Kiến trúc và Điêu khắc Chùa Mía

Chùa Mía tên chữ “Sùng Nghiêm tự” nằm trong trấn Sơn Tây, một trung tâm Phật giáo cổ xưa,nay thuộc làng Mía, xã Tường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội. Người có nhiều công lao hoàn thiện qui mô ngôi chùa là bà Nguyễn Thị Ngọc Dong (Bà chúa Mía) người trong vùng, vợ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1632 — 1657). Ngôi chùa kết hợp hài hòa giữa kiến trúc các lớp nhà và hệ thống vườn.

Đối lập với không gian vắng vẻ bên ngoài, càng đi sâu vào nội thất bên trong người ta càng như lạc vào một thế giới phong phú và huy hoàng của đất Phật. So với các ngôi chùa khác, chùa Mía sau một quá trình dồn chùa, điện thờ trở nên đông đảo nhất. Vì vậy nằm trong phong trào phục hưng Phật giáo thời Hậu Lê (thế kỷ 16 — 18) chùa Mía mang nhiều sắc thái tín ngưỡng đa thần bản địa.

Từ một kiến trúc ban đầu đơn giản, chùa Mía phát triển và hoàn thiện dần từ thế kỳ 17 đến thế kỷ 19. Đầu thế kỹ 17 chùa mới có cổng, hai tòa thượng điện và hậu đường dựng song song. Tiền đường xây thế kỷ 18; gác chuông (đồng thời là tam quan và nhà bia xây 1843, nhà tổ xây 1890, nhà khách xây 1915, hành lang xây 1916. Như những ngôi chùa đồng bằng, chùa Mía có kiến trúc trục với các dãy công trình đối xứng. Bắt đầu từ tam quan – vườn – cổng – sân – tiền đường – chùa trung – đại điện – hậu đường, cùng hai hành lang hai bên nối từ chùa trung với hậu đường tạo thành kiến trúc nội công ngoại quốc.

Ảnh: Triệu Chiến

Cùng kiểu thức trên, chùa Thầy lợi dụng phong cảnh và địa hình đồi núi tự nhiên để qui hoạch cân xứng với kiến trúc, chùa Trăm Gian các thành phần kiến trúc nằm lẩn khuất trong thiên nhiên nhân tạo, mà ở đó nghệ thuật vườn dường như đối lập với các nếp nhà. Không gian bên ngoài thoáng đãng trong lành, không gian trong nhà chật hẹp thiếu sáng. Kể từ gác chuông trở vào theo trục dọc, vườn và sân chiếm quá nửa chiều dài dần các nếp nhà sát vào nhau không còn khoảng trống. Dưới hàng cây không quá rậm rạp, một con đường nhỏ dẫn tới điện thờ dầy đặc các hệ thống tượng to nhỏ nhiều kích cỡ xen kẽ biểu tượng Phật giáo và các thần thánh dân gian. Đơn giản bên ngoài, phức tạp bên trong, hay khép kín mặt ngoài cởi mở trong tâm là đặc điểm tinh thần phật giáo thông qua nghệ thuật của nó.

Trong nội thất, điện thờ tam tòa thánh mẫu ở tiền đường thờ ba bà chúa Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoái Phủ. Phía trước mặt có bàn dâng vật phẩm để các con công đệ tử đến dâng bát hương vào ngày rằm, mồng một, sau khi lễ Phật rồi ra ngồi đồng ngồi bóng. Ở chùa trung có tượng Thái Thượng lão Quân (Lão Tử) ăn mặc như đạo sĩ, thể hiện trong bố cục hài hòa về đường nét, thoải mái về dáng điệu và sinh động về tinh thần cho thấy sự dung hòa giữa Phật giáo đại thừa và các tín ngưỡng khác.

Điện thờ chính có tới hai ba điện thờ phật đồng điệu. Nổi bật là những dàn tượng bé trong các hang động giả ở chùa trung và nhà hậu, nhờ vậy lịch sử Phật giáo được trải ra theo bước chân tín đồ hành đạo: Tây Sơn động là cảnh Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh; Vân Trừu động cảnh Phật Thích Ca giáng sinh, Niết bàn Nam – Hải, Linh Cưu động là cảnh Thích Ca nhập niết bàn, cảnh thiên đường có Thích Ca, Phật bà tiên nữ, ở dưới là địa ngục có Diêm Vương và quỷ sứ…

Chùa Mía có rất nhiều loạt tượng đặc trưng cho nghệ thuật tượng đất cồ như: Phật ngồi tòa sen, tượng Ngọc Nữ (đứng hầu Quan Âm), tượng Tuyết Sơn, tượng Kim Cương, tượng Hộ Pháp… Thời xưa các đền, chùa ngoài chất liệu gỗ, người ta còn dùng đất sét làm tượng (nhất là hộ pháp Thiện – Ác, Kim Cương). Đầu tiên người ta đan cốt tre, rồi dùng đất sét trộn trấu, giấy bản hòa mật đắp ra ngoài thành hình nhân vật. Sau đó nhồi rơm thật chặt vào lõi cốt tre để đất ở ngoài khô đều, không nứt. Khi rút rơm ra mới phủ sơn trang trí bề mặt tượng.

Tám vị Kim Cương chùa Mía với những tư thế đứng sinh động thể hiện động tác múa vũ có binh khí. Bố cục chung dựa theo nguyên tắc vặn thân trên trục dọc có nhịp điệu nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa đôi tay và khăn quấn quanh người.

Tướng hộ pháp Thiện — Ác cưỡi lân cao gần ba mét, với thủ pháp tả thực và tượng trưng, bố cục vững, hình động. Các khối mặt và tay phát triển mảng rộng, trơn nhẵn, dùng màu sáng. Ngược lại phần thân mang giáp trụ chạm khắc tỉ mỉ làm tăng hiệu quả va đập trên bề mặt. Trong mối tương quan ấy, tính cường điệu của hành động kết hợp sự đồ sộ của kích cỡ làm cho biểu tượng tôn giáo đó mang tỉnh thần hoàn mỹ và hoành tráng. Hơn 250 pho tượng với nhiều tác phẩm tiêu biểu đã tạo nên thế giới tinh thần đầy đủ, ở đó vừa có thần, phật, thánh, nhân vật lịch sử… cùng tồn tại, không lấn át phủ nhận nhau trong ngôi chùa biểu hiện cho một nền văn hóa mạnh mẽ và trong sáng, vừa cổ kính nhưng đồng thời luôn mới mẻ, hòa hợp với đời sống hàng ngày của nhân dân.


Nội dung
Nguyễn Hải Phong

Ảnh
Flirck