Lần thứ ba gặp lại chị Tiên cũng là lần thứ hai tôi ghé thăm “np”, một hiệu sáchthư viện nhỏ của chị. Chị Tiên vừa hoàn thành nốt công việc còn dở, anh Châu đã pha trà và tôi thì đã kịp đọc xong cuốn Hoàng tử bé của dịch giả Bùi Giáng.

Qua buổi trò chuyện này, tôi mong muốn được hiểu kĩ hơn về đời sống của hai người trẻ thích đọc sách văn học, triết học và nhân học.

np đã bắt đầu từ khi nào và như thế nào?

np mở cửa từ tháng 9 năm 2022 nhưng ý tưởng về nó thì bắt đầu từ tháng 12 năm 2021. Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian tìm hiểu về sách, kiểm tra xem đã có ai làm mô hình này chưa, ghé thăm một số nơi đang làm các hoạt động về sách và thư viện, xem cách họ vận hành những mô hình này.

Từ việc nghĩ rằng mình sẽ mở một cái gì đó về sách đến khi thành hình hài như hiện có tại đây là cả một quá trình. Sự chuẩn bị là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là về mặt tinh thần và ý tưởng. Mô hình nhìn thì giống như nhiều hiệu sách và thư viện khác, nhưng tinh thần của những người làm mới thực sự quan trọng.

Tiêu chí lựa sách của np là gì? Vì sao lại là những tác giả đó?

Thứ nhất, chúng tôi định hướng hiệu sách và thư viện chuyên về dòng sách văn học, có một số đầu sách về triết học, nhân học mà tôi nghĩ chúng có tư tưởng và tinh thần gần với văn học. Đây là những lĩnh vực chúng tôi quan tâm nhất.

Thứ hai, đó phải là những cuốn sách chúng tôi đã đọc và đánh giá theo khả năng của bản thân, cảm thấy chúng có giá trị và xứng đáng được nhiều người biết đến hơn.

Có những tác giả dù chúng tôi chỉ đọc được vài đấu sách của họ nhưng đủ để nhận ra rằng người này cũng có thế giới riêng cho tác phẩm của mình và về cơ bản những điều họ muốn truyền tải là giống nhau, chỉ khác cách họ lựa chọn đưa chủ đề đó vào trong từng tiểu thuyết. Đây là lý do np thường sưu tầm đủ toàn bộ tác phẩm của một tác giả để giúp độc giả hiểu tác giả đó theo cách toàn diện hơn, đồng thời có thể nhìn thấy sự phát triển của họ.

Còn vì sao lại là những tác giả đó: nếu tìm hiểu thì sẽ biết nhiều nhà nghiên cứu và phê bình thường chia văn học hay triết học theo trường phái và nhà văn họ luôn phải học, phải đọc những nhà văn khác, những người trước hoặc cùng thời của họ. Nên họ luôn ảnh hưởng hoặc liên quan với nhau còn sự ảnh hưởng đó sâu rộng đến mức nào thì mình phải tự tìm hiểu. Ví dụ như Murakami và cuốn “Kafka bên bờ biển”, khi đọc tác phẩm này sẽ thấy cuốn sách bị ảnh hưởng bởi Fank Kafka, đó là khi mình sẽ “à, Kafka là ông nào nhỉ?” rồi kiếm những tác phẩm của ông đó để đọc. Cứ thế, từ tác giả này mà dẫn sang tác giả khác.

Thực hiện
Phương Mây

Thời gian
03.2023

Địa điểm
Tập thể C8 Giảng Võ, Trần Huy Liệu
Quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Ảnh
np cung cấp

Thời điểm mở cửa np, anh chị có gặp khó khăn nào không?

Thời gian đầu, tất nhiên np cũng gặp phải những khó khăn nhất định về tài chính, nhưng với chúng tôi thì khó khăn về tài chính là khó khăn dễ bù đắp nhất. Không giữ được tinh thần hay bí ý tưởng mới là thứ đáng ngại.

Thực tế nhóm người yêu và thích đọc sách ở Việt Nam còn nhỏ, np lựa chọn dòng sách văn học là một ngách rất nhỏ trong đó, nên thời gian đầu làm thư viện rất chật vật để tiếp cận được mọi người. Cũng may, chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ nên cứ làm thôi.

np có gặp vấn đề gì trong khi chọn sách nói chung và đưa sách ngoại văn về không?

Có chứ. Vì đã chọn hướng đi này và để đi được xa thì chúng tôi phải không ngừng thu nạp kiến thức. Văn học là một lĩnh vực rất rộng, khó có thể một mình cáng đáng hết. Rồi khi cộng đồng người đọc quan tâm đến np đều rất chất lượng nên họ sẽ quan tâm và đòi hỏi chất lượng của np ngày càng phải đi lên và mở rộng hơn. Sự trưởng thành về tri thức là điều khiến chúng tôi đôi phần lo lắng, chúng tôi lo bản thân mình không đủ sức để cùng np lớn lên. Việc chọn lọc hay nhập sách ngoại văn, chúng tôi đều cảm thấy không gặp khó khăn hay trở ngại nào, chỉ là mình nghèo nên không có đủ điều kiện để nhập nhiều hơn thôi (cười).

Có tác giả nào chị đặc biệt ấn tượng về lối hành văn hay tư tưởng của họ?

Tôi không chắc lắm. Ở np có những tác giả tôi thích và có những tác giả anh Châu thích. Vừa hay hôm qua chúng tôi có trò chuyện và tìm ra được điểm chung của những tác giả đó.

Những cuốn sách cũ và hiếm được chị tìm kiếm và thu gom bằng cách nào?

Nói sao nhỉ, tôi có may mắn được tiếp xúc với văn học từ nhỏ, khi ấy dì tôi là thạc sĩ văn học, chị gái cũng học đội tuyển văn, còn tôi thì đọc tất cả những gì có xung quanh mình. Hồi đó tôi còn đọc hẳn luận văn thạc sĩ của dì, hai chị em cứ đều đặn sang nhà dì mượn cả một thùng to sách về đọc dần, đọc xong lại đem trả rồi mượn đợt mới.

Niềm yêu thích văn học lớn dần trong tôi. Về cơ bản, những cuốn sách ở np được chúng tôi mua từ lâu thay vì giờ mới đi gom. Tôi có thói quen sưu tầm sách từ thời đại học, được mẹ cho tiền tiêu vặt tôi lại để dành mua sách. Những đầu sách hiếm np có hiện giờ chẳng qua là do ngày xưa tôi đã từng mua và giữ gìn, đến giờ nhiều trong số chúng không còn tái bản.

Anh chị đưa những cuốn sách hay và có giá trị đến tay độc giả bằng cách nào?

Chúng tôi khá lười hoạt động trên mạng xã hội, một phần do bận. May mắn có nhiều bạn quan tâm tới np, rồi giới thiệu chúng tôi với bạn bè của họ, cứ vậy, nhờ truyền miệng mà mọi người biết đến np nhiều hơn. Một điểm quan trọng nữa là tôi thường xuyên trò chuyện với mọi người khi họ ghé np, họ hay nhờ tôi giới thiệu sách để đọc. Dần dần rồi họ hay truyền nhau “hai bạn chủ ở đây hiểu và biết nhiều về văn học”, cứ thế mọi người tìm đến để hỏi và nhờ chúng tôi thêm các đầu sách khác. Tôi rất vui khi mọi người tin vào khả năng chọn sách của mình.

Tôi cũng tin vào cái gọi là năng lượng vũ trụ, khi mình toả ra một nguồn năng lượng thì tự nhiên ắt thu hút những người có trường năng lượng giống mình. Họ qua rồi cảm thấy chỗ này hợp thì họ sẽ lui tới thường xuyên.

Tác giả nào anh chị yêu thích và tại sao lại yêu thích tác giả đó?

Thật khó để nói được ai là tác giả mà mình yêu thích vì có những cuốn sách đọc thấy tuyệt hay và rất thích thú, nhưng không phải cuốn nào cũng hay. Giống như tôi chia sẻ ở trên, nếu mình theo dõi quá trình của một người mình sẽ nhìn rõ hơn lộ trình văn học và đời sống của họ. Chúng tôi không sùng bái ai quá mức, còn một cái tên mình thấy gần gũi và cảm giác có giao cảm với họ, một người hiểu hết những điều mà chúng tôi không thể nói ra thì đó là Orhan Pamuk. Còn ở Việt Nam có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp.

Thông qua np, anh chị muốn gửi gắm điều gì tới độc giả? 

np đơn giản là cách chúng tôi thể hiện bản thân mình, bình thường mình đọc sách gì, quan tâm điều gì và từ những cuốn sách chúng tôi đọc, bạn sẽ biết chúng tôi là người như thế nào, có hợp để làm bạn hay không?

Thông qua np, bạn có thể biết được chúng tôi đang tiến triển ra sao về mặt tinh thần, khi mọi thứ dần vào quy củ cũng là lúc mọi người có thể thấy: “à, cái đứa này đang sắp xếp cuộc sống dần ổn hơn rồi.” Tôi nghĩ đó là điều duy nhất mà những người quan tâm tới chúng tôi cần. Tôi nhìn cuộc sống hoặc các mối quan hệ như vậy. Dù không nói chuyện nhiều với mọi người nhưng tôi vẫn muốn biết mọi người có ổn không, hành trình họ đang đi như thế nào, có tiến triển gì không, có sự bứt phá nào trong tâm hồn không và rốt cuộc họ đã đi được đến đâu?!

Trong tương lai gần, anh chị có dự định nào dành cho np và cho riêng bản thân của mình không?

Hiện tại, chúng tôi đã và đang tập trung phát triển một chuỗi sự kiện “chiếu phim điện ảnh” được lấy cảm hứng hoặc chuyển thể trực tiếp từ các tác phẩm văn học nổi tiếng để có những buổi cùng xem phim, chia sẻ với những người bạn, người khách của np. Bởi giữa phim ảnh và sách vở tôi nghĩ có sự liên quan nhất định, khi mọi người cảm được điện ảnh thì họ cũng sẽ cảm được văn học. Tôi nghĩ đây là một lối gợi mở rất hợp lý để đưa mọi người đến với văn học.

Xa hơn, chúng tôi đang nghĩ thêm một số hoạt động khác nhưng hiện tại chưa tiện để chia sẻ với mọi người (cười).

Xin cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện thú vị này!