Viện Salk

Năm 1959, nhà khoa học Jonas Salk – người phát minh ra vắc-xin phòng ngừa bệnh bại liệt – đã mời Louis I. Kahn thiết kế một dự án kiến trúc. Với những cống hiến của ông dành cho y học, thành phố San Diego ở bang California trao tặng cho Salk một khu đất đẹp ở La Jolla, dọc bờ biển Thái Bình Dương. Và ông dự định thành lập và xây dựng một trung tâm nghiên cứu sinh học ở đây với mong muốn rằng thiết kế kiến trúc của trung tâm nghiên cứu biểu lộ được rõ tác động của khoa học đối với nhân loại. Đồng thời, Salk cũng đặt niềm tin mãnh liệt rằng Kahn sẽ tạo ra “một nơi mà đến cả Picasso cũng muốn ghé thăm”. Kết quả là Viện Salk ra đời, một đồ án kiến trúc được ca ngợi về sự nổi bật và khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong cả công năng lẫn tính thẩm mỹ.

Bên cạnh những tầm nhìn chiến lược, Salk còn đặt ra một loạt các yêu cầu cụ thể. Không gian phòng thí nghiệm phải rộng rãi, thoáng đãng và linh động để thích ứng với những đổi mới và những công nghệ khác nhau trong việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu khoa học. Toàn bộ cấu trúc phải đơn giản và bền vững, cần ít bảo trì nhất có thể. Đồng thời, công trình này phải mang đến một bầu không khí tươi sáng và thân thiện, truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu làm việc ở đó.

Sơ đồ thiết kế

Kahn phác thảo sơ đồ không gian cho Viện Salk phỏng theo cách tổ chức không gian trong một tu viện, vốn như một cộng đồng trí thức sống tách biệt. Có ba khu vực tách rời nhau, đều hướng ra biển về phía tây: Nhà chung, Làng và các Phòng thí nghiệm. Nhà chung là nơi tổ chức hội nghị và các hoạt động chung của cộng đồng, trong khi Làng là khu ở. Các khu phức hợp song song với nhau được ngăn cách bởi hệ thống sân vườn và mặt nước. Nhưng đến cuối thì khu Nhà chung và Làng đã bị loại bỏ khỏi dự án và chỉ xây dựng các phòng thí nghiệm.

Mặt cắt bên hông

Mặt cắt chính diện

Sơ đồ mặt bằng

Các phòng thí nghiệm của Viện Salk ban đầu được thiết kế thành hai khối tháp, ngăn cách với nhau bởi một khu vườn. Sau đó, thiết kế đã biến thành thành hai khối nhà trải dài đối xứng dọc hai bên một quảng trường lát đá. Trục không gian trung tâm được bao quanh bởi một loạt các khối nhà riêng biệt đâm chéo ra sân, cho phép các không gian bên trong mở về phía Tây, hướng ra biển.

Một dòng nước mỏng chia đôi quảng trường, thu hút ánh nhìn về phía chân trời.

Các khối nhà được kết nối với các phòng thí nghiệm hình chữ nhật thông qua những cây cầu nhỏ. Đó là lối đi băng qua sân trong, nơi mà ánh sáng tự nhiên có thể xuyên qua để chiếu sáng các không gian nghiên cứu bên dưới. Kahn không chỉ coi những không gian này là giếng trời mà còn là hình ảnh liên tưởng đến tu viện Thánh Francis thành Assisi – một công trình kiến trúc mà Salk rất ngưỡng mộ.

Nhiều quyết định của Kahn trong quá trình thiết kế đồ án Viện Salk được rút kinh nghiệm từ dự án Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Y khoa Richards tại Đại học Pennsylvania. Vấn đề quá tải tại Phòng thí nghiệm Richards khiến kiến trúc sư phải thiết kế các không gian cởi mở và linh hoạt hơn ở Viện Salk. Cũng tại dự án trên, Kahn lần đầu tiên nghĩ ra ý tưởng tách không gian nghiên cứu ra khỏi cơ sở hạ tầng tiện ích ở các tầng khác nhau. Đây là sự đổi mới mà sau này sẽ được áp dụng toàn diện hơn trong nhiều dự án của ông. Sự xen kẽ giữa không gian thí nghiệm và cơ sở hạ tầng giúp quá trình bảo trì tòa nhà nếu diễn ra không làm gián đoạn đến công việc nghiên cứu.

Theo hướng dẫn của Salk, Kahn cũng thiết kế các phòng thí nghiệm sao cho có thể dễ dàng nâng cấp được. Các dầm nằm ở các cạnh của mỗi phòng thí nghiệm, cho phép dễ dàng điều chỉnh cấu hình các thiết bị và không gian bên trong. Hệ thống điện nước không bị giấu kín trong bê tông mà nằm phía sau những khối tường, vì thế có thể di chuyển chúng ra khỏi vị trí trong quá trình bảo trì và cải tạo.

Các cửa sổ phòng thí nghiệm được giữ cố định bằng ốc vít, vậy nên, có thể tháo chúng tạm thời nếu muốn di chuyển các thiết bị lớn vào hay ra khỏi phòng mà không ảnh hưởng gì đến kết cấu. Tòa nhà này là công trình kiến trúc mà có thể “đoán trước được tương lai”, Salk đề xuất năm 1967. Theo thiết kế, các phòng thí nghiệm là không gian làm việc chung của các doanh nghiệp.

Những ai muốn riêng tư phải băng qua cây cầu để đến một trong mười tòa tháp nằm dọc quảng trường trung tâm. Ở đó, có các phòng nghiên cứu nhỏ với cửa sổ hướng về phía Tây, mở ra khung cảnh quảng trường và biển Thái Bình Dương phía xa. Đầu hồi phía tây của cả hai cánh nhà được dành làm không gian văn phòng, do đó dù ở đâu cũng sẽ nhìn thấy biển.

Giữa các cánh nhà xen kẽ nhịp nhàng là một không gian trải dài lát đá travertine màu trắng nhạt. Ban đầu, Kahn định lấp đầy không gian trống này bằng một khu vườn, nhưng ông đã bị kiến ​​trúc sư Luis Barragán thuyết phục là hãy xem không gian này như một khoảng trống. Những bức tường bê tông thô có màu gần giống với đá travertine tạo nên vẻ nguyên sơ và hùng vĩ. Điều này khiến chúng ta gợi nhớ về kiến trúc La Mã cổ đại mặc dù không hề có bất kỳ chi tiết nào liên quan. Tuy nhiên, Kahn cũng đã sử dụng bê tông pozzolanic – loại bê tông được người La Mã sử dụng trong xây dựng. Các tấm gỗ tếch được ấn định tại vị trí cửa sổ phòng nghiên cứu và văn phòng, đây là vật liệu duy nhất đi cùng với ​​bê tông nguyên khối và đá được sử dụng xuyên suốt quá trình xây dựng.

Năm thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Viện Salk mở cửa vào năm 1965, vẻ ngoài của kiệt tác kiến trúc này hầu như không có gì thay đổi. Bê tông và đá đã chống chịu tốt với môi trường bờ biển nên gần như không hư hại. Quỹ Getty gần đây đã tìm cách sửa chữa các tấm gỗ tếch, còn 70% vật liệu ban đầu vẫn có thể sử dụng được. Tầm nhìn xa của Salk và Kahn trong việc thiết kế không gian các phòng thí nghiệm cũng đã cho phép Viện tiếp tục là một cơ sở hoạt động phục vụ công việc nghiên cứu tiên tiến, nơi tiếp đón nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel kể từ khi thành lập. Với thiết kế linh hoạt và sự tương tác tuyệt vời giữa vật liệu và không gian, Viện Salk sẽ luôn đóng vai trò như một trung tâm nghiên cứu và một kỳ quan kiến ​​trúc trong tương lai.


Ảnh
Liao Yusheng

Biên tập
Thuỳ Linh