dần dần mọi người có vẻ làm biếng, không suy nghĩ thêm gì mới. Tôi đã thử thách bản thân bằng cách ứng dụng lại những phương pháp cổ truyền của thợ mộc, kết hợp với vật liệu và công nghệ hiện đại.
Kể từ sau trận hỏa hoạn lớn đi kèm theo Đại thảm họa Kanto 1923, chính sách đối với việc xây dựng các công trình bằng gỗ có trở nên khó khăn hơn. Chính sách này ảnh hưởng đến ông như thế nào?
Ảnh hưởng rất nhiều đấy. Vào năm 1923, ở khu vực Tokyo và rộng hơn là Kanto đã xảy ra một trận động đất lớn, đi kèm theo đó là hỏa hoạn. Bên cạnh đó, những trận bom từ thời thế chiến thứ hai cũng gây cháy lớn và tổn thất nhiều. Vì vậy, chính phủ rất chú trọng vào việc đối phó với hỏa hoạn, đặc biệt là ở Tokyo. Nhưng vì chú trọng vào việc này quá mức nên Tokyo lại trở thành một thành phố khá nhàm chán. Các công trình bằng gỗ có rất nhiều ưu điểm. Chúng có sự giao tiếp, tương tác rất tốt với người sử dụng. Thế nhưng, để phòng tránh hỏa hoạn, người ta sẽ phải che phủ lớp gỗ đó đi để tránh bắt lửa. Với các quy định, luật lệ mang tính chính sách như vậy, tôi cảm thấy Tokyo bây giờ rất nửa vời. Tôi luôn trăn trở làm sao để có thể dùng gỗ xây dựng nên một thành phố xinh đẹp.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông tự hào nhất về công trình nào?
Tôi tự hào về Bảo tàng dân gian biển, Bảo tàng thực vật học Makino, Trung tâm nghệ thuật Shimane – Grand Toit và Nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao Kusanagi. Hình như hơi nhiều các công trình bằng gỗ nhỉ (cười).
Yếu tố đầu tiên ông quan tâm khi thiết kế một công trình là gì?
Yếu tố con người dường như hay bị lãng quên thì phải. Kiến trúc có thể là động lực cho nền văn hóa của một quốc gia, thế nhưng, kiến trúc sư trẻ bây giờ dường như đang hướng tới mục tiêu thiết kế công trình để đăng trên tạp chí và trở thành ngôi sao. […] Tôi cho rằng, đầu tiên, giới kiến trúc cần suy nghĩ về việc làm sao có thể hỗ trợ cho đời sống sinh hoạt của người dân.
Có nhiều lời nhận xét rằng tính bản địa và tinh thần truyền thống được biểu hiện khá rõ nét trong các công trình của ông, ông có suy nghĩ gì về những yếu tố này?
Tính bản địa là một thứ không chỉ hiện hữu ở Nhật Bản mà còn hiện hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tính bản địa có nghĩa là khi không có tiền, ta vẫn có thể sử dụng vật liệu rẻ nhất sẵn có và xây dựng sao cho đối diện được với mưa gió, nóng lạnh. […] Học theo phương Tây, Việt Nam cũng dần xây dựng thêm lên nhiều tòa nhà mới nhưng những thứ này rất dễ mất đi. Tôi luôn cho rằng, Việt Nam cần phải đi kiếm tìm bản sắc của mình. Chắc hẳn phải tồn tại một thứ gì đó luôn nuôi dưỡng con người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tìm được rồi, ta phải làm sao để phát triển lên. Nếu bản sắc đó thực sự độc đáo, các bạn còn có thể mang đi quảng bá khắp thế giới. Tôi rất mong ở Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều kiến trúc sư quan tâm đến vấn đề này.
Không chỉ gắn với điều kiện tự nhiên, kiến trúc bản địa còn phản ánh văn hoá và lịch sử của một vùng đất phải không?
Kiến trúc ẩn chứa rất nhiều câu chuyện trong đó, ví dụ như chiến tranh Ukraine hay Phần Lan. Phần Lan giành được độc lập vào đầu thế kỷ 20 nhưng vẫn còn nhiều chiến sự với Nga. Trong bối cảnh đó, người Phần Lan đã thể hiện nhiều nỗ lực để bảo vệ bản sắc dân tộc mình, tiêu biểu có KTS Alvar Aalto. Tôi nghĩ, ông thiết kế các công trình của mình mang đậm bản sắc Phần Lan để đất nước không bị “nuốt chửng” và đánh mất danh tính. Đối với tôi, tính bản địa không chỉ là việc chúng ta cần làm gì với nền văn hóa ở khu vực đó, mà còn liên quan đến một câu chuyện vĩ mô hơn nữa, đó là niềm tự hào của người dân địa phương khi sống ở vùng đất của mình. Kiến trúc là một phương thức thể hiện tư tưởng đó.
Ông còn lời nhắn nhủ nào đến các kiến trúc sư trẻ Việt Nam không?
Sự toàn cầu hóa đang là một làn sóng rất mạnh mẽ. Với internet, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin về kiến trúc trên khắp thế giới. Việc hiểu biết về thế giới, cụ thể như các phong trào kiến trúc đương thời hay kỹ thuật xây dựng tân tiến nhất là một điều rất cần thiết. Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn phải hướng đến việc làm sao có thể thiết kế ra một thứ không giống với bất cứ thứ gì khác đã có. Đó mới là thứ làm nên bản sắc của từng cá nhân.
Kiến trúc sư Hiroshi Naito. Nguồn ảnh: re-thinkingthefuture
Bảo tàng dân gian biển. Ảnh: Jacome
Nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao Kusanagi. Ảnh: Kei
Nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao Kusanagi. Ảnh: Kei
Bảo tàng thực vật học Makino. Ảnh: Todoroki
Trên đây là trích đoạn từ bài phỏng vấn kiến trúc sư Hiroshi Naito do Notes thực hiện. Mời độc giả đón đọc nội dung đầy đủ bài giới thiệu về kiến trúc sư và hành trình thực hành khiêm nhường của ông trên ấn phẩm Notesbook 03.