Hélène Binet

Hélène Binet sinh ra ở Thụy Sĩ, bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực nhiếp ảnh sau khi hoàn thành việc học tại Architectural Association (AA School) ở London những năm 1980. Hơn 40 năm qua, Hélène Binet đã chụp một khối lượng đồ sộ những công trình kiến trúc đương đại và di sản có tính lịch sử tầm cỡ thế giới, đồng thời hợp tác với nhiều kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng lớn như Zaha Hadid, Daniel Libeskind và Peter Zumthor…

Được biết đến như một nữ nhiếp ảnh gia kiến ​​trúc tên tuổi, tác phẩm của bà đã xuất hiện trong nhiều đầu sách cũng như triển lãm, nhận vô số giải thưởng quốc tế. Chất liệu Binet sử dụng để thể hiện ngôn ngữ nhiếp ảnh chủ yếu là ảnh phim đen trắng, sau này là ảnh phim màu trong lúc công nghệ ảnh kĩ thuật số ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận.

Nhiếp ảnh gia Hélène Binet

Ảnh
Jasmine Bruno

Theo Hélène Binet, ảnh kiến trúc hiện tại bị bó buộc trong những mô-tuýp quen thuộc, bởi phần lớn kiến trúc sư ít coi trọng việc nhiếp ảnh gia diễn giải công trình của họ dưới góc nhìn nghệ thuật. Chúng quá hoàn mỹ đến mức người xem khó có thể cảm nhận được tinh thần của kiến trúc, từ đó khiến khán gỉa trở thành kẻ ngoại cuộc. Trước đây, kiến trúc sư thường để nghệ sĩ tiếp cận và tự do sáng tác trong một số dự án của họ bởi mong muốn được thấy góc nhìn mới, một sự diễn giải khác. Còn hiện tại, phần lớn các tác phẩm đều có quá nhiều điểm tương đồng.

Ngày nay, rất khó nhận ra đâu là phong cách cá nhân của từng kiến trúc sư, còn trước đây, điều này tương đối đơn giản. Tại sao lại có sự đồng hoá như vậy? Binet cho rằng một phần nguyên nhân đến từ cách tiếp cận vội vàng của các nhiếp ảnh gia đương đại, họ ít có thời gian quan sát, cảm nhận kiến trúc để sáng tác nghệ thuật. Họ đến, nhìn, chụp rồi nhanh chóng chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Xu hướng này tạo ra một thói quen mô tả nhanh và điều này theo bà rất đáng quan ngại?!

The Secret of the Shadow, 2007
Chụp bởi Hélène Binet

Quan điểm của Hélène Binet cho rằng chụp ảnh là cơ hội để nhìn lại điều gì đó, để khám phá ra điều mà trước đây chưa từng thấy. Phần đông nhiều người thường cho rằng họ đã có sự hiểu biết nhất định về đối tượng họ chụp nhưng lại chưa bao giờ dành thời gian để thật sự quan sát điều đó.

Bạn phải có khả năng quan sát một công trình như thể đó là thứ đầu tiên bạn bắt gặp trong đời.

Chụp bởi Hélène Binet năm 2007

Nhiếp ảnh gia người Hungary, Lucien Hervé, là nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của Hélène Binet Binet. “Ông ấy đã cho tôi thấy chụp ảnh nhìn vào chỉ như một công việc bình thường trong xã hội, nhưng tôi có thể khám phá và theo đuổi nhiếp ảnh để trở thành một nghệ sĩ. Ảnh của Hervé hiện diện xung quanh tôi từ thuở thiếu thời, đó là những cuốn sách lưu trữ tư liệu ảnh ông ấy chụp cùng kiến trúc sư Le Corbusier. Chúng đã tác động sâu sắc tới tôi và là lý do khiến tôi yêu nhiếp ảnh đen trắng từ nhỏ”.

Ngoài Hervé, Binet cũng nhấn mạnh “Có không ít nữ nhiếp ảnh gia đầy mạnh mẽ – không nhiều như nam giới – nhưng nếu so với các lĩnh vực khác thì rất nhiều nhiếp ảnh gia nữ đã thành công từ rất sớm, sống được với nghề và lo được cơm-áo-gạo-tiền như Tina Modotti, Lee Miller, Berenice Abbott và Lucia Moholy (thời kì đầu và giữa thế kỷ 20). Một trong số họ vẫn còn làm việc khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp vào những năm 80 và đã động viên tôi không chùn bước trước triển vọng trở thành một nữ nhiếp ảnh gia kiến trúc. Bởi vậy nên tôi chưa bao giờ cảm thấy đơn độc theo nghĩa đó. Không giống với kiến ​​trúc sư, nhiếp ảnh gia hay một số ngành nghề khác, nơi mà phụ nữ phải mất rất lâu mới được thừa nhận.”

Binet cũng nhắc đến ảnh hưởng từ tác phẩm nhiếp ảnh của một số nghệ sĩ trẻ tuổi hơn như Judith Turner, nhưng bà dành sự ưa thích đặc biệt với những nhiếp ảnh gia thuộc trường phái Bauhaus như László Moholy-Nagy, Walter Peterhans, Lucia Moholy và Erich Consemüller.

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Lucien Hervé
Nguồn: Michael Hoppen Gallery

Trong phần lớn tác phẩm của mình, Binet thường chỉ tập trung vào chi tiết của công trình vốn có tính bó hẹp trong quan sát nhằm mang đến những khoảng trống để người xem tưởng tượng tới phần còn lại. “Nếu tôi chỉ cho mọi người thấy một nửa của đường cong thì những người tực sự quan tâm sẽ bắt đầu đặt câu hỏi bởi tính tò mò. Đó cũng là lý do tôi sử dụng chất liệu ảnh đen trắng do không muốn nói quá nhiều, đồng thời muốn tạo tính chất trừu tượng bởi thính lực của con người thường có xu hướng phát huy trong bóng tối.”

Tuy nhiên, sau giai đoạn hợp tác với kiến trúc sư người Thụy Sĩ, Peter Zumthor, được ông chỉ dạy về không gian và các yếu tố xung quanh như thiên nhiên, sắc màu, thực vật, vật liệu… Binet dần dần chuyển “âm sắc trở thành màu sắc”, bà muốn công chúng có thêm chất liệu và dữ liệu để hình dung.

Những công trình của Peter Zumthor được Hélène Binet chụp giai đoạn 1997 – 2011

Cả hành trình trên, từ tuổi thơ ở làng chài Sperlonga (Italy) đến giai đoạn Binet sinh sống tại Rome, những phát hiện đầu đời về Hervé cùng sự hợp tác với một số kiến trúc sư hàng đầu thế giới đều được nhắc đến rất chi tiết trong cuốn chuyên khảo về hệ thống tác phẩm của bà, được xuất bản gần đây bởi Lund Humphries.

Trong một chương sách, đồng tác giả Martino Stierli cho rằng những tác phẩm của Binet dường như dao động giữa hai mối quan tâm chính, cụ thể là mong muốn chuyển tải các hiện tượng trong không gian thành không gian hai chiều trong hình ảnh, và thực hành phương pháp tìm kiếm cách thức thể hiện sự biến đổi của ánh sáng khi chiếu lên bề mặt đối tượng. Để đạt được sự kết hợp đó, Binet nói rõ trong sách rằng, “cần có sự kiên nhẫn, một dự án tốt cần ít nhất hai lần thực hiện khảo sát tại cùng một địa điểm. Không có phép màu – chỉ thời tiết và ánh sáng… – nhưng hãy bắt đầu [với lần khảo sát đầu tiên], sau khi chụp xong hãy in bức ảnh ra rồi tự xem xét và đánh giá liệu.Đừng nên cảm thấy hài lòng khi đó. Cá nhân tôi cho rằng, khi mình hoàn thành việc đó, đấy mới thực sự là lúc chúng ta nên bắt đầu làm việc.”

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho thế hệ nhiếp ảnh gia kiến trúc tương lai. Binet mỉm cười và thốt lên, “Hãy tin vào chính mình. Tuổi 20 và khoảng đầu 30 là giai đoạn sáng tạo tuyệt vời, nếu nhìn lại tác phẩm của mình cùng với nhiều tác phẩm của các nhiếp ảnh gia tài năng, tôi thấy hầu hết những bức hình được chụp thời kì đầu là tốt nhất. Hãy có niềm tin và tiếp tục thực hành, làm bất cứ điều gì phải làm để kết nối với bản ngã. Đừng nhìn quá nhiều vào [những bức ảnh của người khác].”

Ảnh
Hélène Binet


Biên dịch
Gia Minh

Biên tập
M