Hoàng Thúc Hào

Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau gần 3 giờ đồng hồ tại văn phòng kiến trúc 1+1>2, câu chuyện xoay quanh những giai đoạn làm nghề đầy “hạnh phúc” của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự. Nội dung kiến trúc sư chia sẻ phần nhiều đề cập đến kiến trúc xã hội, kiến trúc cộng đồng và quan điểm kiến trúc hạnh phúc họ đã và đang theo đuổi mỗi ngày.

Công trình Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Long Biên, Hà Nội). Thực hiện: 1+1>2

Thưa anh, anh hãy chia sẻ con đường anh đến với kiến trúc!?

Ngày nhỏ, tôi chưa có nhiều khái niệm về kiến trúc. Tôi thích lịch sử và đọc nhiều sách về lịch sử. Mãi tới những năm cuối cấp 3, tôi mới dần có nhận thức về ngành học này từ bố tôi. Ông từng là giảng viên dạy bộ môn Nội thất, nhưng lại hướng tôi theo học kiến trúc, vì theo ông phạm trù của kiến trúc rộng hơn và toàn diện hơn.

Kiến trúc sư nào trên thế giới là người truyền cảm hứng cho anh nhất?

Qua từng giai đoạn nhận thức, tư duy của mình càng phát triển, suy nghĩ cũng già dặn hơn nên góc nhìn cũng khác, thành thử mỗi thời điểm tôi lại mến mộ vài cái tên. Tuy nhiên kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng lớn như Le Corbusier là người mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất. Cho tới giờ vẫn vậy! Khi trường thành, được va vấp thực tế khi tiếp xúc với công trình của kiến trúc sư tầm cỡ và nổi tiếng, xem Pritzker…thì tôi vẫn dành mến cảm đặc biệt với kiến trúc sư Le Corbusier.

Ở Việt Nam, tôi thích kiến trúc sư Vũ Văn Tân. Ông tốt nghiệp thủ khoa khoá 14 – khoá tài hoa nhất trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông thường vẽ tay, đồng thời cũng là người thuyết minh đồ án và đã dành được nhiều giải thưởng lớn mang tầm thế giới. Ngày đó giải thưởng quốc tế hiếm lắm mà ông đạt được, thực sự rất đỗi tự hào. Chỉ tiếc rằng ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mới 37 tuổi. Kiến trúc sư Vũ Văn Tân cũng là một người bạn thân của cha tôi.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự tại công trường
xây dựng điểm trường ở bản Tà Làng Cao (Yên Châu, Sơn La).

Phỏng vấn
Trần Trung Hiếu

Ảnh
Triệu Chiến

Thực hiện
01.2022

Vì sao anh chọn thiết kế các công trình kiến trúc phục vụ cộng đồng? Điều này có ý nghĩa thế nào với anh?

Mọi thứ với tôi rất tự nhiên. Hồi đi học, tôi thường thiết kế nhiều đồ án mang tính xã hội.

Năm thứ 3 đại học, tôi đã lọ mọ về làng gốm Bát Tràng để tìm hiểu và làm đồ án dự thi giải thưởng kiến trúc quốc tế dành cho sinh viên nhưng không đạt. Tới năm 1994, tôi tiếp tục tham gia đồ án cải tạo và bảo tồn làng gốm này thành làng sinh thái, đồ án đạt giải thưởng quốc tế. Tôi muốn trả lại cho đất những gì của đất.

Ngày đó, Bát Tràng về bản chất đã là làng sinh thái, chúng tôi đề xuất thực hiện bảo tồn khu làng cổ, song song với việc phát triển khu sinh hoạt và sản xuất để tạo ra một cấu trúc mới. Thay thế dần các khu xí nghiệp bỏ hoang, kê lại dòng nước, trồng lại cây, đào ao, vật liệu xỉ thải được dùng làm vật liệu xây dựng. Nhiệt thừa của lò đun dùng để sấy gỗ, thời điểm ấy làng chưa chuyển qua dùng lò ga như bây giờ.

Đồ án thứ hai là thiết kế quảng trường Khoan Dung ở khu di tích Nhà tù Hoả Lò cũng tại Hà Nội.

Hồi đấy, tất cả giải thưởng chỉ đều là phương án nằm trên giấy. Trong khi tôi lại mong muốn được làm thật một dự án nên chọn thiết kế cái nhà sinh hoạt cộng đồng, vì nó dễ nhất để thực hiện, công trình như ngôi đình làng, nội hàm văn hoá được tích ở đấy. Còn nếu mình chọn cách làm nhà ở cho người dân, sử dụng vật liệu đất và tre thì rất khó thuyết phục vì họ đã ở trong hình thái kiến trúc đó bao đời. Công trình mình tự bỏ chi phí ra làm nên tuỳ thích sử dụng vật liệu, nhưng tôi vẫn chọn đất và tre vì nó gần gũi với người dân địa phương.

Tôi thấy nông thôn là cái nôi của văn hoá Việt Nam, muốn mang kiến trúc Việt Nam ra thế giới thì nên xuất phát từ kiến trúc nông thôn. Đô thị nước mình đều do người Pháp xây dựng chứ người Việt trước chưa có đô thị, chúng ta cũng không có đủ thời gian để tạo dựng bản sắc và văn minh đô thị như các nước phương Tây. Trong văn hoá nông thôn, kiến trúc nổi bật nhất là cái đình, có thể gọi là nhà sinh hoạt động đồng, nhà đa năng có tính cộng đồng. Tôi muốn mang kiến trúc của mình ra thế giới qua khe cửa hẹp đó bằng một công trình được xây dựng thay vì chỉ dừng ở phương án dự thi.

Điểm trường Lùng Vài
Xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Thực hiện: 1+1>2

Theo anh điều gì là quan trọng nhất khi tiếp cận và làm kiến trúc cộng đồng?

Kiến trúc cộng đồng với tôi có hai khía cạnh, một là mình làm ra công trình cho cộng động sử dụng, hai là công trình được làm vì cộng đồng. Tất cả đều là công việc của kiến trúc sư nhưng giá trị cốt lõi của địa phương và nguồn lực của cộng đồng được coi trọng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi văn phòng chúng tôi, 1+1>2. Tôi muốn thứ mình làm kết hợp với yếu tố bản địa tạo ra được nhiều giá trị hơn. Cộng đồng có thể đóng góp nguồn lực qua tiếng nói của họ, đó là sự phản biện, hoặc công sức của họ khi tham gia cùng chúng tôi xây dựng công trình ngay trên mảnh đất họ đang sinh sống.

Ở góc độ kiến trúc sư, mình phải nhìn ra được nhu cầu thực sự của địa phương, thấy rõ từng nơi có tiềm năng gì để phát triển, ví dụ như du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ…thậm chí có nơi không có tiềm năng thì mình cũng phải nhìn ra được nơi đó sẽ phát triển ra sao nếu có hoạt động cộng đồng. Vậy nên, nhà cộng đồng không dễ để vận hành. Ở địa phương, họ quan điểm nhà cộng đồng phải đáp ứng nhiều mục đích, vừa là nơi sinh hoạt, họp hành, tập huấn cho thanh niên về nghề, tập huấn cho bà con nông dân về nông nghiệp…Cán bộ xã hay chính quyền địa phương nhiều nơi khá thụ động vì vậy rất cần các tổ chức xã hội tự nguyện dấn thân. Đấy là một hình thức thiện nguyện nên chính mình cũng cần được tập huấn tri thức. Khi hội tụ đủ những yếu tố đó, nhà cộng đồng mới thực sự được sống.

Điểm trường Nà Khoang
Xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Thực hiện: 1+1>2

Trải qua nhiều năm, thông qua nhiều dự án kiến trúc cộng đồng ở một số tỉnh, tôi thấy 1+1>2 có cơ hội thử nghiệm nhiều loại vật liệu, cách thức thi công và hoàn thiện khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đánh giá sao việc học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và thực hành một cách nghiêm túc thông qua các công trình như vậy?

Với mọi người trong xã hội, chúng ta phải đổi mới và học hỏi liên tục vì cái bản chất nhân văn bên trong mỗi người. Khi ta học và thực hành, đó cũng là lúc nguồn cảm hứng hình thành.

Tôi luôn quan niệm kiến trúc là hoa của đất, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Mỗi vùng miền đều có những đặc tính khí hậu và bối cảnh khác nhau, vì thế kiến trúc cũng phải có sự đa dạng. Các dự án chúng tôi thực hiện ở từng địa phương hầu như không có sự lặp lại trong cách tiếp cận khi thiết kế. Mỗi nơi do có sự khác biệt về vật liệu và cách thức thi công nên phải trực tiếp cùng tham gia làm với người dân địa phương, mình mới hiểu hết được ý nghĩa của công việc.

Nhớ hồi đầu khi làm công trình nhà cộng đồng Suối Rè ở Hoà Bình, chỗ đó người Mường đã quen với đất, đá và tre. Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trình tường theo nhiều kiểu, có chỗ sử dụng 100% nguyên liệu đất, có chỗ lại trình hỗn hợp đất trộn cát và vôi, có chỗ thử trộn với sỏi, với rơm…Chúng tôi thử nghiệm để xem loại nào tốt nhất, vì ngày đó chẳng ai ở văn phòng có kinh nghiệm làm trình tường từ đất.

Tới hệ vì kèo tre, anh em cũng thử nhiều phương án. Do công trình làm cho cộng đồng nên chi phí có hạn, không thể làm hệ kết cấu tre như các khu nghỉ dưỡng sinh thái tốn kém. Cả đội dự án nghĩ cách tối ưu, thử kết hợp tre với nhiều vật liệu khác để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, độ an toàn nhưng tiết kiệm.

Hay như nhà cộng đồng Tả Phìn ở Sapa, thời tiết khá lạnh đã tạo điều kiện để cây thông phát triển. Người dân chủ yếu chỉ khai thác ruột cây, còn vỏ thông họ không dùng tới. Trước đó, mấy anh em đã thử nhiều phương án vật liệu cho công trình này, lúc thì tính ốp tre, lúc thì giằng gỗ…rồi tình cờ thử bàn nhau dùng vỏ gỗ thông lại thấy hiệu quả và tới thời điểm này công trình vẫn chắc chắn. Chúng tôi cũng may mắn tận dụng lại được nhiều gỗ từ các căn nhà cũ để dùng vào đấy.

Mỗi công trình mỗi khác, cái nhà cộng đồng thôn Cẩm Thanh (Hội An) chúng tôi sử dụng gạch không nung bằng đá với vật liệu tre và dừa, ở Nà Khoang thì đất với sỏi cuội được dùng để ép thành gạch…

Anh đã phải vượt qua những khó khăn gì để cộng đồng thực sự đón nhận kiến trúc anh và mọi người mang lại cho họ?

Phạm vi của kiến trúc cộng đồng rất rộng, không chỉ có nhà cộng đồng. Đó có thể là khu nhà ở cho công nhân hay một ngôi trường cho trẻ em nghèo, trại dưỡng lão, cái cầu đi bộ qua suối trên miền ngược, khu tái định cư của người dân tộc, trạm y tế thôn bản hoặc kí túc xá cho học sinh… 

Cái khó thường lại nằm bên ngoài kiến trúc. Như đối với thể loại nhà cộng đồng, khó khăn nằm ở khâu vận hành. Thực tế, trước đây chúng tôi có thực hiện khảo sát để tìm hiểu lý do vì sao nhiều nhà văn hóa thôn, xã, huyện thường có hình thức giống nhau và hay đóng cửa, có nơi thậm chí bỏ hoang. Tạm gác vấn đề kiến trúc sang một bên, chúng tôi nhận ra nội dung tại mỗi nhà văn hoá rất nghèo nàn, đồng lương của cán bộ văn hoá tại địa phương cũng khá eo hẹp. Những địa phương nghèo thì đời sống văn hoá lại càng ít hoặc hoạt động một cách rất hình thức.

Luôn cần có nhiều hoạt động thường xuyên diễn ra trong các nhà cộng đồng, tôi nghĩ tới điều này. Ở Suối Rè, chúng tôi gợi ý đưa trường mẫu giáo vào hoạt động bên trong nhà cộng đồng do địa điểm cũ nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt gây khó khăn cho hoạt động của trường. Đấy là một giải pháp rất thiết thực để nhà cộng đồng được sống, và thực sự điều này nằm ngoài kiến trúc.

Mình là người tạo nên công trình, cũng là người đứng giữa để kết nối các nguồn lực, về tài chính, thiết kế và thực hiện. Muốn mọi người tham gia, mình trước hết phải tiên phong. Mình làm thật và chứng minh được hiệu quả thì mỗi năm lại có vài cá nhân hoặc tổ chức tiếp cận muốn cùng tham gia giúp sức. Càng làm nhiều và làm tốt thì tính lan toả càng cao. Hiện tại, có không ít đơn vị sản xuất và cung ứng vật liệu đề nghị giúp đỡ chúng tôi ở nhiều điểm trường cho trẻ em vùng cao, người dân địa phương cũng tham gia góp công ngày càng đông, làm trường cho con cái của họ nên họ rất thích.

Anh nghĩ sao về vật liệu địa phương và tính bền vững trong một công trình kiến trúc?

Về nguyên tắc, vật liệu địa phương luôn có tính bền vững.

Ở Việt Nam, nhiều công trình sử dụng vật liệu địa phương tồn tại cả trăm năm, chỉ có cái mái thường bị hỏng trước vì chủ yếu là hệ mái lá. Với sự phong phú và dễ tiếp cận của vật liệu xây dựng hiện tại, cùng với công nghệ thi công tiên tiến, tôi nghĩ kiến trúc sẽ tồn tại ngày càng lâu. Vấn đề bền vững ở đây giờ nên nhìn ở góc độ tiêu hao năng lượng trong mỗi công trình kiến trúc.

Văn phòng 1+1>2 đầu tư nghiên cứu và chế tạo máy đóng gạch được làm từ đất tại chính địa phương. Viên gạch đất được sử dụng trong rất nhiều các dự án điểm trường vùng cao Tây Bắc.

Cách đây vài năm anh có đề cập đến quan điểm “Kiến trúc hạnh phúc”. Thực tiễn đến thời điểm này, quan điểm đó của anh thế nào?

Dạo đó là năm 2015, chúng tôi lần đầu nhắc tới khái niệm “Kiến trúc Hạnh phúc”, tính đến nay đã gần 7 năm theo đuổi quan điểm này. Với 1+1>2 thì “Kiến trúc Hạnh phúc” được khái quát trong hai điều cơ bản, đó là bảo vệ sự đa dạng của văn hoá và chấp nhận dấn thân.

Ngay từ những ngày đầu làm kiến trúc, cá nhân tôi không hề thích sự lặp lại trong tư duy hoặc lối vẽ. Tôi luôn coi kiến trúc là biểu hiện của văn hoá. Cách làm và suy nghĩ đó cứ theo mình mỗi ngày nên tôi và các cộng sự hầu như luôn muốn vẽ ra cái mới, thử nghiệm nhiều thứ mới. Qua thực tế công việc và số lượng lớn những công trình chúng tôi thực hiện tại mỗi địa phương, mỗi hoàn cảnh đều không có sự lặp lại. Với chúng tôi đó là niềm hạnh phúc, hạnh phúc một cách bền vững, hạnh phúc mỗi ngày vì mình luôn thấy cái hay, cái mới để sáng tạo, để theo đuổi. Tôi nghĩ đó là điều kiện cần.

Điểm trường Pú Khớ nằm giữa một bản làng sâu trong núi ở Mường Ảng, Điện Biên
Đến với vùng sâu vùng xa, hỗ trợ xây mới các điểm trường để trẻ nhỏ đi học đỡ vất vả,
góp một phần sức lực giúp người dân địa phương bớt nhọc nhằn.
Đó là một quan điểm hạnh phúc mà kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự
vẫn tận tuỵ lao động suốt bao năm qua.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, mỗi vùng đất đều có tiếng nói, đều có truyền thống rất rực rỡ nhưng càng về sau, phần lớn nhiều nơi khi sự hiện đại lên ngôi, thì mọi thứ ở đó đều đứt gãy. Điều này đúng trên phạm vị toàn cầu, không chỉ ở riêng Việt Nam. Nếu nhìn sâu hơn, chúng ta dễ nhận ra ở các nước châu Âu như ở Anh, Pháp, Đức…đô thị của họ chỉ chiếm rất ít so với phần nhiều diện tích rộng lớn như ở Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi, Nam Mỹ hoặc như Việt Nam, đó đều là những nơi trước đây làm gì có khái niệm về kiến trúc. Người dân phải tự làm, các cộng đồng thiểu số vẫn tự làm thứ gọi là kiến trúc theo cách nghĩ và truyền thống của họ, tôi thấy thực sự rất đẹp. Những nước tư bản phương Tây trước đây, họ đi tới đâu, họ mang đô thị theo tới đó. Kiến trúc hiện đại chủ yếu chỉ nhận thấy ở đô thị, điều này dẫn tới một sự khác biệt giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại. Khó so sánh cái nào hay hơn cái nào, thực tế trên thế giới hiện nay, tôi thấy kiến trúc hiện đại chưa xứng tầm với kiến trúc truyền thống. Nếu kiến trúc chỉ là hình thức, bản chất văn hoá không được kế thừa thì sự hiện đại đó rất nhạt nhẽo.

Khi mình thấy nên có trách nhiệm gìn giữ và mong muốn tiếp biến văn hoá, chúng tôi muốn sáng tạo để phục vụ những cộng đồng thiểu số, giúp họ có tiếng nói, truyền cảm hứng cho cộng đồng sử dụng và chăm sóc công trình của họ. Cộng đồng thấy được họ trong đấy, thấy được trách nhiệm phải giữ gìn và tiếp nối công việc của người kiến trúc sư. Đây là điều kiện đủ, là sự tiếp diễn của hạnh phúc, một cách bền vững.

Điểm trường Na Pản (Chiềng Đông, Sơn La) nằm ngay bên suối. Thực hiện: 1+1>2

Cụ thể hơn thì niềm hạnh phúc 1+1>2 nhận được trong mỗi dự án là gì?

Điều đó cũng giản dị, không quá màu mè nhưng rất có ý nghĩa với chúng tôi và cộng đồng chúng tôi làm việc cùng.

Trên Hà Giang, ngày thực hiện làm nhà cộng đồng ở thôn Nậm Đăm (xã Quản Bạ), chúng tôi nghiên cứu thấy chim én xuất hiện ở đó rất nhiều. Người dân địa phương chung sống hoà thuận với chim én từ xưa. Với họ, loài chim này dường như mang lại sự may mắn. Nhà cộng đồng của thôn, chúng tôi vẽ hệ mái với ý tưởng như một cánh én, người dân họ rất thích suy nghĩ này, dù đôi khi đó chỉ là một câu chuyện, một cái ý nhìn thấy từ nhau. Vật liệu sử dụng chủ yếu là vật liệu bản địa, học theo cách làm của người dân địa phương nên công trình xuất hiện giữa thôn như chính của người dân trong thôn tự làm. Theo thời gian, thôn Nậm Đăm dần trở thành làng du lịch, người dân họ cũng chủ động làm kiến trúc theo cách mình và họ đã từng làm, có công trình họ tự làm thực sự rất đẹp. Các dự án nhà Homestay dần mọc lên nhưng không phá đi đời sống vốn có của họ trước đây, có tính gìn giữ và học hỏi giữa cái mới với cái cũ.

Công trình nhà cộng đồng thôn Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang). Thực hiện: 1+1>2

Chúng tôi thấy hạnh phúc khi cảm nhận được niềm vui từ họ trong từng câu chuyện mọi người kể lại, về cách họ làm nhà, cách họ không thể làm xấu được khi đã có sự học hỏi, cách họ trong sáng làm một thứ họ yêu quý.

Nhiều năm làm nghề có điều gì ở anh đã thay đổi và điều gì không hề thay đổi?

Tôi vẫn luôn nghĩ kiến trúc khó có thần đồng vì theo thời gian mình lớn lên rất nhanh. Điều thay đổi, với tôi có lẽ là con người mình. Tôi trải nghiệm, va vấp nhiều, nhất là khi mình làm kiến trúc liên quan đến cộng đồng, xã hội và văn hoá, cũng giúp mình nhanh trưởng thành.

Còn điều không thay đổi, với tôi là việc dấn thân để bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Điều này sẽ ngày càng lớn theo thời gian do bản chất đã có sự va đập và luyện tập.

Công trình Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Long Biên, Hà Nội).
Thực hiện: 1+1>2

Là kiến trúc sư – chủ nhiệm một văn phòng kiến trúc, một thầy giáo, một người hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp liên quan đến kiến trúc ở Việt Nam, anh mong muốn điều gì ở kiến trúc sư Việt Nam tại thời điểm này?

Tôi đã tham gia làm các dự án liên quan đến xã hội từ lâu, giờ nhìn lại nhiều ý tưởng tôi thấy vẫn rất thú vị và có giá trị. Nhiều lúc tôi tự nhận thấy mình có mã gen để làm những dự án dạng như vậy, hoàn toàn tự nhiên, nếu không có yếu tố đó, chắc tôi khó theo đuổi tới tận bây giờ.

Trước đây tôi từng thấy một câu “Kiến trúc là môn nghệ thuật xã hội”, ngày đó đọc xong không có quá nhiều nhận thức về điều này, cho đến khi làm dự án ở làng gốm Bát Tráng mới dần hình dung được đôi chút. Càng làm nhiều, lại càng thấm hơn!

Với Việt Nam, tôi thấy kiến trúc quan trọng nhất không chỉ dừng lại ở việc làm ra một công trình đẹp, kiến trúc hay người kiến trúc sư nên tạo dựng cho cộng đồng có ý thức xã hội về kiến trúc, bao hàm cả yếu tố văn hoá và sự bền vững trong nhận thức. Như ở châu Âu, chúng ta rất khó tìm thấy sự xấu xí trong kiến trúc của họ, đơn giản vì họ có ý thức xã hội rất bền vững và thái độ bảo vệ bản sắc văn hóa rất cao. Người kiến trúc sư là tác nhân góp phần tạo dựng ý thức xã hội về kiến trúc, vì thế tính phản biện, sự đối thoại của kiến trúc sư là rất quan trọng. Và muốn phản biện hay đối thoại được thì mình phải hiểu thấu cái cộng đồng, con người, văn hóa vùng đất ấy. Mình phải xắn tay vào và đứng về phía họ.

Vậy mục tiêu trong tương lai, các dự án kiến trúc cộng đồng của anh và các cộng sự mong muốn hướng đến là gì?

Với chúng tôi, đó là việc phải vượt lên chính mình mỗi ngày.

Những dự án cộng đồng ngày càng phải tốt lên theo nghĩa tiết kiệm hơn, làm nhanh hơn và có được nhiều người trong cộng đồng tự nguyện tham gia hơn. Tiếp tới theo tôi là sự đa dạng, xuất phát điểm ban đầu với chúng tôi là các dự án nhà cộng đồng, sau đó là nhiều điểm trường, làng thiền, làng công nhân…tương lai có lẽ sẽ thiết kế nhiều công trình khác như hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, quy hoạch hệ thống chuồng trại cho cộng đồng chăn nuôi gia súc lớn nhằm đảm bảo các yếu tố về sự tập trung, năng lượng và vệ sinh môi trường.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thăm quan công trường điểm trường Bó Kiếng (Yên Châu, Sơn La)

Tôi tin khi có sự đa dạng, bản thân mình và mọi người tham gia đều thấy hứng khởi vì được sáng tạo. Chúng tôi đã từng làm như vậy với viên gạch đất, sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu cách để làm cho viên gạch trở nên nhẹ hơn, giúp cho việc vận chuyển và thi công dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Điều đó thực sự rất đáng chờ đợi.

Nếu muốn đặt một câu hỏi cho các kiến trúc sư trong tương lai thì anh sẽ hỏi họ điều gì?

Dạo gần đây tôi thường để ý và suy nghĩ cũng nhiều, tôi thấy công nghệ đang ngày càng biến đổi không ngừng, trong khi con người chúng ta lại có giới hạn. Kiến trúc cũng không nằm ngoài hai phạm trù này và khó có thể thoát ra khỏi tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, cụ thể ở đây là công nghệ xây dựng và công nghệ vật liệu.

Không khó để hình dung ra trong tương lai, con người có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm kiến trúc, hàng nghìn mẫu nhà sẽ ra đời sau khi nhập dữ liệu vào máy tính. Cơ quan quản lý họ cũng nhàn, dễ làm, dễ kiểm soát, đỡ lộn xộn mà đỡ lộn xộn có khi lại đỡ xấu (cười). Nghĩ thô thì thấy vậy.

Lúc đó yếu tố bản sắc trong kiến trúc, liệu sẽ ra sao? Câu hỏi này tôi vẫn thường tự hỏi mình khoảng một năm trở lại đây.

Cảm ơn kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào về những chia sẻ rất giá trị từ anh!