Ảnh
Yoshiaki Tsutsui

Thực hiện
Vladimir Belogolovsky

Năm
2021

Nguồn
Stir

Toyo Ito sinh năm 1941, kiến trúc sư người Nhật theo học tại trường Đại học Tokyo vào đầu những năm 1960. Thời điểm đó, ông đã được gặp gỡ và trò chuyện với Kenzo Tange, người đang giữ chức giáo sư ở trường, cùng Arata Isozaki, Kisho Kurokawa và Kiyonori Kikutake, người sáng lập phong trào Metabolist (Chuyển hóa luận). Sau khi tốt nghiệp vào năm 1965, ông có 4 năm cộng tác tại văn phòng kiến trúc sư Kikutake.

Với quan điểm rằng kiến trúc là một hành trình đầy cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là lý thuyết hay tranh biện, Kikutake khơi dậy niềm đam mê kiến ​​trúc của Ito. Nhờ sự chỉ dạy của Kikutake, Ito đã biết cách vận dụng toàn bộ cơ thể trong lúc thiết kế kiến ​​trúc như cách một người cảm nhận không gian, vật liệu, kết cấu và bề mặt,…

Năm 1971, Ito thành lập văn phòng của riêng mình với tên gọi ban đầu là Urban Robot (URBOT). Một loạt dự án sớm xuất hiện trên các ấn phẩm quốc tế như White U House (Ngôi nhà trắng hình chữ U, 1976) dành cho chị gái ruột, Silver Hut (1984) – ngôi nhà riêng của ông và Tháp Gió (Yokohama, 1986) là công trình gồm các bể chứa nước đã trở thành biểu tượng chào đón hành khách tại một nhà ga xe lửa. Cuối những năm 1990, kiến trúc sư Ito bắt đầu thực hiện các dự án công cộng có quy mô lớn hơn nhiều so với trước đó. Các công trình sáng tạo đột phá về mặt không gian đã nâng cao danh tiếng cho Ito và giúp ông trở thành một trong những kiến ​​trúc sư nổi tiếng nhất thế giới. Bao gồm: Thư viện Sendai Mediatheque (1995 – 2001) không sử dụng tường bê tông ngăn cách không gian, Không gian Serpentine (London, 2002, hợp tác với Cecil Balmond), Tòa nhà Omotesando của TOD (Tokyo, 2004) lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, Thư viện trường Đại học Nghệ thuật Tama (Tokyo, 2007) mô phỏng hệ thống dẫn nước và Nhà hát Quốc gia Đài Trung (2009 – 2016) giống một miếng bọt biển.

Văn phòng của Toyo Ito là nơi đào tạo những kiến ​​trúc sư trẻ tài năng như Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa (đồng sáng lập SANAA), Astrid Klein và Mark Dytham (đồng sáng lập KDa và PechaKucha), Katsuya Fukushima (FT Architects) và Akihisa Hirata, người được Ito đánh giá là tài năng nhất trong thế hệ kiến ​​trúc sư trẻ ở Nhật Bản hiện nay. Năm 2013, Toyo Ito được trao tặng giải Pritzker, một trong những giải thưởng kiến trúc uy tín nhất.

Tôi được biết rằng khi ông còn là học sinh năm nhất ở trường trung học, mẹ ông đã thuê Yoshinobu Ashihara, một kiến ​​trúc sư thời kỳ đầu của Chủ nghĩa Hiện đại từng làm việc tại văn phòng của Marcel Breuer ở New York thiết kế ngôi nhà cho gia đình ông ở Tokyo. Điều đó tác động như thế nào đến quyết định theo đuổi ngành kiến ​​trúc của ông?

TI: Vâng. Lúc tôi 16 tuổi, mẹ tôi muốn xây một căn nhà gỗ nhỏ dành cho ba chị em chúng tôi. Và ngôi nhà đã trở thành công trình kiến ​​trúc tiên phong theo Chủ nghĩa Hiện đại được làm bằng bê tông chứ không phải bằng gỗ như dự định ban đầu của bà. Tôi đã thảo luận về thiết kế với Ashihara và nhớ rất rõ quy trình. Có lẽ sự tương tác đó đã ảnh hưởng phần nào đến quyết định theo học ngành kiến ​​trúc của tôi.

VB: Tôi tò mò liệu ngôi nhà này còn tồn tại không.

TI: Không. Năm 1984, ngôi nhà được dỡ bỏ để nhường chỗ cho tòa nhà khác. Khoảng thời gian sau đó, mẹ tôi đã qua đời và tôi quyết định xây một ngôi nhà mới lớn hơn cho gia đình mình, chính là Silver Hut (1982 – 1984). Ngôi nhà là tổng hòa của sự giao thoa với mặt đất và bầu trời. Vào những năm 1990, tôi bắt đầu thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, tập trung vào việc kết nối con người với thiên nhiên thông qua kiến ​​trúc và cách trải nghiệm. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi các nguyên tắc của Chủ nghĩa Hiện đại trong suốt sự nghiệp, nhưng khi tiến hành thiết kế, tôi nhận ra rằng kiến trúc của Chủ nghĩa Hiện đại vốn đi ngược lại tự nhiên. Điều này khiến tôi phải đặt câu hỏi làm thế nào để loại bỏ bức tường ngăn cách giữa kiến ​​trúc Hiện đại và môi trường tự nhiên.

Thư viện Sendai Mediatheque.

Có nhiều dự án của ông đã thể hiện khả năng sáng tạo ra những không gian vô hạn, đặc biệt là hai công trình Sendai Mediatheque và Nhà hát Quốc gia Đài Trung ở Đài Loan. Ông có thể chia sẻ về những nguyên tắc chính dẫn đường cho những dự án này và nguồn cảm hứng của chúng là gì không?

TI: Khi thiết kế một tòa nhà mới, tôi muốn tạo ra một kiểu thiên nhiên khác ngay trong tòa nhà đó. Ví dụ, tòa nhà Sendai Mediatheque, tôi muốn thiết kế một khu rừng nằm trong đó. Tôi tưởng tượng rằng cơ thể mình đang được bao quanh bởi cây cối bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà mà không bị cản trở bởi bất cứ thứ gì. Còn ý tưởng của Nhà hát Đài Trung là tạo ra một kiểu không gian hình học có tính xuyên suốt và vô tận. Thông thường, để bảo vệ nội thất bên trong, một tòa nhà cần phải có hệ thống vách ngăn nhằm hạn chế tác động của môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chúng mang đến cảm giác vô tận và liên tục, và trở thành một phần của môi trường tự nhiên. Tôi mong muốn thiết kế những tòa nhà không bị giới hạn và mang mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Đó là điều tôi muốn đạt được.

Thư viện trường Đại học Nghệ thuật Tama. Ảnh: Ishiguro

Trong một bài giảng tại Harvard cách đây vài năm, ông từng đề cập rằng: “Không có giới hạn nào trong kiến ​​trúc của tôi. Chúng luôn tan biến”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này. Theo tôi hiểu, nhiều tòa nhà của ông vẫn còn dang dở; không có mặt tiền nào theo cách truyền thống. Chúng là những mảng màu mờ nhạt và kết thúc đúng như dự đoán của ông nhưng vẫn có một sự tiếp nối vô hạn. Ngay cả những món đồ nội thất của ông dường như cũng không biến mất, chúng chỉ đơn giản là bị loại bỏ, khá đột ngột, phải không?

TI: Tôi sẽ giải thích rõ hơn. Khi thiết kế không gian cho các tòa nhà có khả năng mở rộng vô tận, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm dừng khi chúng đạt đến giới hạn của sự bao bọc. Ở nơi đó, anh sẽ thấy không có một mặt tiền nào được thiết kế đặc biệt mà chỉ là một mặt cắt khá mỏng. Vì vậy, tôi quan niệm rằng các tòa nhà là những hệ thống liên tục chứ không phải là những vật thể. Đó cũng là kết quả cho việc tôi hình dung và tạo ra chúng từ bên trong hướng ra bên ngoài.

Nhà hát quốc gia Taichung. Ảnh: Iwan Baan

Ông từng nói: “Tôi có một ước mơ – kiến ​​trúc phải bình đẳng với thiên nhiên”. Và có một câu trích dẫn khác mang hàm ý tương tự: “Tôi muốn tạo ra công trình kiến ​​trúc nơi mọi người cảm thấy như đang hòa mình vào thiên nhiên”. Ông có thể giải thích rõ hơn về mối quan hệ giữa kiến ​​trúc và thiên nhiên trong công trình của mình không?

TI: Tôi nghĩ con người là một cá thể thuộc về tự nhiên và cơ bản, vốn là một loài động vật. Trong tự nhiên, động vật được tự do lựa chọn nơi chúng muốn sống. Bởi vì phụ thuộc vào cảm xúc và bản năng nên chúng có khá nhiều quyền tự do lựa chọn. Nhưng nếu anh nhìn vào kiến ​​trúc Hiện đại, điều này hoàn toàn trái ngược vì lối kiến trúc đó tập trung vào chức năng, tính hiệu quả, trật tự, chủ nghĩa duy lý,… Mỗi không gian khác nhau dành cho các chức năng và hoạt động cụ thể. Tất cả khiến mọi thứ rất hạn chế.

Với cá nhân tôi, con người có thể sống tự do như động vật trong tự nhiên. Và họ có thể tự do lựa chọn lối sống theo cách họ mong muốn. Tôi muốn loại bỏ các bức tường ngăn cách càng nhiều càng tốt để khiến các khu vực có tính kết nối và tự do như là chúng ta đang ở trong công viên hoặc khu rừng.

Tôi băn khoăn về mối quan tâm chính của ông hiện nay là gì và liệu rằng ông có đang thực hiện một dự án cụ thể nào đó mà ông coi là bước đột phá tiếp theo hay không? Những điều thú vị nào sẽ khiến chúng tôi phải mong chờ đến từ hoạt động thiết kế về sau của ông?

TI: Một trong những mối bận tâm hiện nay của tôi là dự án lớn ở Singapore – trường kinh doanh mới của Đại học Công nghệ Nanyang, dự kiến ​​hoàn thành trong năm nay. Đây sẽ là một trong những tòa nhà lớn nhất ở châu Á được xây dựng bằng gỗ. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật khối gỗ (MET) là một dự án vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang sử dụng các thanh gỗ có kích thước rất lớn, lên tới 6 x 7 mét. Có lẽ đây là một kiểu cấu trúc mà tôi không thể đạt được ở Nhật Bản vào lúc này.

Quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng bê tông sang gỗ rất thú vị. Vì ở Nhật Bản, bê tông là niềm tự hào dân tộc và thậm chí, một số kiến ​​trúc sư còn nói với tôi rằng họ sẽ không sử dụng bê tông bên ngoài Nhật Bản vì họ không đủ tin tưởng vào các nhà thầu và công nhân bên ngoài. Nhưng, bê tông ngày nay đang bị chỉ trích vì quá trình sản xuất chúng sẽ thải ra nhiều khí CO2 hơn bất kỳ loại vật liệu nào khác. Đó là một bước ngoặt thú vị. Ông nghĩ sao?

TI: Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng bê tông bởi vì văn phòng vẫn còn một số dự án ở Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng tôi kết hợp nhiều loại vật liệu chứ không chỉ riêng bê tông. Trong một số dự án, chúng tôi sử dụng cả bê tông và gỗ. Nhưng, điều tôi đang cố gắng giải quyết trong công việc này, đó là tránh xa ý tưởng của các kiến trúc sư Hiện đại trong việc tạo ra những tòa nhà khép kín tách khỏi môi trường xung quanh. Tôi phản đối việc này. Tất nhiên, tôi cũng quan tâm đến tính bền vững của các tòa nhà cho dù mối quan tâm lớn nhất của tôi là làm thế nào để giảm bớt ranh giới giữa ngoại thất và nội thất xét về mọi mặt.

Bảo tàng Yaoko Kawagoe. Ảnh: Iwan Baan

Có câu hỏi nào khiến ông thích trả lời nhất không?

TI: [Cười] Tôi phải nói rằng tôi thực sự thích những câu hỏi ngày hôm nay của anh vì chúng cho phép tôi nhớ lại khoảng thời gian khi tôi còn rất trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp. Thông thường, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi nghiêm túc và đầy tính lý thuyết khiến bản thân cảm thấy vô cùng căng thẳng. Nhưng những câu hỏi hôm nay khiến tôi rất thoải mái và vui vẻ.

Silver Hut. Ảnh: Toyo Ito & Associates, Architects

Tôi muốn hỏi thêm về ngôi nhà Silver Hut. Ông vẫn sống ở đó?

TI: Không. Kể từ lúc vợ qua đời và con gái lập gia đình, căn nhà trở nên quá rộng đối với tôi. Vì vậy, căn nhà đã được tháo rời và xây dựng lại trên Omishima, một hòn đảo nhỏ ở Biển nội địa Seto. Nơi này trở thành bảo tàng của riêng tôi, có tên gọi là Bảo tàng Kiến trúc Toyo Ito, được hoàn thành vào năm 2011. Tòa nhà Silver Hut mới nằm cạnh tòa nhà trưng bày triển lãm và được sử dụng làm xưởng kiêm kho lưu trữ. Vậy là, ngôi nhà cũ đã được di dời đến một hòn đảo và chuyển đổi thành không gian công cộng. Hiện tôi sống trong một tòa nhà chung cư do Fumihiko Maki thiết kế.

Bây giờ, tôi cần hiểu rõ một việc. Khi ông quyết định dỡ bỏ ngôi nhà ban đầu mà mẹ mình đã ủy quyền cho Yoshinobu Ashihara xây cho gia đình, đó có phải là một tuyên bố chống lại Chủ nghĩa Hiện đại và khẳng định lối kiến ​​trúc mới của riêng ông sẽ được xây dựng ngay trên đó?

TI: Không. Đối với tôi, chuyện này không cực đoan đến thế. Gia đình tôi cần một không gian rộng rãi hơn, đó là lý do Ashihara phá dỡ ngôi nhà. Khi tòa nhà Silver Hut đầu tiên được xây dựng, Ashihara đã đến thăm chúng tôi. Và lúc đó, anh ấy đã hỏi tôi rằng: “Sao anh lại phá hủy nhà của tôi?” [cười].

Và câu trả lời của ông là gì?

TI: Tôi đã nói với Ashihara rằng căn nhà ấy quá nhỏ [cười]. Dẫu vậy, tôi vẫn khiến anh ấy ngạc nhiên vì trong ngôi nhà Silver Hut mới, tôi đã kết hợp khung cửa ra vào cũ với phòng của mẹ tôi. Điều này nhằm thể hiện sự tôn trọng và sự tri ân của tôi đối với ngôi nhà ban đầu do Ashihara thiết kế. Vì vậy, ngôi nhà không bị tách rời hoàn toàn. Nhưng, những phần này không được xây dựng lại trên đảo Omishima.

Công trình Silver Hut trên đảo Omishima. Ảnh: Iwan Baan.

Bảo tàng Kiến trúc Toyo Ito, Imabari. Ảnh: Iwan Baan