Darren Bradley

Từ niềm yêu thích đơn thuần với kiến trúc hiện đại, Darren Bradley bắt đầu hành trình khám phá và chụp ảnh từ cuối những năm 90. Những chuyến đi của ông không chỉ giới hạn trong lãnh thổ quê nhà mà đã mở rộng tới nhiều khu vực trên thế giới. Tuy vậy, nhiếp ảnh lại không phải công việc chính của Darren. Trải qua giai đoạn chụp ảnh theo bản năng, rồi quá trình học hỏi và quan sát, những bức hình của ông dần được đón nhận và xuất hiện trên các sách, tạp chí uy tín. 

Darren từng có dịp ghé thăm Việt Nam, ông thể hiện sự quan tâm tới những công trình hiện đại mà dường như người dân địa phương không mấy chú ý. Hành trình khám phá Việt Nam của ông được chia sẻ dưới dạng bài viết trên blog cá nhân, bạn đọc quan tâm có thể tìm kiếm và tham khảo.

Được biết ông từng đến Việt Nam vào năm 2018, trải nghiệm của ông khi đó như thế nào? Ông đến Việt Nam là vì công việc hay có lý do gì khác?

Không phải công việc, tôi chỉ đi du lịch thôi. Tôi luôn có hứng thú với Việt Nam và muốn ngắm nhìn trực tiếp. Tôi thích ẩm thực và văn hoá đất nước bạn. Ở San Diego có cộng đồng người Việt khá đông và tôi từng có nhiều dịp tiếp xúc. Việt Nam có vẻ là một điểm đến lý tưởng vì nơi đây có đầy đủ những thứ tôi quan tâm, từ kiến trúc đến ẩm thực, văn hoá, phong cảnh. Đó là lý do tôi thực hiện chuyến đi.

Dinh độc lập, TP Hồ Chí Minh

Trường đại học sư phạm Huế, TP Huế

Ông đã đến những thành phố nào?

Điểm đến đầu tiên của tôi là Hà Nội, từ đó tôi đi đến vịnh Hạ Long, Ninh Bình. Sau đó tôi di chuyển xuống Hội An, Huế và kết thúc ở Sài Gòn. 

Quả là một chuyến đi dài. Hơn thế nữa, do địa hình của Việt Nam trải dài theo chiều dọc nên mỗi vùng miền, mỗi thành phố hẳn đã đem tới những trải nghiệm khác nhau? Ông có nhận thấy sự khác biệt không?

Mỗi thành phố đều rất khác biệt, không giống nhau chút nào. Điều đó làm tôi khá ngạc nhiên. Mọi người thường nghĩ nền văn hóa Việt Nam chỉ có một nhưng rõ ràng là không phải, tôi nghĩ đó là một trong những phát hiện lớn nhất trong chuyến đi này. Dù tôi không biết tiếng Việt nhưng tôi vẫn nhận ra sự khác biệt trong phương ngữ, giọng điệu, cách mọi người nói chuyện với nhau, đồ ăn, kiến trúc, tất cả mọi thứ. 

Một căn nhà ở Hội An

Trước khi đến Việt Nam, ông đã tìm hiểu về lịch sử và bối cảnh ở đất nước chúng tôi phải không? Điều đó có ảnh hưởng gì đến những trải nghiệm của ông? 

Đó là lần đầu tôi đến Việt Nam và tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ thứ gì tôi muốn chiêm ngưỡng. Tôi chủ yếu tìm hiểu về các công trình ở Huế và Hà Nội. Đó là 2 nơi tôi tập trung tìm hiểu nhất, sau là đến Sài Gòn. Hội An thì tôi đến chủ yếu vì vợ tôi thích đồ ăn ở đó nhưng nơi đó cũng thú vị. Ở mỗi nơi tôi đến, tôi đều có nhiều phát hiện mới.

Cảm nhận chung về kiến trúc Việt Nam của ông ra sao?

Tôi thấy người dân Việt Nam có cảm xúc lẫn lộn về các công trình ở đó, dù là kiến trúc hiện đại hay kiến trúc nói chung. Có nhiều công trình đại diện cho niềm tin chính trị thời xưa, có lẽ một phần vì lý do đó mà Việt Nam không coi trọng công tác bảo tồn cho lắm. Các công trình vẫn được sử dụng nhưng có vẻ như không mấy ai quan tâm đến việc bảo tồn những chi tiết đã tồn tại từ những năm 1950, 1960. Chúng chỉ tồn tại làm không gian sử dụng, ngoài ra không nhận được sự quý trọng gì đặc biệt. Khi tôi đi dạo quanh và chụp ảnh, người dân địa phương hay ngăn tôi lại và hỏi vì sao tôi lại chụp ảnh những công trình này. Họ không hiểu tôi thấy gì thú vị ở đây. 

Chân dung NAG Darren Bradley

Hà Nội còn nhiều công trình ra đời từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Ngay chính văn phòng của chúng tôi cũng tọa lạc trong khu tập thể cũ Giảng Võ, nơi có thể sẽ bị phá dỡ bất cứ lúc nào. Không biết ông đã có dịp ghé qua khu vực này chưa? 

Tôi đã đến tham quan một số quận ở Hà Nội, nơi cũng có nhiều khu tập thể mang phong cách Liên Xô cũ. Tôi không sử dụng thuật ngữ này nhưng tôi hiểu tại sao người Việt lại sử dụng. Tôi đồ rằng, nhiều người Việt Nam đang gắn kiến trúc hiện đại với kiến trúc Liên Xô cũ, nên họ mới không coi đây là những thứ đáng để bảo tồn mà coi nó như một tàn tích của một chương cũ kỹ sẽ sớm bị lãng quên. Tôi hiểu và tôn trọng điều đó. Tôi cũng đã từng thấy những ví dụ tương tự ở Ukraine. Nhưng nếu ta có thể tách bạch tính chính trị của thời đại với tính thẩm mỹ của một công trình thì bản thân công trình đó chắc hẳn xứng đáng được bảo tồn.

Ngoài Việt Nam, ông đã đến các nước châu Á khác như Thái Lan hay Campuchia chưa?

Tôi chưa từng đến Lào, Campuchia hay Thái Lan dù cũng muốn đi. Tôi từng tới Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng chủ yếu là vì công việc. Tôi có một quãng thời gian lớn lên ở châu Âu nên phần lớn các chuyến đi của tôi đều diễn ra ở đây. Tôi chưa có dịp dành nhiều thời gian ở khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt Nam tôi cũng mới đến một lần.

Công trình Grande Motte

Công trình tại Indiana được chụp bởi Darren Bradley

Công trình Frey House

Ông nghĩ sao về việc sinh sống một thời gian tại châu Á? Vì ở châu Á cũng có rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, hơi khó để tiếp cận các công trình này vì hầu hết chúng đều thuộc về chính phủ, ta chỉ có thể đi xung quanh chứ không thể vào bên trong.

Tôi có nhận thấy rằng các công trình này khó tiếp cận hơn, đó đúng là một vấn đề. Ngoài ra còn một vấn đề nữa là ngôn ngữ. Tôi biết một vài ngoại ngữ nhưng đều là ngôn ngữ châu Âu. Tôi có thể đi dạo và tự giao tiếp khá thoải mái ở Ba Lan, Ukraine, Đức, Pháp, nhưng khi đến Việt Nam, việc tôi không biết chút tiếng Việt nào là một trở ngại khi muốn tiếp cận và xin phép được chụp ảnh những thứ mà bình thường họ không cho ai chụp. Tôi làm việc này ở Việt Nam ít thành công hơn so với ở Đức hay ở Pháp. 

Liệu trong tương lai, nếu có dịp quay lại Việt Nam và có sự hỗ trợ từ cộng đồng ở đây, ví dụ như tạp chí Notesbook, ông có sẵn sàng quay lại Việt Nam để khám phá thêm không?

Có chứ. Đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.

 […]

Đoạn hội thoại trên đây được trích dẫn từ buổi phỏng vấn của Darren Bradley với tạp chí Notesbook, nội dung đầy đủ của bài nói chuyện được đăng tải chính thức trên ấn phẩm Notesbook 03.

Ảnh công trình Canberra được chụp bởi Darren Bradley

Nội dung
Hạnh Nguyễn, My Nguyễn

Ảnh
Darren Bradley

Subscribe
Join 72K+ other creatives and get every article sent to your inbox
[mc4wp_form id="1139"]