Chùa Sổ

Trước đây chùa được xây dựng gần làng, song do thuyết phong thủy, chùa được rời ra xa khu dân cư, nền chùa cao 64cm bó xung quanh nền là gạch trang trí hoa văn thời Mạc, đặc biệt chùa có hệ thống tượng Lão giáo đẹp, đây là một trong những loạt tượng Lão giáo sớm nhất nước ta còn lại cho tới ngày nay.

Chùa Sổ được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với kiến trúc khép kín. Chùa không những nổi về kiến trúc mà còn đẹp về phù điêu và điêu khắc tượng tròn. Qua bia đời Hưng Trị, cho thấy chùa Sổ là di tích được xây dựng từ thời Mạc, trong chùa có khá nhiều gạch, hòn sớ, chân đèn gỗ, chân đèn gốm…là những sản phẩm từ thời Mạc. Chùa từng được tu sửa lớn vào niên đại Đức Long thứ 6 (1634) mà dấu tích còn lại là những viên gạch đất nung ở thế kỉ 17, gạch có hoa văn nổi như hoa lá, ngựa có cánh rồng yên ngựa chắc khỏe.

Chùa có kết cấu trăm gian, có tòa bái đường, thượng điện và hai dãy hành lang dài 26 gian nối hai đầu tiền đường với nhà hậu, bao lấy tòa thượng điện. Toàn bộ nền chùa chính được bó bởi gạch hòm sớ thời Mạc theo hình chữ nhật, niên đại gạch qua đường nét hoa văn là của thế kỉ 16, các hình được thể hiện chủ yếu là lân, ngựa, hổ và hoa lá thiêng. Đề tại trên mặt gạch đều đậm nét dân gian, thế lân động được gắn những biểu tượng cầu phúc, văn xoắn như biểu tượng của sấm chớp trong việc cầu mưa, hổ trong tư thế ngộ nghĩnh, ngựa có đao bay ở khuỷu chân, chạy lên như đôi cánh, hình tượng này cũng đã thấy ở đình Tây Đằng (Ba Vì), nhìn chung các đường nét đều hoạt và dứt khoát. Hiện vật gốm gạch ở thế kỉ 17 cũng đậm sự gồ ghề nổi khối ít nhiều vẫn giữ được truyền thống của thế kỉ trước.

Ngoài ra đáng quan tâm về kiến trúc là tòa gác chuông nằm ở phía sau chùa. Gác chuông chùa Sổ có vị trí nối tiếp gác chuông chùa cổ như ở chùa Điềm Giang (Ninh Bình) hay tượng đồng như ở chùa Keo (Thái Bình), chùa Ông (Hưng Yên).

Địa điểm
Làng Ước Lễ, xã Tân Ước
Huyện Thanh Oai, Hà Nội

Nội dung
Nhã Long

Ảnh
Triệu Chiến