Hãy tưởng tượng một trà thất chu du khắp thế giới, được thiết lập ở nhiều địa danh. Đây chính là mục đích của dự án “One” được nghệ sĩ ý niệm – nhiếp ảnh gia Pierre Sernet thực hiện đầu thế kỉ 21. Thông qua hành động đơn giản là cùng nhau chia sẻ một tách trà, Pierre nhấn mạnh nhu cầu kết nối chung của nhân loại, nhắc nhở chúng ta rằng dù đến từ đâu, chúng ta nên chia sẻ những giá trị và trải nghiệm chung.
Cuộc trò chuyện với Pierre Sernet đă đưa chúng ta quay lại giai đoạn đầu thế kỉ, đến với thế giới thời kì Internet chưa phổ biến như hiện tại và nhận thức của một doanh nhân yêu nghệ thuật và muốn khám phá thế giới, thông qua một tách trà.
Pierre Sernet tại Vịnh Hạ Long, Việt Nam, 2006
Ông hãy chia sẻ chút về bản thân mình và điều gì đã đưa anh đến đây hôm nay?
Tôi sinh năm 1951, lớn lên và theo học tại Paris. Khi còn là một cậu bé 10 tuổi, tôi đã sưu tầm những tấm áp phích nghệ thuật mà các cửa hàng thời đó thường dán trên cửa để quảng cáo cho các buổi triển lãm tại bảo tàng và phòng trưng bày. Từ nhỏ, tôi đã theo học vẽ. Lớn hơn thì tôi làm việc trong ngành nhiếp ảnh để kiếm tiền tiêu vặt.
Sau này, tôi có theo học kinh doanh. Năm 1973, tôi quyết định đến thăm nước Mỹ trong vài tháng để hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh ở đó. Tôi từng làm việc 5 năm trong một ngân hàng thương mại, rồi tự mình thành lập công ty kinh doanh phần cứng máy tính… Từ chuyến đi ngắn tưởng chỉ vài tháng, tôi đã ở lại New York 43 năm.
Thời thanh niên, tôi có tiếp cận và tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản thông qua việc theo học và thực hành trà đạo 16 năm ở New York, nơi mà nhà Urasenke có một phòng trà tuyệt đẹp nằm ở xưởng vẽ của Mark Rothko. Tới năm 2019, tôi chuyển đến sống tại Nhật Bản.
Sự nghiệp của ông trải dài từ nhiếp ảnh đến kinh doanh trước khi ông dấn thân vào vai trò hiện tại. Trải nghiệm trong các lĩnh vực này đã định hình quá trình chuyển đổi của ông sang công việc hiện tại như thế nào?
Là một doanh nhân, bạn cần (sẽ) trải qua cả thành công lẫn thất bại, nhưng hy vọng rằng bạn luôn có tinh thần học hỏi không ngừng.
Năm 1985, tôi bắt đầu sưu tầm ảnh về đất nước Nhật Bản thế kỷ 19. Thời điểm đó, giới nghệ thuật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc đánh giá các tác phẩm được rao bán. Và tôi nhìn thấy đây là một cơ hội rất có tiềm năng. Năm 1986, tôi bắt tay thực hiện một dự án, sau này được đổi tên thành Artnet, số hoá bằng hình ảnh những tác phẩm sắp được bán tại 177 nhà đấu giá hàng đầu thế giới. Tôi yêu cầu các nhà đấu giá cho tôi độc quyền khái thác hình ảnh tác phẩm số của họ trong 49 năm. Hơn 100 nhà đồng ý yêu cầu này, 77 nhà còn lại đồng ý cấp chỉ từ 2 đến 35 năm. Trước đó, chưa từng có ai số hoá việc này, Artnet đã thực sự khuấy đảo thị trường thời đó vì hầu như trước Artnet, mọi người chỉ biết đến hình ảnh thông qua các bản in, còn danh mục liệt kê các tác phẩm nghệ thuật lại chẳng có bất kì hình ảnh nào.
Tôi tin rằng, chỉ cần có nhu cầu, ắt sẽ có cơ hội. Mọi người thường dễ dàng nói không hoặc cho rằng điều gì đó không hiệu quả hoặc không thể. Nhưng nếu bạn tin vào điều đó, bạn có thể biến suy nghĩ của mình thành hiện thực.
Sau này, tôi tiếp tục thành lập hơn 10 dự án khác nhau trong nhiều lĩnh vực, từ phần cứng máy tính, phần mềm đến cơ sở dữ liệu, thăm dò ý kiến trên internet và bất động sản. Nhiều dự án là những dự án đầu tiên của ngành. Một số thành công, còn nhiều dự án khác thì không. Tôi cho rằng, kinh doanh là sáng tạo, chúng ta không nên sợ hãi nếu muốn thử làm điều gì đó khác biệt.
Ý tưởng về trà thất ông phát triển rất hấp dẫn và giàu tính văn hóa. Ông có thể giải thích thêm về nguồn gốc của suy nghĩ này và tầm nhìn của ông thông qua dự án này?
Một nghi lễ trà đạo dựa trên bốn nguyên tắc: hòa hợp, thanh tịnh, tĩnh lặng và tôn trọng .
Đây là loại hình đòi hỏi kiến thức về hầu hết đời sống nghệ thuật của Nhật Bản ngoại trừ âm nhạc. Cần có sự hiểu biết về thiết kế sân vườn, kiến trúc, lịch sử, thơ ca, tôn giáo, hội họa, thư pháp, hương, cắm hoa, sơn mài, gốm sứ, thực phẩm và tất nhiên là các bước, quy định pha trà khác nhau.
Học pha trà đã khó, nhưng việc thành thạo tất cả các loại hình nghệ thuật khác còn khó hơn. Tuy nhiên, phần khó nhất là sống với tinh thần của trà.
Shinya, Rockefeller Center, NY, ©2001
Sau 16 năm nghiên cứu trà và 25 năm thực hành trà đạo, tôi biết mình còn nhiều hạn chế và thiếu sót nhưng điều đó lại củng cố niềm tin của bản thân vào sự tôn trọng, thứ mà tôi cho rằng đã hoàn toàn biến mất trong thế giới đương đại hiện nay. Tôi sống ở Nhật Bản vì tôi cảm thấy sự tôn trọng là nền tảng của xã hội và con người nơi đây.
Đầu thế kỉ 21, tôi nhận thấy sự phân cực ngày càng tăng thông qua một số bài đăng ẩn danh trên Internet. Sau vụ tấn công ngày 11/9, Hoa Kỳ cố gắng áp đặt quan điểm duy nhất của mình lên thế giới, phản ánh góc nhìn về sự thiếu tôn trọng đối với các nền văn hóa và lối sống trên toàn cầu. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi người Mỹ với những lý lẽ ngụy biện đã đem quân đến Iraq. Ngày đó, nhiều người thường so sánh những giá trị của nước Mỹ là giá trị của “thế giới mới”, trái ngược với “giá trị của thế giới cũ”, của châu Âu – cái gọi là “giá trị lỗi thời”.
Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình ở New York và cảm thấy nước Mỹ dần mất phương hướng. Tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến theo cách không sợ hãi là nền tảng của nền dân chủ Mỹ. Dù chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi điều đó, nhưng tôi nghĩ ít nhất mình có thể sử dụng nghệ thuật để cất lên tiếng nói của bản thân về sự thiếu tôn trọng của Mỹ đối với người khác, nền văn hóa và lối sống của họ.
Đó là lúc tôi cho ra mắt dự án One, được tờ báo lớn nhất Nhật Bản, Yomiuri Shimbun, gọi là Guerrilla Tea, trong mục Nghệ thuật ngày 1 tháng 1 năm 2003. Sau này, tôi cũng thực hiện 5 dự án khác về Khuôn mặt, Tình yêu, Cái chết, Quốc tịch và Tình dục, tất cả đều nhằm mục đích thể hiện sự chung của nhân loại ở mọi nơi và mọi thời đại.
Denilson, Niteroi, Brazil © 2002 Pierre Sernet
Vì sao ông lại đến với trà đạo Nhật Bản, điều này ảnh hưởng sao tới công việc của ông?
Vì nghi lễ trà đạo rất độc đáo và ít được biết đến bên ngoài Nhật Bản nên tôi cảm thấy mọi người sẽ dừng lại và chú ý khi nghi lễ này được thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật. Tôi đã tạo ra một cấu trúc di động mô phỏng một trà thất Nhật Bản, diện tích tương đương 2 chiếu tatami, nơi tôi dùng để mời khách từ khắp nơi trên thế giới đến với không gian riêng của chúng tôi.
Tôi muốn đặt trà thất bên cạnh những nền văn hoá và môi trường có vẻ không tương thích bằng cách mời người xem đặt các giá trị văn hoá, tâm linh, tôn giáo hoặc triết học của riêng họ vào bên trong một khối lập phương. Mục đích nhằm chỉ ra rằng, mặc dù có những khác biệt rõ ràng, kết giới này vẫn chia sẻ những giá trị chung tương tự và cùng tồn tại.
Tôi đã pha trà mời mọi người ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hàng trăm vị khách ở đủ mọi thành phần và giai tầng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo hoặc dân tộc; mỗi người đều tình nguyện hoặc được chọn ngẫu nhiên để tham gia vào bất kỳ bối cảnh nào mà Tea Cube được đặt.
Trải dài từ Vịnh Hạ Long ở Việt Nam đến các ngôi làng ở sa mạc Thar ở Ấn Độ, những bãi biển như Barra ở Rio de Janeiro cho đến Đại lộ số 5 ở New York… tất cả hơn 100 địa điểm trên toàn thế giới. Phần lớn mọi người chưa từng nghe đến nghi lễ trà đạo Nhật Bản, nhiều người thậm chí còn chưa từng uống trà. Tuy nhiên, họ vẫn chấp nhận lời mời cùng thưởng thức một tách trà, đôi khi có chút ngại ngùng, nhưng luôn nở nụ cười.
Nơi đầu tiên bạn tổ chức sự kiện One là ở đâu và phản ứng của mọi người thế nào?
Tháng 3 năm 2003 tại Phòng trưng bày Sonnabend ở New York, tôi đã cùng uống một tách trà với nhiều nhà sưu tập và khách tham quan. Tuy nhiên, sự kiện ngoài trời đầu tiên diễn ra tại Bảo tàng Asia Society vào tháng 4 năm 2003 cũng ở New York. Chủ đề là Phong cách mới của Trà đạo Nhật Bản.
Tôi đã làm một video có tên T³ , trong đó tôi pha và phục vụ trà, bắt đầu từ buổi sáng mùa xuân dưới những bông hoa anh đào ở Công viên Trung tâm, trải qua các ngày và mùa, rồi kết thúc nghi lễ trà đạo vào lúc chạng vạng giữa Quảng trường Thời đại.
Người New York thì không hề bối rối trước cảnh tượng này bởi họ vốn vậy nhưng khách du lịch thì hầu hết đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi pha trà bên trong nhà ga trung tâm. Có một kỉ niệm khá đáng nhớ hôm đó, một chú chó đã tới uống nước đựng trong Kensui (dụng cụ đựng nước tráng bát trà), có lẽ đó là lần đầu và cũng là duy nhất có sự gặp gỡ thú vị như vậy.
Có ai từng từ chối tham gia hoặc có phản ứng khác với những gì ông mong đợi không?
Không hẳn là từ chối, nhưng có một số tình huống tôi gặp phải nhiều phản ứng bất ngờ.
Ở Quế Lâm, Trung Quốc, chúng tôi tìm đến một ngôi làng rất nông thôn và dựng khối lập phương trà thất. Bối cảnh ở đó rất tuyệt với những ngôi nhà đá được xây theo lối kiến trúc truyền thống, hôm đấy thời tiết có sương mù nhẹ càng khiến bối cảnh trông bí ẩn. Thật không may, một người chủ nhà, vốn là ngôi nhà chúng tôi không định chụp ảnh, muốn được trả tiền. Người tài xế và phiên dịch có lẽ đã trao đổi với bà ấy hơi gay gắt nên bà ta đã lôi kéo những người khác trong làng tới và phản đối mọi thứ chúng tôi đang làm. Chúng tôi quyết định rời đi để tránh phiền phức. Đó là một trong những bức ảnh khiến tôi tiếc nhất.
Cũng ngày hôm đó, chúng tôi chụp ảnh một người nông dân chăn trâu, phía sau là dãy núi đá nổi tiếng ở Quế Lâm. Trớ trêu thay, mặc dù Trà đạo Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, và trà là thức uống quốc gia, nhưng nơi duy nhất trên thế giới mà tôi phải nếm thử trà do mình pha trước khi mời khách lại là Trung Quốc vì họ không tin vào những gì tôi làm mặc dù đã được tận mắt chứng kiến.
Fu Lai, Guangxi, China © 2005 Pierre Sernet
Một tình huống khác thường xảy ra là khi pha trà ở nơi đông người, không ai muốn là người đầu tiên ngồi xuống gần một người nước ngoài lạ mặt trong trang phục kimono truyền thống của Nhật Bản. Điều này xảy ra tại quảng trường nhỏ của thị trấn Capri (Italy), nơi mà sau nhiều cuộc đàm phán với thị trưởng và cảnh sát trưởng, họ chỉ cho tôi một tiếng đồng hồ để pha trà và chụp ảnh. Nhưng sau 50 phút, không một ai tới và ngồi xuống cùng tôi. May thay, một nhiếp ảnh gia đã đến và bắt đầu nói rằng anh ta cũng đang dùng chiếc máy ảnh giống của tôi. Sau vài phút, anh ta đồng ý ngồi xuống uống một tách trà và chụp ảnh.
Oscar, Capri, Italy, © 2003 Pierre Sernet
Ở Nhật Bản, nơi mọi người đều biết về trà, vấn đề này có chút khác biệt; khách Nhật Bản cảm thấy không thoải mái khi tham gia cùng chủ trà người nước ngoài. Điều này xảy ra ở Hồ Saiko, gần núi Phú Sĩ, chúng tôi đã may mắn tìm thấy một bối cảnh hoàn hảo bên cạnh mặt nước, và lần này núi Phú Sĩ hiện ra với bầu trời xanh tuyệt đẹp. Vấn đề là không có ai mà vợ tôi hỏi muốn thưởng thức một tách trà cùng tôi cho đến khi, may mắn thay, một bà cụ sống trong ngôi làng gần đó tình cờ đi ngang qua. Bà ấy không gặp vấn đề gì khi nhận một tách trà. Chúng tôi chụp được một bức ảnh bà ấy cõng đứa cháu trai trên lưng, và đó là một trong những bức ảnh tôi thích nhất. Vài phút sau khi chúng tôi chụp bức ảnh, núi Phú Sĩ biến mất.
Watanabe San, Saiko, Japan , © 2003 Pierre Sernet
Hoặc trải nghiệm ở sân bay Paris Charles De Gaulle. Tôi đang pha trà cho một nhân viên làm việc ở sân bay ngay giữa Nhà ga 2 thì hai sĩ quan CRS được trang bị vũ khí tiến tới, rồi đột nhiên, nhiều sĩ quan khác cũng xông vào và sơ tán mọi người vì có đe dọa đánh bom. Tôi đã xin lỗi khách của mình vì không thể uống hết tách trà. Một trong những nhân viên CRS đã nghe thấy tôi và nói, “Không, anh ở lại!” Mặc dù có lời đe dọa đánh bom, khách và tôi lại là hai người duy nhất còn lại trong nhà ga trống, cùng nhau uống một tách trà. Đó là một trải nghiệm siêu thực cho đến khi một vụ việc được kiểm soát và mọi người quay lại trạng thái an toàn.
Alice, CDG, Airport, Paris, © 2002 Pierre Sernet
Một trải nghiệm đáng nhớ khác ở khu ổ chuột của thành phố Rio de Janeiro. Chúng tôi cần một vệ sĩ có vũ trang bảo vệ khi di chuyển để chụp ảnh, vì sẽ rất không hay nếu có ai đó lấy cắp thiết bị chụp ảnh của chúng tôi. Sau khi trèo qua nhiều ngôi nhà, chúng tôi tới một sân thượng – nơi tôi dựng phòng trà và máy ảnh.
David, Providencia Favella, Rio de Janeiro, Brazil, © 2002 Pierre Sernet
Sau khi đã pha trà cho nhiều người, tôi đã gặp một trong những nhân vật đáng nhớ nhất, cậu bé 14 tuổi sống ở khu ổ chuột. Cậu bé tập trung và chú ý hơn nhiều người pha trà chuyên nghiệp mà tôi từng gặp. Cậu bé thực sự cảm thấy mình giống như một “chajin” – trà nhân, mặc dù có lẽ cậu ý chưa bao giờ nghe nói đến nghi lễ trà đạo trước đó hoặc kể từ đó.
Tất nhiên, không phải tất cả các trải nghiệm đều tích cực như vậy. Tôi nhớ đến hôm bên Bến Thượng Hải, một đám đông đã tụ tập khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng và e là có vấn đề với lực lượng cảnh sát địa phương. Quả vậy, ngay lúc bắt đầu pha trà, một chiếc xe cảnh sát xuất hiện, hóa ra chúng tôi đang ở trên nóc đồn cảnh sát (cười)! Sau khi dành cả buổi chiều để cố gắng giải thích với họ về dự án của mình nhưng dường như họ không đánh giá cao công việc của chúng tôi.
Tuy nhiên, dù là trên bãi biển dành cho người đồng tính ở Mykonos, với người Zulu ở Nam Phi, nông dân ở Mexico, nữ tu Phật giáo ở Angkor hay người chăn lạc đà ở sa mạc Thar của Ấn Độ, những buổi gặp gỡ uống trà này đã cho tôi thấy rằng, bất chấp sự khác biệt, chúng ta vẫn có thể chia sẻ những khoảnh khắc kết nối và thưởng thức cùng nhau.
Maite, Piazza della Vittoria, Pavia, Italy © 2002
Wan Chang, Jinshanling, China, © 2005
Ông thấy sự tương tác giữa ông và khách mời thay đổi như thế nào kể từ lúc bắt đầu One?
Một số người tỏ rõ sự quan tâm, thường tập trung hoặc đặt câu hỏi và muốn thực sự trải nghiệm khoảnh khắc đó. Những trường hợp khác, họ không mấy quan tâm, chỉ tham gia mà không thực sự ở đó. Tôi có thể nhanh chóng biết được họ có quan tâm hay không. Sự tham gia trung thực của họ cũng giúp tôi có được bức ảnh phù hợp.
Về phía tôi, sau khi đi khắp thế giới và gặp gỡ nhiều vị khách, tôi càng tin chắc rằng nếu được tự do thể hiện cảm xúc, con người có xu hướng sẵn sàng chấp nhận các nền văn hóa hoặc giá trị khác biệt, đặc biệt khi họ có cơ hội được hiểu rõ hơn về các nền văn hóa hoặc giá trị đó.
Tôi đã nhận được nhiều cảm xúc rất ấm áp mà du khách khắp nơi chia sẻ. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là sau khi cùng nhau thưởng thức một tách trà với những người dân tộc địa phương sống giữa Ruộng bậc thang Long Thắng ở Dãy núi Xương Rồng của Trung Quốc.
Trong khi đang pha trà ở đó, chúng tôi bất ngờ bị một trận mưa như trút nước, và tất cả đều ướt sũng. Một nhóm phụ nữ lớn tuổi đã mời chúng tôi về nhà, mời chúng tôi ăn cơm lam được nướng trực tiếp trên lửa. Trước khi chúng tôi rời đi, họ còn tặng chúng tôi những cái ôm rất chặt.
Kheth and Mayndevi, Jaisalmer, India © 2005
Nếu được khám phá một nền văn hóa khác ngoài Nhật Bản, ông sẽ chọn nền văn hóa nào và khía cạnh nào của nền văn hóa đó gây ấn tượng với ông?
Khi sống ở Nhật Bản, tôi thấy nhiều quốc gia có nền văn hóa và lịch sử lâu đời đặc biệt thú vị.
Pháp, trong số các nền văn hóa châu Âu cổ đại, là nơi mà mọi hình thức biểu đạt văn hóa đều được chấp nhận. Tôi tin rằng Pháp sẽ vẫn là một nơi sôi động về mặt văn hóa. Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến văn hóa, nhưng chủ yếu tập trung vào văn hóa đương đại. Hiểu về nghệ thuật đương đại không đòi hỏi kiến thức lịch sử sâu sắc, không giống như hiểu về những nền văn minh cổ đại hoặc các bậc thầy cổ đại.
Người dân ở “nền văn hóa mới” ít chịu ảnh hưởng từ lịch sử hơn so với người dân ở nền văn hóa lâu đời. Vì vậy, nếu tôi khám phá một nền văn hóa khác, đó sẽ là Pháp, đặc biệt là Paris. Như chúng ta đã thấy với Thế vận hội, đây vẫn là thành phố lớn đẹp nhất thế giới.
Daniel & Silvie, Palais de Tokyo Museum, Paris, © 2005
Ông hình dung mối quan hệ giữa nghệ thuật và văn hóa sẽ phát triển như thế nào trong thập kỷ tới?
Ngày nay, nghệ thuật và văn hóa có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Theo truyền thống, văn hóa bao gồm âm nhạc, mỹ thuật, văn học, sân khấu và khiêu vũ. Ngày nay, ngoài những thứ đó, chúng ta còn có nhiều con đường khác để thể hiện nghệ thuật như phim ảnh, video, điện tử và manga.
Đối với tôi, mỹ thuật đặc biệt quan trọng trong việc định nghĩa một nền văn hóa. Hãy nghĩ về điều này: có ai nhớ tên của tổng thống Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960 hay ai đã lãnh đạo nước Đức vào thế kỷ 18 không? Nhưng mọi người đều biết Warhol , Bach hoặc Picasso. Có khả năng nhóm nhạc Beatles hoặc Taylor Swift sẽ được nhớ đến lâu hơn Thủ tướng Macmillan hoặc Tổng thống Biden, giống như Leonardo da Vinci là biểu tượng của thời kỳ Phục hưng.
Maplee, Padaung Tribe, Mae Hong Son, Thailand, © 2006
Trà thất của Pierre Sernet tại Palais Royal (Pháp).
Ông làm thế nào để duy trì cảm hứng và tiếp tục đổi mới trong lĩnh vực của mình?
Bằng cách luôn tò mò, luôn học hỏi và tìm kiếm những khoảng trống có thể mang lại cơ hội. Tôi thường quan sát và thử nghiệm những ý tưởng tới từ các ngành công nghiệp khác và áp dụng chúng vào thị trường nghệ thuật.
Cảm ơn ông đã chia sẻ câu chuyện thú vị này!
Biên dịch
Anh Nguyên
Ảnh
Pierre Sernet