Phạm Thanh Huyền

Ghé thăm Phạm Thanh Huyền vào một ngày bận rộn nhưng không vì thế mà buổi nói chuyện diễn ra trong sự vội vàng. Từ ngày Silver Soul Studio hình thành tới nay, kể cũng có nhiều chuyện để chia sẻ, tuy nhiên sau tất cả thì xưởng kim hoàn này với Huyền là đời sống, là suy nghĩ chị gửi gắm về một nghề thủ công truyền thống cùng đang dần mai một ngay tại Hà Nội.

Câu chuyện chiều hôm đó, xin gói lại trong vài đoạn hội thoại ngắn, để cùng hiểu hơn về Huyền, về Silver Soul, về hành trình làm nghề đậu bạc đang tiếp diễn.

Dụng cụ đậu bạc

Tại sao lại là chế tác bạc thủ công mà không phải một phương thức chế tác đại trà hơn? Những trở ngại ban đầu mà chị gặp phải?

Phạm Thanh Huyền: Mình bắt đầu biết đến và thích chế tác trang sức bạc từ năm 2017 trong một chuyến đi Myanmar, nhưng lúc đó chưa có thông tin hay kiến thức gì về ngành kim hoàn. Về đến Việt Nam mình bắt tay vào tìm hiểu các phương thức chế tác bạc, chủ yếu trên internet. Rất tình cờ mình tìm được bài phỏng vấn một nghệ nhân chế tác bạc tại Định Công. Mình vô cùng ấn tượng với các sản phẩm bạc thủ công của anh ấy và mọi người trong xưởng. Trước nay mình chỉ thấy các dạng chế tác đại trà ở Việt Nam, và quan trọng nhất mình biết được đây là một ngành nghề đang mai một, khi ấy mình chỉ nghĩ đơn giản là những thứ đẹp đẽ, tinh xảo như vậy mà về lâu dài còn ít người theo đuổi thì thật đáng tiếc cho một nghề thủ công đã có từ 1.000 năm. Kỹ thuật đậu bạc của làng nghề kim hoàn Định Công là một trong bốn nghề thủ công bậc nhất của Kinh thành Thăng Long xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. So với các nghề còn lại trong bộ tứ, bạc Định Công hiện nay còn hiếm nơi tiếp tục gìn giữ nghề. Mình đã đến xưởng bạc đó, tìm hiểu trực tiếp, nói chuyện với mọi người và ngay từ lần đầu tiên nhìn tận mắt những sản phẩm đậu bạc tại xưởng, mình đã quyết tâm theo học từ tháng 8 năm ngoái (2019).

Mọi người ở xưởng luôn hỗ trợ, khuyến khích những bạn trẻ muốn học nghề nhưng thực tế ít người có thể theo được. Lý do đến từ chính khó khăn của nghề này. Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự kiên trì khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng. Một người thợ để đạt được mức lành nghề thường phải mất từ 2 năm trở lên, tùy theo sự chuyên tâm và độ khéo léo của đôi tay cũng như óc thẩm mỹ. Thời gian đầu tiền lương rất ít, khởi điểm 2-3 triệu/ tháng tính theo sản phẩm làm ra, sau khi các bạn đã theo học một thời gian và có thể bắt đầu phụ việc, làm những khâu đơn giản. Trong 8-9 tháng từ năm 2020 mình không hề có lương (vì mình chỉ học thôi chứ không làm đồ cho xưởng), và chi trả mọi thứ bằng khoản tiền tiết kiệm từ trước đó nên mình rất hiểu cho các bạn, về cơ bản mình cũng phải có khả năng tài chính nhất định và dám đánh đổi thì mới theo đuổi đến cùng được.

Ngoài ra có một số khó khăn khác đến từ môi trường làm việc. Trước đây mình làm văn phòng 8 tiếng, mùa hè điều hòa lạnh cả ngày, mùa đông cũng điều hòa ấm đến lúc về. Mọi thứ khác hẳn so với việc ngồi cả ngày trong một xưởng bạc, xung quanh nhiều loại máy móc: máy cán, máy hàn xì, máy nung,…

Ngoài xưởng bạc với các loại máy móc, không gian xung quanh ra sao?

Xưởng nằm cạnh Đền thờ Tổ làng nghề kim hoàn và Đình thờ Thành Hoàng Đông Hý Đông Hải Dực Vũ Đại Vương. Mình rất thích điều đó, xung quanh là không gian đình đền thanh tĩnh và đồng thời có ý nghĩa lưu giữ, phát triển đối với những người làm bạc như mình.

Đó là không gian, vậy còn con người?

Mình cảm nhận được sự chân thành, giản dị, khiêm tốn từ các anh em đang làm việc trong xưởng. Mọi người sống như một gia đình, giúp đỡ nhau tận tình và ngoài giờ làm cùng nhau đi câu cá, đá cầu… Tuy đây là một công việc liên quan đến nghệ thuật và có thể nói những con người mình gặp mỗi ngày là những nghệ nhân cổ truyền, nhưng cảm giác họ rất gần gũi, giản dị.

Lý do nghề bạc Định Công hiện nay không còn quá nhiều người biết đến?

Các anh em trong xưởng đã nhiều tuổi, người lớn tuổi nhất năm nay 50, hầu hết thời gian trong ngày dành ra làm việc với nguyên liệu thô và máy móc. Việc lan tỏa, quảng bá truyền thông cũng hạn chế. Mà nhỡ quảng bá nhiều nhưng nhân lực vẫn ít, cung không đủ cầu thì lại dở dang. Hiện nay người hội tụ đủ yếu tố theo nghề không nhiều, đầu vào ngày càng ít, những thợ lành nghề đã có tuổi và xưởng cần một lớp người kế cận. Thiếu nhân lực dẫn đến nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Tính đến nay xưởng mới có thêm mình và một bạn nữ sinh năm 1997.

Những vấn đề xưởng bạc đang gặp phải trong việc đào tạo lớp thợ mới, ngoài khó khăn về mặt thu hút nhân lực?

Mình nghĩ trước tiên để đào tạo một người thợ học việc, phải đảm bảo được cho người đó những nhu cầu sống cơ bản trong thời gian đầu đã. Như mình đã chia sẻ, khoảng thời gian đó gần như không có tiền lương hoặc tiền lương rất thấp, xưởng không đủ khả năng về tài chính để giúp đỡ được nhiều hơn cho các bạn theo học.

Sau hơn 01 năm học việc tại xưởng bạc, chị cảm thấy thế nào? Cuộc sống hàng ngày của chị thay đổi ra sao?

Lúc mình mới vào xưởng cũng không ai nghĩ mình theo được đến tận bây giờ. Khoảng 4 tháng đầu mình vẫn làm song song, ban ngày đi làm văn phòng còn tối đến xưởng học việc. Sau đó vì một số nguyên nhân nên mình nghỉ việc ở văn phòng, chuyển sang học việc ở xưởng full-time, không xác định khi nào sẽ quay lại với công việc cũ. Rồi càng làm mình càng thích và cứ thế làm luôn tới giờ. Có một thời gian mình từng thử đi phỏng vấn, làm một vài công việc văn phòng khác mong muốn kiếm thêm thu nhập trong lúc học nhưng được vài ngày lại thôi. Mình nhận ra mình đã quá thích công việc làm ra mấy thứ đồ nhỏ xinh này nên không thể chú tâm làm một công việc nào khác. Mình quyết định sẽ dựa vào toàn bộ số tiền tiết kiệm còn lại để theo nghề, cho đến khi nào mình không thể tiếp tục được nữa. Sau một thời gian học tập, tầm tháng 9 năm nay mình bắt đầu nghĩ đến việc phát triển nó, cũng để thử sức với những điều mới. Mình mở một cửa hàng bạc thủ công. Silver Soul Studio bắt nguồn từ đó.

Đối với mình những công việc liên quan đến ngoại ngữ từng theo 4 năm trước đó đến bây giờ nhớ lại mình vẫn rất yêu thích, có nhiều cái hay, mình học được các kỹ năng của môi trường công sở năng động, hiện đại. Còn nghề đậu bạc đến như một cái duyên khác, duyên đến thì mình đón nhận thôi, và mình tiếp tục được học những thứ mới mẻ khác.

Tỉ mỉ từng chi tiết, công đoạn thực hiện sản phẩm

Vậy điều gì đối với chị là quan trọng nhất khi đã bắt đầu kinh doanh sản phẩm đậu bạc thủ công, song song với đó là vai trò một người thợ bạc trực tiếp tham gia vào khâu sản xuất?
Một trong những điều quan trọng là thái độ nghiêm túc dành cho sản phẩm mình làm ra. Mình thấy nó méo, hay chưa được hàn chỉn chu thì mình phải tìm cách, phải học thêm để hoàn thiện sản phẩm hơn. Dù mình biết những kỹ thuật đó không phải ngày một ngày hai là thành thạo, mình cũng không có đôi bàn tay quá khéo léo, thậm chí mình vẫn còn kém xa mọi người trong xưởng, nhưng mình luôn nói với bản thân là phải giữ một thái độ nghiêm túc, phải tôn trọng sản phẩm, sản phẩm cuối cùng mình đưa tới khách hàng phải là sản phẩm tốt nhất có thể.

Ngoài ra sản phẩm cũng cần có hồn nữa. Mình luôn hướng đến tinh thần mỗi sản phẩm làm ra giống như một bức tranh, tương đối hoàn thiện về mặt kỹ thuật và mang trong đó tình cảm, cảm xúc của người thợ. Về chất liệu, kỹ thuật đậu bạc sử dụng bạc nõn (bạc 999), với chất lượng này bạc mới đủ mềm để tạo hình cho những chi tiết nhỏ nhất.

Một sản phẩm dây chuyền bạc của Silver Soul Studio

Kết luận lại thì sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong tiêu chí kinh doanh của mình. Một sản phẩm kết hợp được yếu tố chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ và có hồn, khi đến được tay khách hàng, họ sẽ nhận ra ngay sự khác biệt với các dòng sản phẩm đại trà, từ đó họ hiểu được giá trị riêng và trân trọng nó.

Hướng đi tiếp theo của chị cho chế tác bạc cũng như Silver Soul Studio?

Mình sẽ tiếp tục nâng cao kỹ thuật cũng như sức sáng tạo của bản thân để đem tới những sản phẩm tốt hơn, luôn nhắc nhở bản thân phải học hỏi thêm rất nhiều nữa. Mình cũng đang ấp ủ ý tưởng mở một cửa hàng bạc thủ công ở Hội An, mình cảm thấy không gian văn hóa – du lịch ở đó rất phù hợp với các dòng sản phẩm của Silver Soul Studio.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!


Ảnh
Trần Trung Hiếu

Thực hiện
Hoàng Hương Trà