Bức khảm bằng nhựa và đá của Zurab Tsereteli trông như một tác phẩm nghệ thuật nhưng không chỉ có vậy, đó là một điểm dừng xe buýt có đầy đủ chức năng. Những điểm dừng kiểu này phổ biến hơn chúng ta nghĩ.
Nhiếp ảnh gia người Canada Chris Herwig đã đi khắp Liên Xô cũ và chụp hàng trăm điểm dừng xe buýt trong 12 năm, tập tư liệu này về sau được xuất bản thành cuốn sách “Trạm dừng xe buýt Xô Viết”.
Herwig lần đầu chú ý đến những trạm dừng như này khi ông đạp xe từ London đến Moscow vào năm 2002. Bức ảnh đầu tiên của ông là một trạm dừng có kiến trúc hình chữ nhật đơn giản ở vùng Trung Á. “Những thứ này thực sự khác biệt và lạ thường,” ông nhớ lại. Herwig nhanh chóng phát hiện ra rằng đây không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần. Những trạm dừng xe buýt được trang trí công phu nằm rải rác trong khu vực, làm nổi bật đường chân trời Xô Viết cũ.
Ông đã chụp hơn 9.000 bức ảnh tại 150 điểm dừng xe buýt ở 13 quốc gia khác nhau để đưa vào cuốn sách. Hầu hết những bức ảnh đều tình cờ chụp được trong khi ông đang tác nghiệp cho các ấn phẩm khác. Số còn lại do ông chủ đích tìm kiểm, đi theo lộ trình điểm dừng trên Google.
“Tôi hiếm khi tìm thấy thứ gì thú vị trong thành phố.” Các cấu trúc tỉ mỉ nhất thường nằm ở vùng nông thôn, nơi chúng là điểm dừng chân duy nhất cho cả quãng dài. Herwig kể, nhiều công trình là của cục giao thông và phần lớn được xây dựng vào những năm 70, khoảng thời gian Liên Xô tập trung vào kiến trúc thô mộc.
Trong một cuộc trò chuyện cùng Herwig, kiến trúc sư người Belarus Armen Sardarov giải thích rằng giao thông vận tải là niềm tự hào của Liên Xô trước đây, đó là một phần lý do vì sao các kiến trúc sư có rất nhiều cơ hội. “Chúng tôi sống trong thế giới xã hội chủ nghĩa. Ở đó, giao thông cá nhân không được khuyến khích, chúng tôi không có xe hơi trên quy mô lớn. Toàn bộ hệ thống dựa trên các tuyến xe buýt… chúng chạy khắp liên bang.”
Theo cách đó, các bến xe buýt gần giống như linh vật kiến trúc của mỗi ngôi làng. Chúng phản ánh môi trường xung quanh thông qua vật liệu, màu sắc và hình dạng. Ví dụ, tại Belarus, nhiều trạm dừng xe buýt được dân làng xây dựng và kết hợp đá vụn. Ở Estonia, hầu hết được làm từ gỗ. Những trạm khác – giống như các thiết kế của Tsereteli dọc theo bờ biển Xô Viết – được trang trí công phu hơn. Tuy vậy những kết cấu này không ưu tiên cho tính kiến trúc, ngân sách xây dựng thấp đã khuyến khích tự do và sáng tạo về thẩm mỹ. “Người dân có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”. Herwig cho hay.
Chính sách này dẫn đến một số hình dáng trông thực sự kỳ lạ. Một trạm dừng xe buýt ở Taraz, Khazakstan là tấm thép gấp được dựng lên bằng hai chân và có hình dạng giống như tàu vũ trụ. Một cái khác, ở Rokiskis, Litva, là một hình chữ nhật bê tông đơn giản được sơn màu vàng neon và xanh lá cây. Ít thực tế nhất trong số chúng là một kiệt tác khác của Tsereteli ở Abkhazia, có một băng ghế với cấu trúc mở giống như vương miện. Tuy vậy, có nhiều điểm dừng mà sẽ chẳng ai muốn dựa vào trong mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt của khu vực, nhưng như Tsereteli đã giải thích khi được hỏi về tính thực tế của các điểm dừng xe buýt do ông thiết kế, chức năng chưa bao giờ là vấn đề: “Tôi không thể giải thích vì sao không có mái che”, ông nói. “Vì sao thế này, vì sao thế kia, đó lại là vấn đề của mọi người. Là một nghệ sĩ, tôi phải làm mọi thứ một cách nghệ thuật.”