Bảo tàng Edo-Tokyo được thiết kế bởi kiến trúc sư Kiyonori Kikutake nằm tại Sumida-ku, thành phố Tokyo, một công trình nằm trong hệ thống bảo tàng lịch sử quốc gia, nơi duy nhất trên đất nước Nhật Bản, giới thiệu những tri thức về lịch sử – văn hóa đời sống con người, nền văn hóa cũng như là tình trạng biến chuyển của thành phố Tokyo trong thời đại Edo. Điểm nhấn của Bảo tàng là cách giới thiệu tư liệu thông qua sự tái dựng lại hoàn chỉnh từ mô hình tuyệt đẹp và sống động ở nhiều quy mô và chất liệu hình thức khác nhau.
Mấy trăm năm trước Edo là một làng đánh cá nhỏ nằm ở Vịnh Tokyo, địa điểm hiện nay của thành phố Tokyo. Thời đó, Thiên Hoàng và triều đình nằm ở Kyoto. Khi Mạc phủ Tokugawa thành lập, Edo trở thành trung tâm của triều đình. Kyoto trở thành kinh đô trên danh nghĩa, trong khi kinh đô thực sự nằm tại Edo, nơi Mạc phủ Tokugawa nắm thực quyền. Edo nhanh chóng phát triển từ một ngôi làng chài nhỏ bé thành một khu vực đại đô thị với hơn 1 triệu dân vào năm 1721. Một trong những thành phố lớn nhất thế giới vào thời gian này. Năm 1868, khi chế độ Mạc phủ bị lật đổ, thành phố Edo được đổi tên là Tokyo. Thiên hoàng Minh Trị dời Hoàng cung từ Kyoto về Tokyo. Từ đó đến nay Tokyo chính thức trở thành thủ đô của nước Nhật.
Để tái hiện lại đầy đủ quá trình hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xây dựng Bảo tàng Edo Tokyo, nằm trong hệ thống bảo tàng lịch sử quốc gia. Viện bảo tàng có diện tích rộng khoảng 80,000m2, bằng 2.4 lần sân vận động thông thường.
Công trình được thiết kế theo kiến trúc hiện đại và xây dựng với chiều cao 7 tầng. Mỗi tầng được quy hoạch phục vụ một chức năng trưng bày riêng biệt. Tầng 1 có phòng kế hoạch trưng bày và khu vực thư viện hình ảnh, tầng 3 có “Edo Tokyo Square” được xây dựng ngoài trời, tầng 5-6 là những gian phòng trưng bày thường trực, và còn có khu vực thư viện, thư viện hình ảnh có vị trí trên tầng 7.
Cấu trúc được kiến trúc sư thiết kế sử dụng hệ thống khung bê tông cốt thép tiền chế. Các trụ lớn ở 4 góc đóng vai trò như trục giao thông theo chiều đứng. Các lớp tường bằng bê tông thi công toàn khối trực tiếp đảm bảo tạo nên những không gian trưng bày lớn không có dầm, cũng như cách âm hoàn toàn để không làm xao lãng sự chú tâm của khách tham quan bởi tiếng ồn từ trục giao thông bên ngoài.
Ảnh
Triệu Chiến