Tác giả biết đến văn phòng Kiến trúc sư Nguyễn Khắc Phước (NKP Architects) qua một dự án nhà ở của anh tại Việt Nam, sau này khi anh cùng nhiếp ảnh gia Triệu Chiến cộng tác chụp thêm một số dự án nhà ở khác thì tác giả và Phước có dịp trò chuyện cùng nhau.
Tác giả chia sẻ nội dung cuộc trò chuyện ngắn với Nguyễn Khắc Phước để độc giả cùng hiểu và theo dõi chân dung một kiến trúc sư trẻ tự hành công việc của bản thân.
Chào Phước, trở thành kiến trúc sư là suy nghĩ đến với anh từ lúc nào? Tại sao anh lựa chọn vậy?
Tôi bắt đầu biết đến và say mê bonsai từ khi mới chỉ là cậu bé học sinh tiểu học. Chính niềm đam mê này đã trở thành yếu tố tác động và định hướng cho sự lựa chọn trở thành kiến trúc sư của tôi ngay từ những năm tháng học phổ thông.
Kiến trúc sư Nguyễn Khắc Phước
Ảnh
Triệu Chiến
Phỏng vấn
Trần Trung Hiếu
Kiến trúc sư nào là người truyền cảm hứng làm nghề và có tác động mạnh mẽ tới quan điểm thiết kế kiến trúc của anh?
Mỗi thời điểm khác nhau đều có những kiến trúc sư truyền cảm hứng cho tôi. Có lẽ đầu tiên là Le Corbusier, bản chất không gian và vật liệu luôn tồn tại trường tồn.
Ngoài kiến trúc thì anh có mối quan tâm nào khác không?
Có lẽ là nghệ thuật bonsai như đã nói ở trên.
Nhà Ba Gian. Ảnh: Triệu Chiến
Khi bắt đầu dự án kiến trúc, điều anh quan tâm nhất là gì?
Khi bắt đầu một dự án, đầu tiên tôi quan tâm đến việc có tìm được sự đồng điệu giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư hay không, tiếp đến là bối cảnh, nhu cầu và chi phí.
Hợp tác với anh trong một số dự án vài năm gần đây, chúng tôi thấy NKP Architects thực hiện nhiều công trình nhà ở tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Cũng từng nghe anh chia sẻ về chuỗi công trình nhà ba gian đương đại. Anh có thể nói kỹ hơn về chuỗi công trình này, lý do anh muốn tiếp cận kiến trúc nhà ở như vậy?
Tôi sinh ra tại một địa phương nhỏ, đồng thời may mắn được làm nhiều công trình tại nhiều miền quê, nơi đến nay vẫn duy trì được nếp sống chòm xóm thân thiện, chan hoà – điều mang đến cho tôi nhiều hứng khởi và niềm vui trong làm nghề.
Mặt khác, tôi muốn đi xa hơn để trải nghiệm và thử sức mình ở những môi trường khác nhau bên ngoài phạm vi đô thị để phát triển bản thân mình hơn nữa, và làm đẹp cho mọi miền quê hương trên đất nước ta.
Nhà Năm Gian. Ảnh: Triệu Chiến
Đời sống kiến trúc diễn ra bên trong và ngoài dự án mà anh thực hiện đã tác động tới khu vực xung quanh như thế nào?
Tôi rất vui khi mỗi lần thăm lại công trình vẫn thấy chủ nhà chăm chút cho ngôi nhà của họ, được họ chia sẻ niềm vui khi trong nhà có thêm chút thay đổi dù nhỏ nhất như một cái cây, hay một bình hoa. Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi để yêu, để thưởng thức cái đẹp. Cứ như vậy, mỗi ngôi nhà là một đại sứ truyền tải thông điệp kiến trúc của chúng tôi đến mọi người xung quanh.
Anh nghĩ sao về kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống nói riêng? Anh có học và áp dụng được điều gì vào trong chuỗi công trình nhà ở tại các vùng nông thôn mà NKP Architects đã và đang thực hiện?
Kiến trúc truyền thống nói chung, kiến trúc nhà ở truyền thống nói riêng phản ánh đặc trưng văn hoá và lối sống từng vùng miền, và vẫn tiếp tục là tiền đề phát triển xã hội cũng như kiến trúc hiện đại. Sự vận dụng kiến trúc truyền thống trong các công trình chúng tôi thực hiện được nhận thấy rõ nhất ở việc sử dụng vật liệu, bố trí không gian ánh sáng, không gian sinh hoạt theo đặc trưng lối sống vùng miền, đặc biệt là trong chuỗi dự án “Ba gian”.
Nhà Xuân An. Ảnh: Triệu Chiến
Việc sử dụng ánh sáng trong công trình quan trọng như thế nào và cảm nhận của cá nhân anh về ánh sáng trong các dự án mà NKP Architects đã thiết kế?
Ánh sáng là công cụ nghệ thuật mà người thiết kế sử dụng để tác động và tạo nên không gian, làm rõ mọi vật theo ý đồ của người thiết kế trong từng bối cảnh cụ thể. Chúng tôi thường cố gặng tạo ra những không gian dễ chịu và thư thái bằng ánh sáng gián tiếp, ví như một chút nắng vừa đủ xuyên qua tán cây xanh hay một khoảng đệm không gian nào đó chẳng hạn.
Khoảng trống bên trong công trình có ý nghĩa như thế nào với anh?
Trong công trình, chúng tôi tạo nên những khoảng trống có chủ ý, như khoảng nghỉ, là nơi để lặng lại, để tôn ánh sáng, cây xanh hoặc có thể là nơi chuyển tiếp không gian.
Nhà chóp nón. Ảnh: Triệu Chiến
Dù kiến trúc bền vững hiện đang được nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng chúng tôi khẳng định kiến trúc bền vững thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Anh nghĩ sao về kiến trúc bền vững? Những công trình NKP Architects từng thực hiện có theo lối nghĩ đó của anh?
Khái niệm kiến trúc bền vững thật rộng. Để ngắn gọn trong các công trình chúng tôi thực hiện, thì yếu tố bền vững nằm trong sự phù hợp với lối sống của gia chủ , văn hoá, bối cảnh địa phương, và đặc biệt là tính bền vững tồn tại của công trình theo năm tháng. Một công trình vững bền phải dung hoà giữa tính thẩm mỹ, sự thiết thực, và phù hợp với gia chủ.
Một công trình anh luôn mong muốn được thực hiện? Vì sao?
Tôi mong muốn được thực hiện một ngôi nhà ở nông thôn ở miền sông nước. Đó sẽ là 1 trải nghiệm hấp dẫn với lối sống và bối cảnh hoàn toàn mới mẻ đối với tôi.
Anh nghĩ sao về việc tư liệu hoá chụp và ghi chép cẩn thận các dự án văn phòng đã thực hiện? Điều quan trọng của công việc này theo anh là gì?
Việc tư liệu hoá chụp và ghi chép các dự án đã thực hiện là điều quan trọng. Nó đánh dấu hay kết thúc 1 công trình mình trải nghiệm. Một bước đi được bước trong hàng ngàn bước đi. Để nhìn lại và cải thiện cũng như làm rõ hơn con đường đi của mình trong việc thực hành kiến trúc.
Là một kiến trúc sư, anh nghĩ sao về kiến trúc Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Kiến trúc Việt Nam ngày một hội nhập xu hướng mới, tư tưởng mới cùng sự tiến bộ của xã hội là cơ hội để kiến trúc sư thực hành kiến trúc tốt hơn.
Từ đó, theo anh vai trò của kiến trúc sư với xã hội ngày nay là gì?
Xã hội ngày càng phát triển. Kiến trúc có vai trò không nhỏ trong việc định hình lối sống và phát huy những giá trị truyền thống của văn hoá người Việt Nam.
Đối với anh, đức tính quan trọng nhất khi hành nghề kiến trúc là gì?
Đức tính quan trọng khi hành nghề kiến trúc theo tôi là sự kiên trì.
Một câu anh thích nhất để nói về nghề kiến trúc hoặc kiến trúc sư?
Câu nói ưa thích về nghề kiến trúc: “Đam mê thôi chưa đủ, cần kiên trì có định hướng”.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!