Trần Cảnh

Anh quan niệm sao về việc thiết kế một công trình kiến trúc?

Trần Cảnh: Kiến trúc khác với các loại hình nghệ thuật khác, được thiết kế dựa trên một đề bài cụ thể và kiến trúc sư là người sẽ đi tìm lời giải trong tương tác chặt chẽ với chủ đầu tư: có đồng hành, có mâu thuẫn, có tranh cãi và có phản biện. Sẽ rất dễ dàng nếu tôi thiết kế một công trình cho riêng mình, hoàn toàn theo ý mình nhưng chính từ đó mà mọi thứ đã mất đi một vế. Tôi đang nói trên khía cạnh công việc thuần tuý.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, tuy chưa nhiều nhưng vẫn có những công trình thú vị được hình thành mà không phụ thuộc vào một đơn đặt hàng nào. Theo tôi, đó là cách kiến trúc sư giữ cân bằng giữa công việc, đời sống và tâm hồn nghệ sĩ. Tôi muốn thấy nhiều hơn nữa những sự hiện hữu này.

KTS Trần Cảnh (phải) tại công trình nhà hàng chay Ưu Đàm (Hà Nội), văn phòng Adrei Studio thực hiện

Ảnh
Adrei Studio

Phỏng vấn
Hoàng Hương Trà

Ranh giới giữa nghệ thuật và kiến trúc là gì, theo anh?

Có không dưới một người bạn của tôi cho rằng kiến trúc là kỹ thuật. Tôi nghĩ rằng khi ta cho nó là cái gì, nó sẽ là cái đó, coi kiến trúc là kỹ thuật hay coi kiến trúc là nghệ thuật đều do góc nhìn của kiến trúc sư. Về tính chất công việc, theo tôi, kiến trúc có cả hai. Bản thân từ “kiến” trong “kiến trúc” đã có lớp nghĩa “kiến tạo”, “sáng kiến”, đòi hỏi ở kiến trúc sư sự mày mò, sáng tạo, vận dụng kiến thức liên ngành. Tôi cho rằng đó là nghệ thuật. Nếu mọi thứ chỉ xoay quanh kỹ thuật thì một kiến trúc sư sẽ không khác một kỹ sư.

Quan điểm của kiến trúc sư Le Corbusier cũng rất thú vị: “Kiến trúc là trò chơi thông minh và tuyệt diệu của tập hợp các hình khối dưới ánh sáng” (Architecture is the learned game, correct and magnificent, of forms assembled in the light).

Nói đến hình khối và ánh sáng, cá nhân tôi rất quan tâm tới vị trí đặt những ô cửa trong các công trình của anh. Ô cửa như điểm kết nối giữa các không gian, đặc biệt là không gian kín bên trong và không gian mở bên ngoài, không gian kiến trúc và không gian thiên nhiên, cây cối, ánh sáng. Chúng có vai trò thế nào trong tổng thể một công trình đối với anh?

Người ta vẫn nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, phải không? (cười tươi)

Tôi hay ví cửa sổ là tâm hồn của ngôi nhà. Tuy có thể tính toán trước trên bản vẽ bằng các công cụ phần mềm với độ chính xác cao, tôi thường thiết kế và điều chỉnh những ô cửa trực tiếp tại công trường. Tôi có vẽ và hình dung về một vị trí trước đó dựa trên tổng thể công trình, song việc quyết định tỉ lệ, hình dạng sẽ dựa trên thực tế.

Tôi được biết anh đã làm việc với nhiều loại chất liệu xuyên suốt các công trình của anh từ năm 2009. Anh có đặc biệt hứng thú với một loại chất liệu nào?

Hôm nay có gạch tôi chơi với gạch, ngày mai có vôi tôi chơi với vôi. Mỗi lần như vậy khiến mình buộc phải động não nhiều hơn, không dựa dẫm vào kinh nghiệm hay cái “tiện”. Tôi thích nghịch với chất liệu, làm ra những thứ vui nhộn.

Cái Chuồng Gà (Hà Nội)

Công trình chuồng gà thực hiện năm 2017. Ảnh: Triệu Chiến

Lồng Phương Đông (Hà Nội)

Tôi thấy ở anh một tinh thần dí dỏm và một tư duy kiến trúc nằm ngoài tính giải pháp. Câu hỏi là làm thế nào để giải phóng kiến trúc, thưa anh?

Tôi đến với kiến trúc như sự lựa chọn thứ tư và kiến trúc sẽ gắn bó với tôi đến hết đời. Tôi vẫn hay bảo bạn bè: nếu bây giờ được trẻ lại ngay thời điểm này tôi sẽ làm một cầu thủ bóng đá, đá giải hạng bốn hạng năm gì đó cũng không sao (cười tủm tỉm).

Nhóm thi công nhà KN, lúc này KTS Trần Cảnh đang bó bột, chơi đàn ở quán nước gần công trường.
Ảnh: NVCC

Tôi đam mê bóng đá, tôi tập đàn, tôi thích vẽ, mơ ước làm hoạ sĩ. Khi trẻ người ta nhiều ước mơ. Sau nhiều năm theo đuổi những đam mê ấy, tôi thấy biết ơn vì quá trình học vẽ và học đàn đã trả lời cho tôi những câu hỏi mà lẽ ra, nếu không có những câu trả lời ấy, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt trong kiến trúc. Khi tập tọe học mới thấy mình bơi giữa một biển thông tin, quá nhiều các thần tượng và ai cũng muốn chọn cho mình một vài người để học theo, rồi các bức vẽ, ngón đàn cứ thế na ná nhau. Sinh viên kiến trúc cũng vậy, khó thoát ra khỏi những cái bóng. Tôi ít đọc sách kiến trúc, thường chỉ tìm hiểu về giai thoại của các kiến trúc sư. Tôi thấy cuộc đời họ truyền cảm hứng cho mình nhiều hơn cả. Rồi tôi vẽ, vẽ thật nhiều, thả lỏng và suy nghĩ kỹ về những thứ mình muốn vẽ. Những tư duy đồng điệu sẽ gặp nhau thôi, dù không biết về sự tồn tại của nhau và ở cách nhau nửa quả địa cầu đi chăng nữa.

Nhà KN (Quảng An, Hà Nội). Ảnh: Adrei Studio

Để giải phóng tư duy kiến trúc không còn cách nào khác là tỉnh táo với các thông tin không cần thiết, giữ cho cái đầu mình thoáng đãng, sạch sẽ. Vậy thôi.

Đã có công trình nào khiến anh suy nghĩ đến 2-3 năm chưa?

Hiện tại thì chưa, dù tôi cũng mong lắm. Trong tương lai có thể chính là công trình nhà tôi (vừa nói vừa cười).

Nhà hàng chay Ưu Đàm (phố Nguyễn Du), thiết kế bởi Adrei Studio.
Ảnh: Triệu Chiến

Không gian nhà hàng chay Sadhu (trung tâm thương mại Lotte Tây Hồ).
Ảnh: Triệu Chiến

Anh thích sống ở một không gian như thế nào, cả về vị trí địa lý và thiết kế kiến trúc?

Mong muốn của mình ngày hôm nay và ngày mai sẽ khác nhau. Ngày trước tôi cũng nghĩ như bao người, thích một nơi yên tĩnh, dạt ra vùng ngoại ô hay vùng núi, vùng đồng quê gì đó. Năm 2010 tôi đi dọc Trường Sơn với bạn bè. Có câu: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa / Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Trước khi khởi hành đọc hai câu thơ này tôi còn nghi vấn về tính thực tế của nó. Vậy mà đến nơi y chang, sông núi hùng vĩ, tôi mới nghĩ ông nào viết hai câu mà bá đạo thật! Rồi tôi nghĩ tiếp: nếu đặt một công trình ở đây thì có ý nghĩa gì không, cái việc tạo ra nó ở một nơi thiên nhiên choáng ngợp như thế? Câu trả lời của tôi là chẳng có cái nghĩa lý gì. Con người quá nhỏ bé. Nếu tôi vẫn giữ tư duy dạt về vùng ngoại ô thì có lẽ làm mấy cái cọc tre, dựng cái lều là đủ, khỏi thiết kế. Khi đó hẳn là đã quá già cỗi!

Nên tôi vẫn chọn Hà Nội thôi. “Dù ai đi mô về mô, còn choa vẫn cứ thủ đô choa ngồi“. 

Nhà đại bàng, một công trình nhà nghỉ trưa kết hợp bếp dậy nấu ăn của chủ đầu tư ở Hà Nội.
Ảnh: Triệu Chiến

Nhưng quan trọng là cách mình sẽ ứng xử với căn nhà, nhỉ? Tôi thích một ngôi nhà có thể đưa người ta đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, có những bất ngờ, thú vị nho nhỏ, nhưng hoàn toàn không phải câu chuyện của không gian chức năng, nội thất hay màu sắc. Có thể tôi sẽ đặt vài cái bẫy cho vui (cười tủm tỉm).

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nhà Vân Kiều, Nam Định
Ảnh: Triệu Chiến