Vũ Tiến An

Người phỏng vấn biết đến kiến trúc sư Vũ Tiến An từ năm 2016, cuộc gặp lần đầu diễn ra ở văn phòng a21studĩo tại Sài Gòn, đúng đợt chuẩn bị cho triển lãm Saigon Architects. Sau này, chúng tôi cũng có nhiều dịp gặp lại nhau, gần đây nhất ở sự kiện triển lãm cuối năm 2022 của một nhóm kiến trúc sư Sài Gòn. Cuộc trò chuyện sau gần 7 năm có rất nhiều nội dung thú vị mà tác giả nhận được từ chia sẻ chân thành của kiến trúc sư An.

Đây là nội dung người phỏng vấn mong muốn gửi tới độc giả, cung cấp thêm một góc nhìn mà kiến trúc sư Vũ Tiến An cùng văn phòng kiến trúc TAD Atelier nhận ra trong quá trình thực hành kiến trúc.

Kiến trúc sư Vũ Tiến An tại văn phòng TAD Atelier (tp. Hồ Chí Minh)

Thực hiện
Trần Trung Hiếu

Ảnh
NVCC

Thời gian
06.2023

Sau dự án nhà Cao Lãnh thì hiện tại, TAD Atelier đang thực hiện những dự án nào? Anh có thể chia sẻ chút thông tin được không?

Vũ Tiến An: Dự án nhà Cao Lãnh bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2021 và hoàn thành cuối năm đó, nhưng đến cuối năm 2022 chúng tôi mới công bố thông tin về công trình này. Suốt quãng thời gian dịch dã cũng không có nhiều cơ hội để TAD ghé thăm, may mắn là người chủ nhà đã chăm sóc công trình rất tốt, khiến nhà Cao Lãnh có một diện mạo đầy sức sống.

Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang thực hiện khoảng 10 dự án với những tính chất và yêu cầu khác nhau. Có công trình gần hoàn thành, có dự án mới nhận đề bài thôi. Đặc biệt có dự án cải tạo lại chính công trình chúng tôi đã thực hiện cỡ hơn 6 năm trước để phục vụ một nhu cầu khác của chủ đầu tư.

Cái tên TAD nghĩa là gì? Có liên quan đến tên kiến trúc sư trưởng hay đơn giản chỉ là một suy nghĩ gì đó của các bạn về công việc này?

Cái tên TAD Atelier được đặt sau khi hoàn thành công trình Urban Houses năm 2017. Vì muốn chia sẻ công trình này nên chúng tôi phải tìm một cái tên gì đó cho văn phòng. Cá nhân tôi không thích đặt tên văn phòng theo tên kiến trúc sư trưởng vì đây là công việc của cả tập thể, một công trình hoàn thành ngoài vai trò của nhóm kiến trúc sư còn cần sự chung tay giúp đỡ của cả chủ đầu tư và đội ngũ thi công, hỗ trợ… Tôi từng đọc nhiều mẩu chuyện vui về một số văn phòng ở nước ngoài sau vài năm họ không còn thích cái tên cũ, do cái tên gắn liền với quan điểm hoặc định hướng đã thay đổi theo thời gian. TAD Atelier viết tắt là TADA, biểu hiện nội dung có tính “ơ-rê-ca”, một “phát hiện” thú vị. Cũng nhiều người nghĩ TAD có thể là tên tôi – Tiến An Design hay gì đó tương tự (cười), nhưng không phải vậy.

Văn phòng TAD Atelier. Ảnh: NVCC

Như anh chia sẻ thì khối lượng công việc hiện tại của văn phòng không hề ít, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều mảng xám thì các dự án của văn phòng có gặp nhiều khó khăn hoặc chậm triển khai so với trước đây?

Thực tế, chúng tôi hiểu tình hình khó khăn hiện tại. Từ ngày bắt đầu thành lập đến giờ, chúng tôi chủ yếu tham gia vào những dự án quy mô nhỏ, mang tính cá nhân. Khó khăn theo chân chúng tôi từ ngày mới bắt đầu làm nghề, đôi lúc đã quen nên không còn nghĩ đến chuyện đó nhiều nữa. Theo thời gian, qua mỗi dự án, chủ đầu tư họ cũng hiểu hơn về chúng tôi nên quy mô và ngân sách thực hiện theo đó cũng tăng dần, tuy nhiên đó chưa phải là những dự án quy mô quá lớn, dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, vĩ mô khác.

Việc những dự án “đột nhiên” gặp khó khăn hoặc bị chậm triển khai, tôi thấy cũng là điều bình thường đối với nghề này, vì đó là nội dung mình không thể kiểm soát. Còn những thứ mình có thể kiểm soát được thì cần tập trung toàn tâm toàn ý. Ví dụ một phương án thiết kế sau khi hoàn tất hồ sơ nhưng chi phí thi công vượt quá khả năng tài chính của chủ đầu tư, TADA sẵn sàng điều chỉnh phương án sao cho tối ưu hơn, thậm chí vẽ lại. Tôi hay chia sẻ điều này với các cộng sự, kể cả sinh viên tôi hướng dẫn, từ khoá quan trọng của thiết kế hiện đại bây giờ là “empathy”, nghĩa là “thấu cảm”. Mình hiểu khó khăn của khách hàng, mình sẽ giúp được họ nhiều hơn.

Mỗi khi tham gia vào một dự án, gặp chủ đầu tư, tôi thường dùng trực giác và đưa bản thể về “không” để lắng nghe yêu cầu và mong muốn của họ. Có nhiều người thực sự quan tâm đến kiến trúc, họ không ngại nói ra mọi suy nghĩ để các bên cùng tìm phương án. Đồng hành một cách thấu hiểu như vậy nên nhiều dự án của chúng tôi thường có kết thúc có hậu (cười).

Điều này thật quý!

Chúng tôi đã vẽ rất nhiều, có không ít dự án không được xây, lý do thì nhiều nhưng với tôi, phương án thiết kế khi không thể thi công thì chẳng nói lên điều gì. TADA chỉ công bố những công trình đã thành hình và được đưa vào sử dụng. Tôi quan niệm mỗi công trình cần có đóng góp một phần nào đó cho bộ mặt của đô thị hoặc nơi công trình thuộc về, kiểu “Made in Saigon”, hoặc “Made in Vietnam”, tức là mình chỉ có một đồ án kiến trúc duy nhất, có thể làm đến hết đời. Nghĩ được đến điểm này, tôi nhận ra tư duy của mình cần bao quát và tổng quan hơn, đủ linh động để hài hoà với nhiều lựa chọn và bối cảnh khác nhau.

Nhân nhắc về bối cảnh, anh nghĩ sao về nội dung này trong kiến trúc? Anh hãy chia sẻ một công trình cụ thể để làm rõ hơn suy nghĩ này?

Trong quá trình theo học kiến trúc, thường sinh viên sẽ được dạy hai nội dung. Thứ nhất liên quan đến tạo hình, sau đó là cách đặt một công trình vào trong bối cảnh cụ thể. Ở Việt Nam, các chính sách và luật đều hướng tới việc khuyến khích kiến trúc sư quan tâm nhiều về bối cảnh. TADA luôn tôn trọng suy nghĩ và cách làm của những người quản lý đô thị, điều này gần như là bắt buộc, chúng tôi không tìm cách luồn lách hoặc đi ngược lại điều đó, vì thế công trình chúng tôi thực hiện đều khá dễ hoàn công.

Còn về điều kiện khí hậu, môi trường, mảng xanh, mặt nước…đương nhiên là thứ mà người kiến trúc sư cần lưu tâm tới vì họ được đào tạo để xử lý những nội dung này. Ở Việt Nam điều này không được quy định trong luật chặt chẽ như ở Nhật Bản hoặc châu Âu. Đây là điều kiện để người thiết kế tìm cách hài hoà giữa mật độ xây dựng, cây xanh, tiếng ồn, độ chói, bóng đổ… Khi tham gia thiết kế một công trình, chúng tôi thường đánh giá khu đất và vạch ra một số điểm cần quan tâm để nếu đặt kiến trúc ở đó, thiết kế của chúng tôi sẽ không phá vỡ trật tự mà còn thúc đẩy tiềm năng sẵn có của cộng đồng. Nếu mình chỉ thuần tuý quan tâm đến cái đẹp, tỷ lệ, đường nét mà quên đi bối cảnh thì rất khó để dung hoà. Đây là hai điều chúng tôi luôn nghĩ đến khi tham gia một dự án.

Nhà Cao Lãnh là ví dụ mới nhất, chúng tôi không muốn tạo ra một thứ quá khác biệt với đời sống xung quanh nên nhiều người khi đi qua nhìn thấy công trình này, họ đều nghĩ đây là ngôi nhà đã tồn tại ở đó rất lâu rồi, dù có thể hơi lạ mắt nhưng không quá khác biệt. Nhìn kĩ hơn, họ sẽ thấy đây đúng là một ngôi nhà mới. Tôi khá thích sự lấp lửng đó, một thứ gì đó không quá rõ ràng.

Nhà Cao Lãnh

Cá nhân tôi đặc biệt hứng thú với Interactive House, Chiquilla và Chi’s House. Tôi thấy nét kiến trúc hiện đại được biểu hiện rất rõ thông qua những mảng bê tông diện lớn, đường nét kiến trúc và tỷ lệ, tôi thấy có những nét tương đồng với nhiều công trình kiến trúc hiện đại ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ 20. Anh nghĩ sao về suy nghĩ này của tôi? 

Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam là nguồn cảm hứng rất lớn của tôi, đặc biệt là những công trình thành hình trước 1975. Tôi luôn cho rằng đó là một nhánh lớn, mỗi khi có dịp đi trên đường phố và quan sát chúng, tôi học hỏi được rất nhiều và mong muốn kiến trúc của mình sẽ có sự tiếp nối ở hiện tại và sau này. Thực tế sau năm 1975, kiến trúc miền Nam Việt Nam không có sự tiếp nối tư duy và quan điểm của nhiều thế hệ kiến trúc sư trước đó. Tôi thấy tiếc nhưng đó là hoàn cảnh, người trẻ như chúng tôi bây giờ chỉ có thể tự học qua tài liệu hoặc các công trình thực tế còn sót lại ở đây.

Hiện tại cũng có rất nhiều nhóm trên mạng xã hội quan tâm đến khía cạnh này, hoặc như cuốn Ghé 1Ghé 3 của Notes cũng đề cập nhiều đến kiến trúc hiện đại. Tôi nghĩ đây là những tư liệu rất quý và nên duy trì để thế hệ kiến trúc sư sau này có cơ hội được chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc từng tồn tại và giờ có thể đã mất đi theo thời gian.

Nhà Tương Tác

Nhà Chi

Chiquilla

Hãy nói một chút về Urban House, công trình đầu tiên hẳn mang nhiều dấu ấn và kỉ niệm với TAD?

Urban House là ngôi nhà tôi thiết kế cho người bạn thân. Như bao kiến trúc sư trẻ khác, công trình đầu tay thường làm cho người thân hoặc bạn bè (cười). Công trình này bao gồm nhiều không gian nhỏ để phục vụ nhu cầu ở và cho thuê của bạn tôi. TADA cũng từng có thời gian lựa chọn nơi này làm chỗ cho văn phòng hoạt động. Tôi muốn tinh thần của công trình đó có chút sôi động, có chút vui vẻ, có chút hợp thời… Tôi muốn khá nhiều thứ ở đó, sự muốn khiến công trình đầu tay phải “gánh vác” quá nhiều ước mơ và suy nghĩ của người thiết kế. Sau này có dịp quan sát, tôi nhận ra nhiều điều và đã chỉnh sửa lại một số chi tiết ở Urban House.

Để nói về Urban House, tôi chỉ có thể chia sẻ đây là một khởi đầu rất quan trọng trên con đường thực hành kiến trúc của mình, giúp mình nhận ra góc nhìn rất căn bản về sự hài hoà giữa kiến trúc của mình và người sử dụng công trình sau này.

Urban House

Chúng tôi thấy cách TAD sử dụng vật liệu rất cơ bản, hầu như đều dễ kiếm và dễ đưa vào trong kiến trúc. Chắc hẳn đây là một suy nghĩ, hay chỉ là thói quen sử dụng vật liệu của anh? 

Tôi rất thích câu hỏi này của anh. Nó làm tôi nhớ tới câu nói của kiến trúc sư Hiroshi Naito, “sẽ không có hi vọng nào cho một kiến trúc sư nếu anh ấy không thấy được vẻ đẹp của những thứ bình thường”. Suy nghĩ này có tác động rất lớn tới tôi, thúc đẩy tôi làm kiến trúc theo cách rất “bình thường” thông qua những thứ “bình thường” tôi thấy trong bán kính vài kilomet xung quanh công trình.

Laiday Refill. Ảnh: TAD Atelier

Với bản thân, tôi tìm thấy hướng đi cho kiến trúc bền vững, điều này cổ vũ câu chuyện mình đã và đang làm, khá vừa vặn, phù hợp, không cần phải du nhập quá nhiều nhưng có tính kết dính với cách thức sinh hoạt, với lối sống và đặc tính từ xưa đến giờ ở mỗi địa phương.

Có nhiều loại vật liệu khiến tôi bị mê hoặc, nói không thích thì hơi khiên cưỡng khi bản thân luôn bị thu hút bởi bê tông hoặc đất nhưng tôi và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được luận điểm nào phù hợp để đưa vào mỗi dự án. Cá nhân tôi thời điểm hiện tại chỉ mong muốn kiến trúc của mình đặt vô bối cảnh nào đó cũng có tính khiêm tốn, nhẹ nhàng và “bình thường”.

Lagom Hus. Ảnh: TAD Atelier

Sau dịch COVID19, tôi nhìn ra một sự dịch chuyển rõ rệt khi vai trò của kiến trúc đang dần giảm đi, còn yếu tố môi trường, cảnh quan lại ngày càng trở nên quan trọng. Thời nay chắc không còn ai có nhu cầu xây dựng một công trình sẽ tồn tại cả nghìn năm, thay vào đó chỉ vài chục năm họ sẽ xây lại để đáp ứng những nhu cầu mới. Công nghệ vật liệu phát triển khiến kiến trúc giờ có quá nhiều cơ hội để thử nghiệm, tính bất biến của kiến trúc mất đi, tính bất ngờ lên ngôi. Nghĩ đến điểm này, tôi không còn đề cao vai trò của kiến trúc, thay vào đó tôi quan tâm nhiều hơn tới sự liên hệ giữa kiến trúc và cảnh quan. Tôi thấy theo thời gian, kiến trúc sẽ dần ẩn mình, giản dị thay vì dị hợm.

Anh nghĩ sao về quá trình đô thị hoá hiện tại ở cả đô thị lẫn nông thôn? Tiếng nói anh muốn cất lên qua kiến trúc của mình là gì với thực trạng này? 

Với tôi đây là một quá trình không thể tránh khỏi, mang tính tất yếu.

Chẳng ai biết được tương lai đô thị sẽ ra sao nhưng người thiết kế đô thị và cả kiến trúc sư hoàn toàn có thể định hình cái cách mà một đô thị nên xuất hiện bằng những hoạt động rất là thường nhật. Bản thân tôi nhận thấy nông thôn còn rất nhiều giá trị mà một đô thị cần tham khảo, ví dụ như vấn đề liên quan tới giao tiếp, môi trường và thế hệ. Người đô thị hiện tại nghĩ nhanh, làm nhanh, vận hành mọi thứ đều nhanh, chạy theo tiêu thụ tư bản, hướng đến sự tiện ích hơn việc giữ gìn và phát huy những giá trị mang tính bền vững.

Cần chậm lại chút, tôi từng có dịp ghé và lưu trú khoảng 1 tháng ở Nhật để tham dự chương trình Ando Program, sau khi đặt chân đến Kyoto, vị giáo sư người Đức đã nói với tôi một câu nghe khá sốc, ông cho rằng “Đô thị bền vững duy nhất trên thế giới còn xót lại đó là Kyoto, hiện tại đã quá muộn cho những đô thị khác.” Tuy đây chỉ là một nhận định mang tính cá nhân, nhưng khó có thể phủ nhận suy nghĩ này.

Tôi thấy một thành phố nên (cần) giữ gìn được giá trị của “làng trong phố”, nghĩa là những giá trị văn hoá và vật chất mang tính cộng đồng cần được giữ lại trong mô hình đô thị, chúng ta cần nhiều khu ở hiện đại nhưng phải có bản sắc. Một đô thị bền vững phải cân bằng được tính “làng” trong tổng hoà chung, có chỗ cần phải nông thôn hoá đô thị thông qua thiết kế, giúp mọi người sống chậm lại để có thể quan sát, gặp gỡ và tương tác lẫn nhau.

Quá trình đô thị hoá thường bỏ lại hai đối tượng, họ khá thiệt thòi đó là người già và trẻ nhỏ. Đây là hai nhóm hầu như thiếu rất nhiều không gian trong một đô thị hoặc bị ép buộc phải sử dụng cơ sở vật chất ở đô thị một cách miễn cưỡng.

Người già sống trong thành phố thường có cảm giác lạc lõng, họ không thể hòa hợp với những không gian quá chật và quá cao, chỉnh cốt quá nhiều và bị đóng kín, không có sự tương tác giữa người này với người kia, không thể thăm nom hàng xóm trong khi đó là những hoạt động thường nhật của họ. Còn trẻ em thì có quá ít không gian, thường phải chơi ở những sân chơi nhân tạo khiến chúng tập trung nhiều vào thiết bị công nghệ, dần ít tương tác hơn với cha mẹ và ông bà.

Một đô thị chậm, dù ở quy mô nào sẽ có nhiều điều kiện để kích thích tính nhân văn.

Có một công trình nào anh thực sự ấn tượng (thích thú) ở Việt Nam và thế giới? Vì sao?

Với tôi là kinh thành Huế. Một tham chiếu rất tốt cho người làm kiến trúc.

Cảm ơn kiến trúc sư Vũ Tiến An về cuộc trò chuyện thú vị này!