Paulina Ojeda

Paulina Ojeda là một nhiếp ảnh gia chụp kiến trúc người Mexico, Notes và chị đã có thời gian dài kết nối và tận hưởng nhiếp ảnh cùng nhau. Dạo gần đây, thấy chị có chút “ngưng lại” đối với nhiếp ảnh và chuyển đến Châu Âu sinh sống. Chúng tôi đã tìm đến Paulina để cùng trò chuyện và lắng nghe suy nghĩ của chị về công việc chị đã từng làm và hoạt động nhiếp ảnh âm thầm chị đang thực hiện ở bối cảnh sống mới.

Cuộc trò chuyện diễn ra giữa một buổi sáng ở Thuy Sĩ. Người phỏng vấn chia sẻ một số nội dung để độc giả cùng đón đọc.

Nhiếp ảnh gia
Paulina Ojeda

Phỏng vấn
Hà Thu Phạm

Thời gian
07.2023

Chào chị Paulina, chị là người Mexico, đây là một đất nước nhiệt đới, điều khiến cho chị chuyển tới đất nước Thuỵ Sĩ xa xôi?  

Có thể nói rằng đó là một sự kết hợp, tôi nghĩ vậy. Tôi tới Thuỵ Sĩ vì một số lý do cá nhân. Trong suốt 5 năm qua, tôi dành toàn bộ thời gian của mình để làm nghề chụp ảnh kiến trúc. Tôi thực sự yêu công việc này và cảm thấy may mắn khi có cơ hội gặp gỡ những người tài năng và ghi lại các dự án và địa điểm rất đa dạng. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy mình bị cuốn vào một vòng lặp làm việc liên tục mà bỏ qua những dự án cá nhân. Tôi đã nỗ lực dành thời gian, không gian và suy nghĩ để hoàn thành những dự án còn bỏ ngỏ, khám phá sự phát triển của bản thân trong quá trình thực hành nhiếp ảnh.

Tình cờ tôi biết được một chương trình Thạc sĩ khá hay ở Basel, chính điều này đã thúc đẩy tôi quyết định rời Mexico. Hiện tại, tôi đang theo học chương trình Thạc sĩ, đồng thời tiếp tục làm các dự án tại Mexico và nỗ lực để tự khẳng định mình ở một quốc gia mới.

Dự án Casa Real thực hiện bởi Colectivo Arrabal tại Mexico
Ảnh: Paulina Ojeda

Tôi rất muốn biết điều gì đã thu hút chị dấn thân vào lĩnh vực kiến trúc? Chị có thể chia sẻ đôi chút về điều này?  

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc. Cha tôi, anh trai và đặc biệt cô tôi – một người rất thông minh và nhẹ nhàng, đều là kiến trúc sư. Cô luôn mong muốn mang tới cho tôi những kiến thức mà cô biết. Hồi nhỏ, tôi thường cùng cô đi thăm những công trình trong thành phố, một trải nghiệm luôn thu hút tôi. 

Mỗi khi dừng lại trước một nhà thờ hoặc công trình, cô sẽ giảng giải, nhắc tôi “Cháu quan sát những chi tiết tinh tế của không gian đi; chúng hiện diện như vậy do các yếu tố và quan điểm cụ thể. Mọi thứ đều tồn tại có lý do và liên kết cùng bối cảnh.” Với tôi lúc đó, đây là cách dẫn chuyện có một không hai của cô mình.

Hơn nữa, tất cả những điều tôi tiếp thu đều liên quan mật thiết đến kiến trúc. Tôi cảm thấy việc mình được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kiến trúc và sự tò mò của tôi không chỉ dừng lại ở việc lý giải những chi tiết phức tạp ở một công trình tôi nhìn thấy, mà còn về những tác động của công trình và không gian tới con người. Tôi bị cuốn hút bởi những câu chuyện về sự sáng tạo của kiến trúc, và mối quan hệ của chúng với các lĩnh vực khác. 

Tại sao chị quyết định trở thành nhiếp ảnh gia kiến trúc? Có lý do đặc biệt gì không? 

Ở thời điểm này, tôi đang chững lại để suy nghĩ kỹ hơn về hành trình trở thành một nhiếp ảnh gia kiến trúc. Hơn 10 năm vừa qua, tôi thực sự tập trung vào nhiếp ảnh. Tôi bắt đầu đơn giản chỉ với một chiếc máy ảnh trong tay. Thông qua một số dự án khá thú vị ở Mexico mà tôi có dịp tham gia cùng vài người bạn, tôi dần khám phá ra đam mê của mình với nhiếp ảnh kiến trúc. 

Họ đều có suy nghĩ khá mới mẻ, kiến trúc họ làm ra không đậm màu truyền thống và đầy tính thử nghiệm đã thu hút sự chú ý của mình. Tôi có được nguồn cảm hứng dồi dào khi chứng kiến những tiềm năng phong phú chưa hề khai thác ở thành phố nơi mình đã sống.

Trong những chuyến đi khắp Mexico, tôi có xu hướng chia sẻ những bức hình lên mạng xã hội, có bức chụp bằng máy ảnh, có bức chụp bằng điện thoại, giống như một cuốn nhật ký bằng hình ảnh. Sự xuất hiện trên mạng xã hội giúp tôi có nhiều kết nối, thúc đẩy bản thân tham gia ngày một nhiều vào công việc này. Tôi mong muốn gắn kết mọi người với những dịch chuyển đang diễn ra trong một bối cảnh cụ thể. Cứ vậy, tôi được mọi người công nhận là một nhiếp ảnh gia chụp kiến trúc. 

Tôi thấy mình may mắn khi có cơ hội hợp tác với nhiều khách hàng ở Mexico, và rất vui khi công việc của mình đã mang tới một góc nhìn thông qua kiến trúc.

Được biết nhiếp ảnh kiến trúc tập trung theo 2 mảng: nhiếp ảnh thương mại và nhiếp mang tính tài liệu, chị hiện tại đang theo đuổi mảng nào?  

Hiện tại, do tôi đang học chương trình Thạc sĩ nên khá nghiêng theo mặt thương mại của nhiếp ảnh kiến trúc. Tuy nhiên, tôi không giới hạn mình trong vai trò chỉ là một nhiếp ảnh gia thương mại, vì tôi không chỉ muốn giới thiệu những không gian, dự án. Tôi muốn ghi lại bản chất và câu chuyện tại mỗi địa điểm mình chụp. 

Hơn nữa, tôi trân trọng tiềm năng vốn có của nhiếp ảnh để truyền đạt câu chuyện và gợi lên cảm xúc. Mặc dù khía cạnh thương mại cũng quan trọng nhưng đây không phải là điều duy nhất tôi lưu tâm.

Mỗi công trình sẽ có một câu chuyện đằng sau hay những nét đặc trưng riêng biệt, làm thế nào để chị tiếp cận những điều này qua nhiếp ảnh? 

Các dự án mà tôi có cơ hội ghi lại đều mang tính đa dạng. Tôi thường tiếp cận công trình bằng cách đắm mình vào không gian, dành thời gian để khám phá và quan sát, dù đó là một khu vực nhỏ hay lớn. Tôi thích quan sát những không gian chuyển mình cùng sự thay đổi theo mùa, vật liệu và nhiều yếu tố khác nhau. Ngay cả khi tôi tới công trình và không có buổi chụp, tôi vẫn thấy thật tốt khi chứng kiến và hiểu được sự biến đổi của không gian theo thời gian. 

Tôi không thích một điều trong việc giảng dạy tại các trường kiến trúc là sự nhấn mạnh vào việc trưng bày và quảng bá công trình kiến trúc, trong khi bỏ qua mục đích cốt lõi của các công trình, đó là phục vụ cho đối tượng sử dụng. Kiến trúc gắn liền với những cá nhân sống và tương tác với công trình, vậy nên tôi luôn cố gắng thuyết phục khách hàng áp dụng phương pháp nhiếp ảnh tập trung vào việc trình bày không gian một cách dễ tiếp cận và gần gũi với người sử dụng. 

Nhiếp ảnh có thể truyền đạt nhiều yếu tố, như bầu không khí, ánh sáng, cảnh quan và sự tương tác giữa thiên nhiên và môi trường do con người tạo ra. Tôi hiểu rằng không phải nhiếp ảnh gia kiến trúc nào cũng chia sẻ cùng quan điểm. Mỗi nhiếp ảnh gia mang đến những yếu tố độc đáo và nguồn cảm hứng riêng, tạo nên những màu sắc khác nhau và sự đa dạng. Đây là sự tuyệt vời của nhiếp ảnh kiến trúc. Việc thoả mãn nhất là khi nhiếp ảnh gia có khả năng truyền đạt một thông điệp cụ thể hoặc tạo nên cảm xúc thông qua những bức ảnh..

Dự án Monman Coffee House tại Mexico
Ảnh: Paulina Ojeda

Với những phát triển kỹ thuật, hiện nay ngành nhiếp ảnh được phụ trợ nhiều từ những thiết bị mới tạo điều kiện tốt hơn cho việc chụp ảnh, vậy chị sẽ chọn gì giữa chụp ảnh với điều kiện ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng nhân tạo? Vì sao?  

Nhìn chung, tôi thấy làm việc với ánh sáng tự nhiên dễ và thú vị hơn. Chúng thường mang đến những sự tương phản và kết cấu độc đáo cho tổng thể của một bức ảnh. Tôi nhận ra những bức ảnh chụp ban đêm cũng có những đặc điểm và sức hấp dẫn riêng của chúng. 

Một số người thích dùng đèn để đẩy sáng cảnh quan nhằm bắt trọn mọi chi tiết, điều này phù hợp với yếu tố thương mại. Cá nhân tôi có xu hướng làm việc với ánh sáng tự nhiên vì chúng cho phép tái hiện không gian kiến trúc một cách chân thực. 

Ở mỗi công trình kiến trúc đều có rất nhiều nội dung, như mặt cắt, mặt đứng, mặt bằng, bố cục, kết cấu…Chị làm thế nào để tiếp cận công trình qua nhiếp ảnh?  

Tôi thử nghiệm khá nhiều loại ống kính trong công việc, sử dụng các tiêu cự khác nhau để ghi lại các góc nhìn và chi tiết đa dạng. Đôi khi, tôi cố ý kết hợp các phần mờ trong ảnh để khơi gợi sự tò mò của người xem, tạo ra một câu chuyện phong phú hơn. Phương pháp này đã trở thành một trong những cách tôi sử dụng để thể hiện sản phẩm. 

Thực chất công việc của một nhiếp ảnh gia kiến trúc chịu sự ảnh hưởng lớn từ yêu cầu và sở thích của khách hàng. Mỗi dự án đại diện cho góc nhìn nghệ thuật độc đáo của họ, và tôi đánh giá cao việc họ hiểu rõ những khía cạnh này trong tác phẩm của mình. Do đó, tôi lắng nghe ý kiến từ khách hàng, cùng lúc tự do sáng tạo để chụp những tấm hình để kể câu chuyện về không gian. Sau đó, tôi sẽ chọn một số ảnh và trình bày với khách hàng. Quá trình trao đổi thể hiện được tương tác của tôi với khách hàng và công trình. Đôi lúc họ sẽ tự chọn ảnh và diễn đạt câu chuyện về không gian đó, tôi đôi lúc cũng ngạc nhiên khi thấy sự tỉ mỉ và khéo léo của họ trong việc truyền đạt tầm nhìn của mình cho người khác. 

Trong một dự án, tôi thấy thật đặc biệt khi có thể kết hợp quan điểm của cả chủ đầu tư và những người ngoài, như tôi. Điều này mang lại chiều sâu và tính đa dạng cho câu chuyện, đồng thời cung cấp một góc nhìn toàn diện hơn về dự án. Mặt khác, có những khách hàng tin tưởng tôi tuyệt đối và để tôi tự do thể hiện kiến trúc của họ theo cách riêng. Điều này cho phép tôi thể hiện bản thân theo cách chân thật hơn do mình thực sự cảm nhận được bản chất của thực thể kiến trúc. Tuy nhiên, tôi luôn trân trọng và xem xét phản hồi từ khách hàng, việc này giúp tôi điều chỉnh phong cách nhiếp ảnh sao cho phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của dự án.

Việc tập trung vào một ngành nghề quá lâu đôi lúc khiến chị chán.

Tôi cho rằng quan trọng là mình duy trì một thái độ nhất quán, điều này giúp bản thân tự do khám phá và kể câu chuyện của công trình, ngay cả khi công trình đó không phù hợp với sở thích cá nhân hoặc kỳ vọng ban đầu của mình. Chúng thúc đẩy tôi vượt qua ranh giới sáng tạo, thách thức bản thân mình vượt qua giới hạn. Tôi khao khát mang nghệ thuật và trí tưởng tượng vào công việc, bước ra khỏi vùng an toàn và đón nhận cả quá trình thay vì vội vàng kết luận điều gì đó. Việc dành thời gian để thấu hiểu điều công trình đang cố gắng truyền đạt rất quan trọng. Mọi chi tiết nhỏ, sự tương tác của ánh sáng và bầu không khí và những trao đổi của con người trong không gian đóng góp vào bản chất của những bức ảnh. Tôi lấy cảm hứng từ mọi thứ xung quanh và luôn mở lòng đón nhận bất kỳ dự án nào.

Một công trình khác Paulina tham gia chụp tư liệu

Làm thế nào để chị giữ được cảm hứng sáng tác trong nhiếp ảnh và tiếp tục dấn thân vào ngành nhiếp ảnh kiến trúc?

Hiện tại, tôi coi việc theo học chương trình thạc sĩ như một thời gian để thở. Giai đoạn này cho phép tôi tìm nguồn cảm hứng mới và lắng nghe nội tâm của mình. Tôi đã chủ động ngưng các dự án nhiếp ảnh cá nhân để suy nghĩ về những kinh nghiệm trước đây và tìm niềm vui từ những điều xung quanh.

Chị có gặp khó khăn hay thuận lợi gì khi làm việc với cương vị là một nhiếp ảnh gia ở một quốc gia khác không?  

Sau khi chuyển từ Mexico qua Châu Âu, tôi bắt đầu làm việc với các đối tác mới từ Đức và Thuỵ Sĩ. Ngày trước khi còn ở Mexico, tôi được công nhận và tin tưởng. Tuy nhiên, với môi trường mới, ít người biết đến tôi và hiểu công việc của mình khiến tôi khá lo lắng và thực sự thách thức cái ‘tôi’ bên trong.

Ở Mexico, mọi thứ đều an toàn mà có lẽ chính điều này đã cản trở tôi thoát ly. Tôi không muốn giam mình trong những giới hạn của bản thân. Nhìn thấy đồng nghiệp tiến bộ trong sự nghiệp, tôi đặt ra câu hỏi liệu mình có đi đúng hướng?! Người bạn tới từ Đài Loan trong lớp thạc sĩ của tôi đã chia sẻ một quan điểm thú vị. Cô ấy nói rằng ở phương Tây, sự trống rỗng thường được coi là một cái thiếu, trong khi đó với phương Đông, trống rỗng được coi là tiềm năng. Tôi thấy cách suy nghĩ này mang tới động lực và niềm tin chào đón những khả năng mới. 

Hơn nữa, sống ở đây tôi thấy khá rõ sự phân biệt đối xử, đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh kiến trúc. Sự hiện diện của phụ nữ trong ngành này còn hạn chế, tôi thấy cần nhấn mạnh nhu cầu về sự đa dạng và cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, bất kể quốc tịch hay giới tính.

Là một nhiếp ảnh gia nữ, chị có khó khăn hay thuận lợi gì? 

Điều mà tôi đánh giá cao khi làm nghề nhiếp ảnh gia trước hết là tiềm năng để khám phá vô tận. Tôi có dịp kết nối với nhiều cá nhân khác nhau qua công việc, tham gia vào những dự án thú vị và khám phá những địa điểm hấp dẫn. Tôi khá tự do (không phải gánh trách nhiệm gia đình) nên cũng linh hoạt khi sắp xếp thời gian theo ý muốn và nhu cầu của mình. 

Trong một thị trường mà nam giới chiếm ưu thế, tôi gặp không ít thách thức, đặc biệt là việc giao tiếp với khách hàng. Mặc dù khách hàng nhận thức về vai trò và chuyên môn của mình, đôi khi tôi cảm thấy họ chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của tôi. Hơn nữa, có một sự chênh lệch về giá dịch vụ dựa trên giới tính, thi thoảng khách hàng cũng so sánh về chi phí trả cho tôi so với các nhiếp ảnh gia nam.  Nhưng về tổng thể thì tôi chưa gặp phải khó khăn gì quá đáng kể với việc là một nhiếp ảnh gia nữ. Là phụ nữ, mình có trách nhiệm chứng minh sự thành thạo và khả năng của bản thân trong lĩnh vực này. 

Tôi rất chia sẻ với suy nghĩ này của chị. Có nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ nào truyền cảm hứng cho công việc của chị? Họ có ảnh hưởng tới cách chị chụp ảnh kiến trúc?  

Có chứ, một người đã tác động mạnh mẽ đến tôi là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mexico, Graciela Iturbide. Bà thực sự là một huyền thoại trong lĩnh vực nhiếp ảnh ở Mexico. Phong cách độc đáo trong nhiếp ảnh tài liệu làm nên sự khác biệt của bà, đặc biệt là công việc tư liệu hoá đời sống của những cộng đồng người bản địa. Thay vì đơn giản là đưa họ vào một bối cảnh đã được dàn dựng, bà trở thành thành viên của cộng đồng đó, cố gắng là một phần trong thế giới của họ, chính điều này cho phép bà ghi lại bản chất và kể câu chuyện của cộng đồng một cách chân thực và chân thành. Tôi rất ngưỡng mộ khả năng của bà trong việc thiết lập mối liên hệ và xây dựng niềm tin với mọi người, tạo ra những hình ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, gợi cảm xúc cho người xem. Với tôi, công việc của Graciela Iturbide là một nguồn cảm hứng, nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của sự đồng cảm, sự hiểu biết và kết nối chân thành trong lĩnh vực nhiếp ảnh. 

Casa de La Cultura tại Mexico. Ảnh: Paulina Ojeda

Là một người Việt Nam, tôi tò mò không biết liệu chị đã từng ghé thăm đất nước hình chữ S này hay Châu Á chưa?  

Tôi chưa có dịp đến Việt Nam. Tuy nhiên, bạn bè của tôi đã chia sẻ rất nhiều trải nghiệm thú vị mà họ có trong khi khám phá đất nước của bạn. Những câu chuyện đó làm tôi muốn tới thăm Việt Nam, có thể kéo dài 6 tháng hoặc chỉ đơn giản là một khoảng nghỉ ngắn ngày. Vì tại thời điểm đó, tôi đã quyết định dành toàn bộ thời gian và nỗ lực để trở thành một nhiếp ảnh gia kiến ​​trúc chuyên nghiệp, nên thời gian để du lịch cũng hạn chế. Dù vậy, tôi rất trông chờ cơ hội được đến Việt Nam trong tương lai gần. Tôi mong được trải nghiệm văn hóa sôi động và cuộc sống hàng ngày ở một vùng đất mới.

Chị có lời khuyên nào cho những nhiếp ảnh gia kiến trúc mới nổi, đặc biệt là nhiếp ảnh gia nữ hoặc những người chưa tìm được chỗ đứng trong ngành?  

Như tôi đã nói, ngành này mang tới nhiều cơ hội. Khi bạn cảm thấy hấp dẫn bởi kiến trúc, hoặc cụ thể là nhiếp ảnh kiến trúc, điều quan trọng là không nên bỏ qua hay coi thường niềm đam mê đó. Hãy đón nhận và kiên trì theo đuổi đam mê, thúc đẩy bản thân để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này và tìm xem điều gì thực sự thu hút bạn. 

Một khi tìm thấy sự hài lòng trong công việc và nỗ lực với đam mê, bạn sẽ không chỉ đạt được niềm hạnh phúc cá nhân mà còn có cơ hội chứng minh bản thân với mọi người. Đặc biệt là với phụ nữ, chúng ta cần tin tưởng vào khả năng của mình, đừng quá quan tâm đến cách người khác định nghĩa công việc bạn làm. Thay vào đó, nên tập trung vào việc chia sẻ góc nhìn sáng tạo của mình với công chúng và truyền đạt ý muốn qua công việc. 

Hãy nhớ rằng, kiên trì thúc đẩy bản thân, tự tin trình bày góc nhìn độc đáo và không bỏ rơi đam mê là chìa khóa để đưa bạn ra thế giới. Cứ vậy, bạn có sự chuyên nghiệp cũng như sự hài lòng về bản thân trong lĩnh vực nhiếp ảnh kiến trúc.

Cảm ơn chị nhiều vì cuộc trò chuyện này!