Ricardo Bofill

Với những ai chưa biết, Ricardo Bofill (1939 – 2022) gợi nhớ đến hình ảnh ‘tắc kè hoa’. So sánh công trình hậu hiện đại trong các dự án ở Paris những năm 1980, những tòa tháp kính gần đây và chủ nghĩa khắc kỷ tại nhà riêng và studio ông cải tạo vào những năm 1980, sẽ không ai ‘trách’ người lạ vì cho rằng không có chủ đề nhất quán nào hiện diện trong các công trình của ông.

Tuy nhiên, như Bofill tiết lộ trong cuộc phỏng vấn từ loạt phim “Thành phố ý tưởng” 2016 của Vladimir Belogolovsky, các thiết kế của ông đều bắt nguồn từ chủ nghĩa địa phương và tư tưởng kiến trúc từ những năm đôi mươi, gần đây mới phổ biến trong cộng đồng kiến trúc…

La Fábrica trước đây là một nhà máy xi măng đã được kiến trúc sư Ricardo Bofill và văn phòng của ông – RBTA chuyển đổi thành nơi làm việc và không gian sống vào những năm 1970. Tọa lạc tại Sant Just Desvern gần Barcelona, công trình được mô tả là “trái tim và khối óc trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân của Bofill.”

Ảnh
RBTA

Nguồn
Archdaily

Phỏng vấn
Vladimir Belogolovsky

Thực hiện
08.2019

Biên dịch
Hạnh Nguyễn

Vladimir Belogolovsky: Văn phòng dựa trên nền nhà máy xi măng cũ La Fabrica xây dựng từ cuối thế kỷ 19 tại Barcelona là một công trình rất thú vị. Đó có phải là bản tuyên ngôn của ông không? Dự án đang tiến triển hay đã hoàn thành?

Ricardo Bofill: Đây không phải là tuyên ngôn. Nơi này là nhà tôi. Tôi đã sống và làm việc ở đây hơn 40 năm. Nó chưa hoàn thành và cũng sẽ không bao giờ hoàn thành. Tôi nghĩ kiến trúc là vậy. Luôn có việc phải làm.

Chúng tôi bắt đầu dự án này bằng việc tháo dỡ và giải phóng cấu trúc. Tôi yêu nơi này từ lần đầu tiên tìm ra vì nó chưa bao giờ được lên kế hoạch hay thiết kế. Thay vào đó, công trình phát triển trong nhiều năm, mở rộng và xây dựng lại mỗi khi công nghệ mới được giới thiệu. Đó là một sự tôn kính đối với ngành công nghiệp. Nhà máy làm tôi nhớ đến kiến trúc bản địa. Ngôn ngữ công nghiệp cũng thu hút tôi. Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố siêu thực như cầu thang và cầu không dẫn đến đâu, vòm và cổng ở những chỗ không ngờ nhất, tôi bắt đầu với một ý tưởng lãng mạn là đưa thiên nhiên vào khu công nghiệp này. Cây cối ở khắp mọi nơi. Có một lớp sinh thái đã được đặt lên mái khu công nghiệp ban đầu.

La Fábrica

Lý do tôi hỏi rằng dự án có phải đang tiến triển hay không, là vì quá trình chuyển đổi từ nhà máy sang nhà ở và văn phòng được ông thực hiện rất chiết trung với các yếu tố từ kiến trúc công nghiệp, thô mộc, phong cách Tây Ban Nha, cũng như siêu thực và hậu hiện đại.

Chắc chắn, nhưng thứ anh gọi là yếu tố hậu hiện đại trên thực tế là chủ nghĩa lịch sử. Chúng có từ trước chủ nghĩa hậu hiện đại. Ý tưởng của tôi lúc đó là khôi phục một số chi tiết từ kiến trúc Catalan lịch sử, ví dụ như cửa sổ vòm kéo dài từ thời trung cổ Barcelona. Ngoài ra, mỗi khi tôi đến thăm những vùng đất khác như thị trấn truyền thống ở Nhật Bản hay sa mạc ở Trung Đông và Ý, tôi đều mang một chút ảnh hưởng đó trở lại đây và bạn có thể theo dấu những tham khảo đó. Những ký ức đều rất quan trọng với tôi.

La Fábrica

Vậy ông sẽ tiếp tục biến đổi nơi này theo thời gian.

Liên tục. Như anh đã nói, đó là dự án đang tiến triển và nó sẽ luôn như vậy. Tôi thích không gian ở đây. Thô mộc và sạch sẽ, hầu như không có trang trí gì. Bản thân nơi này là một thế giới. Không có gì thực sự được thiết kế ở đây. Những gì tôi có trong tâm trí khi chuyển đổi nơi này là hình ảnh một tu viện, một nơi hoàn hảo để tập trung. Từ đây, tôi đã bắt đầu hơn 1000 dự án.

Tôi đọc ở đâu đó rằng những người làm việc ở đây không chỉ có kiến trúc sư và nhà thiết kế mà còn cả nhà toán học, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà làm phim, nhà triết học, nhà xã hội học… Ông có thể nói về cách tiếp cận liên ngành này với kiến trúc?

Kiến trúc là một chuyên ngành. Về cơ bản và nghệ thuật, kiến trúc là không gian và mối quan hệ giữa thời gian và không gian. Kiến trúc cần phải gắn với tinh thần và DNA của nơi nó được xây dựng. Kiến trúc không thể chuyển từ nơi này sang nơi khác, phải cụ thể ở từng nơi. Vì vậy, những gì tôi cố gắng làm với phương pháp đa ngành này là luôn phát minh ra các công trình mới, phong cách mới. Tôi muốn sáng tạo lại bản thân. Tôi không muốn sao chép bản thân mình hay lặp lại các hình dạng nhất định như một số người khác… Tôi muốn thích nghi với điều kiện và truyền thống địa phương. Kiến trúc cần phải được mở sang các ngành khác. Kiến trúc không thể tồn tại đơn lẻ. Và vì tất cả các ngành khác đều phát triển, kiến trúc nên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chúng để cùng phát triển.

“Công trình chưa hoàn thành và sẽ không bao giờ hoàn thành. Tôi nghĩ kiến trúc là vậy. Luôn có việc phải làm.”
Ricardo Bofill

Dự án đầu tiên của ông là gì?

Tôi mới 18 tuổi khi đang học kiến trúc tại Trường Mỹ thuật ở Geneva, Thụy Sĩ. Niềm đam mê thực sự của tôi bùng cháy khi tôi tìm thấy các công trình của Frank Lloyd Wright và Alvar Aalto. Tôi quan tâm đến kiến trúc hữu cơ, các công trình tích hợp với thiên nhiên, công trình không có mặt tiền; hoặc mặt tiền là để thể hiện kết cấu phức tạp bên trong công trình.

Cha tôi là một kiến trúc sư và nhà phát triển, bài học về kiến trúc và xây dựng đầu tiên của tôi là từ ông. Chúng tôi đã cùng nhau đi khắp Tây Ban Nha và Ý để nghiên cứu kiến trúc bản địa. Trong tất cả các dự án đầu tiên của tôi, chúng tôi đều làm cùng nhau. Tôi học được mọi thứ từ ông và cũng trực tiếp tham gia vào các dự án xây dựng. Tôi làm việc với những người xây dựng và nghệ nhân, cũng có việc tôi tự làm bằng chính đôi tay mình. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi thuyết không tưởng utopia, vì vậy các công trình ban đầu của tôi nằm đâu đó giữa không tưởng và thực tế.

Dự án đầu tiên của tôi là một ngôi nhà nghỉ dưỡng nhỏ ở Ibiza, một ngôi nhà rất hữu cơ với những bức tường cong dày và ô cửa sổ nhỏ mang tinh thần địa phương. Sau đó, tôi thực hiện nhiều dự án ở Barcelona, Pháp, Algeria, Trung Phi và các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ở mỗi nơi, kiến trúc của tôi không giống nhau và liên quan đến từng địa điểm. Điều tôi học được từ những trải nghiệm đa dạng này là kiến trúc không thể được dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Quay trở lại khoảng thời gian khi ông thực hành cùng cha vào đầu những năm 1960 và bắt đầu thử nghiệm các dự án nhà ở. Vào thời điểm đó, ông nói không thích Le Corbusier vì các thành phố được lập trình sẵn của ông ấy. Ông xây dựng các thiết kế của mình như Barrio Gaudí ở Reus Tarragona (1968), La Muralla Rojain Alicante (1973) và Walden-7 (1975) ở đây ngay bên ngoài văn phòng. Có phải qua những dự án này, ông đã khám phá ra chủ nghĩa địa phương và bản xứ Tây Ban Nha? Những dự án ban đầu này có phải là phản ứng của ông với chủ nghĩa hiện đại?

Tôi luôn nói rằng Corbusier là kiến trúc sư giết chết thành phố. Ông ấy hoàn toàn không để ý đến lịch sử. Ông ấy ghét thành phố. Corbusier muốn chia thành phố thành các khu vực tách biệt để sinh sống, làm việc, thương mại, v.v… Ông ấy nghĩ về các thành phố và công trình như những cỗ máy. Quan điểm của tôi là ngược lại. Thành phố là nơi phức tạp hơn nhiều, một nơi có mâu thuẫn và sai lạc. Các thành phố cần được sửa chữa và nâng cấp chứ không phải phá đi và xây lại từ đầu. Những thành phố đầu tiên xuất hiện từ 10.000 năm trước nhưng đối với Le Corbusier, lịch sử không tồn tại. Bản tuyên ngôn của ông ấy chỉ nhìn về phía trước. Nhưng rõ ràng là mọi người thích sống ở các trung tâm lịch sử hơn là các thành phố mới. Tôi cố gắng tìm giải pháp thay thế cho chủ nghĩa hiện đại đơn giản bằng cách mang đến tinh thần của thị trấn Địa Trung Hải.

Walden-7. Ảnh: Denis Esakov

Nói về Walden-7 và các thử nghiệm thuở đầu khác, ông nói rằng mỗi dự án đều khác nhau vì ông không muốn tạo ra kiến trúc ‘chỉ đẹp’. Ông có thể giải thích về điều đó?

Tôi thích kiến trúc dựa trên các hình thức tự nhiên, sử dụng vật liệu quý mà không đắt tiền. Tôi không thích những hình thức và vật liệu rườm rà, sang trọng, tốn kém. Tôi muốn kiến trúc tối giản và có cảm xúc. Kiến trúc là về quá trình, còn phương pháp là chìa khoá của quá trình sáng tạo. Không có phương pháp nào cố định. Mỗi dự án nên có phương pháp riêng. Một số dự án dựa trên các ý tưởng định sẵn, nhưng phần nhiều đều dựa trên quy trình. Quan trọng là phải có động cơ bên trong bản thân để kích thích sự thay đổi và tiến hóa. Không hài lòng và tự phê bình công việc của chính mình là rất quan trọng để giữ cho động cơ bên trong này liên tục chạy.

Những công trình đầu tiên của tôi vào những năm 1960-1970 đều rất thú vị theo cách riêng, nhưng khi tôi phải đối mặt với quy mô lớn hơn nhiều, của cả một thành phố như ở Pháp hay ở những nơi khác trên thế giới thì những dự án ban đầu đó không còn liên quan nữa. Có nhiều kiến trúc sư lặp lại vì họ không phê bình công việc của mình; họ tiếp tục theo đuổi cùng một kiểu dự án trên toàn thế giới. Họ mở ra một phong cách nhưng họ không phát triển. Tôi không thích những người hài lòng. Tôi thích được chỉ trích với bản thân mình hơn.

Ông nói rằng mình là một trong những người tiên phong của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng khi chủ nghĩa hậu hiện đại được thiết lập và trở thành một phong cách, ông không còn hứng thú nữa, đúng không?

Đúng vậy! Vào thời điểm đó, chúng ta chưa biết tên của phong trào này, nhưng ý tưởng của tôi là phục hồi một số yếu tố lịch sử của kiến trúc, truyền thống đã bị cắt đứt trong những năm 1920-1930. Sau đó, kiến trúc trở nên mất phương hướng. Lịch sử bị ngăn cấm. Toàn thế giới dõi theo Le Corbusier và Mies van der Rohe một cách mù quáng. Vì thế mà bước ngoặt lịch sử này được hoan nghênh. Nhưng khi chủ nghĩa hậu hiện đại được chấp nhận và phổ biến ở Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới, nó trở thành một phong cách. Theo thời gian phong cách này trở nên mỉa mai và thậm chí là tầm thường. Ngay khi nó trở thành phong trào, tôi mất đi sự hứng thú.

Ông thích gọi những công trình mình đã làm trong giai đoạn 1980 là cổ điển hiện đại, đối lập với chủ nghĩa hậu hiện đại. Tại sao vậy?

Chủ nghĩa hậu hiện đại trở nên phổ biến sau Venice Biennale năm 1980 và trong một thời gian, tất cả chúng ta đều say mê. Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra rằng mình chỉ thực sự quan tâm đến kiến trúc hiện đại về các khía cạnh như hiệu quả và sự tối giản. Tôi vẫn rất thích kiến trúc cổ điển nên tôi muốn kết hợp những thứ tốt nhất của cả hai. Tôi không hứng thú với việc áp dụng các quy tắc học thuật cổ và sự lặp đi lặp lại nhàm chán ở chủ nghĩa tân cổ điển. Nhưng tôi lại thích nó vì các khái niệm về chuỗi không gian, hệ thống tỷ lệ, nỗ lực cho sự hoàn hảo ngay cả khi điều đó chẳng bao giờ có thể đạt được. Đến giờ, đây là kiến trúc của văn hóa chiến đấu với kiến trúc của những kẻ không có văn hoá, kiến trúc không có quy tắc, kiến trúc của sự hỗn loạn và giải kết cấu. Tôi thích kiến trúc mang lại cảm giác yên bình và thanh thản. Nhưng giờ tôi cố gắng tránh theo bất kỳ phong cách nào cụ thể. Tôi không lấy cảm hứng từ cổ điển mà chỉ là tinh thần của nó. Thay vào đó, chúng tôi kết hợp công nghệ mới, hệ sinh thái và lịch sử của chính chúng tôi để làm kiến trúc như một tiểu thuyết gia viết nên một cuốn sách.

La Muralla Rojain Alicante
Ảnh: Văn phòng Ricardo Bofill

Ông có còn là một người lý tưởng hoá? Khi ông nghĩ về tương lai của thành phố, ông tưởng tượng ra loại đô thị và kiến trúc nào?

Cả thế giới đang đô thị hóa với một tốc độ đáng kinh ngạc và các siêu đô thị mới đang xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng những phẩm chất chúng ta cần quan tâm là những gì chúng ta thích ở các thành phố cũ: nhỏ gọn, có chỗ đi bộ, bền vững, sinh thái, quản lý chất thải hiệu quả, v.v. Tất cả nên là giải pháp địa phương. Không nên có giải pháp toàn cầu.

La Muralla Roja – khu chung ở Manzanera, Calpe, Tây Ban Nha. Ricardo Bofill thiết kế cho chủ đầu tư Palomar S.A. năm 1968, công trình hoàn thành năm 1973. Đây được xếp hạng “10 Công trình mang tính biểu tượng nhất của Ricardo Bofill”

Hiện giờ ông đang làm dự án nào?

Chúng tôi đang làm nhiều dự án, như cuộc thi cải tạo sân vận động Câu lạc bộ Barcelona [ghi chú: sau khi cuộc phỏng vấn này được thực hiện, Nikken Sekkei đã giành chiến thắng], một tòa căn hộ mới ở Miami, tòa tháp mới ở châu Á, các thị trấn mới ở châu Phi và chúng tôi đang làm việc cho một thành phố mới ở Trung Quốc. Đó sẽ là thành phố 10 triệu m2 cho 200.000 người ở phía Nam đất nước này.

Phương án cải tạo sân vận động Camp Nou của câu lạc bộ Barcelona

Chờ chút, có phải ông sắp trở thành Le Corbusier của Trung Quốc?

Không, không… [Cười].

Không, vì chúng tôi tin vào một cách tiếp cận rất khác, một cách thiết kế rất đặc biệt và cá nhân. Tôi không thiết kế thành phố này từ đầu đến cuối. Chúng tôi đề xuất quy hoạch tổng thể và quy trình. Tuy tôi là người đề xuất nhưng có nhiều sắc thái riêng được thêm vào trong quá trình thành phố được lên kế hoạch. Tôi không đưa ra một hình ảnh định sẵn hay một kiểu hình cụ thể nào. Không hề vạch ra một giới hạn và bảo mọi người không được vượt qua. Ví dụ, Barcelona là một điển hình tuyệt vời về thành phố mới. Quy hoạch tổng thể mạnh mẽ nhưng đồng thời cứ cách 20m, chúng tôi có những công trình rất đặc biệt. Thành phố có tầm nhìn đô thị và kiến trúc tốt. Các đô thị trên thế giới nên tham khảo điều này. Chúng tôi có sự thay đổi đáng kinh ngạc trong tính liên tục.

Trong thập niên 60 và 70, có một trận chiến khốc liệt giữa thế hệ kiến trúc sư mới với những ý tưởng hiện đại của Le Corbusier, Gropius, Mies và các bậc thầy lớn khác. Ông nghĩ ai đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này và nó có còn quan trọng không? Vì như ông đã nói, tình trạng hỗn loạn hiện nay đang lớn hơn bao giờ hết. Việc các kiến trúc sư trẻ đi ngược lại thế hệ cũ là điều tự nhiên, nhưng những gì chúng ta có bây giờ là một cuộc chiến chống lại nhau. Có rất nhiều quan điểm.

Vâng, nhiều kiến trúc sư đang chiến đấu với nhau ngoại trừ chúng tôi. Chúng tôi là bạn tốt với tất cả. [Cười.]

Kiến trúc đã trở nên cực kỳ cạnh tranh. Tư duy tự chủ đang bị mất. Hệ tư tưởng thường được thay thế bởi yêu cầu của khách hàng, bằng thời trang và hệ thống ngôi sao. Thời buổi giờ thật khó cho các kiến trúc sư trẻ. Chúng ta cần phải tập trung lại. Chúng ta cần đầu tư cho thiết kế đô thị. Có nhiều đối tượng kiến trúc đặc biệt và thú vị nhưng không đủ để kết hợp lại và tạo nên một thành phố sống động. Đây là một thách thức mới – đưa ra một tầm nhìn đô thị mới và giải quyết kiến trúc liên quan đến thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Có vẻ như bây giờ chúng ta có nhiều vấn đề hơn so với những năm 1960.

Tôi đồng ý!

Ricardo Bofill (1939 – 2022)