Chiharu Shiota

Chiharu Shiota là nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản, các tác phẩm của bà truyền đạt những điều vô hình – sự sống và cái chết, mối bận tâm, sự lo âu – những điều không hiện hữu ở dạng vật chất nhưng có thể cảm nhận bằng cảm xúc. Mặc dù được lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm cá nhân, các tác phẩm theo nhiều chủ đề phổ quát của Chiharu vẫn thu hút và làm dao động tới đông đảo khán giả.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 2019 trong khuôn khổ triển lãm trưng bày các tác phẩm được bà thực hiện trong suốt 25 năm, sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori, thuộc trung tâm Roppongi Hill ở Tokyo. Nội dung cuộc trò chuyện phản ánh nhiều góc độ suy nghĩ của nghệ sĩ về cuộc triển lãm cũng như sự khác biệt trong cuộc sống hiện tại của bà tại Berlin (Đức) so với Tokyo (Nhật).

Tác giả
Akiko Miyaura

Nguồn
Tokyo Midtown

Thực hiện
2019

Hành trình khám phá sâu thẳm bên trong thể hiện qua triển lãm cá nhân

Tôi có ghé Bảo tàng Nghệ thuật Mori trước cuộc phỏng vấn này để xem qua triển lãm “Shiota Chiharu: The Soul Trembles” (tạm dịch: linh hồn lo âu). Tại đây, tôi thấy bất ngờ vì có nhiều người cũng tới chiêm ngưỡng tác phẩm của tôi, chúng chủ yếu về nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc, video trình diễn, ảnh, bản vẽ và một số tài liệu liên quan tới sân khấu…Bình thường lúc làm việc thì không thấy ai tới cả nhưng khi chứng kiến mọi người đứng cạnh những tác phẩm của mình khiến tôi có cảm giác tò mò.

Ảnh: Sunhi Mang

Bước vào không gian triển lãm, điều đầu tiên trông thấy chính là Uncertain Journey (Hành trình bất định) – một tác phẩm sắp đặt gồm những chiếc thuyền cùng sợi dây màu đỏ dài tới 280km. Có vài người đứng cạnh nhau chiêm ngưỡng tác phẩm rồi cùng tỏ vẻ ngạc nhiên dù họ không hề quen biết, tôi cảm nhận được cách họ thể hiện điều này qua ánh mắt và sự thừa nhận trong im lặng.

Quá trình thực hiện triển lãm này là lần đầu tiên tôi đào sâu vào bên trong bản thân mình tới vậy dù trước đây tôi cũng từng có không ít cơ hội biên soạn chính tác phẩm của mình. Mỗi cuộc triển lãm là một thử thách riêng tại từng thời điểm. Việc tập hợp tất cả các tác phẩm của mình lại với nhau như lúc này và ở đây khiến tôi nhận ra quá khứ và thực tại của mình có một mối liên hệ chặt chẽ. 

Tôi luôn chọn màu đỏ. Tôi nhận ra điều này ở tác phẩm đầu tiên khi đổ sơn màu đỏ lên chính mình để “hóa” thành một bức tranh, hay trong một tác phẩm sắp đặt khác tôi cũng dùng chỉ đỏ. Thực sự tôi không nghĩ nhiều lắm vào thời điểm thực hiện chúng, nhưng màu đỏ luôn xuất hiện trong những thứ tôi đang làm.

Tiếp tới là đất. Sau màn trình diễn tắm sơn đỏ lên mình, tôi có một đoạn: trần trụi lăn lộn trên đất và rồi dùng nước gột trôi đi những lấm lem. Có một đoạn quay cảnh tôi dội bùn lên mình trong bồn tắm gợi lại tất cả những đau khổ tôi từng trải qua ở Berlin. Giờ xem lại, tôi cảm thấy mình bây giờ thật khác với mình trong đoạn video ấy. Nếu giờ gặp một niềm đau ương tự, có lẽ tôi sẽ thể hiện nó theo một cách hoàn toàn khác.

Việc đấu tranh với bệnh tật đã tạo ra một cuộc triển lãm.
Đặt suy nghĩ của mình vào nghệ thuật khiến tôi biết được mình là ai.

Triển lãm này diễn ra rất bất ngờ. Vào đêm trước ngày phẫu thuật, tổng giám tuyển Mami Kataoka tới Berlin và đề xuất tôi làm một triển lãm cá nhân. Tôi thấy bản thân thật may mắn và rất vui khi mình sống sót và theo đuổi nghệ thuật. Nhưng ngày hôm sau, kết thúc ca phẫu thuật cũng là lúc bác sĩ nói với tôi: căn bệnh ung thư đã quay trở lại.

Ban đầu các bác sĩ nghĩ đây đơn giản chỉ là một ca phẫu thuật thông thường, tuy nhiên họ đã phát hiện khối ung thư di căn trong lúc mổ và tôi phải cắt bỏ ba cơ quan nội tạng. Sau cuộc đại phẫu, tôi phải tiến hành xạ trị cùng nhiều thủ thuật trị liệu khác, cảm giác như thể mình đang nằm trên băng truyền của một quá trình xử lý nhiều công đoạn. Tôi cảm nhận được một phần cơ thể của mình đã mất đi, tâm hồn tôi đã bị bỏ lại.

Từ trải nghiệm đó, tôi khao khát mang tới những tác phẩm chạm được tới cảm xúc và ý thức hơn bao giờ hết, để tạo hình cho những thứ vô hình. Căn bệnh của tôi ảnh hưởng đến triển lãm này theo nhiều cách. Tôi phải đối mặt với nhiều câu hỏi và lo lắng khi lên kế hoạch cho công việc lần này. Cảm xúc và ý thức sẽ đi về đâu khi cuộc sống kết thúc? Nếu thân xác chỉ là cái vỏ thì phần bên trong của tôi sẽ ở đâu? Khi điều tồi tệ nhất xảy đến, con gái tôi sẽ thế nào nếu không còn mẹ?

Tâm hồn con người không dễ để luận. Nó sáng tạo là vì thế.

Câu hỏi “Tâm hồn ở đâu?” xuất hiện trên tấm quảng cáo cho triển lãm được con gái tôi mười-hai-tuổi viết nên. Cảm xúc luôn thay đổi, tất cả đều phức tạp, cuộc sống bị choáng ngợp bởi xúc cảm trái chiều. Đúng như câu hỏi, tôi nghĩ linh hồn con người là thứ khó để đo lường nhất. 

Nếu không có linh hồn, có lẽ đợt hóa trị vừa rồi không khiến tôi cảm thấy mình đã bỏ nó lại đằng sau, cũng như việc tôi đã mất đi một phần cấu tạo nên con người mình. Và như vậy thì việc điều trị không có gì quá to tát, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng thực tế, linh hồn của tôi tồn tại và bởi không biết giải thích thế nào nên tôi mới có những biểu hiện cảm xúc. 

Triển lãm này như giúp tôi hiểu rõ hơn “Chiharu Shiota” là ai. Thời điểm khi triển lãm mở của, công việc của tôi cũng gần hoàn tất. Tôi hy vọng từ giờ cho tới lúc kết thúc, những tác phẩm của mình sẽ sống mãi trong ký ức của mọi người tới tham quan.

Mọi thứ đều không đầy đủ.
Làm nghệ thuật là cách khoả lấp những gì còn thiếu. 

Tôi luôn có cảm giác “thiếu”, điều này khác với sự “thiếu” của tôi trong quá trình điều trị bệnh. Mọi thứ về tôi đều thiếu sót theo cách nào đó, chính sáng tạo nghệ thuật là cách tôi lấp đầy những khoảng trống. Đây là lời giải thích cho cách tôi lấy cảm hứng trong công việc của mình từ một số thiếu sót hoặc khác biệt nhỏ.

Lần đầu quay lại Nhật Bản sau ba năm sống ở Đức, tôi thấy mọi thứ lạ lẫm, từ đôi giày cũ, người bạn cũ, con người, sự vật, phong cảnh…Mọi thứ đều mang vẻ khác thường và tồn tại khoảng cách. Nước Nhật tôi thấy bây giờ khác so với nước Nhật trong tâm trí tôi suốt bao năm xa cách. Tôi đưa câu hỏi “tại sao” vào nghệ thuật của mình. 

Dù vậy, nguồn cảm hứng này không trở thành nghệ thuật ngay lập tức. Tôi luôn kiểm tra những gì mình cảm nhận và phát triển ý tưởng trước lúc tạo hình cho chúng. Ngay cả khi tôi có ý tưởng mới trong giai đoạn đang ấp ủ, tôi cũng không phác thảo ra. Vì khoảnh khắc vẽ chúng ra, tôi vô tình tạo ra thứ gì đó và điều này trở thành nghệ thuật. Thay vào đấy, đôi khi tôi ghi lại bằng chữ. Ví dụ như tác phẩm “In Silence” (Trong lặng lẽ), hình ảnh cây đàn piano bị cháy bắt nguồn từ việc tôi viết ra “giọng nói thực sự của mình là im lặng” và tôi phát triển ý tưởng này. Cảm hứng cho tác phẩm một phần đến từ ký ức ấu thơ về ngôi nhà hàng xóm bị cháy lúc nửa đêm. Đàn piano vô âm tượng trưng cho sự im lặng nhưng chiếc đàn vẫn hữu thanh về mặt hình ảnh. 

Lúc bắt đầu tìm kiếm chất liệu, thường thì hình ảnh trong đầu khá rời rạc vì tôi không biết liệu mình đã chọn đúng hay chưa, liệu chúng có thực sự là những gì mình tưởng tượng…điều đó dẫn đến nhiều nghi ngờ và bối rối trong tôi. Đây là phần khó khăn nhất của quá trình. Phải mất một khoảng thời gian dài sau đó bản thân mình mới thực sự cảm thấy công việc này đã hoàn tất.

Trong dự án “Accumulation – Searching for the Destination” (Sự tích tụ – Tìm đích đến), quá trình thu thập và tìm kiếm 440 chiếc vali khá vất vả. Sau khi tập hợp đủ số lượng đồ cần tới, tôi tiếp tục điều chỉnh tác phẩm của mình ở nhiều cuộc triển lãm quốc tế khác nhau cho tới khi hài lòng. Dự án “Sự tích tụ” là một ví dụ hoàn hảo thể hiện cách thức thay đổi quá trình hoàn thiện qua mỗi lần thực hiện tại Serbia, Ý, Đan Mạch và Nhật Bản.

Triển lãm Accumulation – Searching for the Destination
Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Mori, Tokyo

Điều quý giá nhất là có thời gian để không phải làm gì.

Việc có thời gian rảnh đặc biệt quan trọng trong quá trình sáng tạo của tôi. Ở Châu Âu, người ta hay ngồi uống café và trà trong quán vào buổi trưa (cười). Tôi thích khoảng thời gian rảnh để không làm gì, để không hiệu quả, chỉ ngồi và nhìn vào khoảng không.

Sau khi bước chân vào quán café trên đường đi làm mỗi sáng, tôi thường dành thời gian ngồi và nghĩ về tất cả phần việc mình cần phải làm và hoàn thành; nhưng khi vượt qua điều đó và tìm cách thoát ra khỏi suy nghĩ bộn bề, ngay lúc đấy những ý tưởng về nghệ thuật thường tìm tới.

Khoảng “trôi” này với tôi là điều tất yếu trong việc làm nghệ thuật.

Berlin

Tôi không nghĩ mình sẽ sống ở Berlin nhưng giờ tôi đang định cư tại đây. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nghệ thuật, khi đang cân nhắc về việc đi du học thì tình cờ ở Berlin có cơ hội nên tôi đã nắm lấy. 

Tôi chuyển tới Đức vài năm sau khi Bức tường Berlin được dỡ bỏ năm 1989. Không khí lúc đó rất sôi nổi, sự tự do, các nghệ sĩ ở khắp mọi nơi tới đây cùng góp mặt vào nhiều sự kiện triển lãm thường niên trên thế giới. Họ còn chọn Berlin để đặt studio của mình với mong muốn khẳng định sự sáng tạo. Thành phố mang tới cảm giác tràn đầy năng lượng và có sức hút lớn. 

Tôi nhận ra mình chắc chắn muốn sống trong bầu không khí này. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã tới vào một thời điểm đặc biệt. Giống như New York (Mỹ) những năm 70 thế kỷ trước, tất cả đổ xô về đó, hứa hẹn những điều mới mẻ sẽ ra đời.

Berlin bây giờ đã khác xưa nhưng có một điều không hề thay đổi: Dù ở Đức nhưng Berlin không giống Đức. Thành phố này mang nhiều sắc màu văn hóa khác nhau, con người ở đây trông cũng khác so với dân ở Munich hay Frankfurt. Chắc đây cũng là lý do tôi quên mất mình là người Nhật Bản khi sống ở Berlin. 

Bối cảnh nghệ thuật đương đại khắc nghiệt ở Nhật Bản 

Cảm giác được tự do là khởi nguồn của rất nhiều ý tưởng trong tôi. Ngẫm thấy, nếu hồi đó mình ở Tokyo lâu hơn thì có thể tôi đã không cho ra đời được nhiều tác phẩm như bây giờ. Hồi 22-23 tuổi, tôi từng tới vài phòng trưng bày ở khu Ginza (Nhật Bản), trong ba lô là tập tài liệu giới thiệu bản thân với mong muốn có thể mở một triển lãm riêng. Và đương nhiên thôi, mọi người ở đó phản ứng rất gay gắt. Để mở triển lãm thì chí ít mỗi tuần phải trả 500.000 Yen tiền thuê mặt bằng. Mà nếu có mở được thì khách đến xem cũng chỉ toàn bạn bè người thân hay giáo viên ở trường. Điều đó không mang lại nhiều ý nghĩa.

Ở nước ngoài, không có chuyện phòng trưng bày để cho thuê. Người ta tổ chức triển lãm kết hợp với hoạt động bán hàng. Nhưng ở Nhật, các nghệ sĩ không những phải trả tiền thuê không gian mà chính phòng trưng bày còn lấy thêm lợi nhuận từ việc thương mại nghệ thuật, đây là điểm bất lợi cho nhiều nghệ sĩ trẻ và sinh viên. Hệ thống này phổ biến ở Nhật qua nhiều thế kỷ, người ta không mặn mà lắm với nghệ thuật đương đại và cũng không coi đó là nghề có thể kiếm cơm. Giờ đây khi tôi nói với người khác rằng mình là nghệ sĩ, họ cũng hiểu, nhưng đôi khi tôi vẫn bị hỏi “nghề thật” của mình là gì (cười). 

Ở Đức, kiếm sống bằng nghệ thuật cũng vất vả. Nhưng khác với Nhật bản, nghệ thuật là một phần trong cuộc sống ở quốc gia này. Con người nơi đây coi trọng nghệ thuật, họ mua sản phẩm nghệ thuật làm quà trong các dịp lễ hay để trang trí trong nhà.

Của cải vật chất “vụn vặt” không bằng niềm vui trang trí căn nhà
với những bức tranh yêu thích.

Đương nhiên Tokyo cũng có sự chuyển mình. Nghệ thuật đang dần cắm rễ vào đời sống nơi đây. Mỗi lần trở lại thành phố này, tôi cảm nhận một số khía cạnh xã hội đang tồn tại tính cạnh tranh ngày càng rõ nét, không phải về mặt tài năng mà về khoản vật chất: bạn sống ở đâu, kiếm bao nhiều tiền, con học trường nào…mấy cái kiểu vậy. Tôi thấy Tokyo đang bị chi phối bởi mấy điều “vụn vặt” mà người ta không mang chúng theo được xuống mồ. Tôi nghĩ chính điều này khiến mọi người phải hy sinh sức khỏe của mình để cố gắng vì cuộc sống.

Nói về vật chất thì ở Berlin hiện có mạng lưới tàu điện khá cũ kỹ, mọi người hầu như không quá quan tâm đến hình thức. Với họ, điều quan trọng là trong nhà có treo bức tranh họ yêu thích không, có vật dụng gì giúp gắn kết nhau hoặc chứa đựng những câu chuyện gần gũi…Tôi nghĩ điều này ảnh hưởng lớn từ nền giáo dục. Ở Nhật, bạn được dạy để nói theo số đông, còn ở Đức thì họ mong bạn nói ra điều lạ chỉ bạn mới có. Nhưng tôi nghĩ Nhật Bản đang thay đổi. Mọi người có thể chia sẻ cảm xúc, ý kiến khác biệt và đang cùng tạo nên một điều gì đó. Tôi thấy như thế sẽ hay hơn và mang tính con người hơn.

Art Basel Hong Kong năm 2019
Ảnh: Art Basel

Dù cũng là một nước Á châu nhưng Nhật Bản là Nhật Bản.

Không khí nghệ thuật ở Nhật đang thay đổi liên tục. Ví như việc Nhật Bản không cần phải khẳng định vị thế bằng cách luôn là nơi diễn ra các sự kiện triển lãm từ châu Âu hay châu Mỹ. Tôi rất hạnh phúc khi thấy nhu cầu của các nước châu Á về triển lãm của Nhật; dự án Shiota Chiharu: The Soul Trembles sẽ được tổ chức ở Busan (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia), Đài Bắc (Đài Loan và Brisbane (Úc).

Hơn nữa, cả thế giới đang rất quan tâm đến châu Á. Năng lượng, tốc độ, cách người châu Á suy nghĩ và hành động luôn rất riêng so với các châu lục khác. Số lượng nhà sưu tầm nghệ thuật và các bảo tàng đang tăng nhanh chóng. Kể từ lần đầu Art Basel được tổ chức ở Thuỵ Điển năm 1970 tới nay sự kiện này vẫn diễn ra thường niên. Hiện tại, Art Basel đang phát triển nhanh ở châu Á. Sự kiện ở Hong Kong năm 2019 là một minh chứng, tại đây hầu hết các nghệ sĩ lớn đều tham gia. 

Tôi thấy Nhật Bản đang bị bỏ qua một bên trong dòng phát triển nghệ thuật vượt trội này. Dù tốt hay xấu, chúng ta cũng có nhiều điều đáng để tự hào và nhiều quốc gia trong khu vực luôn dành sự kính trọng với Nhật Bản. Tôi biết có nhiều nước châu Á rất muốn giới thiệu những triển lãm của Nhật Bản nhưng chính Nhật Bản lại không nghĩ họ nằm ở châu lục này. Tôi cứ nghĩ Nhật Bản là một phần của châu Á trước khi quay trở về từ Đức nhưng tôi đã sai. Nhật Bản là Nhật Bản.

Nghệ thuật đương đại nên phóng khoáng.
Phi ranh giới, phi quốc tịch, phi giới tính. 

Sao lại có những ranh giới này? Thật khó hiểu. Nghệ thuật đương đại nên được tự do nhưng thực tế vẫn bị hạn chế bởi ranh giới lãnh thổ và chủ nghĩa dân tộc.

Ví dụ, khi tôi tham dự một cuộc triển lãm, họ giới thiệu chi tiết nghệ sĩ này tới từ quốc gia nào: Mỹ, Nhật, Pháp, châu Phi…Đây là kết quả của chủ nghĩ dân tộc phải không? Lúc tôi trưng bày tác phẩm tại Japan Pavilion trong Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Venice Biennale (Ý), họ hỏi tôi cảm thấy thế nào khi đại điện cho Nhật Bản, câu hỏi này chẳng hợp với tôi chút nào. 

Đương nhiên, tôi không có ý chối bỏ Nhật Bản. Tôi chỉ không làm ra loại nghệ thuật để mô tả văn hóa Nhật Bản như Hoa Đạo – Ikebana (Nghệ thuật cắm hoa) và Trà Đạo (Nghệ thuật pha và thưởng trà). Tôi khuyến khích những chia sẻ vượt qua ranh giới về mặt địa lý hay giới tính, tôi không nghĩ rằng bản thân mình đại diện cho Nhật Bản. Tôi hy vọng chúng ta có thể hướng tới một thế giới, nơi những ranh giới này không còn bị chi phối nữa. 

Năng lượng tuổi trẻ và sự hứng thú tìm hiểu những điều mới ở châu Á.

Đây là lý do tại sao khi quyết định làm việc ở Roppongi (Tokyo, Nhật Bản), tôi muốn tạo ra tác phẩm gắn kết Nhật Bản với thế giới, xóa bỏ những giới hạn. Đầu tiên tôi muốn giới thiệu sự đặc biệt của Roppongi. Như tôi được biết, Bảo tàng Nghệ thuật Mori là địa điểm lớn duy nhất trên thế giới được đặt ở độ cao trên tầng 53 của Trung tâm Roppongi Hills. 

Thời điểm hiện tại, người trong ngành nghệ thuật trên thế giới đang rất hứng thú với Bảo tàng Nghệ thuật Mori và đảo Naoshima (Nhật Bản). Họ tò mò về hòn đảo này tại sao lại có nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại đến vậy, và vì sao người lớn tuổi nơi đây luôn biết cách nói về những tác phẩm đó. Tôi muốn thể hiện những khía cạnh thú vị này một cách thẳng thắn và dễ hiểu.

Cá nhân tôi đang rất quan tâm đến các triển lãm trong khu vực châu Á. Tôi sẽ sớm có vài buổi gặp gỡ một số bạn trẻ từ Hà Nội (Việt Nam) và Trung Quốc. Họ đang ở độ tuổi mà sự thích thú với nghệ thuật đương đại có cơ hội thể hiện và dễ dàng tiếp thu nhiều thứ. Tôi rất háo hức để được làm việc cùng những thế hệ trẻ trong tương lai.


Sinh năm 1972 tại Osaka (Nhật Bản), Chiharu Shiota hiện đang sinh sống tại thủ đô Berlin (Đức). Bà đương đầu với những thách thức của sự sống và cái chết, nghiên cứu về “ý nghĩa của việc sống sót” và “sự tồn tại là gì” qua loạt tác phẩm sắp đặt sử dụng đường chỉ để phác họa “sự tồn tại trong vô hình” ở quy mô lớn. Bà còn tìm hiểu về các chủ đề qua nhiều loại hình trong đó có điêu khắc, nhiếp ảnh và những thước phim. Năm 2015, bà là nghệ sĩ tiêu biểu cho công trình đại diện của Nhật Bản (Japan Pavilion) tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Venice Biennale lần thứ 56. 

Bà từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân khắp thế giới tại Bảo tàng Nghệ Thuật Mori – Nhật Bản (2019), Phòng trưng bày Nghệ thuật Nam – Úc (2019), Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Osaka – Nhật Bản (2008). Bà cũng tham gia nhiều chương trình hoạt động triển lãm như: Biennale of Sydney – Úc (2016), Kiev Biennale – Ukraina (2012) và Tokohama Triennale – Nhật Bản (2001).