Lucía Cano và Josè Selgas là hai người sáng lập văn phòng kiến trúc SelgasCano năm 1998, trụ sở tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Họ tin rằng, điều gì đó không hoàn hảo thường gắn liền với bàn tay con người. Kiến trúc của SelgasCano mang nhiều màu sắc, minh bạch trong cách thể hiện, phóng khoáng và có cả yếu tố mỉa mai.
Josè giới thiệu văn phòng của mình và nói: “Nhìn xem, bóng cái cây dưới nền đất nhìn như một bụi cây khác vậy”. Hiệu ứng đảo vị trí này bất ngờ xóa đi trật tự (tự nhiên) của mọi thứ; không còn những khái niệm kiến trúc mang tính hàn lâm, mọi thứ chỉ đơn giản như những lời nói sáo rỗng qua tai hay những chiếc lá rơi cạnh đôi chân trần, trong sự hòa hợp mới mẻ giữa con người và thiên nhiên.
Văn phòng SelgasCano tại Madrid, Tây Ban Nha
Ảnh
Iwan Baan
Phỏng vấn
Emilia De Vivo
Nguồn
Domusweb
Biên tập
Phạm Hà Thu
Trước khi tham gia dự án Serpentine Pavilion, SelgasCano rất có tiếng ở Tây Ban Nha nhưng lại được biết đến khá khiêm tốn tầm quốc tế và trên các kênh thông tin đại chúng qua Internet. Phải chăng đây là lựa chọn cá nhân của văn phòng?
Selgascano: Sức mạnh của người kiến trúc sư là việc người đó nhìn nhận thẩm thấu được vấn đề và thay đổi nó. Chúng tôi thích thiết kế cho con người, một người nào đó không cụ thể là ai. Chúng tôi được kết nối với xã hội, hòa mình vào đám đông và cảm thấy cách hiện diện này thể hiện mình tốt hơn là trên các kênh truyền thông. Tất nhiên, chỉ cần một hình ảnh trên các kênh truyền thông là tên tuổi văn phòng sẽ nổi như cồn, nhưng cũng có thể cái tên đó sẽ được biết tới theo hướng khác, nó không còn đủ thật, có khi còn tạo ra sự tách biệt giữa kiến trúc và con người. Mà thực tại của mình thì rõ ràng như cuộc sống hàng ngày của một thế giới bình thường: có đầy đủ lo âu, băn khoăn và cả những ham muốn.
Lúc nhận được lời mời thiết kế Serpentine Pavilion, chúng tôi đã suy nghĩ rất, điều này có thể sẽ khiến tên tuổi văn phòng được biết đến rộng khắp. Chúng tôi luôn cố gắng tránh xa giới truyền thông, kể cả giới học thuật; chỉ muốn tập trung toàn lực cho những dự án đang theo đuổi. Danh tiếng văn phòng chỉ nên được biết đến rộng rãi ở Tây Ban Nha, còn nhiều hơn vậy thì không cần thiết. Nếu tham gia dự án của Serpentine Gallery, mọi thứ sẽ thay đổi và văn phòng đương nhiên sẽ không thể ẩn mình được nữa. Trước giờ chúng tôi từ chối hấu hết những lời mời tham gia giảng dạy của các trường đại học, chỉ nhận lời duy nhất một lần với trường MIT ở Boston (Mỹ). Lúc đó, chúng tôi quyết định sống theo những gì tới với mình, hòa mình vào cuộc sống đầy học thuật ở đó trong vòng một năm và tận hưởng tất cả những trải nghiệm. Cứ vậy, một năm tuyệt vời đầy ắp những chuyến đi cùng những câu chuyện thú vị tới với mình.
Công trình Serpentine Pavilion 2015 | Ảnh: Iwan Baan
Quan điểm “Kiến trúc là trải nghiệm của cuộc sống” của SelgasCano có được từ đâu?
Josè Selgas: Sau thời gian làm việc ở Napoli (Ý) cùng kiến trúc sư Francesco Venezia, tôi học được một điều, đó là mọi thứ không đến từ mình, mà từ cách mình diễn giải những thứ xảy ra xung quanh; điều này không quá khó để nhận ra. Junio Cano Lasso – cha của Lucía, gia đình cô ấy là một trong năm văn phòng kiến trúc nổi tiếng nhất Tây Ban nha. Chúng tôi học được rất nhiều từ đây. Tôi không cần phải lấy nguồn cảm hứng hay “tính sáng tạo” từ đâu xa.
Lucía Cano: Chúng tôi làm việc với José từ những năm đầu thành lập. Mọi người rất thân với nhau, cả trong công việc cũng như cuộc sống. Văn phòng của cha tôi vừa là nhà, vừa là một phần của cuộc sống chúng tôi hồi trẻ. Tất cả mọi thứ của Josè: công việc, thiết kế, cách anh ý hòa nhập, ngay cả việc chúng tôi thay đổi ra sao đều diễn ra một cách hài hòa cùng thiên nhiên. Đây là yếu tố cốt lõi trong những thứ chúng tôi làm. Một lối sống định hình bạn theo góc nhìn văn hóa.
Josè Selgas: Thiên nhiên là một phần trong kiến trúc của chúng tôi. Điều này chỉ có thể đạt được qua tiếp thu giáo dục thường xuyên và có sự tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, nó như một thỏa hiệp giữa tư duy, con người và thiên nhiên vậy. Trong dự án Silicon House, Lucía thuộc lòng các loại thực vật xung quanh ngôi nhà, từ đặc điểm tới tính cách hay nhu cầu của từng loại cây. Chúng tôi lớn lên với suy nghĩ rằng một không gian có tính khả dụng hay hình thức kiến trúc duy nhất được định hình dựa trên nhu cầu tự nhiên của con người. Về cơ bản, mối quan hệ giữa con người, không gian và thiên nhiên chỉ ra việc mọi thứ hiện hữu đều là một phần của thể thống nhất gọi là sự sống. Thực thể kiến trúc (hay kiến trúc sư) không nên là tâm điểm mà nên hòa mình cùng vạn vật và kết nối với con người nơi đó. Chúng tôi không có hứng thú với loại kiến trúc cô lập, có một hình thái. Việc sử dụng màu sắc và cách chơi vật liệu thể hiện sự tin tưởng của mình, tin tưởng vào sự tự do hoàn toàn và việc đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Chúng tôi không hề có một hình thức, phong cách hay khái niệm cố định để hình thành kiến trúc, nó được tạo ra bằng cách chúng tôi hiểu bối cảnh hay đời sống của những người sẽ sống ở công trình đó. Cedric Price, Future System và Archigram đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và cùng chúng tôi chia sẻ rất nhiều trong hành trình tìm kiếm tự do và cả những sự mỉa mai trong kiến trúc.
Công trình thính phòng Plasencia | Ảnh: Iwan Baan
Nếu kiến trúc là kinh nghiệm và cuộc sống thực tế thì những học viện và nền giáo dục đại học sẽ thay đổi thế nào?
Sự tự do nên tồn tại trong chính xã hội hơn là ở một địa điểm (kiến trúc) cụ thể. Tôi cho rằng khái niệm này bị lu mờ và che khuất bởi quá trình đào tạo học thuật ngày nay, điều này cần thiết nhưng một khi sự tự do đó được truyền tải, nó sẽ phá đi thực tế của sự vật. Trong thời gian qua, chúng tôi làm việc và giải phóng chính bản thân mình khỏi những khuôn sáo được dạy trong quá trình đi học, những thứ vô hình cản trở suy nghĩ và hình thức thể hiện của bản thân. Thiết kế là một điều gì đó tự phát, hơn thế nữa, nó tới tự nhiên. Chúng tôi được như hôm nay là do không màng tới mấy thứ sáo rỗng. Chỉ khi nhìn nhận được thực tế, lúc đấy mình sẽ nhìn thấy kiến trúc, dù nó có tồn tại sẵn ở đó. Biết và đi ngược với thực tế cho ta hiểu về cách thức vận hành của vạn vật, kiến trúc cũng thế nhưng dường như người ta không chỉ dạy cho mình biết ngày còn đi học. Những thứ đó khiến bạn tin rằng trong việc thiết kế mọi thứ đều có thể xảy ra. Không có tiền đồng nghĩa với việc không có kiến trúc, đây là cách nhiều người từng đề cập và so sánh. Kiến trúc thể hiện việc giải quyết vấn đề, đồng thời giúp con người cảm thấy tốt hơn, có ít tiền thì thiết kế kiểu ít tiền nhưng tốt là được. Chúng tôi cũng làm dự án Badajoz theo tiêu chí này với số vốn đầu tư rất hạn hẹp.
Vậy là vấn đề tài chính sẽ ảnh hưởng đến nghiên cứu và thiết kế.
Kiến trúc sư Cedric Price từng nói kiến trúc không từ chối loại vật liệu nào. Nên chúng tôi nhận ra rằng việc sử dụng vật liệu đắt tiền là không cần thiết, để nói đây là lựa chọn thì có thể sai. Trên thực tế, chúng tôi luôn làm vậy trong các dự án có mức đầu tư thấp, chúng tôi phải tìm kiếm các vật liệu khác nhau với giá thành thấp nhất có thể nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí của mình. Trong dự án Badajoz, SelgasCano sử dụng hệ lam kính Plexiglas trong suốt, xếp ngang một cách tự do để tạo vân cho trần hội trường.
Công trình thính phòng Badajoz 2006 | Ảnh: Roland Halbe
Phần lớn công việc của SelgasCano là làm việc trực tiếp ở công trường với thợ thi công.
Chúng tôi tin rằng việc thực sự tham gia hay có kết nối với các mảng khác nhau của công trình sẽ định hình công trình đó. Những yếu tố quan trọng cho sự thành công và chất lượng của công việc phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của đội ngũ thợ thuyền, kỹ năng làm việc và chuyên môn của những người tham gia dự án. Chúng tôi học được rất nhiều từ người thợ, mỗi khi có vấn đề phát sinh, chính họ đã giúp chúng tôi có thêm góc nhìn mới. Việc thiết kế tại công trình bổ sung thêm cho bản thiết kế có sẵn. Đơn giản để hiểu thì mọi thứ đều được xây dựng bởi bàn tay con người; trường đại học thì không dạy cái này.
Công trình thính phòng Cartagena | Ảnh: Iwan Baan
Chúng tôi coi nghề thủ công là sự kiến tạo của bàn tay con người, những điểm không hoàn hảo, với chúng tôi, chính là một giá trị. Các dự án ở Cartagena và Badajoz đều có những điểm không hoàn hảo, có chuyển động và sự bất thường, phần lớn trong đó là dụng ý của chúng tôi, nó khiêu khích và được nhìn nhận. Điều này đến từ sở thích sử dụng vật liệu công nghiệp để chế tạo mọi thứ. Thế giới không hề có sự hoàn hảo. Bạn thử nhìn Công trình Palazzo Farnese mà xem, đó là một tổng thể góp nhặt những điểm vi mô không hoàn hảo để tạo ra một tuyến tính kiến trúc chặt chẽ; khi nhìn cận cảnh, bề mặt của công trình không hề phẳng và khá nghiêng, thế nên ta nhận ra rằng sự hiện diện của con người thực sự vượt xa cả kiến trúc. Tòa nhà công trình Cartagena rất dài (200m), nhưng tất thảy có thể thu về kích thước trong một bàn tay, vì tất cả được làm thủ công bằng tay ngay tại công trình. Quá trình này không kết thúc chỉ với một tác phẩm, nó luôn là một quá trình nghiên cứu liên tục.
Khu hoà nhạc thính phòng bên trong Cartagena | Ảnh: Iwan Baan
Quá trình phát triển nghề nghiệp của anh chị chuyển biến và có lẽ đã vượt xa những gì anh chị học từ trường lớp. Tại sao SelgasCano không lấy chính văn phòng là điểm để tổ chức đào tạo?
Chúng tôi từng nghĩ vậy hồi tham gia giảng dạy ở trường Đại học MIT ở Boston (Mỹ). Ai cũng sốc với cách chúng tôi làm, từ giới học thuật hay so sánh ở cấp độ công nghệ, sự trừu tượng, thử nghiệm khoa học, những thứ chúng tôi không để tâm. Chúng tôi lưu tâm tới việc thông số khoa học liên quan thế nào, ảnh hưởng ra sao tới thực tế. MIT chứa đầy những nghiên cứu về hệ thống tối ưu, dữ liệu lớn (big data) và sự tác động của thế giới tới con người, nhưng quy mô về con người lại không phải là lĩnh vực được chú trọng ở đây. Những thứ chúng tôi truyền tải dựa trên việc nghiên cứu để tạo ra các thiết kế về mặt vật lý với mục đích truyền đạt khía cạnh mà tài chính làm ảnh hưởng tới công việc chúng tôi đang làm. Có lần, chúng tôi đề cập về Châu Phi, cụ thể là cách giải quyết những vấn đề cơ bản diễn ra trong một cộng đồng bộ lạc ở Turkana; chúng tôi cố gắng sử dụng các kỹ thuật khoa học dưới dạng công nghệ phân tích và mô phỏng để làm việc. Công nghệ này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về môi trường, khí hậu, ánh nắng, nhiệt độ, dòng chảy và sự thông gió. Sức mạnh và độ tinh vi của các nghiên cứu giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất như xây dựng túp lều ở một trong những vùng sa mạc lớn nhất thế giới.
Kono Kono, Turkana, Kenya
Ảnh
Iwan Baan
Sau bài thuyết trình, người ta chỉ trích nặng nề diễn giải của chúng tôi như thể đó chỉ là ý tưởng nhất thời. Nhiều người không đồng tình trong việc lấy Turkana làm ví dụ điển hình và cho rằng nó không thực tế. Chúng tôi muốn khơi gợi suy nghĩ rằng học thuật thực sự có ý nghĩa, rằng mối liên hệ giữa những người tài giỏi và công nghệ tân tiến khi kết hợp với nhóm dân tộc thiểu số đầy bản năng và nguyên thủy nhất trên thế giới sẽ mang tới những hữu ích cho nhu cầu cơ bản của con người.
Những trải nghiệm có được ở Boston như một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của chúng tôi. Đời sống đầy rẫy những hàn lâm là một phần của đời sinh viên, một phần của cuộc sống. Về mặt nền tảng học thuật, nếu không có sự kết hợp giữa Học và Hành thì học thuật sẽ thật khô khan. Di sản chúng tôi có được qua quá trình giảng dạy tại MIT là quá trình thực hành kiến trúc của một nhóm sinh viên cùng làm việc và sống với chúng tôi tại dự án ở Turkana (Châu Phi).
Ảnh
Iwan Baan