Ảnh: Ramalee
Alessandro Mendini sinh năm 1931 ở Milan, là một trong những nhà thiết kế đương đại nổi tiếng và được đánh giá cao trong việc hồi sinh thiết kế kiến trúc mang thương hiệu Ý. Ông đã truyền cảm hứng cho phong trào “thiết kế cấp tiến” (“radical design”) trong những năm 1970 – 1980, nổi bật là một trong những trung tâm thử nghiệm đầu tiên về chủ đề trang trí Alchimia đã mang lại cho ông giải thưởng Golden Compass vào năm 1981.
Sau khi lấy bằng kiến trúc từ Đại học Bách khoa Milan, Mendini bắt đầu sự nghiệp của mình tại studio Nizzoli (1960-1970). Ông từng làm giám đốc của các tạp chí Casabella (1970 – 1976), Modo (1977 – 1988) và Domus (1979 – 1985, 2010 – 2011) với tư cách là một nhà phê bình và lý luận. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông vào thời gian này bao gồm Paesaggio casalingo (1979), Architettura addio (1981), Progetto infelice (1983), Existenz Maximum (1990) thể hiện khái niệm cơ bản của thiết kế tân hiện đại “casa banale” (công nhận giá trị của cái xấu và sự hào nhoáng trong cuộc sống hàng ngày).
Tôi sử dụng thiết kế không phải như một phương tiện nhằm đạt được mục đích mà để thực hiện vai trò quan trọng rất đỗi tự nhiên của mình, đó là tạo ra hình ảnh.
Alessandro Mendini
Với tư cách là kiến trúc sư, ông đã thiết kế Bảo tàng Groninger (1988 – 1994, 2010), các nhà máy Alessi và Diễn đàn Bảo tàng Omegna (1996), Teatrino della Bicchieraia ở Arezzo (1998), quá trình tái tạo đô thị của quận Maghetti ở Lugano (1998), cải tạo Ga Termini ở Rome (1999), khôi phục Villa Comunale (1999) và ba ga trong mạng lưới tàu điện ngầm Naples (2000), cũng như không gian triển lãm mới và chi nhánh mới của Bảo tàng Milan Triennale ở Incheon, Hàn Quốc (2008-2009).
Những năm đầu tiên trong sự nghiệp của Mendini chứng kiến các tác phẩm mà sau này được xếp vào loại “đồ dùng tâm linh” như ghế Lassù, ghế Scivolavo, Suitcase for the final journey đều được làm từ năm 1974 đến năm 1975. Ông tìm cách thoát khỏi chức năng nội tại thông thường về bản chất của chúng: một món đồ hành lý bằng đá không thể nâng lên, một chiếc ghế cao đến mức cần phải trèo lên và một chiếc ghế khác được làm theo kích thước khác thường gây khó chịu, tất cả được hình thành để dẫn chúng ta suy ngẫm về bản chất nhất thời của cả đồ vật và sự tồn tại của con người.
Ghế Proust
Mendini cùng với Archizoom, UFO , Superstudio, Gaetano Pesce, Ettore Sottsass, Ugo La Pietra và Gianni Pettena thành lập trường học Global Tools (1974). Đây là một phòng thí nghiệm hiện đại theo phong cách Bauhaus nhằm đặt ra câu hỏi về vai trò của kiến trúc sư và nhà thiết kế với tư cách là những kỹ thuật viên đơn thuần phục vụ kinh tế đại chúng, đồng thời ủng hộ những người có cách tiếp cận khác xa với truyền thống nhưng vẫn duy trì cách thiết kế thủ công điển hình kiểu Ý.
Bên cạnh đó, Mendini bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng làm mới lại các sản phẩm của nhiều nhà thiết kế bằng cách áp đặt màu sắc hay kiểu dáng không liên quan tói hình dạng ban đầu của nó, ông muốn diễn giải lại ý nghĩa của chúng một cách mỉa mai nhẹ nhàng. Và chiếc ghế Proust (1978) chính là minh chứng rõ ràng nhất mà ông áp dụng từ lối suy nghĩ này, đây là một chiếc ghế mang phong cách baroque, ông vẽ trực tiếp lên vải và cấu trúc gỗ của nó hàng trăm chấm nhỏ chỉ bằng một chiếc cọ, gợi nhớ lại kỹ thuật “điểm – chấm” của Paul Signac.
Những năm gần đây hơn, ông đã tạo ra các tác phẩm như “Visage Arcaïque” và “Tête Géante” (2001-2009), xem xét chủ đề nhân học. Các khối hình học nguyên thủy (hình khối, kim tự tháp, v.v.) được tạo bởi nhiều loại vật liệu nhất có thể và dành cho nhiều thương hiệu khác nhau (Venini, Cartier, Bisazza) rồi lắp ráp để tạo ra những cái đầu khổng lồ giống với khuôn mặt con người, đồng thời liên tưởng đến đặc điểm của chủ nghĩa kiến tạo Nga.
Triển lãm Caro Alessandro tại Paris, CH Pháp
9/3 – 6/5/2023
Ảnh: Alexandra de Cossette