Cặp vợ chồng nghệ sĩ Christo (1935–2020) và Jeanne-Claude (1935–2009) đã làm việc cùng nhau trong gần nửa thế kỷ, từ dự án gói bọc ngoài trời đầu tiên bên bến cảng Cologne ở Đức năm 1961 cho đến khi Jeanne-Claude qua đời năm 2009.
Cái tên Christo gắn bó nhiều nhất với dự án gói bọc các công trình công cộng, đáng chú ý nhất là cây cầu Pont Neuf ở Paris năm 1985 và Nhà Quốc hội Đức ở Berlin năm 1995. Tác phẩm của họ luôn có sự biến hoá đa dạng như việc hai người từng dựng hơn 7.500 cánh cổng có chiều cao khác nhau trên phần đường dành cho người đi bộ trong công viên trung tâm New York, đã từng đặt hàng ngàn chiếc ô qua trên thung lũng ở Nhật Bản và California. Cặp đôi nghệ sĩ cùng sử dụng các tấm polypropylen màu hồng bao quanh 11 hòn đảo ở vịnh Biscayne, Florida.
Ngoài ra, Christo cũng đã sử dụng thùng phi kim loại làm vật liệu sáng tác từ cuối những năm 1950. Hầu hết quy mô dự án thường rất lớn nhưng không phải lúc nào cũng được thực hiện. Năm 2018, trong dự án lớn đầu tiên của Christo ở Anh, ông đã xếp những chiếc thùng phi thành một khối tứ giác “mastaba” nổi trên mặt hồ Serpentine. Dự án nằm trong khuôn khổ triển lãm của phòng trưng bày Serpentine, thành phố London.
Christo Vladimirov Javacheff.
Ảnh
Wolfgang Volz
Nội dung & Phỏng vấn
Louisa Buck
Thực hiện
Trước năm 2020
Nguồn
The Art Newspaper
Biên tập
Hạnh Nguyễn
The Art Newspaper: Serpentine Mastaba là tác phẩm điêu khắc lớn đầu tiên của ông ở Anh. Hình dáng của tác phẩm này có điểm gì đặc biệt?
Christo: Mastaba là một từ cổ, xuất phát từ nền văn minh đô thị đầu tiên cách đây 7.000 năm khi con người chuyển từ vùng nông thôn đến những ngôi nhà xây bằng bùn ở Mesopotamia, ngày nay là Iraq. Khi lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện ra đường phố và những ngôi nhà bùn, phía trước những ngôi nhà đều thấy một chiếc ghế dài, hình khối có hai mặt nghiêng, hai mặt thẳng đứng và một đỉnh bằng phẳng. Hình dáng này được dùng cho lăng mộ của các pharaoh ở Ai Cập, ở vùng Vịnh họ dùng cùng tên gọi chỉ những chiếc ghế dài trong làng. Chúng tôi đã phát hiện ra điều đó khi làm việc ở Trung Đông.
Ông tạo ra Serpentine Mastaba từ nhiều thùng dầu xếp chồng lên nhau; điều này đã trở thành yếu tố đặc trưng trong công việc của ông ngay từ đầu.
Ngay cả trước triển lãm ngoài trời đầu tiên của chúng tôi tại bến cảng Cologne năm 1961, tôi đã thực hiện các tác phẩm từ thùng dầu vào cuối những năm 1950. Một số được gói bọc, một số không, một số xếp chồng lên nhau. Nếu bạn xếp các thùng dầu hoặc vật thể hình trụ theo chiều ngang thì góc nghiêng luôn là 60 độ và hai mặt bên luôn tạo thành một diện thẳng đứng. Công trình trên hồ Serpentine được làm từ 7506 thùng dầu; tương đương chiều cao của một tòa nhà năm rưỡi đến sáu tầng. Công trình cần phải nổi được, 1/3 hàng thùng dưới cùng chìm dưới nước và di chuyển theo chuyển động của dòng nước.
Mastaba tại Serpentine 2018
Ảnh
André Grossmann © 2018 Christo
London Mastaba
Ảnh
Wolfgang Volz @ Christo
Điều gì từ những chiếc thùng này hấp dẫn ông?
Tôi thích chúng như một vật thể – thứ phổ biến để vận chuyển hàng hóa, từ lon nhỏ cho đến thùng lớn. Chúng công nghiệp, có màu sắc khác nhau, trạng thái khác nhau và cũng cực kỳ đơn giản, kỳ diệu, khó giải thích. Dùng chúng có thể tạo nên một tác phẩm điêu khắc rất phi thường. Các tác phẩm từ thùng phi hiếm khi được triển lãm. Tôi rất vui vì sự kiện ở phòng trưng bày Serpentine mở ra cơ hội chia sẻ một phần công việc ít được biết đến đó. Có những tác phẩm khiêm tốn thời kỳ đầu vào những năm 1950, có các tác phẩm lớn hơn và hợp tác với một số bảo tàng chưa bao giờ được thực hiện. Còn có tài liệu về Tấm màn sắt chặn toàn bộ con phố Visconti ở Bờ trái Paris vào tháng 6 năm 1962. Sự kiện triển lãm được thiết kế như một phòng thí nghiệm nên có vẻ giống như ở trong studio hơn. Có những bản vẽ rất nhỏ, bản vẽ lớn và mô hình tỷ lệ. Khá là kiến trúc theo một cách nào đó.
Ngày 27.6.1962, Christo và Jeanne-Claude đã chắn con phố hẹp Visconti ở bờ trái Paris, với một bức tường gồm 89 thùng dầu đã qua sử dụng. Đây là tác phẩm công cộng quy mô lớn đầu tiên của họ, được thực hiện để phản đối bức tường Berlin xây dựng một năm trước đó. Công trình cũng được đặt trong bối cảnh biểu tình phản đối chiến tranh ở Algeria đang diễn ra trong thành phố. Christo coi đó là một trong những tác phẩm ban đầu quan trọng nhất của ông. “Đến từ một quốc gia cộng sản với tư cách là một người tị nạn chính trị, tôi rất mong chờ được làm bức màn sắt của riêng mình, phong toả toàn bộ con phố,” ông nói. Công trình nằm trên con phố trong tám giờ trước khi chính quyền ra lệnh tháo dỡ.
Ảnh
Jean-Dominique Lajoux @ Christo
Đối với nhiều người, thương hiệu Christo và Jeanne-Claude đồng nghĩa với các tác phẩm bao gói. Điều gì ban đầu truyền cảm hứng cho ông sử dụng phương pháp đó?
Hàng ngàn năm qua nhiều nghệ sĩ đã sử dụng vải khi sáng tác, trường hợp nhà điêu khắc người Pháp Rodin là một ví dụ về những gì vải có thể làm được. Rodin được giao nhiệm vụ thiết kế tượng đài cho nhà văn Pháp Balzac. Trong phiên bản đầu tiên, Balzac hoàn toàn khỏa thân với bụng to, cẳng chân gầy và rất nhiều chi tiết. Sau đó Rodin lấy áo choàng của Balzac, đặt nó vào thạch cao lỏng và bao quanh bức tượng chúng ta có ngày nay. Với dự án gói bọc của mình, chúng tôi đã làm chính xác điều đó như với dự án Nhà Quốc hội Đức, một công trình Victoria điển hình với nhiều chi tiết điêu khắc và trang trí. Trong 14 ngày, công trình được phủ vải để làm nổi bật tỷ lệ chính của kiến trúc; tất cả các chi tiết được giấu đi. Nhưng, cũng giống như điêu khắc cổ điển, tất cả các dự án được bọc gói của chúng tôi không kiên cố mà di chuyển theo chiều gió, như một thực thể có sức sống. Vải là một vật liệu gợi cảm và lôi cuốn.
Mất gần đến 25 năm để hiện thực hóa dự án này. Trong 2 tuần kể từ ngày 23.6 .1995, Nhà Quốc hội Đức đã được bọc trong 70 tấm vải polypropylen màu bạc được may đo riêng, cố định tại chỗ và tạo hình bằng những sợi dây màu xanh. Công trình không sử dụng giàn giáo mà được thực hiện bởi một lực lượng gồm 90 người leo núi chuyên nghiệp. Như Christo và Jeanne-Claud mô tả, “vẻ đẹp của vải bạc, được tạo hình bởi các sợi dây màu xanh, tạo ra một dải các nếp gấp theo phương thẳng đứng, làm nổi bật các đặc điểm và tỷ lệ của cấu trúc hùng vĩ, tiết lộ bản chất của toà nhà.”
Ảnh
Wolfgang Volz @ Christo
Tiêu chí lựa chọn địa điểm cho các tác phẩm của ông là gì?
Tất cả các tác phẩm của chúng tôi được thực hiện ở nơi con người sinh sống, cả vùng đô thị và nông thôn. Không gian đô thị có dự án Nhà Quốc Hội Đức ở Berlin, hoặc công viên trung tâm ở New York. Khu vực nông thôn có dự án hàng rào ở Bắc California và Những chiếc ô ở Nhật Bản – California. Ở nông thôn luôn cần đến cấu trúc nhân tạo như cột điện thoại, một con đường, một cây cầu, một ngôi nhà nhằm tạo tương quan về quy mô bởi ở những nơi đó rất khó để xác định vật thể nên rộng bao nhiêu, lớn như thế nào. Về tiêu chí lựa chọn của tôi, có đến hàng trăm tình huống. Một vài dự án chủ đích địa điểm cụ thể như Nhà Quốc hội Đức hay công viên trung tâm, một số khác tôi đã có ý tưởng thiết kế trong đầu và cần đi tìm nơi phù hợp.
Ông không bao giờ nhận phí thiết kế và luôn tự chi trả mọi thứ. Vì sao vậy?
Bởi vì tôi thích được tự do, hoàn toàn vô lý mà không cần biện hộ cho những gì mình thích làm. Tôi sẽ không đánh đổi chỉ một chút tự do cho bất kỳ điều gì. Vô tình và cũng khá may mắn, tôi từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Bulgaria và khi đến phương Tây, tôi sử dụng hệ thống tư bản để thực hiện dự án của mình. Tôi mở công ty để xây dựng các dự án, để bán các tác phẩm nghệ thuật ban đầu của chúng tôi và rồi sau đó mua lại.
Những chiếc ô ở thung lũng phía bắc Los Angeles
Từ ngày 9 đến 27.10.1991, 3.100 chiếc ô đã được mở đồng thời ở hai thung lũng: một phía bắc Tokyo và một phía bắc Los Angeles. Theo Christo và Jeanne-Claude, dự án đã “phản ánh những điểm tương đồng, khác biệt trong cách sống và phương thức sử dụng đất đai.” Ở Nhật Bản, những chiếc ô có màu xanh và nằm gần nhau, thể hiện “thảm thực vật giàu có và trù phú quanh năm”; Trong khung cảnh khô cạn của California, những chiếc ô có màu vàng “thay đổi và lan rộng theo mọi hướng.” Các nghệ sĩ chia sẻ rằng “các mô-đun ‘động’ đứng tự do này phản ánh trạng thái đất đai ở mỗi thung lũng, định hình một không gian bên trong, như những ngôi nhà không có tường hoặc khu định cư tạm thời.” Dự án trị giá 26 triệu USD do các nghệ sĩ chi trả hoàn toàn.
Ảnh
Wolfgang Volz @ Christo
Jeanne-Claude đã qua đời năm 2009. Hẳn là ông đã gặp khó khăn khi làm việc mà không có bà ấy.
Jeanne-Claude và tôi sinh ra cùng ngày, cùng năm, là ngày 13 tháng 6 năm 1935. Chúng tôi gặp nhau vào năm 1958 khi cả hai đều bước sang tuổi 23. Cô ấy rất thích tranh luận, rất hay phê phán, luôn đặt câu hỏi. Tôi nhớ cô ấy và cả những điều đó. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi thường đặt mình vào vị trí của Jeanne-Claude và tự hỏi rằng “cô ấy sẽ nghĩ gì”?
Kế hoạch tương lai của ông là gì?
Tôi vẫn tiếp tục làm nhiều dự án cùng một lúc. Dự án Mastaba ở Abu Dhabi sẽ là tác phẩm điêu khắc lớn nhất trên thế giới, lớn hơn cả Kim tự tháp Cheops [Giza]. Còn một ý tưởng khác mà hiện tôi chưa thể tiết lộ. Tôi sẽ không chấp nhận làm một thứ gì giống với trước đây, đó là lý do vì sao tôi luôn có ý tưởng cho các dự án mới, những thử nghiệm mới.
Cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff
Ảnh
Matthias Koddenberg