Chùa Thái Lạc (còn gọi là Pháp Vân tự hay chùa Bà Cả), thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là một trong ba công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất Việt Nam được khởi dựng vào thời Trần, cùng với chùa Dâu (tỉnh Bắc Ninh) và chùa Bối Khê (TP. Hà Nội).
Chùa Thái Lạc được khởi dựng trên gò đất cao, mặt tiền quay theo hướng Đông Nam, có bình đồ kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các hạng mục công trình được bố trí hài hòa, đăng đối tạo thành một thể thống nhất, dàn trải theo trục Tây Bắc – Đông Nam bao gồm: Tam quan, sân chùa, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu cùng khu vườn tháp.
Giá trị nhất, bên cạnh yếu tố kiến trúc là những tác phẩm điêu khắc gỗ hiện còn tồn tại ở chùa, với các đề tài hình người, linh vật tự nhiên. Nghệ nhân xưa dùng đục nẩy trên gỗ rắn, những đường nét làm thành các hình như được vẽ bằng bút. Nếu ở hình phỗng quỳ đội tòa sen, chất hội họa kết hợp dè dặt với điêu khắc, đường nét chỉ phụ họa cho mảng khối, thì đến những hình hoa dây, sóng nước, đặc biệt là các hình tiên nữ, nhạc công đang biểu diễn, nghệ nhân dân gian đã sử dụng thứ ngôn ngữ chính là đường nét, hình chạm nổi mà chất hội họa đậm hơn cả điêu khắc, nét chạm như nét vẽ, tinh sắc và thoải mái, góp phần miêu tả một cách ngắn gọn xúc tích về đời sống xã hội và nghệ thuật Phật giáo nước Đại Việt lúc bấy giờ.
Ngoài ra, thông qua những tác phẩm điêu khắc này cho thấy khá rõ sự giao lưu văn hóa, sự ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, văn hóa Nam Á vào nền mỹ thuật truyền thống dân tộc.
Ảnh
Triệu Chiến