Năm 1962, khi đang thiết kế Tòa nhà Quốc hội ở Bangladesh, Louis Kahn đã được kiến trúc sư người Ấn Độ Balkrishna Doshi đề nghị thiết kế Viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad. Dự án này có quy mô 60 mẫu anh (khoảng 24 ha). Tương tự như ở Bangladesh, trong dự án này, kiến trúc sư phải đối mặt với một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc cũng như một nền khí hậu sa mạc khô cằn.
Đối với Kahn, nhiệm vụ thiết kế không chỉ là bố trí các không gian phòng học hợp lý, thay vào đó, ông đặt ra các câu hỏi về việc thiết kế cơ sở hạ tầng giáo dục, mà ở đó, ông coi các phòng học chỉ là nơi bắt đầu của việc học.
Sơ đồ mặt bằng
Năm 1961, một tập đoàn công nghiệp có tầm nhìn đi trước thời đại đã hợp tác với Trường Kinh doanh Harvard để thành lập một ngôi trường mới, chú trọng phát triển một số ngành nghề cụ thể nhằm thúc đẩy nền công nghiệp Ấn Độ. Họ tập trung vào việc tạo ra một trường phái tư tưởng mới kết hợp với cách thức giảng dạy của phương Tây, cho phép sinh viên tham gia thảo luận và tranh luận ngay trong lớp học, khác với cách thức giáo dục truyền thống, đó là sinh viên chỉ phải ngồi im nghe giảng suốt ngày.
Chính Balkrishna Doshi đã tin chắc chắn rằng Louis Kahn có thể vẽ ra một ngôi trường mới hiện đại dành cho những học sinh xuất sắc nhất Ấn Độ. Quan điểm tò mò và thậm chí, có tính phê phán của Kahn về các phương pháp giáo dục đã ảnh hưởng đến thiết kế của ông. Bởi Kahn không xem lớp học là trung tâm của tư tưởng học thuật mà chỉ là bối cảnh chính thức khởi đầu cho việc học. Các hành lang và sảnh được Kahn thiết kế mới là trung tâm học tập trong công trình này.
Việc xem xét lại khái niệm về thực tiễn giáo dục đã biến một trường học trở thành một học viện, nơi giáo dục là sự nỗ lực hợp tác liên ngành diễn ra cả trong và ngoài các lớp học.
Tương tự như cách tiếp cận thiết kế Tòa nhà Quốc hội ở Bangladesh, Kahn sử dụng các phương pháp tương tự cho thiết kế Viện Quản lý Ấn Độ. Chẳng hạn như ông kết hợp các vật liệu địa phương (gạch và bê tông) và các diện mặt đứng hình học lớn để bày tỏ sự tôn trọng với kiến trúc bản địa Ấn Độ. Đó là phương pháp pha trộn giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống để tạo thành một thiết kế kiến trúc riêng của Viện Quản lý Ấn Độ.
Những khoảng trống lớn trên mặt đứng là những hoa văn trừu tượng của nền văn hóa Ấn Độ, chúng đóng vai trò như các giếng trời và là hệ thống làm mát tự nhiên, bảo vệ không gian bên trong khỏi khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Mặc dù mặt đứng với nhiều lỗ rỗng đóng vai trò như bộ lọc ánh sáng và thông gió, các khoảng trống này cũng là các không gian tụ tập mới để sinh viên và giảng viên có thể gặp nhau để trao đổi.
Hợp tác cùng tập đoàn công nghiệp đầy tham vọng, việc Kahn xem xét lại các nguyên tắc vốn có của hệ thống giáo dục Ấn Độ đã giúp tạo ra một trong những trường kinh doanh ưu tú, có ảnh hưởng và được săn đón nhiều nhất trên thế giới. Thật không may, Kahn đã không thể tận mắt chứng kiến công trình của mình được hoàn thiện vì ông đã qua đời tại thành phố New York vào năm 1974. Tuy nhiên, chắc chắn rằng thiết kế của Kahn đã thay đổi hoàn toàn cách thức thiết kế một công trình kiến trúc hiện đại trong một nền văn hóa bản địa.
Ảnh
Dave Morris
Wikimedia Commons
Biên tập
Thùy Linh