Làng nón lá Nghĩa Châu

Chiếc nón lá chắc hẳn không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Dễ thấy ở quê, hình ảnh nón lá luôn được gắn liền với bà với mẹ. Gần gũi là thế, nhưng liệu mấy ai thật sự biết được cách mà một chiếc nón lá được làm ra?!

Dịp này, tôi có cơ may được về thăm và tìm hiểu về làng nghề nón lá Nghĩa Châu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Thực hiện
Phương Mây

Thời gian
12.2022

Xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng cách thành phố Nam Định khoảng 17 km, đường về đây rất dễ đi. Theo lời kể của những cụ cao tuổi, có thâm niên trong nghề nón lá Nghĩa Châu thì cụ Chu Văn Phàn có công đầu trong việc giúp hình thành làng nghề nón lá ở nơi đây. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cụ Phàn cùng hai người bạn của mình lên làng Chuông – nơi có truyền thống làm nón lá lâu đời nổi tiếng cả nước (nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để mua nón về bán cho bà con ở quê. Do làm nông nghiệp là chính, nên chiếc nón đội đầu được coi là báu vật che nắng che mưa cho bà con nông dân sớm tối ngoài đồng cùng với cái áo tơi truyền thống. Ngay sau đó, cụ nảy sinh ý định cần học hỏi thêm nghề nón là của làng Chuông. Vậy là ngay năm 1946, cụ Phàn quay lại làng Chuông và thuê những người thợ giỏi nhất về dạy nghề cho con cháu và một số dân trong xóm. Chiếc nón Nghĩa Châu lúc đầu được dập khuôn nguyên bản nón làng Chuông, gồm 20 vành, 5 vành dưới được nhuộm bằng cách hun khói cho đen, vành dưới cùng khâu thưa từ 3 đến 4 cm mỗi mũi, dây khâu toàn bộ bằng móc đen. Sau đó người dân Đào Khê đã cải tiến nón chỉ còn 16 vành, dây khâu bằng móc trắng và vành trắng. Từ những năm 1975 cho đến ngày nay nón được cải tiến còn 15 vành và dây khâu là cước trắng hoặc cước màu.

Ngày nay, bà con thôn Đào Khê, xã Nghĩa Châu vẫn luôn say mê với nghề truyền thống làm nón lá của làng mình. Các bạn nhỏ 13 đến 14 tuổi đã được bà hoặc mẹ dạy khâu nón rồi đến lên vành, lợp lá. Dễ thấy nhất khi ghé thăm Đào Khê là hình ảnh mọi người tụ họp lại tại một nhà, rồi cùng nhau làm nón. Người thì ngồi mở lá nón để chuẩn bị cho công đoạn là lá, người thì khâu nón, người thì lồng nhôi vừa làm vừa tíu tít chuyện trò. Tôi có may mắn khi được tham gia cùng với một nhóm các các bà các mẹ đang làm nón tại nhà cô Tươi – một người phụ nữ đã gắn bó với nghề làm nón lá 50 năm nay. Mọi người tụ họp ở đây đều đã ngoài 60 tuổi, có cô đã 75 tuổi mà đôi tay vẫn thoăn thoắt khâu nón.

Ngồi xem mọi người làm và hỏi chuyện, tôi được biết nón ở đây phân thành 2 loại chính: nón làm kỹ và nón làm nhanh. Sở dĩ có sự phân chia như vậy cũng là do nhu cầu của người dùng và mục đích sử dụng chiếc nón. Nón làm kỹ sẽ là những chiếc nón được làm rất tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim, mũi khâu phải dày, nhỏ và đều; nguyên liệu làm nón cũng được tuyển chọn kĩ lưỡng vô cùng, như: nứa phải là cây nứa vừa tầm đạt độ dẻo dai tốt, lá nón phải trắng, mo nứa lợp ở giữa là lá vừa, không quá to không quá nhỏ,…

Nguyên liệu cơ bản để làm một chiếc nón lá gồm tre, nứa (vùng Đồng bằng Bắc Bộ) và lá nón (các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh) được phơi khô, hấp diêm sinh để tăng độ trắng ngà. Những chiếc lá cọ, lá lôi được thu mua từ các tỉnh miền núi, cho vào máy vò rồi đem phơi nắng cho đến khi lá chuyển sang màu trắng ngà. Để làm phẳng, người thợ phải là lá bằng cách đặt lá lên lưỡi cày đã được hơ nóng, rồi dùng giẻ miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, nát.

Còn nón làm nhanh sẽ mang những yếu tố ngược lại: mũi khâu thưa, nguyên liệu làm nón cũng là những nguyên liệu chưa đạt được trạng thái tốt nhất. Nhưng các công đoạn để làm ra được một chiếc nón hoàn chỉnh thì không có gì khác nhau cả. Cần trải qua rất nhiều các bước thì một chiếc nón mới được hình thành. Lúc này, tôi mới biết, chiếc nón mà mẹ mình thường đội đã được làm ra đầy tỉ mỉ và khéo léo đến nhường nào. Tôi ngồi chơi ở nhà cô Tươi cả buổi và học cách mở lá nón. Mở lá nón cũng cần phải có những chú ý nhất định, để sao cho khi là lá được nhanh và thẳng. Cô Tươi vừa khâu nón vừa nói: “ở đây toàn các cô nhiều tuổi rồi, mà làm nón kỹ nên có khi ngồi cả ngày mới xong được một chiếc nón”.

Cô Nga, người ngồi mở lá nón nói thêm: “Tôi còn bận trông cháu, nên có khi 3 ngày mới xong chiếc nón. Nhưng kệ, giờ mình già làm túc tắc thôi, kiếm được đồng bánh đồng quà cho các cháu là mừng rồi”.

Chợ Đào Khê họp rất sớm đầu ngày

Tôi còn đặc biệt ấn tượng với đời sống của chợ Đào Khê khi mới chỉ 5h sáng mà chợ đã thức giấc với ánh điện trắng – vàng. Ngay đầu cổng chợ là khu dành cho các cô các bác bán nguyên liệu làm nón. Hàng nứa, hàng cước, hàng lá, hàng mo cứ thế đan xen vào nhau và khung cảnh mua bán diễn ra rôm rả vào khoảng 6h đến 8h là kết thúc. Trò chuyện cùng cô Vân – một người bán mo nứa, tôi được biết lý do phiên chợ mua bán nguyên liệu làm nón diễn ra rất ngắn bởi vì người bán thì tranh thủ bán một lúc buổi sáng rồi về đi làm công ty hoặc các công việc nhà rồi còn dành thời gian để làm nón. Còn người mua thì phải theo người bán, nên người mua cũng cần đi sớm để lựa chọn được những nguyên liệu ưng ý nhất cho chiếc nón mình khâu. Phiên chợ gần tan cũng là lúc tôi rời làng Đào Khê.

Trong lúc đứng đợi xe, nhớ lại cảnh các cô vừa làm nghề vừa vui vẻ nói cười, trong lòng tôi cũng nảy nở một niềm hân hoan lạ thường và như giàu tình yêu hơn với những chiếc nón lá truyền thống của quê hương, đất nước.

Chứng kiến đời sống của những thứ đã góp phần làm nên chiếc nón ở chợ Đào Khê tôi càng tin rằng, bằng tình yêu và sự gắn bó bao đời với nón lá, người dân nơi đây sẽ tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề khâu nón lá đời này qua đời khác và tiếp nối mãi. Khi thật sự nhìn sâu và hiểu được từ những điều nhỏ nhất, có lẽ khi ấy ta mới thấy trân quý biết bao những món đồ thủ công truyền thống của dân tộc nói chung và chiếc nón lá Nghĩa Châu nói riêng.