Chùa Dâu

Chùa Dâu là ngôi chùa có nhiều tên gọi khác nhau như Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu, nằm tại thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán) làm Thái thú quận Giao Châu. Đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Chùa quay về hướng Tây, kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục cơ bản như tam quan, tiền thất (bái vọng đường), tháp Hoà Phong, Tam bảo, hậu đường, hai dãy hành lang và các công trình phụ trợ gồm nhà Mẫu và Tổ, nhà khách, vườn tháp, ao chùa, hệ thống tường bao.

Trong các đơn nguyên kiến trúc tách rời như vậy, đáng chú ý nhất là Tháp Hoà Phong được dựng giữa sân chùa. Lịch sử ghi lại rằng, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng, nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện tại là của thời Lê Trung Hưng.

Tháp được xây bằng gạch nung già cao 3 tầng, mỗi tầng có cửa, trần xây dạng cuốn vòm. Trong lòng tháp, phía dưới có bệ thờ “Tứ trấn” (Tứ Thiên Vương), bằng gỗ phủ sơn. Phía trên treo khánh và chuông đồng. Phía trước tam cấp cửa phía Tây có 2 tượng sóc đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Bên trái có một tượng cừu đá, dấu ấn của văn hoá phương Bắc, phản ánh sự hiện diện của Thái thú Sĩ Nhiếp khi đóng trị sở ở thành Luy Lâu. Trên tháp Hoà Phong hiện còn một tấm biển bằng đá xanh gắn ở phía Tây (tầng hai) đề 3 chữ “Hòa Phong tháp”.

Chùa Dâu in đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử, với hệ thống tượng pháp mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê – Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Đây là một minh chứng sống động của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt, đã tạo nên một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc dân tộc.


Ảnh
Triệu Chiến

Nội dung
Anh Nguyên