Cuộc trò chuyện về kiến trúc và quá trình chụp ảnh kiến trúc của nhiếp ảnh gia tại Việt Nam.
Được biết gần 3 năm qua anh đã tới nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam chụp hình các công trình modernist. Anh từng tập hợp lại trong ấn phẩm Ghé 01 và hiện giờ là Ghé 03, có vẻ như anh rất quan tâm tới Kiến trúc Hiện đại (Modernist) tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ thêm? Vì sao anh lại chụp những công trình này?
Triệu Chiến: Trước đó tôi đi cũng nhiều nhưng chủ yếu là đi chơi. Hồi đó chưa có ý thức rõ ràng trong việc chụp hình lại các công trình trong mỗi chuyến đi. Có lẽ thay đổi lớn nhất là vào năm 2016 khi tôi bị mất toàn bộ dữ liệu ảnh trong chiếc ổ cứng, toàn bộ ảnh từ lúc cầm máy đều mất sạch. Cũng khoảng thời điểm đó thành phố Nam Định (quê tôi) bắt đầu phá dỡ một nhà máy được xây từ thời Pháp, tôi may mắn được vào đó ngắm nghía những gì còn sót lại lần cuối cùng trước khi công trình bị tháo dỡ. Điều khiến tôi tiếc mãi cho đến tận bây giờ là hồi đó chưa kịp chụp bằng máy ảnh toàn bộ không gian nhà máy, nó đẹp tuyệt vời. Tiếc quá, chỉ còn vài tấm lưu lại bằng điện thoại.
Tôi quyết định quên đi những gì mình chụp trước đó và bắt đầu lại từ đầu bằng việc chụp tư liệu các công trình mà tôi ghé thăm. Không chỉ riêng modernist mà còn nhiều dạng công trình khác nữa nhưng tôi đặc biệt thích thú với cách tạo hình (khối mạnh thể hiện kết cấu), mặt đứng (lặp đi lặp lại dạng module) và vật liệu (đơn giản là đá rửa hoặc bê tông) của các công trình modernist. Trong bối cảnh xã hội với tốc độ đô thị hoá hiện nay, công năng của những công trình đã cũ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người. Dần dần, khi chúng bị xuống cấp người ta sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng bằng cách phá đi để thay thế bằng một công trình khác, biến nó thành kho để đồ hoặc nếu chưa có giải pháp gì thì tạm thời bỏ hoang.
Những công trình này chủ yếu được xây dựng vào khoảng những năm 70-90 nên đó cũng là một phần ký ức trong tôi. Thấy chúng bị phá đi tiếc lắm nhưng chẳng có cách nào khác ngoài khả năng mình đang có là chụp ghi chép lại thời điểm mà nó còn tồn tại để sau này còn có cái lôi ra xem.
Đến giờ tôi vẫn cảm thấy biết ơn những biến cố xảy ra năm 2016 đã cho tôi động lực để chụp nhiều hơn.
Anh có thể kể thêm về quá trình ghi lại những bức ảnh không? Anh có gặp khó khăn hay thuận lợi gì?
Chuyện đi chụp thì vui lắm. Những công trình tôi đi chụp đều khó tiếp cận vì hầu hết đều là công trình thuộc quản lý của nhà nước. Tôi là nhiếp ảnh gia tự do nên để vào được bên trong là cả một quá trình. Có những chỗ thì phải xin, nài nỉ bảo vệ mãi họ mới cho phép đứng ở khu vực bên ngoài để chụp, có những chỗ không vào được thì phải tìm cách leo lên nóc nhà xung quanh đó để chụp sang. Mà chuyện leo trèo này thì có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười. Nhớ mãi cái lần đi chụp đại sứ quán Nga. Tôi phải leo lên nóc toà nhà 15 tầng của bệnh viện Nhi Trung ương mới thấy được tổng thể của đại sứ quán. Hôm đó cũng vui vì chụp được nhiều nhưng khổ nỗi, lúc lên được sân thượng phấn khởi quá quên không giữ cửa, thế là cửa tự động đóng và chốt lại luôn, loay hoay mãi thì cũng tìm được đường ra bằng lối cửa sổ. Hay cũng có lần leo qua một cái lỗ vuông cỡ chỉ khoảng 50 cm mới lên được nóc của một khu tập thể cũ chụp sang đài truyền hình Hà Nội, leo lên tới nơi thì cũng xước hết ống kính.
Đi chụp mấy công trình bỏ hoang thì người ta toàn bảo bỏ hoang lâu rồi còn có cái gì đâu mà chụp. Nhiều người vui vẻ thì họ đứng lại trò chuyện cùng, nhiều người không thích thì họ lại đuổi đi. Tuy vậy, công trình bỏ hoang để lại ấn tượng với tôi nhất là Bảo tàng cổ vật Nam Định được thiết kế bởi kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện. Hồi nhỏ thường hay ra công viên Tức Mạc chơi, đi qua công trình đó cứ thắc mắc tại sao người ta lại đặt cái hòn non bộ to đùng giữa công viên làm gì. Mãi cho đến 2018 khi tìm hiểu và đọc sách mới thấy viết có một công trình bảo tàng cổ vật ở hồ Truyền Thống thành phố Nam Định, lúc đó mới có câu trả lời cho cái hòn non bộ tôi thắc mắc hồi nhỏ. Giờ thì tôi phần nào thấm thía một câu trong bài rap của Đen “Có những thứ giá trị nhưng không hề lấp lánh”.
Anh có cảm nhận gì về công trình của kiến trúc sư thế hệ trước so với hiện nay?
Cũng khó so sánh lắm vì thật ra tôi chỉ được tiếp cận với hầu hết các kiến trúc sư hiện nay, những thế hệ đi trước thì đã mất hoặc quá già rồi nên biết cũng chỉ được đọc qua sách báo.
Trong quá trình chụp các công trình dạng modernist tôi nhận ra một điểm chung là chúng được xây dựng vào giai đoạn tái thiết sau chiến tranh nên kiến trúc sư thời đó không có nhiều giải pháp về xây dựng cũng như lựa chọn vật liệu. Họ phải cố gắng thiết kế sáng tạo dựa trên những gì mình có. Hầu hết các công trình modernist mà tôi chụp đều đơn giản về vật liệu và mạnh về hình khối.
Còn kiến trúc sư hiện nay có nhiều cơ hội để làm nghề hơn khi thông tin trên mạng có nhiều, công nghệ xây dựng phát triển, vật liệu kiến trúc sẵn có và hơn hết là khối lượng các công trình kiến trúc truyền thống đồ sộ mà cha ông để lại để kế thừa và phát huy. Mỗi giai đoạn có những khó khăn và thuận lợi riêng nhưng đều có những cá nhân xuất sắc.
Có công trình modernist nào ở Việt Nam hay trên thế giới anh muốn chụp mà chưa có cơ hội ghé qua không?
Nằm rải rác ở Việt Nam còn nhiều công trình modernist mà tôi chưa biết và cũng có nhiều công trình biết mà chưa được chụp vì lượng thông tin của những công trình này trên Internet còn rất ít, chẳng có cách nào khác ngoài việc tự đi mò mẫm và khám phá. Tuy vậy, tôi thích cách này hơn vì nếu mọi thứ đã có sẵn trên mạng rồi thì cũng chẳng còn gì thú vị nữa.
Trên thế giới cũng nhiều công trình tôi muốn chụp lắm nhưng tôi thích đi chụp theo dạng một chuỗi các công trình của các kiến trúc sư lớn trên thế giới như: Le Corbusier, Louis Kahn, Kenzo Tange, Paul Rudolph, John Portman…Tôi muốn quan sát sau khi trải qua một thời gian dài, công trình của họ còn tồn tại hay không và đời sống ở đó hiện giờ thế nào. Và với việc đi chụp chuỗi công trình của kiến trúc sư cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về kiến trúc từ các bậc tiền bối, thứ mà tôi còn thiếu trước đây khi còn học trên trường.
Ban đầu, điều khơi dậy hứng thú trở thành nhiếp ảnh gia kiến trúc là gì và điều gì giữ anh tiếp tục cho đến ngày hôm nay?
Thời điểm tốt nghiệp đại học việc lựa chọn trở thành kiến trúc sư hay nhiếp ảnh gia khá khó khăn với bản thân tôi vì cả hai đều là thứ tôi yêu thích. Tôi quyết định theo đuổi công việc chụp ảnh kiến trúc từ 2015 cho tới giờ vì thời điểm đó nhiếp ảnh kiến trúc còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Càng chụp thì lại càng thấy có nhiều thứ chưa biết nên cứ mỗi lần đi với tôi là một lần học. Điều khiến tôi tiếp tục cho đến ngày hôm nay chắc là tình yêu mãnh liệt với kiến trúc thôi.
Theo anh, như thế nào là một bức hình kiến trúc đẹp?
Hồi mới chụp tôi cũng quan tâm nhiều đến chuyện đẹp xấu lắm, ai khen chụp đẹp thì vui, ai mà chê xấu thì buồn. Dần dần cũng nhận ra nhiếp ảnh gia chụp ảnh đẹp là điều đương nhiên. Cái tôi quan tâm trong việc chụp ảnh bây giờ là bức ảnh hay bộ ảnh đó có đem lại giá trị hay không, từ đó việc tiếp cận để chụp một công trình cũng trở nên dễ dàng hơn, xấu đẹp cũng không phải là vấn đề nữa.
Có nhiếp ảnh gia nào anh đang chú ý không, họ đã tác động đến công việc của anh như thế nào?
Có 3 người luôn cho tôi nguồn cảm hứng mỗi ngày là Iwanbaan, Hufton & Crow. Họ lớn hơn tôi nhiều tuổi. Hàng ngày họ di chuyển vòng quanh thế giới để chụp các công trình từ truyền thống cho đến hiện đại. Đó cũng là động lực cho công việc của tôi tại Việt Nam hiện nay.
Dự định sắp tới của anh là gì?
Dự định à, nhiều lắm nhưng mà cứ chụp thôi. Chụp xong mới biết làm gì tiếp với những cái mình đã chụp.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Thực hiện
03.2020
Thực hiện
Hạnh Nguyễn