Một chiếc xe đạp, một chiếc máy ảnh và nhiệm vụ chụp một bức ảnh mỗi giờ đã dẫn dắt nhiếp ảnh gia người Canada, Christopher Herwig, vào một hành trình kéo dài hơn 20 năm. Dự án này nghe như một trò chơi nhưng đã mở ra cơ hội để Christopher chụp lại vẻ đẹp của những trạm xe buýt được thiết kế và triển khai khắp lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Bộ sưu tập ảnh của Herwig, hiện đã được xuất bản thành hai cuốn sách và một bộ phim tài liệu, tập trung vào những bến xe bus bị lãng quên. Nhờ công việc này mà nhiều điểm đến đã thu hút sự quan tâm từ công chúng quốc tế, nhấn mạnh giá trị văn hóa và lịch sử kiến trúc. Hành trình của Herwig là minh chứng cho sức mạnh của nhiếp ảnh trong việc bảo tồn di sản.
Những công trình này thực sự lôi cuốn tôi, không chỉ bởi chúng được xây dựng ở Liên Xô, trong thời kỳ Liên Xô mà còn bởi kiểu thức kiến trúc khá đơn giản, có cảm giác được chuẩn hoá và khá vô hồn.
Christopher Herwig
Chủ nghĩa kiến tạo ở Liên Xô đã để lại ấn tượng mạnh mẽ thông qua những công trình tòa nhà bê tông đồ sộ hoặc kiến trúc tượng đài hùng vĩ. Nhưng, trong bối cảnh mà chế độ xã hội chủ nghĩa thường kìm hãm sự sáng tạo của cá nhân, thì hệ thống kiến trúc trạm xe buýt tồn tại trong một không gian dường như quá xa vời đến nỗi trở thành một lối thoát kì lạ cho sự thể hiện nghệ thuật. Chúng đầy màu sắc, lập dị và vô cùng đa dạng – từ các cấu trúc bê tông thô đến những bức tranh ghép cầu kì, một số giống với các tòa tháp thời trung cổ còn một số khác có hình dạng giống như những chú chim khổng lồ.
Christopher Herwig ở Armenia
Tôi theo đuổi công việc này bởi nó hoàn toàn xứng đáng ngay cả khi không có ai quan tâm. Có lẽ vì thế dự án này lại gây được tiếng vang với mọi người bởi họ đã thấy điều gì đó chân thực và khác biệt.
Trong khi những công trình này vẫn phản ánh hệ tư tưởng của Liên Xô – như nhà phê bình kiến trúc và sử gia Owen Hatherley giải thích trong tập thứ hai của Soviet Bus Stops – chúng cũng cho thấy sự khéo léo và cá tính của những người thiết kế. “Thật không may, hầu hết các nghệ sĩ đằng sau những tác phẩm này vẫn chưa được biết đến, nhưng chúng tôi đã tìm ra được một vài người”, Herwig chia sẻ sau khi tìm thấy một số nhà thiết kế bến xe bus cho một bộ phim tài liệu được phát hành 20 năm sau khi dự án bắt đầu.
Một trong những cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất là với Jüri Konsap, một trong những nhà thiết kế trạm xe buýt được gọi là Spider , được xây dựng vào những năm 1970 tại thị trấn nhỏ Niitsiku của Estonia. “Trạm xe buýt là kết quả của con đường mới. Chúng tôi không chờ đợi lệnh từ bất cứ đâu. Nó được tạo ra cho người dân địa phương. Không ai coi đó là một thứ của Liên Xô. Nó là của chúng tôi”, Konsap nhớ lại.
Spider Stop, Niitsiku, Estonia, 2013. Ảnh © Christopher Herwig
Ngày nay, một số trạm xe buýt vẫn được sử dụng với hình dạng khởi thuỷ ban đầu. Một số trạm khác nằm ở những góc xa xôi trên lãnh thổ các quốc gia Liên Xô cũ, nơi từng có sự xuất hiện của phương tiện giao thông công cộng nhưng giờ đã bị bỏ hoang. Nhiều trạm có nguy cơ bị phá hủy, khiến dự án của Herwig trở nên có giá trị hơn khi lưu giữ được bộ hình ảnh này.
Dự án chụp những bến xe buýt là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi đã từng nghĩ công việc này sẽ kết thúc năm 2003 nhưng bằng một cách nào đó, tôi vẫn tiếp tục thực hiện cho đến hiện tại.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Herwig đã cộng tác với National Geographic, Liên hợp quốc và CNN, chụp ảnh các khu rừng ở Sierra Leone, những làng chài ở Ghana, một số gia đình chăn thả gia súc sống du mục trên dãy Alps và các khu chợ ở Syria. “Tôi không thích những bức ảnh chân dung được dàn dựng và quá hoàn hảo. Tôi thích đợi cho đến khi mọi người gần như quên mất sự hiện diện của tôi ở đó, rồi mình quan sát chuyển động của họ và tìm kiếm khoảnh khắc khi nhân vật cân bằng hoàn hảo với phần còn lại của khung cảnh”, anh nói. Herwig cố gắng tránh các bố cục gượng ép trong tác phẩm của mình.
Thời gian này, Herwig đang ở Sri Lanka, nơi anh và vợ đã sống trong hơn 3 năm qua. Dự án mới nhất của anh tập trung vào “những chiếc xe tải và xe tuk-tuk được trang trí, khám phá chủ đề ‘thơ ca của những con đường’, tôn vinh nghệ thuật và sự sáng tạo cá nhân xuất hiện ở những nơi bất ngờ nhất”. Bất chấp sự khác biệt, dự án này chia sẻ một chủ đề chung với dự án chụp những bến xe buýt trải nghiệm tìm kiếm sự độc đáo trong những điều bình thường nhất.
Khi được hỏi liệu có nơi nào anh mơ ước được đến thăm không, Herwig trả lời, “Với tôi, niềm vui lớn nhất không phải là đến thăm một điểm đến mà anh đã mơ ước từ lâu, mà là tình cờ gặp phải điều gì đó bất ngờ. Điều đó có thể xảy ra ở bất cứ đâu – ngay cả trong khu phố của tôi.”
Thực hiện
Anh Nguyên
Nguồn
Domusweb