Tam quan đình Phú Hữu (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Kiến trúc dân gian trong chùa làng và đình làng

Nội dung trích từ cuốn “Văn nghệ dân gian Hà Tây “ của nhóm tác giả
Dương Kiều Minh – Yên Giang – Minh Nhương – Đoàn Công Hoạt.

Đều là những công trình kiến trúc của làng xã, nhưng thuật ngữ kiến trúc tôn giáo dùng để chỉ những ngôi chùa làng thờ Phật, những ngôi quán thờ Tam thánh Đạo giáo, còn thuật ngữ kiến trúc tín ngưỡng dùng để chỉ những ngôi đình làng thờ thành hoàng, các ngôi đền, các ngôi miếu thờ vong linh các vị anh hùng có công với làng, với nước, các ngôi am thờ thần, quỷ hoặc vật thiêng. Đó là chưa kể các ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo. Bên cạnh đó các ngôi nhà thờ tổ của các dòng họ, cũng thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng tổ tiên của người Việt.

Dù có những chức năng thờ cúng khác nhau, nhưng các công trình kiến trúc tôn giáo và kiến trúc tín ngưỡng lại khá thống nhất trong một phong cách nghệ thuật kiến trúc dân gian. Sự thống nhất đó được thể hiện rõ ở việc lựa chọn địa hình, địa thế, lựa chọn vật liệu kiến trúc, tổ chức không gian kiến trúc, kết cấu các thành tố kiến trúc, trang trí kẻ vẽ đắp nện…

Lựa chọn địa hình, địa thế

Đối với một cộng đồng cư dân thì công trình kiến tạo một ngôi chùa, một ngôi đình là một sự kiện hết sức hệ trọng. Việc chọn lựa địa hình, địa thế tọa lạc công trình là bước khởi đầu không thể thiếu. Tùy theo địa hình, địa thế từng địa bàn, mà người ta chọn nơi xây dựng công trình sao cho hợp lý nhất, để tôn vinh phong thể cộng đồng. Xuất phát từ quan niệm địa linh sinh nhân kiệt, xuất phát từ thuyết phong thủy, người dân thường chọn vị trí cho ngôi chùa, ngôi đình ở nơi thắng địa. Nơi thắng địa ấy, có thể là một dải đất gần sông, được đặt tên là đất giao long, hoặc một vùng đất nhô trên mặt ruộng, được mệnh danh là thế đất kim quy. Người dân tin rằng: nếu xây cất được ngôi chùa hoặc ngôi đình tại nơi thắng địa ấy thì làng xóm trở nên giàu có, thịnh vượng, bền vững, lâu dài.

Ở những vùng gần núi, gần sông, có những hình khe thế đá lạ kỳ, người ta đặt những tên như: Hàm rồng, mắt rồng hoặc quần long tranh châu, giao long hí thủy và xây cất những công trình tại nơi đó. Thường thì ngôi đình đứng ở vị trí đầu làng, chùa, đền, miếu liền nhau, tạo nên một quần thể di tích văn hóa nghệ thuật. Những làng quê dọc theo các dòng sông, thường có những ngôi đình hoặc ngôi chùa tọa lạc bên bờ sông, có cây cao bóng cả, có cảnh quan thanh u, yên tĩnh. Những làng quê vùng triền đồi sườn dốc bán sơn địa lại có những công trình kiến trúc bên sườn đồi dốc vắng. Sau khi lựa chọn thế đất, người dân còn chọn hướng cho công trình kiến trúc, vì nếu chọn hướng không chuẩn theo quan niệm dân gian sẽ bất lợi cho sức khỏe hoặc thuần phong mỹ tục của cả làng.

Ca dao xưa có câu: “ Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt chứ mình em đâu”, đủ nói lên tầm quan trọng của công việc định hướng này.

Chùa Vô Vi
Xã Phụng Châu, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Ảnh: Triệu Chiến

Địa thế chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Tổ chức không gian kiến trúc

Tùy theo khả năng huy động tài chính, nguyên vật liệu và trình độ thẩm mỹ, người dân thường hoạch định một không gian kiến trúc nào đó cho công trình tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng của riêng làng xã mình. Không gian kiến trúc của công trình được nêu lên ở đây bao gồm các hạng mục phải xây cất cho phù hợp với cảnh quản, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa nhiều mưa dầm nắng lửa, nhiều bão lốc và độ ẩm cao. Tuy nhiên vì cùng quần cư trên một vùng địa hình, lịch sử tương tự nhau, cùng một mục đích thờ cúng tôn giáo và tín ngưỡng cộng đồng, nên nhìn chung không gian kiến trúc của ngôi chùa, ngôi đình làng này lại hao hoa gợi nhớ không gian kiến trúc một ngôi chùa hoặc ngôi đình nào gần đó.

Nét kiến trúc Đình Phú Hữu (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Hơn nữa người dân các làng xã thường kết giao, học hỏi và bắt chước kiểu dáng của nhau, hoặc do chính các hiệp thợ nề, thợ mộc, thợ ngõa dân gian nào đó, sau khi hoàn tất công trình kiến trúc tương tự của làng này, lại bắt tay động thổ một công trình kiến trúc của làng khác. Đó là một thực tế, đã từng diễn ra trong lịch sử kiến trúc nghệ thuật dân gian, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nói chung, cũng như ở Hà Tây nói riêng.

Các hạng mục của một không gian kiến trúc làng xã có thể kể ra như sau: tam quan, trụ biểu, cổng mã, gác chuông, gác khánh, phương đình, nhà tiền tế, nhà đại bái, tòa hậu cung, tòa thượng điện, nhà cầu, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, điện thờ mẫu, hành lang, nhà khách, nhà tổ, vườn tháp, giếng , ao… Tùy từng công trình, tùy theo địa phương, mà không gian kiến trúc, có thể có hạng mục này và không có hạng mục kia, hoặc đổi chỗ hoặc thay thế lẫn nhau.

Đối với những ngôi chùa lớn, có tính chất đại danh lam, hoặc những ngôi đình lớn nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc, thì không gian kiến trúc trở nên phong phú, đa dạng, có thêm nhiều các hạng mục phụ trợ biểu trưng khác nhau, chứa đựng nhiều yếu tố triết lý nhân sinh và nghệ thuật điêu khắc trang trí đặc sắc. Mặc dù vậy, về mặt tổng thể các cấu trúc dân gian làng xã xưa nay thường theo những dạng thức tương tự nhau, theo thói quen xây cất trang trí hơn là theo các bản vẽ tỉ mỉ công phu của các nhà chuyên môn. Các cấu trúc đơn giản nhất là theo dạng chữ Nhất, chỉ bao gồm một ngôi nhà mái chảy duy nhất, bao hàm cả nơi thờ cúng và nơi hành lễ, sửa lễ. Đó là cấu trúc của những am thờ, miếu thờ hoặc chùa làng nhỏ còn nghèo ở buổi sơ khai. Các cấu trúc phổ biến hơn, gồm hai ngôi nhà gắn với nhau tạo thành hình chữ Đinh, còn gọi là chuôi vồ và hình chữ Công, còn gọi là ống muống. Các cấu trúc này bao gồm một nhà đại bái, một tòa hậu cung hoặc tòa thượng điện đơn giản thuận tiện, phù hợp với thời gian thi công không kéo dài. Còn đối với những ngôi chùa lớn đại danh lam hoặc những ngôi đình lớn, thì cấu trúc chủ yếu theo kiểu nội công ngoại quốc, bao ngoài những dãy nhà liền khối, ở giữa có cấu trúc chữ Công, chữ Nhị, chữ Tam, chữ Vương…Với các cấu trúc này, toàn bộ không gian của công trình, đã được đẩy lên tới mức hoành tráng đồ sộ, trở thành những điểm nhấn giữa một vùng quê phẳng lặng và đơn điệu, giữa màu xanh của lúa và lũy tre làng. Cũng như đã đề cập đến ở phần mở đầu, không gian kiến trúc công trình làng xã, cũng phải trải qua một thời gian khá dài, có khi đến hàng thế kỉ, mới dần hoàn chỉnh và có một diện mạo riêng biệt.

Chùa Keo Thái Bình (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) thiết kế theo mô hình hai chữ Công lồng trong chữ Quốc mà ít thấy ở các chùa khác.
Ảnh: Triệu Chiến

Tổ chức các thành tố kiến trúc

Tam quan, ngũ quan, cổng mã, cổng chùa, là đơn vị phía ngoài cùng của bất kỳ một ngôi chùa hoặc ngôi đình nào. Cũng như việc vào nhà phải vào cổng, việc vào chùa, vào đình cũng vậy. Đối với hầu hết các ngôi chùa, ngôi đình thì cổng Tam quan là một thành tố quan trọng hàng đầu có tính chất bộ mặt, tính chất biểu tưởng của một công trình kiến trúc. Vì vậy người ta thường đầu tư cho thành tố này, nhiều công sức, tiền của, vật liệu để nêu bật cái sự bề thế, vẻ trang trọng của công trình đó. Tam quan theo triết lý của Phật, biểu hiện tư duy triết học sâu sắc. Tam quan có 3 cửa, 1 cửa lớn ở giữa, 2 cửa nhỏ 2 bên, mái lợp ngói mũi hài, hoặc ngói hình ống, trên có tầng lầu, có thể có gác chuông, gác khánh, gác trống, trên nóc có hình rồng phượng, các trụ biểu có nghê, hoa, tứ phượng, câu đối…Nhiều cổng tam quan đồ sộ, hoành tráng , như cả một công trình vĩ đại. Tuy gọi là Tam quan nhưng cũng có Tam quan có 5 cửa quan: 3 cửa chính và 2 cửa ngách.

Tam quan đình Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Lược sử mỹ thuật kiến trúc của tác giả Nguyễn Phi Hoang từng nhắc đến hai Tam quan đẹp của kiến trúc thời Hậu Lê trên đất Hà Tây. Đó là Tam quan đình Hà Hồi, Tam quan chùa Dành (huyện Thường Tín). Ngoài ra ở Hà Tây cũ hiện có nhiều cổng Tam quan nổi tiếng đẹp về quy mô kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, như Tam quan chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai), gác chuông chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), gác chuông chùa Đậu, Tam quan đình Khê Hồi, tam quan đình Bạch Liên (huyện Thường Tín). Những Tam quan đình chùa ấy có quy mô bề thế, tạo dáng cho cả một công trình kiến trúc đồ sộ. Bên cạnh đó, người dân các làng xã, thường đặt các công trình kiến trúc bên một hồ nước, cạnh một chiếc ao đình, giếng đình, để soi bóng nhân đôi. Tuy là bộ mặt biểu trưng của các công trình kiến trúc, song Tam quan thường là đơn vị được xây dựng sau cùng, khi toàn bộ nhà đại bái hoặc chính điện của công trình đã được hoàn tất.

Ngũ không môn chùa Bối nhìn từ gác chuông Tam quan của chùa (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Tuy nhiên, công trình kiến trúc chính của một ngôi chùa làng, hoặc đình làng lại chính là nhà đại bái. Đây là một ngôi nhà lớn, tọa lạc ở chính giữa không gian kiến trúc làng xã, tập trung gần như toàn bộ tài lực và trí tuệ của cộng đồng cư dân. Nhìn bề ngoài, nhà đại bái có một bộ mái chảy rộng, phẳng, hơi trũng giữa, rồi cong dần lên ở các góc mái và rìa mái, như một cánh diều. Nhìn bên trong, hệ thống vì kèo, cột cái, cột con, xà ngang, xà dọc, xà nách, liên kết bằng các loại mộng có cấu trúc lòng thuyền úp ngược. Đây là kiểu cấu trúc mang tính chất dân tộc, phù hợp với thị hiếu của cư dân vùng đồng bằng sông nước. Tùy theo các kiểu cấu trúc, mà bộ mái có các dạng tường hồi bít đốc tay ngai, đầu đao góc mái … Đối với một số ngôi chùa có niên đại xa xưa, còn có xuất hiện kiểu vì kèo chữ thập. Toàn bộ bộ mái, bộ vì kèo, bộ xà ngang xà dọc đều dựa trên hàng cột cái, cột con chịu lực và tường bao quanh. Hàng cột chịu lực phải là loại gỗ tứ thiết, chủ yếu là loại gỗ lim có đường kính chân cột to hơn một người ôm, được định vị trên hòn chân tảng bằng đá xanh có hoa văn trang trí, cách điệu. Ngày nay vì thiếu gỗ lim loại lớn, nên người dân có thể dùng cột xi măng bê tông cốt thép, để làm hệ thống chịu lực của một ngôi chùa hoặc một ngôi đình. Bên cạnh đó, hệ thống hiên nhà, cửa bức bản và tường bao quanh, cũng tạo thêm quy mô bề thế cho nhà đại bái. Đối với mỗi công trình kiến trúc dân gian tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng cư dân từ xưa đến nay, đều là biểu tượng cho quê hương muôn thương ngàn nhớ.

Tiền đường chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến

Đối với công trình kiến trúc dân gian một ngôi chùa làng, thì vườn tháp, lăng mộ lại là một đặc trưng tiêu biểu. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bá Lăng, trong sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì lịch sử cây bảo tháp Việt Nam và Trung Hoa có nguồn gốc từ cây phù đồ Ấn Độ, vốn là một mô hình một ngôi mộ lớn, có đường chạy đàn bao quanh, để đọc kinh tụng niệm. Qua thời gian và không gian, hình mẫu cây phù đồ biến đổi thành ngọn bảo tháp, thâm nhập vào các chùa chiền ở Trung Quốc và Việt Nam, tạo cho ngôi chùa một sắc thái mới, khác với các vương phủ, công sở hành chính. Từ đầu thế kỷ III sau CN, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên – chùa Dâu – được xây dựng ở thủ phủ Luy Lâu, nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, đã từng xây dựng ngọn tháp cao đến 9 tầng. Cũng vào thời điểm đó, ngôi chùa Đậu ở làng Gia Phúc, nay thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, cũng được khởi dựng và chắc cũng đã dựng bảo tháp. Cho nên, vào đầu thế  kỷ VII, khi vua Tùy Văn Đế sức cho Giao Châu đã có đến 20 ngọn bảo tháp và 150 ngôi chùa hoặc tịnh xá. Vì vậy có thể nói kiến trúc bảo tháp ở các làng xã Việt Nam đã có từ rất lâu đời và là một thành tố không thể thiếu trong các ngôi chùa làng. 

Hai ngọn tháp bên trong tổ đình Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Triệu Chiến

Hiện nay, hầu hết có ngôi chùa làng ở Hà Tây, đều có ít nhất một ngọn bảo tháp hình vuông, hình lục giác hoặc hình tròn cao từ 3 – 5 tầng. Hầu hết các ngọn bảo tháp ở chùa làng đều có chứa hài cốt của các vị sư trụ trì. Cho nên về mặt ích dụng, thì ngọn bảo tháp chính là ngôi mộ của các vị sư đã qua đời và là nơi đặt bát hương tưởng niệm. Nhưng về mặt kiến trúc dân gian thì sự vươn cao của các ngọn bảo tháp, thể hiện sự tương phản giữa chiều ngang bình diện của khuôn viên ngôi chùa và chiều cao của ngọn bảo tháp.

Sự vươn cao như thế, lại thể hiện được ý chí chiếm lĩnh không gian, nêu một cái đích xa rộng, một ý chí vươn lên, một tư tưởng và một triết lý cao siêu. Cho nên nói đến nghệ thuật kiến trúc dân gian của một ngôi chùa làng, thì không thể không nói đến nghệ thuật kiến trúc vườn tháp, lăng mộ của ngôi chùa đó.

Chi tiết một chân cột bằng đá nguyên khối bên trong đình Cam Đà (Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Triệu Chiến