“Sự sống sẽ không tồn tại nếu thiếu nước”

Có một thực tế không thể làm lơ, đó là khi các nhà lãnh đạo địa phương đổ tiền và độc chiếm đất đai để phát triển thành phố Lagos như ngày nay, điều này đồng nghĩa với việc người dân ở nơi đây phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ di dời dẫn đến nghèo đói.

Và biến đổi khí hậu chỉ góp phần làm cho vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Bãi biển Bar ở thành phố Lagos, Nigeria năm 2012. Ảnh: Wikimedia Commons

Nếu bạn muốn tắm giặt, bạn cần dùng nước
Nếu bạn muốn nấu súp, bạn cần dùng nước
Nếu trời quá nóng, bạn cần uống nước để làm mát
Nếu con bạn lớn lên, chúng sẽ cần dùng nước
Nếu nước giết chết con bạn, bạn vẫn cần nước để duy trì sự sống
Sự sống sẽ không tồn tại nếu thiếu nước…

Bài hát “Water No Get Enemy” của ca sĩ Fela Kuti năm 1975

Thập niên 1950, khi còn là một đứa trẻ ở Lagos, gia đình chúng tôi thường đến bãi biển Bar ở Đảo Victoria để thư giãn vào ngày Chủ nhật và ngày lễ. Mẹ tôi gốc Scotland nên có một thực tế là bà không thể chịu nổi ánh nắng mặt trời ở châu Phi nhưng vẫn sẽ phơi nắng hàng giờ liền trong lúc chúng tôi nô nghịch trên những con sóng. Bà lớn lên ở London vào thời kỳ hậu chiến tranh, thời điểm thức ăn còn khan hiếm và mọi thứ đều buồn tẻ. Khi Nigeria thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh và giành độc lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1960, một buổi lễ ăn mừng đã diễn ra tại thị trấn ven biển nhỏ bé này. Đây là dịp hiếm hoi mà người cha Nigeria của tôi đi cùng cả gia đình trong chuyến du lịch ven biển. Chúng tôi thích thú chơi trò đu quay và xe đụng. Có một sự việc mà cả nhà không để ý đến, đó là bãi cát trắng nguyên sơ rộng lớn trên bãi biển Bar đang nhanh chóng bị Đại Tây Dương lấn chiếm. Sự xói mòn này không phải bởi nguyên nhân biến đổi khí hậu mà chủ yếu liên quan đến việc xây dựng một con đê chắn sóng dài ba dặm rưỡi dưới đáy biển trước đó khoảng 50 năm để bảo vệ lối vào ngay hướng đông bắc cảng Lagos sầm uất ở Apapa.

Cũng như New York, Lagos vừa là tên của tiểu bang đồng thời cũng là tên của thành phố đông dân nhất châu Phi. Bờ biển của Lagos là một mạng lưới các vịnh nhỏ đan xen. Bán đảo Lekki bao quanh phần lớn đầm phá ven bờ biển Lagos, thu hẹp dần diện tích về mũi phía tây hướng ra Đại Tây Dương giữa một loạt các hòn đảo và mũi đất nhỏ nằm sát nhau. Xét về vị trí địa lý, đê chắn sóng Apapa đang làm gián đoạn quá trình trôi dạt ven biển tự nhiên khiến cát lắng đọng dọc trong phạm vi 100 dặm và gây ra những hậu quả hết sức khó lường. Có thể nói, tình trạng xói mòn đang diễn ra nhanh chóng, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ liên bang nhằm đẩy lùi tình thế. Hơn 6 triệu mét khối cát đã được đổ bồi lên nhiều bãi biển khác nhau vào năm 1991 và hơn 3 triệu mét khối cát nữa giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1997. Nhưng vô ích! Đầu những năm 2000, nước biển đã tràn vào đường cao tốc chạy dọc bờ biển, đe dọa những công trình văn phòng và nhà ở của khu người giàu. Bãi biển nơi cha tôi mới tìm thấy để ăn mừng sự tự do hiện đã hoàn toàn bị nuốt xuống biển.

Cảng Lagos. Bên trái: Bản đồ của Cơ quan Khảo sát Liên bang Nigeria cung cấp năm 1960. Đê chắn sóng Apapa được xây dựng có tên “Bullnose” nằm ở trung tâm bến cảng. Ảnh: TROVE. Bên phải: Bản đồ của Lục quân Hoa Kỳ cung cấp năm 1962. Ảnh: Wikimedia Commons

Bản đồ vệ tinh bờ biển và vịnh nhỏ Lagos năm 2020. Ảnh: Monja Šebela/Sentinel Hub

Đại dương đang chiếm đất của Lagos nên Lagos quyết định giành lại. Phương án được đưa ra là khai hoang gần 4 dặm vuông đất từ đại dương. Và để bảo vệ vùng đất mới này khỏi sự xói mòn trong tương lai, Chính phủ đã cho phép dựng lên một con đê cao 60 feet được tạo thành từ 100.000 khối bê tông, mỗi khối nặng 50 tấn, được xem là Vạn Lý Trường Thành ở Lagos. Công việc bắt đầu vào năm 2006. Khi hoàn thành, một thành phố ven biển tự trị mới dài bốn dặm mang tên Eko Atlantic sẽ được sinh ra với nguồn nước sinh hoạt và nguồn điện riêng, trở thành nơi “cực kỳ tham vọng và hướng tới tương lai” ở một đất nước đã thất bại nhiều lần trong chiến dịch chống xói mòn. Khu vực này cung cấp “nhà ở thân thiện với môi trường” cho ít nhất 250.000 người với số tiền lên tới 500.000 USD để sở hữu một căn hộ (thấp hơn 5 lần so với số tiền để mua một ngôi nhà mặt đất), tức là chi phí bỏ ra còn ít hơn rất nhiều so với các nơi trên thế giới và đặc biệt là ở vùng nam bán cầu. Thậm chí, người dân có thể tránh được những con đường nổi tiếng là đầy ổ gà và tắc nghẽn giao thông trong thành phố bằng tàu cao tốc tư nhân neo đậu dọc theo lối đi dạo dài 6 dặm để nhanh chóng di chuyển đến vô số bãi biển một cách dễ dàng trước khi chúng cũng bị nhấn chìm bởi đại dương.

Vào thời điểm viết bài này, cơ sở hạ tầng cơ bản của “thành phố Dubai ở Châu Phi” này đã được xây dựng nhưng các văn phòng và tòa nhà dân cư vẫn chưa được hoàn thiện, bao gồm cả khu vực lãnh sự quán Hoa Kỳ lớn nhất thế giới. Đây là một cơ sở rộng lớn trên diện tích đất 12,2 mẫu Anh nhằm “tôn vinh mối quan hệ khăng khít giữa Hoa Kỳ và Nigeria, đồng thời truyền đạt tinh thần dân chủ, minh bạch và cởi mở của Mỹ” theo lời của cựu đại sứ Hoa Kỳ Mary Beth Leonard. Nhiều người nghi ngờ sự gắn bó của các nhà đầu tư với những ý tưởng cao siêu này. Dự án tình cờ được giám sát bởi hai anh em người Liban vô cùng giàu có là Gilbert và Ronald Chagoury, cả hai đều bị nghi ngờ về tính chính trực. Bởi trước đây, họ từng nhiều lần bị kết tội rửa tiền, buộc phải trả lại cho Chính phủ Nigeria ước tính khoảng 366 triệu đô la Mỹ và tất cả số tiền này đang được Chagoury giữ trong tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Cả hai người đều làm việc cho cố Tướng quân Sani Abacha – một nhà độc tài chính trị được cho là đã cướp tới 5 tỷ USD trong thời kỳ đen tối của chế độ cai trị quân sự kết thúc vào năm 1999. Nhưng than ôi, số tiền này khó có thể quay trở lại một cách “công bằng”. Với tư cách là công dân nước ngoài, anh em nhà Chagoury trước đây đã quyên góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Bill Clinton một cách bất hợp pháp và Clinton đã cảm ơn họ bằng cách tổ chức lễ khánh thành Eko Atlantic.

Khu phát triển Eko Atlantic đang được xây dựng năm 2020. Ảnh: SmartAfricanBoy

Tác giả cùng hai người bạn bên bờ sông Eko Atlantic năm 2023. Ảnh: Juliet Ezenwa Pearce

Việc kết án hình sự đối với họ không được phép làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của nhà Chagourys, trong đó có cả dự án Eko Atlantic. Sự việc này là minh chứng rõ ràng về mức độ tham nhũng nghiêm trọng ở Nigeria và đặt ra nhiều nghi vấn trong tuyên bố của Tập đoàn Chagoury về việc “đã tiến hành đánh giá đầy đủ và toàn diện các vấn đề tác động đến môi trường theo yêu cầu của Đạo luật EIA số 86 năm 1992 của Nigeria,…” như trang web của công ty họ khẳng định. Có ít nhất một khiếu nại đã được gửi lên Tòa án Tối cao Liên bang bởi tổ chức Dự án Hỗ trợ và Bảo vệ Pháp lý (LEDAP) theo Đạo luật Tự do Thông tin năm 2011 vẫn chưa được xét xử. Tổ chức phi lợi nhuận này sau đó tiếp tục khởi kiện dự án Eko Atlantic với cáo buộc rằng “việc nạo vét đại dương và xây dựng các tòa nhà trên vùng đất khai hoang sẽ làm ngập lụt các khu vực ven biển trong những năm tới”, khiến cho “các cộng đồng ngư dân ở vùng nông thôn đang mưu sinh dựa vào đại dương và các vùng nước xung quanh chỗ đó” phải di dời. Vụ việc vẫn đang được xét xử và chưa rõ hồi kết.

Người dân địa phương coi việc di dời của họ là thực tế rõ ràng. Vì 3 năm trước khi vụ kiện được đệ trình, một đợt thủy triều lớn đã phá hủy hầu hết các công trình tạm bợ ở bãi biển Kuramo và cuốn trôi 16 người ra biển, trong đó có một bé gái 6 tuổi. Tất cả đều được cho là đã chết và người dân không hề nghi ngờ việc nạo vét để xây dựng Eko Atlantic chính là nguyên nhân trực tiếp. Cần phải thừa nhận rằng dòng hải lưu dọc bờ biển Lagos luôn mạnh mẽ. Lúc nhỏ, nước lũ đã từng cuốn tôi đi vài lần và gây ra cái chết cho người anh họ tôi. Sóng mạnh không phải là hiếm gặp, đặc biệt là trong những cơn mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Nhưng chưa có trận nào tàn khốc như vụ tháng 8 năm 2012 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Đối với dự án Eko Atlantic, Tập đoàn Chagoury đã phủ nhận bất kỳ mối tương quan nào và tuyên bố trên trang web của mình: “Vạn Lý Trường Thành ở Lagos… thực hiện sứ mệnh tuyệt vời là bảo vệ bờ biển”. Nhưng một số người dân ven biển khác vẫn đưa ra các cáo buộc tương tự, đặc biệt là người dân Okun Alfa, sống cách Kuramo khoảng 15 km về phía đông, nhìn ra bãi biển Alpha trên bán đảo Lekki. Theo Muftau Ayọ̀délé, người phát ngôn của Okun Alfa được phỏng vấn vào năm 2023: “Người dân đã phải di dời 3 lần vì nước biển dâng, những nơi đó hiện bị chôn sâu dưới đáy đại dương, những ngôi nhà trước đây của chúng tôi giờ là nhà của các nàng tiên cá”. Trong số các khu bị nhấn chìm, có cả bệnh viện và nhà thờ Hồi giáo duy nhất của người dân. Khách du lịch phải ở trong những ngôi nhà gỗ trên bãi biển buộc phải chạy đi vì chúng có nguy cơ bị cuốn ra biển.

Makòko, Lagos, Nigeria năm 2016. Ảnh: Edward Burtynsky. Lưu giữ tại Phòng trưng bày lịch sự Robert Koch, San Francisco

Tại sao Lagos lại cho phép xây dựng Eko Atlantic với cái giá phải trả là di dời toàn bộ thị trấn? Đó là do tình trạng thiếu hụt đất có thể xây dựng và lợi ích thu được trong việc sử dụng những mảnh đất này để làm nơi ở cho giới thượng lưu. Toàn bộ diện tích của bang Lagos chỉ là 1.391 dặm vuông, nhỏ hơn bang New York khoảng 40 lần nhưng lại có dân số đông hơn 4 triệu người. Dân số hiện nay là 24 triệu, gấp khoảng 3 lần so với thời điểm khi chúng tôi còn nhảy múa trên bãi biển Bar cách đây nhiều năm và tăng với tốc độ đáng kinh ngạc là 600.000 người mỗi năm. Giả sử điều này được duy trì, có nghĩa là đến năm 2050, Lagos sẽ trở thành một trong ba thành phố đông dân nhất thế giới, tương đương với thành phố ven biển Mumbai nhưng Lagos lại có diện tích nhỏ hơn.

Tệ hơn nữa, hơn một nửa dặm vuông của Lagos chính là vùng đất ngập nước nên cái tên Lagos còn có nghĩa là “hồ” trong tiếng Bồ Đào Nha. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 15 đã vượt biển và “khám phá” ra một trong hai bến cảng tự nhiên của Tây Phi (nơi còn lại là thành phố Freetown ở Sierra Leone), từ đó người Bồ Đào Nha xuất khẩu nô lệ sang Tân Thế giới. Phần lớn “đất cát” còn lại chỉ cao hơn mực nước biển chưa đến 5 feet, đồng nghĩa với việc vùng đất sẽ bị nhấn chìm vào cuối thế kỷ này nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt quá 3,6 độ F như dự đoán. Nói cách khác, không chỉ hầu hết người Lagos sống gần biển mà còn nhiều người nơi khác sống ở đó. Số lượng đất có thể xây dựng vượt xa nhu cầu nhà ở của bang và bản thân chính phủ dường như chỉ đầu tư vào nhu cầu nhà ở của người giàu. Cho đến nay, mô hình này vẫn cần phá dỡ những ngôi nhà hiện có để nhường chỗ cho những ngôi nhà độc quyền hơn, có sức chứa ít người hơn với mức giá ưu đãi.

Nhìn từ trên không của Đảo Banana năm 2022. Ảnh: Ownahome.ng

Hình ảnh trên không của thành phố Lagos được đề xuất, tiền thân của sự phát triển Đảo Banana, được thiết kế bởi Giám đốc Adebayo Adeleke vào năm 1981. Ảnh: Adebayo Adeleke

Bản vẽ kiến ​​trúc của thành phố Lagos được đề xuất bởi Giám đốc Adebayo Adeleke thiết kế vào năm 1981. Ảnh: Adebayo Adeleke

Trên thực tế, Eko Atlantic không phải là thành phố đầu tiên mà Lagos xây dựng trên biển. Dưới sự hợp tác với Bộ Năng lượng, Công trình và Nhà ở Liên bang, Tập đoàn Chagoury còn chịu trách nhiệm về mảnh đất nhân tạo được khai hoang trên Đảo Banana với danh xưng là “khu phố đắt đỏ nhất thế giới”. Dự án này mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho họ, ý tôi là nơi đây chứa tiền hối lộ. Tạp chí Forbes mô tả đảo Banana là “sân chơi độc quyền của giới thượng lưu Nigeria”, ngang hàng với “Quận 7 ở Paris, La Jolla ở San Diego, California và Shibuya ở Tokyo”. Trong số cư dân của đảo Banana, có Aliko Dangote là người giàu nhất châu Phi và Mike Adénúgà là người giàu thứ chín lục địa, còn có tổng thống hiện tại của Nigeria là ông Bọ́lá Ahmed Tinúbú và bà Ìyábọ̀ Ọbásanjọ́ là người vợ ghẻ lạnh của một cựu tổng thống. Ngoải ra, có cả Davido đến từ Lagos và bộ đôi anh em P-Square là hai trong số những nghệ sĩ âm nhạc đột phá nhất của Nigeria vào những năm gần đây và còn nhiều người nổi tiếng quốc tế khác.

Nếu Đảo Banana là đặc trưng của mô hình sở hữu độc quyền bất động sản ven biển thì khu ổ chuột ven biển điển hình sẽ là Makòko. Makòko nằm ở phía đông của đầm Lagos, ngay cạnh trung tâm thành phố Lagos và chỉ cách Đảo Banana vài ki-lô-mét. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu đến thăm Makòko bởi tôi chưa bao giờ đến đó. Nơi này sẽ thể hiện chính xác mức độ nghèo đói ở một quốc gia sống dưới mực nước biển mà hầu như không nhận được bất kỳ viện trợ nào. Tôi cũng muốn đến thăm Đảo Banana nhưng cần phải có người dẫn qua cổng vào và tôi lại không quen ai sống ở đó cả. Khi đi trên Cầu Đại lục Thứ ba, tôi đã từng trông thấy Makòko từ xa qua cửa kính xe của mình. Đây là một trong ba cây cầu nối Đảo Lagos – nơi hầu hết mọi người làm việc với đất liền – nơi hầu hết mọi người sinh sống.

Tác giả tại bùng binh Makòko năm 2023. Ảnh: Juliet Ezenwa Pearce

Do thừa hưởng gen Scotland từ mẹ, đặc biệt là bộ tóc thẳng, tôi luôn bị coi là một oyibo (ám chỉ người Da trắng) có rất nhiều tiền khi đang ở đất nước “Da đen” đông dân nhất thế giới nên tôi luôn phải cảnh giác trong lúc đi chung cùng một người bạn. Tôi đã liên hệ với một người bản địa tên là François thông qua Facebook. Có vẻ anh ta đang điều hành một tổ chức phi chính phủ nhưng tôi lại có cảm giác điều này là giả. François có một trang web chuyên dùng để bán món cá hun khói của vợ mình nên chúng tôi đã mua ủng hộ vì nhìn khá là ngon. Ông ấy hẹn gặp chúng tôi tại một “bùng binh” trên đất liền trước khi mạo hiểm bước vào đầm phá. Ngay khi xuống xe Bajaj do Mumbai sản xuất vào lúc 10 giờ sáng một ngày trong tuần, tôi và bạn mình đã thu hút sự chú ý của hai chàng trai địa phương đang ngồi rảnh rỗi trên hiên một quán bia vắng khách. Bọn họ tiến đến bắt chuyện rồi nhất quyết đòi hộ tống chúng tôi đến mép hồ nước, nơi chỉ cách chỗ này năm phút đi bộ, và yêu cầu mức giá N5000 (6,3 đô la Mỹ). Sau nhiều lần François cố gắng mặc cả, số tiền đã hạ xuống còn N3000. Ông đã đặt một chiếc thuyền cho chuyến tham quan của chúng tôi, nhưng khi mới chèo được vài thước thì lại bị chặn lần nữa. Khoảng chục thanh niên lướt trên hai chiếc ca nô dồn ép chúng tôi vào mỏm đất trong một lối đi hẹp. Một người trong số họ đang hút cỏ đã yêu cầu được biết lý do tại sao chúng tôi không thông báo gì ngay khi vào lãnh thổ “của họ”. Đây là một hành vi vi phạm và chúng tôi phải nộp N20.000 “tiền phạt”.

Nói chung, đây là mối nguy hiểm trước mắt ở Nigeria, vượt xa mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Ước tính gần một nửa trong số 220 triệu người của đất nước này ở độ tuổi dưới 24 (theo nhân khẩu học mà chúng tôi chia sẻ với Ấn Độ) và hơn một nửa số người đủ điều kiện làm việc đang thất nghiệp (theo số liệu của chính phủ). Con số này thấp hơn một chút so với bang Lagos bởi vì ngành công nghiệp ở đây mạnh hơn bất kỳ bang nào khác. Lagos tạo ra khoảng 10% GDP của đất nước, phần lớn thông qua cảng biển, nơi xử lý khoảng 80% tổng lượng hàng hóa vào Tây Phi. Bản thân Nigeria chiếm khoảng một nửa dân số của tiểu vùng, thậm chí, Lagos là nơi đặt trụ sở của nhiều ngành công nghiệp ở Tây Phi, đồng thời đó còn là trụ sở chính của hầu hết mọi công ty. Đó là lý do tại sao rất nhiều người đổ về đây, đặc biệt là giới trẻ khi mà nghề nông là lựa chọn duy nhất của họ ở quê nhà trừ khi họ nằm trong số ít người may mắn được chính phủ tuyển dụng. Những công việc này cũng được Lagos gián tiếp tài trợ; trong số 36 bang của Nigeria, Lagos là bang duy nhất thực sự nộp thuế cho liên bang.

Makòko ngày mưa năm 2023. Ảnh: Juliet Ezenwa Pearce

Một khu chợ ở Makòko năm 2023. Ảnh: Juliet Ezenwa Pearce

Rác ở Makòko năm 2023. Ảnh: Juliet Maja Pearce

Số lượng lớn thanh niên thất nghiệp là kết quả của việc người Anh xây dựng nền kinh tế Nigeria theo hướng khai thác thay vì sản xuất. Sau đó, họ đã nhường quyền kiểm soát cho một giai cấp thống trị khác bóc lột và chiếm đoạt cạn kiệt tài sản của đất nước. Từ năm 1960 đến năm 2005, ước tính có khoảng 20 nghìn tỷ USD đã bị đánh cắp khỏi kho bạc bởi những nhà cầm quyền. Như xát thêm muối vào vết thương, số tiền thu lại được từ hành vi trộm cắp vô lương tâm này đã không được trả về kho bạc. Ví dụ như các nhà tài phiệt Nigeria đang tài trợ 30 triệu USD mỗi năm cho việc học hành của con cái họ tại các trường nội trú đắt đỏ ở trung tâm của cường quốc thuộc địa cũ, chưa kể khối tài sản trị giá hơn 400 triệu USD ở Dubai và các nơi khác. Và thành phố Eko Atlantic đang được xây dựng theo mô hình tương tự như vậy. Trên thực tế, Dubai trước đây chỉ là một làng chài nhỏ trên bán đảo sa mạc nhưng ngày nay, nơi đây nổi tiếng đến mức cựu Chủ tịch Hạ viện cũng là Chánh Văn phòng Tổng thống đương thời của Nigeria đã đưa 100 người thân và bạn bè của ông tới đó để tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của mẹ mình một cách xa xỉ ngay cả khi “quần chúng” ở Lagos đang đói khổ. Điển hình là ở thời điểm hiện tại, những chàng trai trẻ đang van xin chúng tôi tiền. Có câu tục ngữ: “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Tuy nhiên, hành động này thực sự là do tác động của hoàn cảnh xã hội nên bạn khó có thể đổ lỗi họ.

Tôi không hề bực tức họ mà còn thể hiện bản thân mình là một người da trắng đầy quyền lực. Hơn nữa, có một số người đàn ông lớn tuổi đang quan tâm đến tình trạng khó khăn của chúng tôi lúc này. Tôi kể với một trong số họ rằng cha tôi vốn gốc Abẹ́òkúta ở bang Ògún lân cận, nơi chế độ phụ hệ vẫn lấn át mọi thứ ở Nigeria bất kể ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo hay tổ tiên của bạn là ai, do đó, tôi có thể tự do đi du lịch bất cứ nơi đâu. Nhưng, ngay cả khi tôi thực sự là người nước ngoài, đến một thành phố xa lạ, tôi cũng muốn được người dân chào đón một cách tử tế. Thậm chí, tôi còn bồi thêm một ít ngôn ngữ địa phương vào trong câu nói với họ: “Hãy nhìn tôi thật kỹ trước khi coi tôi là oyibo”. Điều này dương như đã thành công. Người đàn ông đấy cười và nói điều gì đó với các chàng trai. Sau đó, họ bảo rằng chúng tôi có thể tự do lên đường nhưng phải chắc chắn ghé thăm lại họ khi về. Và hai bên chia tay “thiện chí” với giá N5000.

Ngày Độc lập của Nigeria. Bên phải: Nghi lễ tập trung vào Ngày Độc lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1960. Ngài James Robertson, Toàn quyền Liên bang Nigeria, đứng cạnh Công chúa Alexandra xứ Kent và Ngài Al-haji Abubakar Tafawa Balewa, Tổng thống Nigeria, người sẽ bị sát hại trong cuộc đảo chính năm 1966. Ảnh: Crebolder. Bên trái: Grace Eromosele tại Royal Festival Hall, London, mặc trang phục ủng hộ nền độc lập của Nigeria. Ảnh: eBay

Quảng trường Độc lập ở Lagos được trang trí cho Ngày Độc lập những năm 1960. Ảnh: E. Ludwig cho John Hinde Studios

Tôi không muốn phóng đại mối nguy hiểm mà chúng tôi có thể gặp phải. Đối với một thành phố có tới 70% dân số được coi là nghèo, thực tế, có rất ít bạo lực xảy ra trên đường phố, mặc dù những gì diễn ra ở đồn cảnh sát lại là vấn đề rất khác. Các nạn nhân trong tình trạng nghèo đói tràn lan ngoài phố phải được kiểm soát thông qua sự đe dọa công khai để ngăn cản hành động quá mức của họ. Riêng cá nhân tôi, trong 30 năm kể từ khi trở lại sống ở đây, tôi chưa bao giờ bị cướp, ngoại trừ việc bị móc túi đúng một lần nhưng lỗi phần lớn thuộc về tôi. Điều này trái ngược với trải nghiệm của tôi ở Johannesburg, nơi có dân số bằng 1/5 dân số ở đây, tôi đã bị trấn lột giữa thanh thiên bạch nhật ở khu trung tâm thương mại cho dù bản thân dành nguyên một năm sống ở thành phố đó với nhiều hoạt động báo chí khác nhau. Hơn nữa, khi François quay lại thăm tôi hai tuần sau đó, tôi và bạn mình vui vẻ kể lại sự việc hôm đó. Anh ấy nôn nóng trấn an tôi rằng “những người lớn tuổi” đã khuyên răn “những người trẻ” và bọn họ hiện đang rất hối hận về hành động của mình.

Makòko trông giống như trong những video trên YouTube mà tôi đã phê duyệt, bao gồm cả video gần đây nhất “Bên trong khu ổ chuột lớn nhất thế giới ở Nigeria (Điên rồ)”, chủ yếu nội dung mang tính chỉ dẫn thực tế về lối sống vô lương tâm của con người trong các khu ổ chuột dưới góc nhìn “phương Tây”. Các khu này cũng khá phổ biến trên thế giới và là nơi ở của hơn một tỷ người trên toàn cầu. Bản thân tôi có lẽ đã quá quen với điều kiện sống của “Thế giới thứ ba”. Chỉ có một điều ngạc nhiên, đó là Makòko không có bất kỳ mùi khó chịu nào bởi mọi người đều đi vệ sinh thẳng vào cùng một đầm phá mà bọn trẻ con thường chèo thuyền và khéo léo nhảy từ xuồng này sang xuồng khác để bán hàng rong.

Học sinh tại Trường Tiểu học Một phần của Giải pháp ở Makòko năm 2023. Ảnh: Shemede Sunday

Theo François, hơn 80% số trẻ em này không được đến trường, 20% còn lại theo học cơ bản tại một trường có cái tên khiêm tốn là Trường Tiểu học Một phần của Giải pháp, được mở cửa vào năm 2015. Trong một thời gian ngắn, có một trường khác ở Makòko mang tên là Trường học Nổi đã gây tiếng vang khi giành được giải Sư tử Bạc tại cuộc thi Venice Biennale 2016. Đây là mô hình trí tuệ của kiến ​​trúc sư người Nigeria Kunlé Adéyẹmí có trụ sở tại Rotterdam. Trường học Nổi được hình thành như một “cấu trúc nổi nguyên mẫu”, vật liệu làm là gỗ và tre, trường được xây dựng như một phần khung chữ A có diện tích khoảng 1.000 feet vuông với 250 thùng nhựa để giữ cho ngôi trường nổi trên mặt nước. Tầng dưới cùng gồm một sân chơi với các lớp học ở tầng hai được bao bọc một phần bằng cửa chớp và bổ sung thêm một lớp học ngoài trời trên mái nhà. Ngôi trường có thể thoải mái chứa 100 học sinh và giáo viên. Đồng thời, có cả một số tính năng bền vững như pin mặt trời trên mái nhà, hệ thống hứng nước mưa và thứ quan trọng đối với địa phương là nhà vệ sinh ủ phân. Ủy ban Biennale ca ngợi đây là “một minh chứng mạnh mẽ…rằng kiến ​​trúc vừa mang tính biểu tượng vừa thực dụng, có thể nâng cao tầm quan trọng của giáo dục”. Nhưng đáng tiếc nhất là vào thời điểm nhận được vinh dự này, ngôi trường đã bị bỏ hoang do có dấu hiệu bất ổn và không lâu sau đã bị một cơn bão lớn phá hủy. Adéyẹmí cho biết điều này đúng như mong đợi bởi tòa nhà là nguyên mẫu, không phải là cấu trúc vĩnh viễn.

Trường Tiểu học Một phần của Giải pháp ở Makòko năm 2023. Ảnh: Shemede Sunday

Học sinh và giáo viên của Trường Tiểu học Một phần của Giải pháp ở Makòko năm 2023. Ảnh: Shemede Sunday

Trường Tiểu học Một phần của Giải pháp cao hai tầng và không nổi mà được hỗ trợ bởi những cây cột gỗ phổ biến cho tất cả các công trình kiến ​​trúc ở Makòko. Giống như họ, đối với tôi, ngôi trường trông có vẻ mỏng manh nhưng dường như vẫn có thể chứa được 354 học sinh và 9 giáo viên. Điều cần thiết là ngôi trường miễn học phí vì cha mẹ ở Makòko không đủ khả năng chi trả tiền học. Do đó, nơi này phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyên góp để tồn tại, chủ yếu tới từ các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài cũng như từ những người Nigeria có lòng hảo tâm. Chủ sở hữu Semede Sunday hy vọng sẽ mở rộng trường học, nhưng khả năng này phụ thuộc vào kế hoạch của chính quyền Bang Lagos cho khu vực và liệu một phiên bản mới của Eko Atlantic hay Đảo Banana sẽ đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn của Makòko.

Chính quyền đã từng nhắm Makòko làm mục tiêu gần đây. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2012, người dân đã được cảnh báo rằng bất kỳ công trình nào xây dựng bất hợp pháp sẽ bị phá bỏ trong 72 giờ. Và điều đó đã xảy ra. Chính phủ tuyên bố chỉ có “hàng trăm” người trở thành vô gia cư trong khi con số chính xác là 4.037 người. Tám năm sau, chính quyền bang chỉ triệu tập một cuộc họp với các nhà lãnh đạo cộng đồng và cấm phóng viên để thông báo với họ rằng một nhà thầu tư nhân đã được phê duyệt nhằm phát triển khu vực này, tuy nhiên đại diện cộng đồng không được phép xem bản kế hoạch. Họ được thông báo rằng “Chúng tôi ở đây để thông báo với các vị là nơi đó không thể tiếp tục như cũ nữa, sẽ có sự phát triển và tiến bộ”. Người dân có hai sự lựa chọn: tái định cư ở một khu vực khác của thành phố, hoặc bồi thường cho những người có “giấy tờ hợp lệ về tài sản của họ”. Rõ ràng đã xảy ra tình trạng căng thẳng tại cuộc họp vì người dân cho rằng một số nhà lãnh đạo cộng đồng đã nhận hối lộ để đổi bằng việc giúp thúc đẩy quá trình. Và ai có thể đổ lỗi cho họ? Hầu hết mọi người tin rằng dù thế nào thì chính phủ cũng sẽ thực hiện phá bỏ, vì vậy, tốt nhất hãy nhận bất cứ khoản tiền nào được trợ cấp. Đấu tranh chống lại việc trục xuất hầu như là vô ích bởi bạn có thể dễ dàng tiêu hết số tiền tiết kiệm được và dành phần lớn cuộc đời mình để ra tòa. Chính xác điều này đã xảy ra ở một nơi mới phát triển khác là vùng ngoại ô tên là Epe. Khoảng 12 năm trước, nhiều ngôi nhà ở đó bị phá hủy chỉ trong một ngày, và nạn nhân vẫn còn ra tòa khi tôi viết bài luận này.

Một ngày là khung thời gian thông thường cho việc phá hủy kiểu này và ngày đó thường diễn ra bạo lực vượt ngoài sức tưởng tượng. Vụ việc nổi tiếng nhất là vào tháng 7 năm 1990 tại Maroko, trong một khu ổ chuột trên đảo Victoria sau thông báo một tuần được công bố trên đài phát thanh, phụ nữ và các bé gái bị cưỡng hiếp, tài sản bị cướp phá, và một số người không rõ danh tính đã thiệt mạng trong tình trạng hỗn loạn khi chạy trốn qua đầm phá trên những chiếc ca nô gỗ với bất cứ tài sản nào họ có thể cứu được. Những người khác chết vì bị bỏ lại hay bị mắc kẹt giữa cơn mưa. Cư dân Maroko vào năm 1990 đã bị lừa dối một cách gian xảo tương tự như cư dân Makòko vào năm 2020 rằng họ sẽ được chuyển đến các khu nhà ở công cộng mà thực ra, việc này chỉ dành cho giới thượng lưu. Trong khi khuyến nghị quy hoạch tổng thể cho đô thị Lagos xây dựng 1,4 triệu đơn vị nhà ở từ năm 1980 đến năm 2000, thì con số thực tế được xây dựng là 140.000. Hiện tại, tiểu bang cần xây dựng 224.000 căn hộ mỗi năm trong mười lăm năm tới để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Một điều khó có thể xảy ra. Do đó, các khu ổ chuột ngày càng gia tăng.

Ngày họp chợ ở Moroko năm 1984

Vùng ngoại ô cao cấp Ikoyi ở phía trước và Đảo Victoria ở phía sau tại Lagos năm 2019. Ảnh: Reginald Bassey

Ngày nay, Maroko được coi là Phần mở rộng của Đảo Victoria, và những người nghèo duy nhất được nhìn thấy là những người hầu làm việc trong các biệt thự đã mọc lên kể từ đó. Liệu số phận của Makòko sẽ có gì khác biệt hay không vẫn còn phải chờ xem. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại khi những người biểu tình ôn hòa tập trung bên ngoài địa điểm tổ chức cuộc họp bí mật năm 2020, họ đã bị cảnh sát giải tán. François được thừa kế tài sản từ cha mình với đầy đủ bằng chứng xác định quyền sở hữu, nhưng anh ấy vẫn có chút lo lắng.

Cơn khát đất vô độ của Lagos đã gây tổn hại không chỉ cho các thị trấn ven biển mà còn cả đời sống thực vật sống dưới nước, bao gồm cả rừng ngập mặn ven biển và đầm lầy nước ngọt dọc theo các con sông lớn. Thông thường, các vùng đất ngập nước rộng lớn của Lagos sẽ giúp giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách kiểm soát xói mòn bờ biển, ngăn lũ lụt, nạp lại nước ngầm và nuôi dưỡng đa dạng sinh học. Theo các chuyên gia, hiện nay, chúng đang “có nguy cơ tuyệt chủng” và điều này ở đúng thời điểm mực nước biển được dự đoán sẽ dâng cao.

Vấn đề đặc biệt này có thể đã được ngăn chặn vào những năm 1970 khi Liên hợp quốc tổ chức một khuôn khổ đa phương để bảo vệ các vùng đất ngập nước. Mười một vùng ở Nigeria đã được công nhận và đặt dưới sự bảo vệ quốc tế, nhưng không có trường hợp nào ở Lagos, bởi vì chính quyền bang vẫn đang theo đuổi lợi nhuận có được từ việc cấp giấy phép cho các nhà phát triển bất động sản nên đã không cung cấp cho Liên Hợp Quốc các tài liệu cần thiết. Theo Olamide Udoma-Ejorh, Giám đốc Phát triển Sáng kiến ​​Đô thị Lagos, Bộ Môi trường đã tuyên bố rằng “bảo vệ vùng đất ngập nước là điều họ thực sự muốn xem xét”, ngoại trừ việc Bộ Quy hoạch cấp giấy phép và cho phép xây dựng thì không có bằng chứng nào cho thấy hai Bộ này phối hợp với nhau.

Rừng ngập mặn tại Trung tâm Bảo tồn Lekki năm 2013. Ảnh: dotun55 

Những con số đáng báo động. Theo hình ảnh vệ tinh, tại các đầm lầy ngập mặn nhiệt đới xung quanh Lạch Omu ở Eti-Osa, có một loại thảm thực vật phổ biến khắp miền nam Nigeria phần lớn vẫn còn nguyên vẹn vào năm 2005 nhưng đến năm 2021 đã giảm 60%. Các khu vực khác cũng có tình trạng tồi tệ không kém. Ở Akoka, một vùng ngoại ô giữa đất liền và Đảo Lagos, các vùng đất ngập nước đã giảm 19% từ năm 2013 đến năm 2022, giống như tình trạng đã xảy ra trong cùng thời kỳ ở Ajah, một khu vực giàu có của Đảo Lagos và ở Nam Ikorodu, hướng về đông bắc, nơi có chung ranh giới với Bang Ògún lân cận. Ở Badagry, một thị trấn ven biển biên giới đồng nghĩa với nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, 29% vùng đất ngập nước đã biến mất từ ​​năm 2013 đến năm 2021. Trường hợp đáng báo động nhất là ở Bán đảo Lekki đang phát triển nhanh chóng, nơi diện tích vùng đất ngập nước đã giảm 42% trong mười năm qua.

Ít nhất ở Lekki có hai bức tường thành chống lại sự xuống cấp hơn nữa. Đầu tiên là Khu bảo tồn động vật và lâm nghiệp đô thị Lekki, một công ty liên doanh tư nhân của nhà bảo vệ môi trường Desmond Majekodunmi trên diện tích 20 ha tại nơi từng là vùng đất hoang dã nhưng giờ đây là một ốc đảo trong một thành phố đang mở rộng. Mục đích là bảo tồn “môi trường sống tự nhiên ở các khu vực đô thị để sử dụng như một phòng thí nghiệm hiện trường nhằm tương tác và học hỏi từ thiên nhiên”, “giải quyết vấn đề hạn chế về không gian xanh ở các khu vực đô thị như Lagos”“giáo dục cho người dân hiểu rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thông qua học tập thực tế”. Khu còn lại có diện tích lớn hơn nhiều là Trung tâm Bảo tồn Lekki nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên, đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm linh dương bụi rậm, linh dương hoẵng Maxwell, cầy mangut, tắc kè hoa, cá sấu, khỉ Mona, sóc, rắn, kỳ đà, thằn lằn, chuột khổng lồ và lợn, cũng như nhiều loài chim ấn tượng, tất cả đều khá kỳ quái giữa quá nhiều hỗn loạn của đô thị. Những con khỉ Mona không hề ngại ngùng trước con người và tôi đã tận mắt chứng kiến ​​khi vượt qua lối đi có mái che dài 401 mét của Trung tâm Bảo tồn, lối đi dài nhất ở Châu Phi.

Tác giả tại Trung tâm Bảo tồn Lekki năm 2023. Ảnh: Juliet Ezenwa Pearce

Ao tại Trung tâm Bảo tồn Lekki năm 2015. Ảnh: Clara Sanchiz/RNW

Khỉ Mona tại Trung tâm Bảo tồn Lekki năm 2014. Ảnh: dotun55 

Đây là những dự án kinh doanh cá nhân có quy mô tương đối nhỏ. Với quyền lực và thẩm quyền trong tay, chính quyền Bang Lagos có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng họ lại chú trọng nói hơn là hành động. Một cách làm thường thấy của chính phủ ở Nigeria, tất cả chỉ là hữu danh vô thực. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 9 ở Lagos vào năm 2022, Phó Thống đốc Tiến sĩ Ọbáfẹ́mi Kadri tỏ ra nghiêm túc thừa nhận thực tế về biến đổi khí hậu, vốn “đang ở đây và bây giờ với chúng ta, ảnh hưởng đến mọi cộng đồng ở mọi quốc gia, trên mọi châu lục”. Ông thừa nhận rằng “không hành động trước tình trạng biến đổi khí hậu tàn khốc là một lựa chọn thiếu khôn ngoan”“chắc chắn ai cũng bị ảnh hưởng”, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất: “Phụ nữ, Trẻ em, Người khuyết tật, người nghèo”. Những con người này (được viết hoa theo phiên bản đã xuất bản của bài phát biểu, để nhấn mạnh cam kết của Kadri đối với những người kém may mắn hơn trong chúng ta) “có khả năng phải gánh chịu hệ quả nặng nề từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”. Vậy anh ấy đang đề xuất điều gì? Khi mà Lagos không ngăn cản sự lấn chiếm bờ biển, cũng không bảo vệ các vùng đất ngập nước còn lại, thay vào đó là triển khai các dịch vụ phà trên toàn tiểu bang, nhờ khoản tài trợ gần đây của chính phủ Vương quốc Anh theo sáng kiến ​​Thành phố Tương lai Nigeria nhằm “hỗ trợ thêm cho những nỗ lực của chúng tôi để cung cấp một mạng lưới giao thông đa phương thức thực sự cho Lagos, nhờ đó giảm lượng khí thải nhà kính liên quan đến vận tải đường bộ.”

Đừng hiểu sai ý tôi: sáng kiến về ​​phà không phải là điều không được hoan nghênh. Mặc dù thực tế, vị trí của Lagos nằm trải dài ven biển nhưng mạng lưới giao thông đường thủy phát triển chưa tốt. Những tuyến đường thủy có thể cho phép thuyền di chuyển nhanh chóng lại được quy hoạch sang tuyến đường dài hơn gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Cơ quan Quản lý đường thủy bang Lagos (LASWA) tự hào có “hơn 42 tuyến phà…với 30 cầu cảng và bến thương mại trải dài khắp ba quận” nhưng họ không hề có phà. Cơ quan này chỉ chịu trách nhiệm “điều phối và quản lý các cải cách cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển lâu dài của giao thông đường thủy ở Bang Lagos”, cụ thể là “cấp giấy phép phà và nhượng quyền vận hành các tuyến phà và bến phà cho khối tư nhân”. Tôi nghi ngờ rằng mục đích duy nhất của cơ quan này là bòn rút tiền bỏ vào túi riêng của họ. Tuy nhiên, việc đó không thể xác nhận được vì đương nhiên Nhà nước “không công bố ngân sách chi tiết, báo cáo thực hiện ngân sách, báo cáo kiểm toán hoặc các tài liệu quan trọng khác cần thiết cho việc đánh giá một cách toàn diện, độc lập”. Cơ sở hạ tầng của Lagos càng xuống cấp và thiếu thốn thì nhà nước càng tỏ ra kém minh bạch.

Cổng thu phí Lekki ở Lagos năm 2019. Ảnh: AttahJO

Đường cao tốc Lagos năm 2019. Ảnh: Factual Evolution Media 

LASWA đã cấp phép cho một số chuyến phà thương mại có quá trình bảo trì kém lại chở quá tải hành khách và chúng được vận hành bởi những chủ sở hữu thiếu kinh nghiệm, mà đôi khi họ còn bị lạc trong các con lạch. Thậm chí, một số chiếc phà còn bị hỏng giữa chừng khiến hành khách mắc kẹt mà không có áo phao. Và hầu hết, người Lagos không biết bơi vì có rất ít hồ bơi công cộng và không có lớp học bơi nào, ngoại trừ ở những trường học đặc biệt nhất. Kết quả là đại đa số hành khách cần di chuyển giữa cảng Apapa và khu trung tâm thương mại trên Đảo Lagos với khoảng cách hai km xuyên qua một con đầm thì họ sẽ phải kiên nhẫn với việc con phà “đi chậm” mười lăm dặm trên những con đường có ánh sáng rất yếu. Phó Thống đốc vẫn chưa tìm ra được phương án giải quyết cho vấn đề này. Có lẽ đó là một dấu hiệu xấu khi các ứng dụng chia sẻ chuyến đi đã khiến phần lớn taxi truyền thống của Lagos ngừng hoạt động. Uber đã đưa ra kế hoạch thử nghiệm kéo dài hai tuần về việc tham gia kinh doanh phà vào cuối năm 2019 (UberBOAT) nhưng kể từ đó vẫn chưa được ai biết đến.

Vì vậy, nhu cầu về dịch vụ phà là có thật. Tuy nhiên, sự thật là nguồn tài trợ rõ ràng duy nhất cho dự án này chủ yếu đến từ chính phủ của quốc gia đã từng cai trị Nigeria và một phần sẽ đến từ khu vực tư nhân. Dịch vụ phà như một giải pháp hoàn hảo để giải quyết hầu hết những vấn đề khó khăn do biến đổi khí hậu mang lại. Giống như dự án nhà ở cộng đồng, chính quyền ở cấp quốc gia, tiểu bang hay địa phương cũng đều không quan tâm đến người nghèo bởi họ là những người duy nhất cần phà còn những người giàu đều sở hữu tàu cao tốc riêng và không lo sợ bị tai nạn dẫn đến tử vong ở bất kỳ hình thức giao thông công cộng nào.

Tòa nhà Cơ quan Quản lý đường thủy bang Lagos ở Ikoyi năm 2019. Ảnh: Johnbrainyvisuals (Ogedengbe Tobi John)

Trẻ em ở Makòko năm 2023. Ảnh: Shemede Sunday

Những sự việc đang xảy ra được coi là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở dạng thuần túy nhất. Điều này không dựa trên thần thoại về “chủng tộc” (tuy nhiên, chỉ có một chủng tộc mà tất cả chúng ta đều thuộc về, đó là “truyền thuyết về màu sắc” theo cách nói của James Baldwin) hoặc bất kỳ “chủ nghĩa chính thống nhỏ hôi hám” nào khác (trích dẫn George Orwell), mà chỉ liên quan đến tiền. Chế độ phân biệt chủng tộc ở Lagos rất đơn giản và phổ biến: nếu có tiền thì bạn có quyền, còn nếu không có tiền thì bạn đừng khó chịu. Việc bạn kiếm được tiền bằng cách nào, Na you sabi, tức là đó là việc của bạn.

Tuy nhiên, bản thân người dân cũng phải chịu một số trách nhiệm về tình trạng môi trường của chính họ. Ví dụ là những túi “nước tinh khiết” không thể phân hủy, phổ biến ở khắp mọi nơi, được tám trên mười người dân Lagos tin dùng khi không có nước uống sạch từ vòi nước chỉ chảy ngắt quãng. Những túi nhựa này chiếm một tỷ lệ lớn trong số 10.000 tấn rác thải không thể tái chế mà Lagos thải ra hàng ngày. Đi bộ xuống bất kỳ con phố nào hoặc lái xe phía sau bất kỳ phương tiện nào thì bạn sẽ thấy mọi người ném những túi rỗng này ra vỉa hè và đường phố, cả vào hệ thống cống rãnh hở gây ra tình trạng lũ lụt khi chính phủ chậm trễ trong việc dọn sạch rác. Từ các máng nước, rác thải đi vào các kênh rạch chảy ra Đại Tây Dương, gây ô nhiễm cá da trơn, cá rô phi và cá thu được đánh bắt tại địa phương và bán ra chợ.

Lũ lụt hàng ngày trên đường Admiralty của Bán đảo Lekki, giữa Đảo Banana và Đảo Victoria năm 2014. Ảnh: Ian Cochrane

Nước chảy bên dưới một con phố lân cận ở Lagos năm 2009. Ảnh: Satanoid 

Người dân thành phố có vẻ thờ ơ một cách kỳ lạ với vấn đề này và có những người còn thích thú với chúng. Có lẽ vì đại đa số bọn họ rời đi từ những ngôi làng nông thôn mà đến đây. Thành phố Lagos được nhiều người trẻ coi là nơi thuận tiện để dừng chân trên con đường đến một nơi khác. Cứ như thể họ là du khách chứ không phải cư dân. Đó là lý do tại sao ngay cả khi nhà nước đưa ra giải pháp, người dân vẫn không quan tâm. Trong vài năm đầu tiên sau khi trở lại chế độ dân chủ, Lagos đã phát động sáng kiến ​​trồng cây quy mô lớn để giúp chống lũ lụt bởi cây xanh giúp giảm đáng kể tốc độ dòng chảy của nước mưa. Một con số ấn tượng là có 9,6 triệu cây đã được trồng từ năm 2010 đến năm 2020 nhưng hầu hết mọi người vẫn chế giễu. Tất cả những gì bạn nghe lúc đó là tôi đi hái hoa, tức là tôi không thể ăn được chúng. Các hộ gia đình được khuyến khích trồng ít nhất một cây trong khuôn viên nhà mình nhưng rất ít người tuân thủ. Quả thực, trong khu phố gồm mười bốn khu nhà, chỉ có hai người chúng tôi tuân theo chỉ thị.

Chưa hết, Lagos còn có ý chí kiên định không thể phủ nhận được. Nơi đây có thể nói là thủ đô sáng tạo của lục địa Châu Phi. Lagos là trụ sở chính của Nollywood, ngành công nghiệp điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ của Nigeria và tôi không thể đếm được số lượng các cuộc triển lãm nghệ thuật đang diễn ra vào mọi thời điểm nào. Chi hội Lagos của Hiệp hội các tác giả Nigeria cho đến nay là chi hội lớn nhất trong nước. Ngoài ra, họ còn có nền thời trang đang bùng nổ với những buổi trình diễn quốc tế lớn mỗi năm. Nền âm nhạc của Lagos thậm chí còn chinh phục “phương Tây”, bao gồm cả New York. Sự sáng tạo bùng nổ của thành phố hoàn toàn trái ngược với độ nghẹt thở của nạn nghèo đói. Tóm lại, mọi người làm việc riêng của họ và cư xử tồi tệ với chính phủ cũng như các đối tác kinh doanh tham nhũng.

Điều này trước hết rất nguy hiểm khi một chính phủ hoàn toàn bị người dân coi là không phù hợp cho họ. Trên khắp đất nước, những thanh niên nhàn rỗi ngày càng tự mình giải quyết vấn đề bằng cách bắt cóc và tống tiền theo ý riêng của họ hoặc nói một cách dễ nghe hơn là phản đối Đội chống cướp đặc biệt của Nigeria – một đơn vị tuần tra từ lâu đã bị bắt giữ, trừng phạt và tra tấn mà không được miễn xá tội. Vào cuối năm 2020, những người biểu tình ôn hòa đã bị bắn bằng đạn thật vì rắc rối mà họ gây ra và 12 người đã thiệt mạng. Giai cấp thống trị biết rõ rằng người trẻ đầy hoài bão đang cảm thấy chán nản nên họ phải đi khắp nơi, vì vậy, bạo lực quá mức và các cộng đồng khép kín ngày càng phức tạp hơn. Người giàu ở Nigeria rõ ràng mong muốn được bảo vệ vì họ biết chính xác điều gì sắp xảy ra và chính họ là người đã kêu gọi điều đó.


Tác giả
Adéwálé Májà-Pearce

Biên tập
Vũ Toàn Thắng