Lê Lương Ngọc

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc bắt đầu thực hành kiến trúc giai đoạn cuối những năm 1990, tính đến nay, văn phòng V-Architecture đã có gần 25 năm hoạt động tại Việt Nam. Công việc của văn phòng bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để trò chuyện và dẫn chúng tôi ghé thăm một số công trình của anh tại Hà Nội. Vốn là người kiệm lời nên hầu hết quan điểm, suy nghĩ và góc nhìn về nghề nghiệp được kiến trúc sư chia sẻ khúc chiết thông qua cuộc trò chuyện này.

Anh Ngọc ạ, tại sao anh lựa chọn trở thành kiến trúc sư?

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc: Với tôi lựa chọn trở thành kiến trúc sư là do số phận!

Anh thích nhất điều gì khi làm kiến trúc?

Tôi thích được mộng mơ và thực hiện giấc mơ đó!

Kiến trúc sư nào trên thế giới truyền cảm hứng cho anh?

Tôi không tìm cảm hứng từ kiến trúc sư nào cả!

Nhà Gi (Hà Nội, Việt Nam) hiện tại vừa là văn phòng làm việc của V-Architecture. vừa là nơi nhiều thế hệ gia đình kiến trúc sư Lê Lương Ngọc cùng chung sống.

Dự án đầu tiên anh thực hiện là gì?Anh có thể mô tả một chút về dự án đó?

Câu chuyện đơn giản thế này, dự án đầu tiên tôi chủ động thiết kế là một công trình biệt thự.

Ngày đó, khi gặp chủ đầu tư, anh ấy đã nói:
“Tôi muốn sống trong một căn biệt thự kiểu Pháp.”
“Tại sao anh muốn vậy?”, tôi hỏi lại.
“Tôi không biết!? Hàng ngày, trên đường đi làm, tôi thường đi qua và thấy nhiều biệt thự từ thời Pháp, tôi khá thích!”
“Vậy chúng ta dành thời gian nói chuyện kỹ hơn về từng chi tiết của những biệt thự Pháp đó nhé!?”, tôi gợi ý vậy.

…Khoảng 2 tháng sau…
“Anh không cần biệt thự Pháp nữa! Em muốn vẽ sao thì tuỳ em.”

Và tôi bắt đầu thiết kế.

Khi bắt đầu thực hiện thiết kế một dự án kiến trúc, điều anh quan tâm nhất là gì?

Với tôi, đó là bối cảnh.

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc tại Gentle House, trước đây vốn là tư gia
và cũng là nơi văn phòng V-Architecture từng trú ngụ

Phỏng vấn
Trần Trung Hiếu

Thời gian
11.2021

Ảnh
Triệu Chiến

Gentle House là dự án đầu tiên anh chia sẻ với mọi người qua truyền thông năm 2015, tôi được biết đó cũng là nhà riêng anh và gia đình sinh sống, là văn phòng nơi anh từng làm việc mỗi ngày. Anh có thể nói kỹ về kiến trúc căn nhà đó không?

Đó là một căn nhà của gia đình tôi ở Gia Lâm. Trước đây văn phòng tôi cũng ở đó một thời gian rồi chuyển qua nơi khác. Về kiến trúc căn nhà này, tôi không muốn nói quá nhiều. Chỉ chia sẻ một suy nghĩ.

Khi chúng ta ứng xử dịu dàng, mọi thứ sẽ trở nên rất gần gũi. Không gian cũng như môi trường nước, khi ta đặt một công trình kiến trúc nhẹ nhàng vào đó mà không “khuấy động”, tất cả sẽ nguyên vẹn và trở thành một thể thống nhất hài hoà.

Những công trình kiến trúc V-Architecture thực hiện thường đề cao tính vật lý, vấn đề năng lượng và các giải pháp về vật liệu. Vì sao anh chọn lối kiến trúc này?

Theo tôi, tất cả những vấn đề trên tạo nên kiến trúc thực sự.

Anh nghĩ sao về kiến trúc bền vững? Tại Việt Nam, nên tiếp cận tính bền vững trong kiến trúc cụ thể như thế nào?

Tôi thấy kiến trúc đương nhiên cần bền vững. Tại Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta nên học theo cách tổ tiên mình, đó là “nhập gia tuỳ tục”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và “liệu cơm gắp mắm”.

Loại vật liệu anh thích nhất là gì? Vì sao?

Con người!

Đó là loại “vật liệu” mà chúng tôi thấy khốn khổ nhưng cũng sung sướng nhất trong lúc làm kiến trúc.

Nhà Re, Hà Nội, Việt Nam
Thực hiện: V-Architecture

Anh suy nghĩ thế nào về kiến trúc truyền thống ở thời điểm hiện tại? Có mối liên hệ nào trong các dự án V-Architecture đang thực hiện với các công trình kiến trúc truyền thống mà cha ông để lại? Nếu có anh có thể đưa ra một vài dẫn chứng không?

Chúng tôi tìm kiếm những điều hay và có giá trị thực tiễn trong kiến trúc truyền thống rồi ứng dụng vào những công trình hiện tại. Ví như DesigN’N, không gian được thiết kế tinh thần như một ngôi đình, không có ranh giới và rất tự do. Công trình Nhà Gi, chúng tôi tạo ra không gian kiểu “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Còn nhà Re không gian của ngôi nhà được thiết kế để nhận thức về thiên nhiên qua các điều kiện ánh sáng, tôi hay vận dụng câu tục ngữ “ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống” mỗi khi được hỏi về công trình này.

Không gian DesigN’N, Hà Nội, Việt Nam. Thực hiện: V-Architecture

Nhìn ra thế giới ở thời điểm này. Theo anh kiến trúc và các kiến trúc sư đã làm được gì và điều gì cần đặc biệt lưu tâm?

Kiến trúc đương đại hiện đã xoá nhòa ranh giới giữa người với người trong xã hội nhưng vô tình điều đó đã làm cho kiến trúc trở nên “tầm thường”.

Tôi nghĩ vậy!

Qua nhiều năm làm nghề, có điều gì ở anh đã thay đổi và không thay đổi?

Tôi đã già đi, còn những điều khác thì vẫn vậy!

DesigN’N sử dụng vật liệu chủ yếu dễ kiếm, vật liệu tái chế cho công trình

Anh hãy chia sẻ về tầm quan trọng của trực giác trong công việc liên quan đến kiến trúc?

Khi làm kiến trúc, tôi bắt đầu bằng trực giác.

Anh đã bao giờ nghĩ về các dự án tương lai và tưởng tượng kiến trúc sẽ thế nào không?

Tôi có nghĩ về một loại vật liệu “tối ưu”, có thể đáp ứng những nhu cầu vật lý, phi vật lý của con người, có thể chuyển hoá trong vòng tròn của tự nhiên. Lúc đó, [ai] sẽ giúp chúng ta hiện thực hoá cảm xúc và nhu cầu của mình.

Thông điệp anh muốn gửi gắm thông qua mỗi công trình mình thực hiện là gì?

Hãy dịu dàng!

Nhà Truyền, tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam
Thực hiện: V-Architecture

Công trình anh mong muốn thực hiện nhất trong đời là gì?

Với tôi, đó là một ngôi chùa.

Nếu không làm kiến trúc, anh nghĩ mình sẽ làm gì?

Tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Hỏi con gái, cháu bảo: “Bố hợp với nghề trông xe!?”.

Một cuộc trò chuyện rất đáng nhớ
Xin cảm ơn kiến trúc sư Lê Lương Ngọc!